HÀNH TRÌNH CỦA ĐẠI BÀNG

HÃY YÊU TRẺ

Trên một bàn cờ, quân vua là yếu đuối và vô dụng nhất, tuy nhiên nó cũng lại là quan trọng nhất, mất vua tương đương với mất tất cả. Trong cuộc sống, con cái đối với mỗi bậc cha mẹ đều giống như quân vua trên bàn cờ vậy.

“Nuôi dạy một đứa trẻ nên người còn khó hơn tạo dựng thành công một doanh nghiệp”, một người bạn đã nói với tôi như vậy. Doanh nghiệp một khi thất bại có thể bỏ đi làm cái mới; nhưng đối với trẻ con thì đương nhiên không thể như vậy.

Chính vì thế, nuôi con luôn là một chủ đề quan trọng bậc nhất. Nên nuôi dạy thế nào để trẻ em phát triển tốt nhất? Việc trả lời câu hỏi này không bao giờ là đơn giản.

Một triết lý đúng đắn trong việc nuôi con là vô cùng quan trọng. Nó còn quan trọng hơn cả việc chúng ta chọn dùng phương pháp nào.

Quan hệ giữa dinh dưỡng và tình yêu cũng giống như giữa canxi và vitamin D vậy. Được nhận đủ tình yêu thì trẻ mới có thể hấp thụ chất dinh dưỡng một cách tốt nhất. "Có bột mới gột nên hồ", tình yêu và dinh dưỡng là hai nền tảng không thể thiếu cho một sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ.

Tình yêu cũng là một dạng vật chất

Tất thảy mọi sự trong cuộc sống của chúng ta được phân chia vào một trong hai yếu tố: vật chất và tinh thần. Để tồn tại và phát triển, một con người luôn cần cả hai thứ: dinh dưỡng và tình yêu.

Hiện nay các nhà khoa học đã có thể nghiên cứu và rút ra một kết luận rằng tư duy, suy nghĩ phát xuất ra từ não người cũng là một dạng vật chất. Chỉ có điều là dạng vật chất đó không thể được nhìn thấy bằng mắt thường. Nếu quả thực như vậy thì tình yêu cũng là vật chất, một dạng vật chất đặc biệt mà chúng ta chỉ có thể cảm nhận chứ không thể nhìn thấy hay cầm nắm.

Tư duy, suy nghĩ phát xuất ra từ não người cũng là một dạng vật chất. Chỉ có điều là dạng vật chất đó không thể được nhìn thấy bằng mắt thường.

Một người từng trải trong tình yêu có lẽ sẽ có thể kiểm chứng điều này. Khi ta yêu một ai đó hết lòng, trong ta dường như có một khoảng trống dành riêng cho người đó. Khoảng trống đó chỉ có thể được lấp đầy khi nhu cầu tình cảm của ta được đáp ứng đầy đủ. Ngược lại, một khi tình yêu vì lý do nào đó không được đáp trả tương xứng, ta sẽ nếm trải cảm giác trống trải và thiếu thốn. Thiếu dinh dưỡng thì còn có thể dùng nhiều cách bổ sung, nhưng thiếu tình cảm thì con người ta rất khó để vượt qua. Các cụ từ lâu đã ý thức được điều này, họ còn gọi nó là "căn bệnh tương tư".

Từ xưa đến nay, tình yêu, hay nói rộng hơn là tình cảm, là một thứ gì đó rất trừu tượng, không thể nắm bắt, nhưng nếu bây giờ chúng ta coi nó là một loại vật chất đặc biệt, mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.

Trẻ em là đối tượng cần được yêu thương nhất

Tâm hồn của một đứa trẻ giống như một trang giấy trắng hoàn toàn trong sáng, và nó rất cần được nuôi dưỡng. Nếu dinh dưỡng là thức ăn cho thể xác đứa trẻ, vậy thì tình yêu chính là thứ nuôi dưỡng tâm hồn của chúng. Thiếu một trong hai thứ này đều không thể được.

Ngày nay khoa học hiện đại giúp chúng ta có đầy đủ phương tiện để cung cấp dinh dưỡng tối ưu cho trẻ. Tuy nhiên khoa học không thể giúp trẻ em có được tình yêu. Thậm chí nếu quá chú trọng vào dinh dưỡng, chúng ta có thể sẽ vô tình không để ý đến nhu cầu thiết yếu còn lại. Một tình yêu dẫu lớn đến mấy mà không biết bộc lộ ra thì đối phương cũng không thể cảm nhận được. Cha mẹ nào cũng yêu thương con mình hết lòng, nhưng con có cảm nhận được điều đó hay không thì lại là chuyện khác.

Khoa học hiện đại giúp chúng ta có đầy đủ phương tiện để cung cấp dinh dưỡng tối ưu cho trẻ. Tuy nhiên khoa học không thể giúp trẻ em có được tình yêu.

Đôi khi chúng ta vô tình mà ngộ nhận rằng chăm sóc bữa ăn, giấc ngủ, lo toan đầy đủ tiện nghi cho trẻ tức là đã yêu thương chúng hết mực. Tuy nhiên những điều đó mới chỉ đáp ứng được phần nhu cầu vật chất của trẻ. Trẻ có thể tìm thấy nguồn dinh dưỡng ở rất nhiều nơi, bằng rất nhiều cách, nhưng một tình yêu trọn vẹn thì chúng chỉ có thể tìm thấy từ cha mẹ của mình mà thôi.

Yêu thế nào để trẻ biết rằng mình đang được yêu?

Khi yêu ai đó bằng cả trái tim, mọi sự quan tâm của chúng ta dành trọn cho người ấy. Điều đó khiến đối phương cảm nhận được sự yêu thương, họ có thể cảm giác được bao bọc bởi một thứ tình cảm vô tư và thuần khiết. Ngược lại, nếu chúng ta có quá nhiều mối quan tâm khác khi ở cạnh người mình yêu, dù có ở bên nhau cả ngày đi nữa, chúng ta cũng vẫn cảm thấy không được thỏa mãn. Chất lượng bao giờ cũng hơn số lượng, và sự tập trung chính là điểm mấu chốt của vấn đề.

Trải qua cả một ngày mệt mỏi, buổi tối trở về nhà được ăn bữa cơm gia đình trọn vẹn, không tivi, không điện thoại, có lẽ ai cũng thấy tinh thần phấn chấn hơn. Cha mẹ và con cái có thể trao và nhận yêu thương khi dành hết sự quan tâm cho nhau. Bất kỳ nhân tố nào làm xao nhãng sự quan tâm đó cũng đều ảnh hưởng tiêu cực đến mối liên kết tình cảm giữa những người yêu thương nhau.

Đi chơi với người yêu mà chúng ta cứ chăm chú bấm điện thoại, tâm sự với nhau mà tâm trí chúng ta cứ để đi đâu đó... nếu tình trạng như vậy kéo dài chắc chắn tình cảm sẽ nhạt nhòa, không sớm thì muộn cũng chia tay. Người lớn ra sao thì trẻ em cũng như vậy, chỉ khác là trẻ không thể nói ra suy nghĩ của mình, nó cũng không có sự lựa chọn nào khác ngoài tình yêu của cha mẹ nó, kể cả khi tình yêu ấy là không trọn vẹn.

Chính vì lẽ đó, khi ở bên cạnh con, tất cả sự tập trung của chúng ta chỉ nên hướng vào con, những mối bận tâm khác không nên xuất hiện khi chúng không thực sự cần thiết. Có như vậy, con mới cảm nhận được tình yêu thương trọn vẹn nhất.

Có lẽ nhiều người trong chúng ta có chung một thắc mắc, đó là vì sao mình vô cùng cẩn thận trong việc nuôi con, luôn cho con ăn những đồ tốt nhất, nâng niu con từng li từng tí, vậy mà con cứ vẫn ốm yếu, động một chút là ăn vạ, ngã nhẹ một cái là lại khóc gào lên.

Trả lời câu hỏi này không hề đơn giản. Ở đây tác giả chỉ xin đưa ra ý kiến chủ quan của mình, chắc chắn nó không thể hoàn toàn đúng, tuy nhiên nó vẫn có một chút giá trị tham khảo.

Cha mẹ càng kỹ tính và lo lắng cho con cái càng nhiều thì sẽ càng tập trung vào những thứ xung quanh đứa trẻ: lo con bị lạnh, lo con ngã đau, lo con mệt, đói, khát, v.v… Qua đó chúng ta đã vô tình dành hết tâm trí cho những thứ bên ngoài, thay vì cho chính bản thân đứa trẻ. Dùng hết thời gian ở cạnh con cho việc lo lắng, đảm bảo cho con được an toàn, chúng ta vô tình biến con thành đối tượng cần được chăm sóc, thay vì cần được yêu thương. Như vậy đứa trẻ sẽ chỉ được chu cấp đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng, vật chất. Còn về phương diện tình cảm, có lẽ nó đã không được thỏa mãn.

Cha mẹ càng kỹ tính và lo lắng càng nhiều thì sẽ càng tập trung vào những thứ xung quanh trẻ. Qua đó chúng ta đã vô tình dành hết tâm trí cho những thứ bên ngoài, thay vì cho chính bản thân đứa trẻ.

Trẻ chỉ thực sự cảm nhận được tình yêu khi chúng ta dành toàn bộ sự chú ý cho chính nó, thay vì những thứ xung quanh.

Một điều mà tôi nhận ra là: cha mẹ càng vô tư thoải mái, con cái càng khỏe mạnh và ngoan ngoãn. Ở đây ta cần phải xét kỹ xem đâu là nguyên nhân, đâu là hệ quả. Theo ý kiến chủ quan của tác giả, không phải vì con yếu đuối, hay ăn vạ nên cha mẹ mới cẩn thận, kỹ tính. Mà là vì cha mẹ quá cầu toàn và cẩn thận, không dành cho con sự quan tâm đúng nghĩa, khiến con bị thiếu tình yêu mà sinh ra vấn đề.

Kết luận

Cuộc sống hiện đại khiến người lớn chúng ta luôn luôn có vô số những mối bận tâm khác nhau. Không phải ngẫu nhiên mà con cái của những gia đình giàu có, nhiều điều kiện lại thường có vấn đề hơn những đứa trẻ khác. Chúng ta có thể mua cho con những thứ đồ xa xỉ nhất, thuê cho con người chăm sóc tốt nhất, tìm cho con thầy cô giáo giỏi nhất; nhưng chúng ta không thể dành cho con đủ thời gian và sự quan tâm đúng nghĩa.

Chúng ta có thể mua cho con những thứ đồ xa xỉ nhất, thuê cho con người chăm sóc tốt nhất; nhưng chúng ta không thể dành cho con đủ thời gian và sự quan tâm đúng nghĩa.

Để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, vật chất cho con, chúng ta chỉ cần một chút điều kiện và hiểu biết; trong khi đó, để có thể cho chúng đầy đủ về tình yêu, chúng ta cần cả con tim và khối óc. Trẻ con cần nhận được tình yêu theo cách mà chúng muốn. Chúng ta trước tiên có thể cải thiện tình yêu dành cho con cái bằng cách loại bỏ hết những nhân tố gây mất tập trung hiện hữu như điện thoại, tivi, máy tính, âm nhạc… Khi ở cạnh con, hãy dành trọn thời gian cho con, đừng bận tâm điều gì cả, qua đó con sẽ cảm nhận rõ hơn về tình yêu mà chúng ta dành cho nó, còn chúng ta cũng sẽ vô cùng hạnh phúc.

Một đứa trẻ cần nhu cầu dinh dưỡng và tình yêu ngay cả khi còn ở trong bụng mẹ. Vì thế cha mẹ đừng xem nhẹ việc tâm sự với cái bụng bầu mỗi ngày nhé, việc đó thực sự có tác dụng. Một thai kỳ lành mạnh, tích cực có thể bảo đảm cho một hài nhi khỏe mạnh, cứng cáp. Một gia đình đầm ấm, thương yêu nhau có thể bảo đảm cho một tuổi thơ hạnh phúc, tràn ngập tiếng cười. Cha mẹ chính là bệ phóng hoàn hảo nhất cho con cái, một tuổi thơ hạnh phúc chính là bước chuẩn bị hoàn hảo cho con vào đời; mà trong đó, tình yêu từ cả cha và mẹ là một yếu tố vô cùng quan trọng.

Để kết thúc bài viết, tác giả xin nhắn gửi một câu rằng: “Con cái có thể một ngày ăn uống không đầy đủ, nhưng chúng nhất định không thể một ngày thiếu thốn tình yêu từ cha mẹ”.

                                                                                                                                                        Vy An 

Được tạo bởi Blogger.