GÓC NHÌN VỀ VIRUS COVID 19 VÀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP ỨNG PHÓ
Đại dịch coronavirus đã diễn ra liên tiếp trong 2 năm nay nhưng con người vẫn chưa thực sự hiểu về nó.
Lúc đầu thì các bác sĩ và các nhà khoa học cho rằng
coronavirus gây nhiễm trùng hô hấp thì cũng giống như cúm, chỉ phải đeo khẩu
trang khi có triệu chứng để tránh lây cho người khác, thay vào đó rửa tay thường
xuyên là quan trọng nhất. Sau đó cũng chính các nhà khoa học lại nói rằng khẩu
trang và giãn cách là quan trọng nhất trong phòng Covid?!?
Lúc đầu thì các bác sĩ cho rằng cũng giống như
cúm, chỉ những người già, có bệnh lý nền, người suy giảm miễn dịch thì mới có
nguy cơ tử vong, người trẻ, hệ miễn dịch tốt thì có mắc cũng chỉ như cúm mùa
thôi. Nhưng rồi họ cũng không thể giải thích được tại sao vẫn có rất nhiều ca bệnh
trẻ tuổi, khỏe mạnh cũng bị mắc, suy hô hấp nặng và tử vong. Họ nhận thấy rằng
virus không phân biệt già trẻ, bệnh lý nền hay không, cũng không phân biệt giàu
nghèo, nổi tiếng hay không nổi tiếng, ai cũng có thể bị.
Chúng ta thấy virus xuất hiện khắp nơi, bất cứ chỗ
nào. Cho dù người ta đổ cho toàn cầu hóa, mọi người di chuyển máy bay dễ dàng
nên có thể lây từ châu lục này sang châu lục khác, nhưng không hoàn toàn như vậy.
Thực tế thì virus bình thường không thể di chuyển
nhanh và xa đến thế, thường thì ổ dịch cũng cần thời gian ủ bệnh rồi mới có thể
lây lan ra chỗ khác. Mà như vậy thì nếu 1 thành phố hay 1 quốc gia bị bệnh thì
các thành phố và các nước xung quanh phải bị lây trước chứ? Tại sao cùng lúc xuất
hiện ở Châu Á, Châu Âu, Châu Mỹ …?
Các nhà khoa học cho rằng virus lây qua giọt bắn,
tiếp xúc, nên yêu cầu sát trùng đủ thứ và giãn cách. Họ phân loại F0, F1, F2,…
những người tiếp xúc với F0 thì được gọi là F1 và bị cách ly rồi truy vết.
Nhưng dần dần trong quá trình chống dịch, họ đều
thấy nhiều trường hợp rất lạ kỳ, người cùng một nhà, nhưng người này bị người
kia không bị: chồng dương tính, vợ vẫn âm tính, mẹ dương tính, con 8 tháng tuổi
đang bú mẹ lại âm tính. Nhiều người giải thích bây giờ âm tính vì bệnh chưa
phát thôi, vài hôm nữa dương ngay ý mà. Nhưng cũng không phải. Người dương tính
vẫn là dương tính mà người âm tính vẫn là âm tính. Có những người chẳng đi đâu,
chẳng tiếp xúc với ai, chỉ ngồi trong nhà cũng dương tính. Con Covid này hình
như nó biết chọn người để…lây nhiễm? Nó không lây nhiễm theo cách mà các bác sĩ
và các nhà khoa học từ trước đến nay vẫn hiểu về loài virus. Rồi đến gần đây
thì họ lại bắt đầu thay đổi khái niệm, không phải cứ tiếp xúc với F0 là thành
F1 ?!?
Vẫn chưa hết, cách đây không lâu, chúng ta vẫn cho
rằng vaccine là cứu cánh duy nhất của đại dịch. Nhưng rồi bây giờ thì sao?
Số ca nhiễm Covid ở Mỹ tăng vọt trở lại mặc dù tỷ
lệ tiêm chủng của Mỹ đạt rất nhanh trên 50% với Pfizer và Moderna. Tại Israel,
số ca nhiễm nặng đang tăng gấp đôi sau mỗi 10 ngày mặc dù tỷ lệ và tốc độ
tiêm vaccine của nước này thuộc hàng đầu thế giới. Khả năng lây nhiễm chủng
Delta của người đã tiêm chủng đầy đủ cho người khác không thua kém gì từ người
chưa tiêm. Điều đó làm dấy lên câu hỏi về tính hiệu quả của việc miễn dịch cộng
đồng bằng vaccine mặc dù hiệu quả bảo vệ của vaccine khỏi tình trạng bệnh nặng
vẫn cao.
Ngay cả chúng tôi, những người nghiên cứu về vi sinh
vật, cũng hiểu rằng, tất cả những biện pháp của con người từ trước đến nay đều
là chạy theo vi sinh vật. Các nhà khoa học có điều chế ra loại kháng sinh mới
thì chỉ một thời gian ngắn sau là xuất hiện vi khuẩn đề kháng. Vaccine thì chưa
hiệu quả nhiều với virus. Đặc biệt, cấu trúc của virus quá đơn giản nên cứ
trung bình sau 106 lần nhân lên của virus là xuất hiện 1 đột biến mới. Như vậy
thì hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng đều có chủng virus mới, chẳng qua là nó đã
đủ trội lên để gây thành dịch do biến chủng mới hay chưa thôi.
Rõ ràng, cần phải bình tĩnh lại và nhìn nhận vấn đề.
Rõ ràng cái dịch bệnh này có điều gì đó mà giới hạn
của khoa học hiện nay chưa thể lý giải được một cách cụ thể và chính xác về
loài virus này.
Chính tôi, là một tiến sỹ, bác sĩ chuyên ngành vi
sinh, nhưng tôi cũng thấy khó giải thích trước tình cảnh dịch bệnh trước mặt,
nó khác nhiều so với những gì tôi được học, đã biết và đã từng nghiên cứu.
Tại thời điểm đợt dịch thứ nhất, phó trưởng khoa Y
của đại học y khoa UCSF email cho tôi và nói rằng ông đang rất lo lắng vì không
biết làm sao để bảo vệ nhân viên và sinh viên của ông trước đại dịch, chúc lành
cho các bạn. Đại học Stanford, tượng đài y khoa của tôi cũng sụp đổ khi họ nói
họ chẳng hiểu cái dịch này như thế nào. Cũng từ đó, tôi muốn tiếp cận nó theo
hướng mới hơn là khoa học thuần tuý. Tôi cho rằng phải mở rộng trí óc hơn, cái
nhìn phải lớn hơn, rộng hơn, dựa trên ba khía cạnh: khoa học tự nhiên, khoa học
xã hội, và khoa học tâm linh thì mới hiểu được phần nào về đại dịch này.
Con người chủ yếu mới chỉ nhìn nhận đại dịch ở
khía cạnh khoa học, có một số ít người nhìn nhận nó ở khía cạnh khoa học xã hội,
và rất ít người hơn nữa nhìn nhận nó ở khía cạnh khoa học tâm linh. Trên mạng,
trong sách, đã có quá nhiều người nhìn nhận đại dịch coronavirus ở góc nhìn
khoa học, nên tôi không muốn viết về nó nữa, mà tôi muốn nhìn nhận nó ở khía cạnh
khoa học xã hội và khoa học tâm linh.
Chẳng hạn, tại sao nếu nhìn vào số lượng người chết
do Covid thì thực ra không bằng 1 trận chiến tranh. Thậm chí còn không bằng số
người chết hàng năm vì tai nạn giao thông tại Việt Nam.
Tại sao người ta không sợ chiến tranh, không sợ
tai nạn giao thông, mà lại hoảng loạn vì virus? Là vì chiến tranh người ta còn
biết đánh ai, ai đánh, biết kẻ thù là ai, chiến lược thế nào, đánh từ đâu,
phòng thủ thế nào. Nhưng virus thì không thấy đâu cả. Không biết đánh từ đâu,
phòng thủ thế nào nên tâm lý con người, tâm lý xã hội, họ sợ và hoảng loạn. Từ
đó mà tình hình dịch bệnh cứ nặng dần lên.
Một góc khác ở khía cạnh khoa học xã hội. Mọi người
cứ hỏi làm sao để dập dịch, làm sao để chống lại Sars-CoV2. Nhưng riêng tôi,
tôi thấy nó là sự cân bằng của Tạo Hóa mang lại. Người ta chỉ nói về tác hại
của Covid mà rất ít người nhìn nhận khía cạnh tích cực của nó.
ĐẠI DỊCH
NÀY DẠY CHO CHÚNG TA RẤT NHIỀU BÀI HỌC:
1. Khi phải đối diện với bệnh tật hay bất kỳ khó
khăn nào trong cuộc sống, cách tốt nhất là giữ sự bình thản. Chúng ta học cách
sống chậm lại và có khoảng lặng và yên tịnh cho mình.
2. Con người cần phải học lại cái CĂN BẢN SỐNG.
Tôi nhận thấy nhiều người trẻ trong cuộc sống xã hội đủ đầy hiện nay, vốn dĩ
chưa từng trải qua thảm họa như chiến tranh, thiên tai, bệnh dịch, cũng chưa từng
biết thiếu thốn là gì nên chỉ quan tâm đến những việc phù phiếm.
Ví dụ như đợt dịch thứ nhất, người ta đổ xô đi
tranh cướp giấy toilet mà quên đi những nhu cầu tối thiểu khác của con người, họ
thiếu căn bản sống, những kỹ năng sinh tồn tối thiểu.
Giãn cách xã hội khiến hàng quán không thể mở cửa,
nhiều người vốn dĩ đã quen ăn hàng, không tự nấu ăn bao giờ, tự dưng cuộc sống
bị đảo lộn. Họ than vãn rằng dịch buồn quá, chẳng làm được gì, chẳng được đi
đâu. Họ cần tập lại từ việc đi chợ, nấu ăn, và lo cho người thân của mình đủ
ăn. Họ cần học lại bài học về sự sinh tồn.
3. Con người cần hiểu ra rằng đừng có tham lam vật
chất quá. Mà chúng ta cần học cách trân trọng thức ăn, nguồn nước, không phung
phí, không bỏ thức ăn thừa mứa. Ví dụ trước kia chê ỏng chê eo món này ngon món
kia dở, phải có cái này cái nọ mới chịu được. Bây giờ có miếng rau trong bát
cơm đã thấy mừng, chịu thiếu thốn một tý thấy cũng không chết ai. Nhịn một tý,
không đi chơi, không đi ăn, thiếu tiện nghi... vẫn sống tốt. Hãy tập trong sự
thiếu thốn để biết ĐỦ.
4. Con người học được bài học về CƯ AN TƯ NGUY,
nghĩa là lúc đang yên ổn, bình yên thì nên nghĩ tới lúc nguy nan. Chúng ta học
được cách phải tiết kiệm, phải biết ăn dè, không tiêu hết những gì mình làm ra
để dự phòng lúc nguy cấp.
5. Con người học được bài học về cách lưu trữ bảo
quản: Có những điều trước đây con người không chịu làm nhưng bây giờ có dịch
thì bắt đầu biết suy nghĩ hơn.
6. Chúng ta học ra được rằng, PHÚC HƯỞNG TẬN THÌ HỌA
SẼ TỚI, đừng nên ăn tận, uống tận, hưởng tận. Chừa đường cho người thì trời mở
đường cho mình.
7. Chúng ta học cách thích nghi, chấp nhận mọi biến
động của cuộc sống. Cũng giống như biến thể Delta còn đang hoành hành, biến thể
Lamda mới đã xuất hiện. Chúng ta không còn cách nào ngoài việc thích nghi với mọi
nghịch cảnh.
8. Chúng ta hiểu rõ hơn chữ VÔ THƯỜNG, không có gì
là bất biến trong cuộc đời này. Chúng ta cảm giác được sự sống chết rất mong
manh xảy ra rất gần xung quanh mình. Chúng ta hiểu rõ rằng nên quan tâm, dành
thời gian cho cha mẹ già nhiều hơn bởi có thể một biến động quét qua ta không
còn kịp nói lời từ giã họ. Đại dịch xảy ra, cũng bộc lộ cái tình giữa con người
với con người. Họ kỳ thị những người bị dương tính. Nghĩa tử là nghĩa tận, vậy
mà người ta chỉ vì sợ con virus mà quên đi cái tình, cái nghĩa. Thấy tội cho những
người ra đi đúng vào đợt dịch. Đám tang lạnh lẽo, lẻ loi, không người đưa tiễn.
Chúng ta cũng học cách nhường cơm xẻ áo và yêu
thương những ai đang khó khăn hơn mình. Ta cũng nhận ra tình người tự
nhiên vốn dĩ không nên hại nhau, không nên lợi dụng nhau, nên tôn trọng
nhau.
9. Đại dịch làm giảm nạn tắc đường mà không một
chính phủ nào trên thế giới làm nổi. Nhưng chúng ta cũng học được rằng khi hết
dịch sẽ không bao giờ càm ràm nhăn nhó mỗi khi ra đường kẹt xe, nắng nóng.
10. Đại dịch đã làm giảm ô nhiễm môi trường: Môi
trường đang ô nhiễm nghiêm trọng, có thể khiến trái đất diệt vong vì hiệu ứng
nhà kính, vì sự nóng lên của trái đất, vì băng tan hai cực…Nếu chỉ hô hào kêu gọi
mọi người bảo vệ môi trường thì sẽ chẳng ai làm.
Nhưng chỉ cần đại dịch Covid xảy ra, mọi người không
ai ra đường, không xả khói, nhà máy ngừng sản xuất, hàng chục nghìn chuyến bay
bị hủy, làm giảm hàng nghìn tấn CO2 thải ra môi trường. Chỉ số môi trường của
Hà Nội và TPHCM chưa bao giờ chuyển sắc xanh như vậy.
Nếu nhìn từ Google Earth sẽ thấy có những khu vực
cây cối mọc xanh trở lại vì không có sự tàn phá của con người.
Và như vậy, có phải virus corona đang cứu Trái đất
khỏi nguy cơ diệt vong không? Đây là một khoảng lặng để con người nhận ra mình
đã tàn phá tự nhiên như thế nào. Có thể sau đại dịch con người sẽ thay đổi.
11. Chúng ta học văn hóa xếp hàng và kiên nhẫn chờ
đến lượt.
12. Chúng ta học cách hòa hợp với bạn đời, với con
cái, với người thân khi ở gần nhau quá nhiều.
13. Chúng ta học cách tự sống ổn một mình, học
cách sống cô đơn.
14. Chúng ta học cách thử thách sức chịu đựng của
bản thân.
15. Chúng ta học cách tự chữa bệnh khi các bệnh viện
đều quá tải.
Chắc hẳn các bạn cũng học được rất nhiều bài học
sau dịch Covid này
* Các lời khuyên phòng bệnh COVID:
Ngoài các thuốc theo phác đồ của Bộ y tế và các
phác đồ quốc tế, nên áp dụng các biện pháp không dùng thuốc để hỗ trợ:
- Ngồi thiền mỗi ngày có thể giúp cho chúng ta giữ
được sự bình thản, tăng sức đề kháng, giảm stress và vì thế phòng ngừa phần nào
những tác hại của virus.
- Tập thở tích cực: Ra ngoài sân thoáng (không nên
ngồi trong phòng kín). Hít thở bằng miệng, mở miệng ra để thở. Hít vào thật
sâu, hai tay giơ lên, cúi xuống thở ra hai tay đưa xuống, khi đến gần cuối thì
thở ra, thì thở hắt mạnh ra để đẩy nốt phần khí cặn trong phổi ra.
- Súc miệng nước muối hàng ngày và tránh không để
cho cổ họng bị khô.
- Tập thể dục mỗi ngày.
- Mở cửa để không khí lưu thông thông thoáng
cho nơi ở.
- Trong trường hợp không may bị nhiễm virus, có thể
xông các loại lá có tinh dầu: đun sôi lá sả, chanh, vỏ bưởi, hoa cứt lợn, lá bạc
hà, lá tía tô… ngày 2 lần, nếu thấy khó thở thì có thể xông nhiều hơn
3-4 lần. Vùng miền nào có các loại lá có tinh dầu đều có thể dùng được hết.
Khi nước đã sôi già, khi chuẩn bị xông, bỏ vài giọt dầu gió vào nồi và xông,
khi đó hơi bốc lên cùng với dầu gió làm tăng hiệu quả xông. Hoặc chỉ đun nóng
nước rồi cho dầu vào nếu không có cây lá tinh dầu.
- Ăn uống: Cố gắng tìm mọi cách ăn uống đầy đủ
trong hoàn cảnh của mình. Một số gợi ý thêm:
o Nước đậu đen
o Nước lá tía tô giúp giải cảm rất tốt. Uống như
trà, có thể thay nước lọc.
o Nước gừng, chanh, sả, mật ong cũng rất tốt.
- Và cuối cùng, YẾU TỐ TINH THẦN LÀ QUAN TRỌNG NHẤT
VÌ AI CŨNG HIỂU ĐẾN GIỜ NẦY KHÔNG CÓ THUỐC NÀO ĐỂ TRỊ COVID CẢ.
Yếu tố tinh thần và niềm tin sẽ là chất liệu cần
thiết để được hồi phục. Người nào có tôn giáo thì nên cầu nguyện theo tôn giáo
đó, còn ai không có tôn giáo thì bình tâm, ngồi hít thở đều đặn, không nên
hoang mang.
Hãy sống lạc quan và tích cực để có thể vượt qua tất
cả mọi khó khăn!
TS, BS. Nguyễn Đỗ Ngọc Linh