HÀNH TRÌNH CỦA ĐẠI BÀNG

KẺ THÙ CỦA CHÚNG TA ĐANG Ở ĐÂU

“Kẻ thù” không ở bên ngoài đâu, nó ở ngay bên trong bạn đó. Tên khác của nó là Ma quỷ, là Bản ngã, là Vô thức đó. 

Đoạn sách này hay quá, phải đăng tặng các bạn liền, không gì khởi đầu ngày mới bá cháy cho bằng một tách cafe ngon và một đoạn sách hay xé bay tâm hồn…

“Bắt đầu tìm bản ngã đi, không phải trong người khác. Bản ngã của người khác không phải là việc của bạn. Bản ngã của bạn mới là việc của bạn và nó nằm bên trong bản thân bạn, không phải ở trong người khác. 

Bất kì khi nào bạn cảm thấy khổ, lập tức nhắm mắt lại và cố tìm ra khổ này đang tới từ đâu. Nếu làm đúng bạn sẽ tìm thấy mọi nguyên do của khổ tới từ bản ngã của bạn. Bản ngã là trung tâm giả. Khổ tới khi trung tâm giả này va chạm với ai đó. 

Bạn mong đợi gì đó, nó không xảy ra hoặc cái ngược lại đã xảy ra - bản ngã bị rung chuyển, bạn trong khổ. Cứ nhìn mà xem, bất kì khi nào bạn khổ, cố tìm ra tại sao.


Nguyên nhân của khổ ở bên trong nhưng bạn bao giờ cũng nhìn ra bên ngoài. Bạn luôn hỏi “Ai làm cho mình khổ? Ai là nguyên nhân cơn giận của mình?” Cứ thế. Nếu bạn nhìn ra bên ngoài. Bạn bỏ lỡ. Hãy chỉ nhắm mắt và nhìn vào bên trong. Cội nguồn của khổ, giận, phiền não luôn ẩn bên trong bạn. Nếu tìm ra cội nguồn này, bạn sẽ dễ dàng đi ra ngoài nó. Ai mà muốn mang theo cội nguồn đau khổ một khi người đó đã nhìn ra nó? Thế thì nó sẽ tự rơi rụng đi, bằng nhận biết.”

Trong nhà thờ Ki-tô giáo có một hành động biểu tượng rất hay, rất ý nghĩa trong các buổi lễ. Ấy là khi mọi người đấm nhè nhẹ lên ngực mình và thốt ra câu kinh “Lỗi tại tôi. Lỗi tại tôi. Lỗi tại tôi mọi đàng.” Thật là một hành động biểu tượng tuyệt vời. Hành động này bản chất nói về sự tỉnh thức, sự sám hối, nhận biết nguyên nhân của khổ và dũng cảm tránh xa nó. Tiếc, rất tiếc là người ta chỉ làm nó như biểu tượng mà thôi. Họ đấm vào mình bùm bụp, họ thốt ra câu kinh mà không một chút bận tâm nghiền ngẫm về câu kinh ấy huống gì nói tới thực hành. Ngay sau câu “lỗi tại tôi” tuyệt vời ấy, người ta đọc “...vì vậy tôi xin đức bà Maria...” Ủa lỗi tại mình làm mình khổ, làm người xung quanh mình khổ. Mình cầu xin đức mẹ cái gì? Để làm gì? Kể cả việc cầu xin Thượng đế tha tội cũng là vô nghĩa nếu như bạn không tha thứ cho bản thân và không xin lỗi những người xung quanh tha thứ cho bạn. 

Kito giáo có những thông điệp tuyệt vời nhưng đều bị lái đi xa cái cốt lõi ban đầu. Đó là lý do người ta phạm tội làm khổ nhau, nhưng người ta lại đi xin lỗi với... Chúa, với cha xứ là xong. Xưng tội xong thì trong lòng hoan hỉ về nhà... phạm tội tiếp. Cái vòng luân hồi này lặp đi lặp lại, người ta đi xưng tội đều đều đặn đặn và cảm thấy mình là con chiên ngoan đạo mà chưa từng một lần nhìn lại xem mình đã nâng nhận thức của mình lên tới đâu, đủ để không phạm lại lỗi lầm cũ hay không? 

Một khi thông điệp cốt lõi bị bao phủ bởi những hành động vô ý thức thì tôn giáo không bao giờ có thể giải phóng con người, không bao giờ có thể nâng cao nhận thức của loài người, không bao giờ có thể đem con người ra khỏi khổ. Kito giáo là thế. Phật giáo, Hồi giáo và mọi tôn giáo đều chung một tình cảnh. Nhưng nếu như bạn có thể nhìn ra cái cốt lõi và đi theo thông điệp cốt lõi, mọi hành động phân biệt tôn giáo đều vỡ tan, tan biết. 

Một khi bạn biết bạn là nguyên nhân của tội lỗi, bạn biết bạn là nguyên nhân mọi khổ của bạn. Tội Lỗi = Khổ, không gì khác, cả hai là hai cách diễn đạt khác nhau cho cùng một thứ: Sự Thiếu Nhận Biết. 

Kito giáo nhắc đi nhắc lại về tội lỗi, nó là về sự vô nhận biết. Chỉ trong vô thức, vô nhận biết người ta mới gây ra tội, chứ còn cách nào khác? 

Phật giáo nhắc đi nhắc lại về khổ, khổ cũng là do vô thức, vô nhận biết gây ra, chứ còn ai gây ra?

Nhìn thấu được điều này, chỉ cần bạn nâng cao Nhận Thức của chính mình thế thì bạn không còn gây ra tội lỗi, lên mình và lên người khác, thế thì bạn không còn tạo ra khổ, cho mình lẫn cho người khác. Thế thì bạn thoát ra khỏi Tội tổ tông truyền, thoát khỏi Bể khổ cuộc đời, thoát khỏi luân hồi - bạn đạt tới: bạn mãn nguyện, an bình, hạnh phúc, vui vẻ. Cái nguồn mãn nguyện an bình này tới từ bên trong, là nước từ suối không bao giờ cạn, là manna từ trời không bao giờ dứt, là thiên đàng, là niết bàn...

Đối với tôi, thiên đàng và niết bàn không phải là nơi chốn, nhưng là thời gian. Nó cũng không phải thứ kéo dài luôn mãi (chưa). Nhưng dầu thế tôi vẫn cứ được nếm trải thiên đường và niết bàn rất thường xuyên, trong từng khoảnh khắc cuộc sống. 

Để ý đi, bất cứ khoảnh khắc nào của thực tại mà bạn không lo lắng, không suy nghĩ, không ham muốn nhưng chỉ mãn nguyện, vui vẻ, bình an, cảm tạ về mọi sự mọi thứ - bạn đang trong thiên đàng và niết bàn đấy. 

Được tạo bởi Blogger.