7 CÁCH TRỊ BỆNH LƯỜI ĐỌC SÁCH - RÈN LUYỆN THÓI QUEN THÀNH ĐẠT
Đọc sách là giải pháp để tăng trình độ dân trí
Bệnh lười đọc sách là căn bệnh khá phổ biến trong xã hội ngày nay.
Cùng với sự phát triển đa dạng của các kênh giải trí, chiếc điện thoại dần thay
thế cho những cuốn sách, trở thành vật bất ly thân với đa số mọi người, đặc biệt
là giới trẻ. Vậy làm cách nào để chúng ta có thể điều trị căn bệnh này và xây dựng
thói quen đọc sách?
Có một câu nói như thế này:
“Đọc sách có thể không giàu, nhưng không đọc, chắc chắn nghèo.”
Từ “nghèo” ở đây không chỉ nói về vật chất mà còn là nghèo tri thức,
nghèo tư duy. Để minh chứng cho điều này, chúng ta sẽ làm một phép so sánh:
Theo thống kê, trung bình người Việt chỉ đọc 0.8 cuốn sách/người/năm. Ở
các nước phát triển hơn trong khu vực con số này cao hơn rất nhiều như:
Malaysia – 10 cuốn/năm, Singapore – 14 cuốn/năm, Nhật Bản – 20 cuốn/năm… Còn với
những quốc gia thông thái hàng đầu thế giới như Israel, Đức, Pháp thì mỗi năm 1
công dân đều đọc từ 20 cuốn sách trở lên.
Mượn lời bác dạy thì “dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để
sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở
công đọc sách của chúng ta”.
Bài viết này sẽ chỉ bạn cách rèn luyện thói quen đọc sách, dễ dàng áp
dụng với cả những người lười nhất.
7 CÁCH TRỊ BỆNH LƯỜI ĐỌC SÁCH
Chọn chủ đề yêu thích.
Với lối suy nghĩ: “Đã đọc thì phải đọc cho đáng.”
Nhiều người đã mắc sai lầm khi chọn một cuốn sách có chủ đề mang tính
vĩ mô hay học thuật chuyên sâu vào thời điểm mới bắt đầu đọc sách. Điều này sẽ
khiến bạn dễ chán nản và nhanh chóng bỏ cuộc.
Lựa chọn trên chỉ hợp lý nếu bạn thực sự đam mê những đề tài đó, hoặc
bản thân bạn là người cực kỳ kiên trì. Còn nếu không, hãy khởi động thói quen đọc
sách bằng việc lắng nghe sở thích cá nhân.
Chọn sách theo sở thích cá nhân
Ví dụ:
– Nếu bạn thích thể thao, hãy chọn một cuốn sách nói về môn thể thao
mình thích hoặc chuyện đời của vận động viên mà bạn hâm mộ.
– Nếu bạn thích nấu ăn, bạn có thể chọn một cuốn về công thức nấu ăn
hoặc dinh dưỡng,…
Còn nếu bạn chưa rõ mình thích gì thì sao?
– Hãy chọn một cuốn truyện ngắn hoặc sách về chủ đề phát triển bản
thân, đây là hai dòng sách dễ tiếp thu đối với đa số mọi người. Sau khi đã quen
với việc đọc sách, bạn có thể tìm mua những cuốn khó hơn.
*Gợi ý sách hay cho người mới bắt đầu đọc: Những cuốn sách nhẹ nhàng,
đọc để tĩnh tâm
Bỏ qua những phần mình không thích.
Không phải cuốn sách nào cũng thu hút bạn trong từng câu chữ. Nếu có
vài trang bạn không hứng thú, hãy mạnh dạn lướt qua nó. Đôi khi, những suy nghĩ
trái chiều với nội dung sách cũng giúp bạn phát triển tư duy phản biện.
Đọc sách nên là việc giúp bạn vui vẻ chứ không phải điều khiến bạn bị
áp lực, quá ép buộc bản thân sẽ không mang đến hiệu quả.
Tuy nhiên, sau khi đã hình thành thói quen đọc sách, bạn nên tìm đọc lại
những cuốn sách mà mình từng không thích, vì như lời thủ tướng Nhật Koizumi
trong chuyến viếng thăm Việt Nam có nói:
“Lúc bé tôi đọc Khổng Tử cảm thấy khác, giờ đọc lại càng thấy khác. Mỗi
thời điểm đọc sách sẽ cảm thấy có những sự khác biệt và cảm thấy thấm hơn.”
Tạo không gian thoải mái.
Nếu được, bạn hãy chuẩn bị một cốc nước ưa thích và chọn vị trí ngồi
thật dễ chịu để tinh thần được thư thái khi đọc sách. Không nên nằm đọc vì nó
có thể khiến bạn buồn ngủ, càng không nên ngồi ở những nơi gây mất tập trung hoặc
thiếu ánh sáng sẽ thiếu hiệu quả và gây ảnh hưởng đến mắt.
Nên đọc sách ở nơi yên tĩnh, thoải mái
Phòng riêng, quán cafe yên tĩnh hoặc thư viện là những nơi rất thích hợp
cho việc đọc sách.
Bạn cũng có thể sử dụng tai nghe bật tiếng mưa, tiếng sóng vỗ, tiếng ồn
trắng hay nhạc không lời – Đây là những âm thanh được các nhà khoa học khuyên
nghe để giúp con người tập trung hơn.
Nghe sách nói
Đối với một số người thì việc đọc một trang giấy kín chữ đã là điều vô
cùng khó khăn, nguyên nhân là do mắt kém, hoặc do họ đã rời xa việc đọc quá
lâu. Lúc này, sách nói là một giải pháp hữu dụng.
Bạn có thể bắt đầu với việc nghe thay vì đọc, nghe vào thời gian rảnh
hoặc buổi tối trước khi đi ngủ, mỗi ngày nghe một ít. Đã từng có rất nhiều người
nhờ nghe sách nói mà trở nên yêu sách, rồi từ sách nói chuyển sang đọc sách giấy,
và cuối cùng họ thoát khỏi căn bệnh lười đọc sách.
Mua sách giấy.
Bạn chắc chắn không thể đọc sách nếu… không có sách.
Việc bỏ tiền đầu tư vào sách giấy giúp bạn có trách nhiệm và nghiêm
túc hơn với mục tiêu xây dựng thói quen đọc sách. Ngoài ra, sách giấy tiện lợi
cho bạn mang đi khắp nơi để đọc được bất cứ lúc nào. Đặc biệt, theo một nghiên
cứu, con người ghi nhớ tốt hơn khi đọc sách giấy thay vì sách điện tử.
Việc bỏ tiền đầu tư vào sách giấy giúp bạn có trách nhiệm và nghiêm
túc hơn với mục tiêu xây dựng thói quen đọc sách.
Nhắc nhở bản thân phải đọc mỗi ngày.
Trong văn hóa Nhật Bản, có một phương pháp mà dù lười đến mấy bạn cũng
có thể vận dụng để hoàn thiện bản thân, nó được gọi là Kaizen hay Nguyên tắc 1
phút.
Cốt lõi của nguyên tắc này là để tạo dựng một thói quen tốt, hãy
làm nó trong 1 phút tại cùng một thời điểm mỗi ngày.
Ngay cả những người lười nhất cũng có thể quen với việc đọc sách nếu ứng
dụng nguyên tắc Kaizen
Do đó, bạn chỉ cần thiết lập mục tiêu là đọc sách 1 phút vào một khoảng
thời gian nhất định hằng ngày, yêu cầu này chắc chắn không thể làm khó một ai,
và tin chắc rằng những trang sách sẽ giữ chân bạn lâu hơn là 1 phút.
Kết nối với cộng đồng những người đọc sách.
Đọc sách cũng nên có hội
Bạn có thể tham gia vào các câu lạc bộ/ hội nhóm đọc sách hoặc kết bạn
với những “mọt sách” để có nhiều cảm hứng hơn. Việc có thêm người đồng hành làm
gia tăng sự ảnh hưởng lên chính bạn. Ngoài ra, hành động cùng trao đổi, trò
chuyện về những cuốn sách vừa giúp bạn ghi nhớ nội dung sách lâu hơn, vừa cung
cấp thêm kiến thức với những góc nhìn đa chiều hơn.
ST