QUỐC HIỆU VIỆT NAM QUA CÁC THỜI KỲ
1. Xích Quỷ - Tên nước
ta thời vua Kinh Dương Vương
Theo truyền thuyết, các tài liệu và thư tịch cổ, năm 2879 Trước
Công nguyên, Kinh Dương Vương lên ngôi vua, lập lên Nhà nước Xích Quỷ - nhà nước
sơ khai độc lập có chủ quyền đầu tiên của dân tộc ta. Kinh Dương Vương kết
duyên với Thần Long sinh ra Lạc Long Quân (tên húy là Sùng Lãm). Sau đó, Lạc
Long Quân kết duyên với Âu Cơ sinh ra các vua Hùng.
2. Văn Lang - Tên nước
ta thời các Vua Hùng
Từ đầu thời đại đồng thau, có khoảng 15 bộ Lạc Việt sinh sống
chủ yếu ở miền trung du và đồng bằng Bắc Bộ. Trong số các bộ lạc Lạc Việt, bộ lạc
Văn Lang hùng mạnh hơn cả. Thủ lĩnh bộ lạc này là người đứng ra thống nhất tất
cả các bộ lạc Lạc Việt, dựng lên Nhà nước Văn Lang, xưng vua - mà sử cũ gọi là
Hùng Vương, kinh đô đặt ở Phong Châu. Quốc hiệu Văn Lang mang ý
nghĩa gì? Hiện nay có nhiều cách giải thích khác nhau. Văn Lang nghĩa là cội
nguồn văn hóa mang sức mạnh lan tỏa. Thời gian tồn tại của nước quốc hiệu Văn
Lang tồn tại khoảng 2.671 năm khoảng từ đầu thiên niên kỷ I trước Công nguyên đến
thế kỷ III trước Công nguyên.
3. Âu Lạc - Tên nước
ta thời vua An Dương Vương
Sau khi khiến Tần Thủy Hoàng phải lui quân chịu thất bại
trong âm mưu xâm lược nước ta vào năm 208 trước công nguyên, Thục Phán bằng ưu
thế của mình đã xưng vương (An Dương Vương), liên kết các bộ lạc Lạc Việt và Âu
Việt lại, dựng nên nước Âu Lạc (tên ghép hai chữ của hai bộ lạc Âu Việt và Lạc
Việt). Quốc hiệu Âu Lạc tồn tại 50 năm từ 257 trước CN đến 207 trước CN.
4. Vạn Xuân - Tên nước
ta thời nhà tiền Lý và nhà Ngô
Vào mùa Xuân năm 542, Lý Bí khởi nghĩa, đánh đuổi quân Lương,
giải phóng được lãnh thổ. Đến tháng 2 năm 544, Lý Bí lên ngôi Hoàng đế, lấy tên
hiệu là Lý Nam Đế, đặt quốc hiệu là Vạn Xuân (Với ý nghĩa đất nước bền vững vạn
mùa Xuân), khẳng định niềm tự tôn dân tộc, tinh thần độc lập và mong muốn đất
nước được bền vững muôn đời.Chính quyền Lý Bí tồn tại không lâu thì thất bại,
nước ta rơi vào vòng đô hộ của các triều đại Trung Quốc (từ năm 602). Quốc hiệu
Vạn Xuân trải qua nhiều thăng trầm và được khôi phục sau khi Ngô Quyền đánh tan
quân Nam Hán bằng chiến thắng Bạch Đằng năm 938.
5. Đại Cồ Việt - Tên
nước ta thời nhà Đinh
Năm 968, Ðinh Bộ Lĩnh dẹp yên loạn 12 sứ quân cát cứ, thống
nhất đất nước, lên ngôi Hoàng đế và cho đổi quốc hiệu là Ðại Cồ Việt (Đại nghĩa
là lớn, Cồ nghĩa là lớn, do đó tên nước ta có nghĩa là nước Việt lớn). Ta cũng
thấy lần đầu tiên yếu tố “Việt” được có trong quốc hiệu. Tên nước Đại Cồ
Việt tồn tại 86 năm (968-1054) trải qua suốt đời Ðinh (968-979), Tiền Lê
(980-1009) và đầu thời Lý (1010-1053).
6. Đại Việt - Tên nước
ta thời nhà Lý, nhà Trần
Năm 1054, nhân điềm lành lớn là việc xuất hiện một ngôi sao
sáng chói nhiều ngày mới tắt, nhà Lý (Lý Thái Tông) liền cho đổi tên nước thành
Đại Việt (nước Việt lớn, yếu tố “Việt” tiếp tục được khẳng định), và quốc hiệu
Đại Việt được giữ nguyên đến hết thời Trần thì bị thay đổi.
7. Đại Ngu - Tên nước
ta thời nhà Hồ
Tháng 3 năm 1400, Hồ Quý Ly phế vua TrầnThiếu Đế lập ra nhà Hồ
và cho đổi tên nước thành Đại Ngu (“Ngu” tiếng cổ có nghĩa là “sự yên vui”). Quốc
hiệu đó tồn tại cho đến khi giặc Minh đánh bại triều Hồ (tháng 4/1407).
8. Đại Việt - Lại được
sử dụng làm quốc hiệu nước ta vào thời kỳ Hậu Lê và nhà Tây Sơn
Sau 10 năm kháng chiến (1418-1427), cuộc khởi nghĩa chống
Minh của Lê Lợi toàn thắng. Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi, đặt tên nước là Ðại Việt
(lãnh thổ nước ta lúc này về phía Nam đã tới Huế). Quốc hiệu Ðại Việt được giữ
qua suốt thời Hậu Lê (1428-1787) và thời Tây Sơn (1788-1802).Tính cả nhà Lý, Trần,
Hậu Lê vàTây Sơn, quốc hiệu ĐẠI VIỆT của nước ta tồn tại 748 năm (1054-1804).
9. Việt Nam - Tên nước
ta thời Nhà Nguyễn tính từ năm 1804-1884
Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi vua và sau đó cho đổi tên nước
là Việt Nam. Sách Đại Nam thực lục chép: “Giáp Tý, Gia Long năm thứ 3 (1804),
tháng 2, ngày Đinh Sửu, đặt Quốc hiệu là Việt Nam, đem việc cáo Thái Miếu. Xuống
chiếu bố cáo trong ngoài”. Tên gọi Việt Nam mang ý nghĩa chỉ quốc gia của
người Việt ở phương Nam để phân biệt với quốc gia của những người ở phương Bắc.Quốc
hiệu Việt Nam tồn tại 80 năm (1804-1884, đến năm 1884 Pháp hoàn thành “bình định”
nước ta, xoá tên Việt Nam mà chia cắt nước ta thành 3 kỳ: Tonkin - Bắc Kỳ,
Annam - Trung Kỳ, Cocochine - Nam Kỳ). Tuy nhiên, hai tiếng "Việt
Nam" lại thấy xuất hiện khá sớm trong lịch sử nước ta như là trong các tài
liệu, tác phẩm của trạng nguyên Hồ Tông Thốc (cuối thế kỷ 14), Nguyễn
Trãi (đầu thế kỷ 15), trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585),...
10. Đại Nam - Tên nước
ta thời vua Minh Mạng nhà Nguyễn
Đời vua Minh Mạng (1820-1840), quốc hiệu được đổi thành Ðại
Nam (mang ý nghĩa nước Nam lớn). Dù vậy, hai tiếng "Việt Nam"vẫn được
sử dụng rộng rãi trong các tác phẩm văn học, trong nhiều giao dịch dân sự và
quan hệ xã hội. Quốc hiệu này tồn tại trên lý thuyết 107 năm từ năm 1838 đến
năm 1945.
11. Việt Nam Dân chủ Cộng
hoà - Tên nước ta trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ (1945-1975)
Ngày 19/8/1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, lật đổ hoàn
toàn ách thống trị phong kiến và thực dân, mở ra một kỷ nguyên mới. Ngày
02/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam
Dân chủ Cộng hoà.Quốc hiệu này khác với các quốc hiệu khác ở chỗ gắn với thể chế
chính trị (dân chủ cộng hòa) thể hiện bản chất và mục đích của nhà nước là quyền
dân chủ, tự do, công bằng cho tất cả mọi người.
12. Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam - Tên nước ta từ năm 1976 đến nay
Ngày 30/4/1975, miền Nam được giải phóng, đất nước được thống
nhất. Ngày 02/7/1976, trong kỳ họp đầu tiên của Quốc hội nước Việt Nam thống nhất,
toàn thể Quốc hội đã nhất trí lấy tên nước là Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt
Nam.
Quốc hiệu này, cũng như quốc hiệu trước đó, gắn với thể chế
chính trị (Cộng hòa xã hội chủ nghĩa) và mang ý nghĩa thể hiện mục tiêu vươn tới
một xã hội tốt đẹp hơn.
ST