CHA MẸ CÓ THỂ LÀM GÌ ĐỂ ĐỒNG HÀNH CÙNG NHÀ TRƯỜNG TRONG GIÁO DỤC HỌC SINH
Nguyễn Quốc Vương
Trong bối cảnh trường học ngày
càng được hoàn thiện về cơ cấu tổ chức và các loại hình sở hữu, người ta dễ
lãng quên vai trò của giáo dục gia đình. “Trăm sự xin nhờ thầy cô”- không còn
là câu nói khiêm nhường gửi gắm sự tin tưởng và kì vọng của cha mẹ học sinh đối
với giáo viên, nhà trường mà trên thực tế nó thể hiện sự thoái lui của nhiều
gia đình trong vai trò giáo dục con cái ở cả phương diện tư duy và hành động cụ
thể. Sự thiếu vắng vai trò của cha mẹ đối với sự trưởng thành của con cái là một
vấn đề lớn của giáo dục trong thời đại hiện nay. Bài viết này không phải là một
tiểu luận nghiên cứu dựa trên các phát hiện mới về học thuật mà nó là những suy
ngẫm của một người quan tâm tới giáo dục đồng thời cũng là một ông bố có ba đứa
con đang trong độ tuổi đi học. Tôi coi đây là những chia sẻ chân thành để chúng
ta cùng suy ngẫm và tìm ra cách giải quyết những vướng mắc cùng nhau trong công
cuộc giáo dục chung.
TS Nguyễn Quốc Vương. Nguồn: Internet
1. Vai trò của gia đình đối với sự trưởng thành của học sinh
Gia đình thường được ví như là tế
bào của xã hội. Tự thân cách nói đó đã nói lên vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng
của nó. Hiểu rộng ra ta sẽ thấy xã hội có phát triển lành mạnh hay không sẽ phụ
thuộc vào sự khỏe mạnh của các gia đình. Nhìn lại lịch sử ta cũng sẽ thấy,
xuyên suốt lịch sử kể từ khi gia đình xuất hiện cho đến nay, cho dù là thời đại
nào, gia đình cũng là cái nôi sản sinh ra nhân lực, nuôi dưỡng nhân tài và
thiên tài. Những chức năng cơ bản nhất của gia đình thường được kể tới là: chức
năng sinh đẻ, chức năng kinh tế, chức năng giáo dục. Trong số các chức năng
trên, ở đây xin bàn sâu về chức năng giáo dục.
Khi nhìn vào chức năng này ta sẽ
thấy rằng, khi xét giáo dục ở nghĩa rộng thì chính cha mẹ là người thầy đầu
tiên của mỗi đứa trẻ. Cha mẹ sẽ là người dạy cho trẻ những kĩ năng sinh hoạt cơ
bản nhất như ăn, mặc, ở, ứng xử cùng các kĩ năng giao tiếp xã hội và sinh tồn
khác. Trẻ học các tri thức, kĩ năng có liên quan ấy từ sự chỉ dạy trực tiếp của
cha mẹ và cả từ sự thẩm thấm gián tiếp trong quá trình sinh sống cùng gia đình.
Những hành vi, cử chỉ, ngôn ngữ, thái độ của cha mẹ vì thế có ảnh hưởng lớn đến
hành vi, thái độ, ngôn ngữ của trẻ. Thậm chí khó có thể phủ nhận ảnh hưởng của
cha mẹ và bầu không khí văn hóa trong gia đình đối với giá trị quan của trẻ. Những
tiêu chuẩn cơ bản để trẻ phán đoán đúng sai, tốt xấu, hay dở, đúng đắn, sai
trái…đều khởi nguồn từ gia đình và được nuôi dưỡng từ đây. Đó là lý do vì sao
các gia đình thường có nhu cầu tìm hiểu xem con dâu/con rể tương lai được sinh
ra và nuôi dưỡng trong gia đình như thế nào. Trong khi ghi lại tiểu sử của các
vĩ nhân, những người có cống hiến lớn cho xã hội hay hồ sơ của những tội phạm,
những chi chép, thông tin về gia đình là không thể thiếu.
Ở góc độ trải nghiệm cá nhân, khi
nhắm mắt thử hình dung lại tuổi thơ và cuộc
sống hiện tại, ta sẽ thấy những thói quen tốt hay xấu mà ta có hầu như đều
có nguồn gốc từ những năm tháng sống với gia đình hồi thơ ấu: thói quen đúng giờ,
thói quen sạch sẽ ngăn nắp hay bừa bộn, thói quen chào hỏi, thói quen nói lời cảm
ơn, thói quen làm việc nhà…
Trong những năm đầu đời (dưới 6
tuổi), vai trò của giáo dục gia đình gần như là tuyệt đối. Dần dần khi trẻ đến
trường và mở rộng phạm vi giao tiếp, sinh hoạt ra xung quanh, gia đình trở
thành tác nhân hỗ trợ, đồng hành cùng với nhà trường và xã hội trong việc giáo
dục và thúc đẩy “xã hội hóa” trẻ biến trẻ trở thành một thành viên của cộng đồng-xã
hội. Giáo dục gia đình cùng với giáo dục nhà trường và giáo dục xã hội là ba
chân kiềng, ba cột trụ không thể thiếu đối với sự trưởng thành của cá nhân
trong suốt cả cuộc đời.
Khi trẻ bước vào đời sống trường
học, vai trò gia đình mở rộng thêm, không chỉ là giáo dục, củng cố cho trẻ các
tri thức đời sống thường ngày, phép tắc cư xử, rèn luyện thói quen, giáo dục
lao động… mà gia đình còn hỗ trợ trẻ học các tri thức khoa học một cách có hệ
thống thông qua giúp trẻ làm bài tập, học các môn giáo khoa trên lớp, chi trả học
phí cho các lớp học thêm và thậm chí là tạo điều kiện, hướng dẫn trẻ học các kĩ
năng mềm, các môn năng khiếu…
Ở một khía cạnh khác, nếu gia
đình có trục trặc, bất hòa và cha mẹ không ý thức sâu sắc về giáo dục gia đình,
điều tất yếu là trẻ sẽ bị tác động tiêu cực. Các nghiên cứu và thực tiễn quan
sát đời sống đều cho thấy những học sinh gặp khó khăn trong học tập và thiết lập
mối quan hệ với bạn bè ở nhà trường, những học sinh cảm thấy thiếu động lực học
tập hoặc không có niềm tin vào cuộc sống thường là các học sinh có hoàn cảnh
gia đình đặc biệt như cha mẹ ly thân, ly hôn, cha mẹ là người hành xử xốc nổi,
thường sử dụng bạo lực trong đời sống gia đình hoặc nghiện rượu, thiếu quan tâm
tới đời sống gia đình…
2. Gia đình và những thách thức trong thế kỉ 21
Gia đình có vai trò, chức năng
quan trọng như vậy, tuy nhiên trong bối cảnh xã hội đổi thay mạnh mẽ hiện nay,
gia đình đã và đang đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng. Ta có thể thấy
thách thức đầu tiên là sự biến đổi của loại hình gia đình. Nếu như trước kia
trong xã hội nông nghiệp truyền thống gia đình chủ yếu là gia đình nhiều thế hệ
cùng chung sống thì nay gia đình hạt nhân (bao gồm bố mẹ và con cái) xuất hiện
ngày càng nhiều và chiếm xu thế chủ đạo. Kiểu-mô hình gia đình cũng trở nên đa
dạng hóa-gia đình đơn thân (chỉ có mẹ hoặc bố) gia tăng. Ở Nhật Bản, số liệu gần
đây cho biết tỉ lệ ly hôn (tính theo công thức: số vụ ly hôn/số vụ kết hôn) là
trên dưới 35%. Điều đó có nghĩa là cứ 10 đôi yêu nhau, dắt nhau đến nhà thờ hay
đền Thờ Thần đạo trao nhẫn cưới và cùng nhau mơ về một mái nhà hạnh phúc thì có
3,5 đôi lặng lẽ gặp nhau ở tòa án để làm thủ tục ly hôn. Tính trên 1000 dân, tỉ
lệ ly hôn ở Nhật Bản là 1,7 (2018). Đây là là một tỉ lệ cao đến giật mình làm cả
giới truyền thông lẫn giới nghiên cứu ở Nhật Bản sửng sốt.
Ở Việt Nam thì sao? Theo nghiên cứu
của tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa (Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn thành phố Hồ
Chí Minh) công bố năm 2008 thì tỷ lệ ly hôn tính trên số vụ kết hôn ở Việt Nam
là vào khoảng 31-40%[1]. Kết quả này cho thấy tình hình ly hôn ở Việt Nam cũng
trầm trọng không kém gì Nhật Bản. Tất nhiên, nghiên cứu trên còn có hạn chế về
quy mô, số lượng mẫu và cần các cuộc điều tra định kì quy mô toàn quốc để có được
con số chính xác hơn. Tuy nhiên, con số trên cho dù là tham khảo cũng nói lên rằng
cuộc sống hôn nhân-gia đình không “hoàn toàn màu hồng”. Trong một lần giao lưu,
nói chuyện với bạn đọc của thư viện tỉnh X (tháng 8/2020), một cán bộ phụ trách
công tác chính trị ở Sở Giáo dục và Đào tạo trong lúc trò chuyện riêng đã cung
cấp cho tôi một con số đáng kinh ngạc. Anh kể rằng trong một lần điều tra khảo
sát thực tế ở cơ sở anh phát hiện có một lớp ở trường học nọ có tới 16 em học
sinh có bố mẹ sống ly thân hoặc ly hôn trong khi lớp có 40 học sinh. Một con số
đáng kinh ngạc và những mảnh đời, những câu chuyện phía sau con số đó có lẽ rất
đáng suy nghĩ.
So sánh với Nhật Bản thì tỉ lệ ly
hôn của Việt Nam tuy có nhỏ hơn chút ít nhưng nếu ta suy ngẫm thêm khi biết rằng
Nhật Bản đã có lịch sử trở thành nước công nhiệp gần 200 năm, đã đạt đến thời
kì hoàng kim phát triển thần kì về kinh tế và xã hội đã bước vào thời kì hậu
công nghiệp với hiện tượng già hóa dân số thì ta sẽ giật mình. Nước ta vẫn còn
chưa trở thành một nước công nghiệp mà gia đình đã bị tác động quá lớn! Điều gì
sẽ chờ đợi chúng ta ở phía trước?
Tất nhiên, hôn nhân-hạnh phúc gia
đình không phải là chuyện mà ai cũng có thể cứng cỏi, tự tin nói rằng “muốn là
được”. Xây đắp-duy trì nó là cả một sự công phu và may mắn. Trong nhiều trường
hợp chia tay, ly hôn là giải pháp tốt hơn là tiếp tục duy trì chung sống nhưng
dù sao nó cũng gây cho trẻ những tổn thương nhất định và ta sẽ thấy nó ảnh hưởng
tới đời sống cá nhân, học hành của trẻ ở trường.
Ngoài ra, ở Việt Nam, do ảnh hưởng
của yếu tố văn hóa, tập tục, định kiến, rất nhiều cặp vợ chồng tuy không ly hôn
nhưng lại sống ly thân hoặc sống trong cảnh “cơm không lành canh không ngọt”.
Tình trạng này cũng tạo ra ảnh hưởng lớn tới sự trưởng thành và đời sống của trẻ.
Bản thân chức năng giáo dục trong
gia đình trong xã hội hiện tại cũng có sự thay đổi lớn. Trong thời đại mà nhà nước
chưa có hệ thống giáo dục quốc dân, hiển nhiên gia đình là nơi giáo dục trẻ
toàn diện kể cả hình thành năng lực đọc-viết-tính toán và các tri thức văn hóa
khác. Những nhà khá giả thì đón gia sư (ông đồ) về nhà dạy cho con. Nhiều anh
hùng, hào kiệt nước nhà đã trưởng thành như thế (ví dụ Trần Quốc Tuấn). Những
gia đình khác không có điều kiện thì gửi con đến nhà thầy để học. Những gia
đình nào mà may mắn có bố là thầy giáo thì bố trở thành thầy daỵ của con. Trong
bối cảnh xã hội đó, gia đình thực hiện rất rõ chức năng giáo dục đối với con
cái. Tuy nhiên, kể từ thời cận đại khi trường học như là một hệ thống giáo dục
quốc dân xuất hiện, trẻ từ 6 tuổi phải đến trường học tập, dần dần chức năng
giáo dục của gia đình bị mai một. Nhịp sống công nghiệp với lối làm việc tập
trung theo giờ của nền sản xuất lớn ở các trung tâm công nghiệp, nhà máy, công
sở, đã cuốn các bậc cha mẹ vào công việc, từ đó dẫn đến một sự thoái lui trong
giáo dục gia đình. Các gia đình đã “tự nguyện” và “vui vẻ” trao quyền giáo dục
con em mình cho các cơ sở giáo dục. Cha mẹ tập trung phần lớn thời gian cho
công việc và dễ có tư duy “trăm sự nhờ thầy cô và nhà trường”. Không hề khó
khăn gì cũng có thể tìm được các gia đình sẵn sàng đầu tư đến cả trăm triệu đồng
mỗi năm cho con học thêm ở trường và ngoài trường đủ các môn. Tuy nhiên cũng
chính ở các gia đình đó lại không hiếm những ông bố, bà mẹ hiếm khi dành thời
gian cho con mình trò chuyện, hỏi han, đồng hành cùng con trog các hoạt động
chính khoa và ngoại khóa ở trường. Cũng không nhiều cha mẹ dành thời gian đọc
sách để nâng cao nền tảng văn hóa của bản thân và hiểu thêm về thế giới của
con.
Trên thực tế, là một nước phát
triển trước Việt Nam cả trăm năm, Nhật Bản đã từng trải qua hiện tượng tương tự
vì vậy ý thức vấn đề của họ về điều này rất rõ. Trong cuốn sách “Sổ tay giáo dục
gia đình Nhật Bản” (NXB Phụ nữ Việt Nam-Tủ sách người mẹ tốt, Nguyễn quốc Vương
dịch, 2016), ở ngay lời mở đầu, Bộ Giáo dục, Văn hoa, Thể thao, Khoa học và
Công nghệ Nhật Bản đã nêu rõ trẻ em mong muốn nhất là “được vui vẻ ở bên gia
đình”. Nghĩa là quãng thời gian gia đình sum họp, sinh hoạt cùng nhau rất quan
trọng. Tuy nhiên, xã hội hiện đại đã làm cho gia đình “tan rã” từ bên trong.
Chúng ta hãy nhìn lại xem trong số chúng ta có bao nhiêu người thường xuyên ăn
tối đúng giờ cùng gia đình? Hay chúng ta thường xuyên về muộn ăn cơm một mình
hoặc là tiệc tùng cùng bạn bè, đồng nghiệp, đối tác, trong khi các con ăn cơm một
mình?
Ở đây, ta hãy cùng tham khảo một
cuộc điều tra thú vị của Nhật Bản và suy ngẫm.
Năm 2004 - 2005 Trung tâm giáo dục
Phụ nữ Quốc gia có tư cách pháp nhân hành chính độc lập đã tiến hành "Điều
tra so sánh quốc tế về giáo dục gia đình" để xem xét về sự biến đổi của
gia đình, tình hình giáo dục gia đình. Đối tượng điều tra là các nước: Nhật Bản,
Hàn Quốc, Thái Lan, Mĩ, Pháp, Thụy Điển. Trong cuộc điều tra này có một nội
dung quan trọng là tần suất (số lần) cha mẹ ăn cơm tối cùng gia đình. Kết quả
cho thấy người Nhật Bản có tần suất ăn tối cùng gia đình (tính trung bình) thấp
nhất (4.4 lần/tuần), người Hàn Quốc đứng thứ hai (4.1 lần/tuần) trong khi đó ở
Thái Lan là 6.3 lần/tuần, Mĩ là 5.5 lần/tuần, Pháp là 6.2 lần/tuần và Thụy Điển
là 5.4 lần/tuần.
Đọc đến đây ta sẽ giật mình tự hỏi
ở Việt Nam tỉ lệ là bao nhiêu? Tôi không tìm thấy kết quả điều tra nào tương tự
ở Việt Nam. Tuy nhiên bằng quan sát trực tiếp và suy luận ta sẽ thấy các gia
đình không ăn tối cùng nhau đang tăng lên. Ở thành phố là những gia đình có bố
mẹ làm lãnh đạo, chủ doanh nghiệp bận rộn với công việc tiếp khách thường phải
tiệc tùng với đối tác. Ở nông thôn là các gia đình bố mẹ phải ra thành phố làm
ăn xa hoặc phải làm ca kíp trong nhà máy. Trẻ em đang phải ăn cơm tối một mình
chiếm một tỉ lệ không phải là nhỏ!
Ngoài ra, sự phổ cập của internet
và các phương tiện kĩ thuật số còn đem lại một hệ lụy mới. Chúng ta không lạ gì
cảnh ăn cơm xong mỗi người trong gia đình chúi vào một nơi bấm bấm trên điện
thoại hoặc dán mắt vào màn hình tivi trong phòng mình. Thời gian, mức độ và chất
lượng giao tiếp trong gia đình bị ảnh hưởng. Các cá nhân đã và đang bị “cô độc
hóa” ở ngay chính trong gia đình của mình.
Những thách thức trên cùng nhiều
thách thức khác đã làm cho chức năng giáo dục của gia đình suy yếu. Khi chức
năng giáo dục của gia đình suy yếu, trẻ em sẽ trở thành người bịt thiệt thòi và
đương nhiên việc học hành và trưởng thành của các em bị ảnh hướng lớn. Chỉ cần
nhìn vào một vài con số được công khai trên báo chí liên quan đến thanh thiếu
niên thôi, ta sẽ giật mình. Theo thống kê của Bộ công an (2017) cả nước có tới
222.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, trong đó 76% người nghiện có độ
tuổi dưới 35 tuổi; 60% số người sử dụng ma túy lần đầu ở độ tuổi dưới 25 tuổi,
trong đó 8% sử dụng ma túy lần đầu ở độ tuổi dưới 18 tuổi. Cơ quan chức năng
cũng cảnh báo “Thành phần, đối tượng tội phạm có xu hướng trẻ hóa, người phạm tội
từ 18 đến 30 tuổi chiếm khoảng 70%, dưới 18 tuổi chiếm 8%, tỷ lệ này cũng đang
có chiều hướng gia tăng. Đáng chú ý, đa số người phạm tội lần đầu, chưa có tiền
án, tiền sự, con số này chiếm 82%”.
Không chỉ là con số, hàng ngày
nhìn vào những khu vực ven đô nơi đang trong cơn sốt đất và câu chuyện thường
ngày của người dân là “chục tỉ, trăm tỉ, nghìn tỉ”, những tụ điểm ăn chơi ở phố
xá và quan sát xung quanh từ ngay chính gia đình, dòng họ, hàng xóm của mình,
chúng ta cũng sẽ phải suy ngẫm.
3. Gia đình có thể làm gì để đồng hành với nhà trường và giáo viên?
Trong bối cảnh những thách thức lớn
như trên đang đặt ra, cha mẹ có thể làm gì cho con em mình, có thể làm gì để đồng
hành cùng với nhà trường và giáo viên?
Từ trước tới nay, vì nhiều lý do
trong đó có sự lạc hậu về lý luận giáo dục và mô hình tổ chức, vận hành trường
học, sự tham gia của cha mẹ học sinh vào đời sống trường học rất hạn chế.
Trong trường tuy có hội phụ huynh
học sinh và có ban liên lạc tuy nhiên phần lớn phụ huynh chỉ là người tiếp nhận
thông tin về tình hình học tập của con mình vào dịp cuối kì, cuối năm hoặc khi
học sinh gây ra sự vụ nào đó. Cùng lắm mỗi kì cha mẹ được tham dự một buổi họp
phụ huynh có sự tham gia của giáo viên chủ nhiệm. Ở Việt Nam không có nhiều trường
mở rộng cửa cho cha mẹ học sinh tham gia vào các sinh hoạt thường xuyên tại trường.
Nhược điểm này làm cho cha mẹ học sinh và nhà trường, giáo viên thiếu đi sự kết
nối chặt chẽ và sự thấu hiểu và thông cảm lẫn nhau không được hình thành. Hiệu
quả giáo dục vì thế cũng yếu đi. Cha mẹ không nắm rõ được tâm tư, nguyện vọng của
con cũng như có cơ hội chứng kiến sự trưởng thành, vấp váp của con.
Ở một khía cạnh khác, sự quan tâm
không đúng cách của cha mẹ tới con lại dẫn tới “bảo hộ quá mức” biến cha mẹ
thành “cha mẹ trực thăng” và làm cho học sinh không có cơ hội tự lập, trưởng
thành.
Vậy thì, trong bối cảnh hiện nay,
nhà trường và phụ huynh có thể làm gì cùng nhau?
Về mặt tổ chức, các trường có thể
học theo mô hình PTA (Hội giáo viên và phụ huynh) của Nhật Bản, Mĩ… để giáo
viên và phụ huynh có thời gian, cơ hội hoạt động thường xuyên cùng nhau. Các hoạt
động, sinh hoạt của PTA là thường xuyên, liên tục chứ không phải là các hoạt động
có tính chất thời vụ hoặc mang tính chất là động thái xử lí sự cố liên quan tới
học sinh, hỏi thăm, tặng quà giáo viên vào các dịp lễ, tết như vẫn thường thấy ở
Việt Nam. PTA là nơi mà ở đó giáo viên và phụ huynh có thể học hỏi lẫn nhau,
cùng nâng cao nhận thức của bản thân, từ đó cùng hành động, cống hiến cho địa
phương, nhà trường và sự trưởng thành của học sinh. Trong hoàn cảnh của Việt
Nam cũng có thể cải tiến cách thức tổ chức hội phụ huynh học sinh của từng lớp,
của trường để có thêm sự tham gia của giáo viên bộ môn và làm cho hoạt động của
hội toàn diện, thường xuyên, liên tục hơn.
Nhà trường cần vận động và tạo điều
kiện để phụ huynh tham gia vào các hoạt động chính khóa và ngoại khóa có sự
tham gia của học sinh như: Hội thao, dã ngoại, làm tủ sách lớp học, thư viện
trường học… Ở Nhật Bản các hoạt động này thu hút rất đông đảo phụ huynh tham
gia. Trong ngày hội thao (ngày hội thể dục thể thao diễn ra vào tháng 10 hàng
năm), tất cả học sinh trong trường đều tham gia và phụ huynh cũng tham gia trợ
giúp, phục vụ hậu cần, cổ vũ… thậm chí là thi đấu cùng học sinh thay vì chỉ có
các đội tuyển hay những cá nhân xuất sắc tham gia thi đấu thay mặt cho lớp như
cách làm lâu nay của chúng ta. Ở Nhật Bản, nhà trường, từ mầm non trở đi cũng
thường tổ chức các buổi dã ngoại hay sinh hoạt ngoại khóa có sự tham gia của
các phụ huynh. Mục đích của những hoạt động như vậy là giúp phụ huynh kết nối với
nhà trường, quan sát con và trao đổi cùng với nhà trường, giáo viên về việc
giáo dục học sinh. Thông qua các hoạt động như vậy phụ huynh và nhà trường hiểu
nhau hơn, chia sẻ triết lý phương châm, mục tiêu giáo dục và thảo luận cùng
nhau tìm cách giải quyết các vấn đề còn vướng mắc.
Những năm gần đây, văn hóa đọc được
quan tâm và nhiều hoạt động khuyến đọc trong nhà trường được tiến hành rộng
rãi. Năng lực đọc là năng lực cơ bản nhất của mỗi cá nhân trưởng thành đồng thời
cũng là năng lực quan trọng số một của việc học. Những học sinh học kém thường cũng
có năng lực đọc kém. Để nâng cao chất lượng giáo dục, việc nâng cấp, cải tiến
thư viện trường học để nó trở thành nơi hấp dẫn, hoạt động hiệu quả là cấp thiết.
Để biến sách trở thành vật gần gũi thân thiết với học sinh, các tủ sách lớp học
cũng trở nên cần thiết. Cha mẹ học sinh hoàn toàn có thể tham gia cùng nhà trường
trong những công việc này bằng những việc làm cụ thể như: tặng sách, quên góp
sách cho nhà trường, xây dựng các tủ sách trong lớp con học cùng với giáo viên
chủ nhiệm, giáo viên bộ môn. Ở nhà phụ huynh cũng có thể xây dựng tủ sách gia
đình, đọc sách cùng con và khuyến khích con đọc sách. Ở nước Nhật, phụ huynh-đa
số là phụ nữ làm nội trợ, đã lãnh đạo và tổ chức phong trào lập thư viện và tủ
sách trong nhiều thập kỉ từ những năm 60 của thế kỉ trước góp phần tạo ra môi
trường văn hóa đáng nể ở trường học và xã hội Nhật Bản.
Nhà trường cùng cha mẹ học sinh
cũng có thể tổ chức các diễn đàn thường xuyên (cả online và offline) để thảo luận,
trao đổi, học hỏi lẫn nhau. Các buổi hội thảo, nói chuyện chuyên đề, thảo luận…
này có thể tổ chức định kì theo tháng, theo quý và theo năm. Mỗi buổi có thể
thiết lập một chủ đề riêng để phụ huynh và giáo viên trao đổi, thảo luận ví dụ
như “hướng nghiệp”, “hướng dẫn, trợ giúp học sinh học tập” “phòng chống bắt nạt
học đường”, “phòng chống bạo hành”… Nhà trường-hội cha mẹ học sinh cũng có thể
mời các chuyên gia ở bên ngoài trường tham gia.
Cuối cùng, cha mẹ và nhà trường
có thể đồng hành bên nhau, hợp tác với nhau để tư vấn hướng nghiệp cho học
sinh. Rất nhiều phụ huynh hiện nay lo lắng chuyện con mình “học giỏi” hay
không. Điều đó là dễ hiểu. Tuy nhiên “giỏi” cần phải được hiểu theo nghĩa rộng
nhất và sự tiến bộ của mối cá nhân học sinh cần phải được nhìn nhận bằng lăng
kính hợp lý. Mỗi cá nhân đều có giá trị tồn tại riêng và đều có tiềm năng để
phát triển vì vậy việc so sánh thành tích học tập giữa các học sinh để rồi cảm
thấy tuyệt vọng hoặc lo lắng thái quá là không cần thiết. Trước kia, trong xã hội
với nền kinh tế giản đơn, học giỏi với điểm số cao, thi đỗ và tốt nghiệp với tấm
bằng có thành tích tốt là con đường duy nhất để cá nhân học sinh “lập thân xuất
thế”. Tuy nhiên, hiện tại, nền kinh tế thị trường với nhiều thành phần với các
hoạt động kinh tế đa dạng, phong phú đã tạo ra vô vàn cơ hội khác nhau cho học
sinh sau khi rời trường phổ thông hoặc cao đẳng, đại học. Năng lực học tập
trong trường được đánh giá bằng điểm số là một tham khảo quan trọng nhưng không
phải là duy nhất. Phụ huynh cần đồng hành với nhà trường để giúp đỡ con tiến bộ
so với chính bản thân mình trong học tập toàn diện và rèn luyện thể chất, tinh
thần ở trường. Nếu học sinh có ý chí, khả năng tập trung tốt và có thái độ cầu
thị, học hỏi liên tục, cơ hội để học sinh đó thành công trong đường đời là rất
lớn. Việc học là một quá trình lâu dài, liên tục, kéo dài trong suốt cả cuộc đời.
Bồi dưỡng cho học sinh thái độ cầu thị, ham học, luôn có nhu cầu tiến bộ và tìm
ra được điểm mạnh, điểm yếu của bản thân mình từ đó lựa chọn nghề nghiệp phù hợp
là việc quan trọng. Trong quá trình đó, sự tham gia, đồng hành, hợp tác của phụ
huynh là không thể thiếu. Ngoài ra, những phụ huynh có chuyên môn cao, nghiên cứu
sâu về các ngành nghề hoặc là chuyên gia, người lành nghề, người có hiểu biết
sâu sắc về nghề hoàn toàn có thể tham gia là diễn giả, người chia sẻ cho học
sinh trong nhà trường về nghề đó giúp học sinh hình dung ra con đường trở thành
người làm nghề và gợi lên trong các em cảm hứng, động lực…
Tóm lại, giáo dục là công việc
không hề dễ dàng. Giáo dục nhà trường tuy quan trọng nhưng không phải là yếu tố
duy nhất tạo ra sự trưởng thành ở học sinh. Giáo dục gia đình và môi trường xã
hội cũng đóng góp phần quan trọng và sự trưởng thành đó. Vì vậy, nhà trường và
cha mẹ học sinh cần phải có nhận thức sâu sắc về mối quan hệ này, từ đó có những
hoạt động cụ thể và hiệu quả để hợp tác đem lại lợi ích lớn nhất cho học sinh.
Đối với phụ huynh, trong giáo dục gia đình và phối hợp với nhà trường, sự chân
thành và nỗ lực cải thiện, làm mới bản thân, nỗ lực điều chỉnh những bất hợp lý
trong sinh hoạt gia đình để tạo ra môi trường gia đình hạnh phúc, yên ấm để học
sinh lấy làm điểm tựa trong quá trình học tập sẽ là tiền đề đầu tiên và cũng là
tiền đề khó khăn nhất. Cũng chính bởi khó khăn mà ý nghĩa và tác dụng có được từ
nó sẽ vô cùng lớn. Đấy là thử thách đầu tiên và lớn nhất mà phụ huynh phải giác
ngộ và nỗ lực vượt qua.