PHONG ĐỘ CỦA BẬC TRÍ HIỀN
Như Đức Phật đã dạy: "Nhìn lỗi người thì dễ, song quả thật khó mà
thấy được lỗi lầm của chính mình" nên người ta thường chê trách, phê phán
kẻ khác hơn là tự phản tỉnh để kiểm điểm chính mình. Thực ra đó là một hình thức
trốn tránh trách nhiệm. Tại sao chúng ta không can đảm nhận lỗi lầm và chịu
trách nhiệm về những kết quả của lỗi lầm đó?
Lắm khi chúng ta gặp phải một số người tìm cách lợi dụng lòng khoan
dung và đức kiên nhẫn của ta và cũng lắm khi thái độ nhường nhịn có thể bị xem
là hèn nhát. Chúng ta không nên vì thế mà nản lòng hay khó chịu vì nếu lương
tâm chúng ta quang minh, thái độ chúng ta chính trực thì ắt phải được các bậc
thiện trí thức ca ngợi.
Thực ra, chính kẻ hiếu thắng mới yếu hèn, còn người biết nhường nhịn
luôn có một tâm hồn vững mạnh.
Quan trọng là hành động đúng chứ không phải là những lời khen chê đàm
tiếu. Vả lại Đức Phật dạy rằng: "Không bao giờ có một kẻ hoàn toàn được
khen hay hoàn toàn bị chê, dù trong quá khứ, hiện tại hay mãi mãi về sau".
Và Ngài dạy tiếp: "Như ngọn núi đá kiên cố không bị gió lay, những lời tán
dương hay phỉ báng không lay động được bậc đại trí".
Chúng ta không dám so sánh với các bậc Thánh hiền, nhưng nếu chúng ta
luôn cố gắng sống nhẫn nại, trầm tĩnh, sáng suốt thì cũng có thể tự thắng mình
và vượt qua được những đối nghịch trong đời. Nếu có kẻ đối nghịch gây rối chúng
ta, thì đó là cơ hội để chúng ta trắc nghiệm lại khả năng trí tuệ, đạo đức,
lòng kiên nhẫn và đức khiêm từ của mình có đủ sức bao dung và hóa giải hay
không?
Trái lại, nếu chúng ta cũng cư xử như kẻ điên rồ bằng cách tích lũy
lòng oán hận, cố báo thù trả oán, thì hóa ra chúng ta tự hạ phẩm giá của mình
xuống ngang hàng hay thấp kém hơn kẻ điên rồ ấy. Căn bản giáo dục và kiến thức
đạo đức có ích gì khi ta không biết tùy cơ ứng xử cho hợp tình hợp lý?
Chính vì thấy kẻ khác hành động điên rồ, tội lỗi mà chúng ta không nên
giẫm lên vết chân lầm lạc của họ. Đó là lý do vì sao người xưa nói: "Kiến
hiền tư tề yên, kiến bất hiền nhi nội tự tỉnh giả" (Thấy người tốt nên học
theo, thấy kẻ xấu nên tự kiểm lại mình).
Hơn nữa, không có bậc Thánh nào không từng lầm lỗi, và cũng không có
ai lỗi lầm mãi mãi, nên dù là người xấu thì chúng ta cũng nên cảm thông, thương
yêu và độ lượng hay ít ra cũng nên chịu khó nhẫn nhịn để tạo cơ hội cho họ cải
ác tùng thiện hơn là tìm cách cô lập hay trừ khử họ.
Cải thiện người xấu cũng như một lương y chữa trị những căn bệnh dễ
tái phát, cần phải nhẫn nại, khoan từ. Đức Phật đã nêu tấm gương sáng cho chúng
ta khi Ngài lấy đức trầm tĩnh, nhẫn nại, khoan từ, bi mẫn, chân thật, trí tuệ
v.v. để cảm hoá dạ- xoa Alāvaka, tướng cướp Angulimāla, nàng Cincā, long vương
Nandopananda hay Phạm thiên Bāka... Vì vậy, chúng ta nên nghĩ rằng càng nhiều
nghịch cảnh càng có nhiều cơ hội thực hiện ba-la-mật trên đường tự giác, giác
tha.
Giữa chúng ta nhiều người có thiện tâm, không bao giờ làm hại kẻ khác,
nhưng lắm khi họ vẫn bị chỉ trích và vẫn gặp ít nhiều khó khăn trên đường đời mặc
dù họ luôn luôn giúp đỡ kẻ khác. Vì thế họ nghĩ rằng: Nếu ở hiền gặp lành, ở ác
gặp dữ thì tại sao ta làm lành mà lại gặp khó khăn và hành động từ thiện của ta
vẫn bị người chỉ trích?
Đức Phật dạy rằng: "Khi thi ân ta không nên cầu được báo
đáp", hơn nữa không phải kẻ thọ ơn nào cũng là người biết ơn và đền
ơn.
Không có gì cao đẹp bằng một người thi ân không mong được đền ơn đáp
nghĩa. Nếu làm được như vậy chắc chắn chúng ta không bao giờ cảm thấy buồn nản,
thất vọng khi bị vong ơn bội nghĩa.
Tuy vậy, trong một ngày nào đó, dù muốn dù không, chắc chắn chúng ta sẽ
gặt hái được kết quả xứng đáng do hành động phước thiện mà ta đã làm, đúng như
lời cổ nhân đã nói: "Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo; nhược hoàn bất
báo thời thần vị đáo", nghĩa là nhân lành thì quả lành, nhân ác thì quả dữ,
sở dĩ chưa trổ quả là chưa đúng lúc đó thôi.
Mặt khác, việc lành mà chúng ta đang làm như cây mới trồng chưa đến thời
đơm hoa kết trái, còn những điều bất hạnh mà chúng ta gánh chịu hiện nay lại là
kết quả của những nhân bất thiện nào đó mà ta đã tạo trong nhiều kiếp quá khứ.
Nếu biết nghiệp quá khứ đang trổ quả xấu trong hiện tại thì chúng ta nên can đảm
và bình tĩnh mà nhận lãnh trách nhiệm của mình. Thái độ chánh trực đó hoá giải
được lực đối kháng khiến chúng ta không chịu đựng một cách căng thẳng và làm giảm
nhẹ áp lực của phiền não khổ đau. Đồng thời cũng không tạo thêm nhân bất thiện
nào khác cho hậu quả tương lai. Nhờ hiểu biết như vậy chúng ta có thể dễ dàng
vượt qua mọi trở ngại để tiếp tục con đường phước thiện.
Đức Phật dạy: "Hạnh phúc thay chúng ta sống không thù hận giữa những
người thù hận, giữa những người thù hận chúng ta sống không thù hận. Hạnh phúc
thay ta sống tinh cần giữa những người nhu nhược, giữa những người nhu nhược ta
sống tinh cần".
Trong thực tế đời thường, không ai hoàn toàn thoát khỏi lo âu phiền muộn,
trừ phi chúng ta trở thành bậc toàn thiện. Tuy nhiên, nếu chúng ta thấu hiểu được
bản chất của cuộc sống, không bất mãn phàn nàn, không lo âu sợ hãi mà can đảm
nhận lãnh hậu quả của hành động mình thì đau khổ không những không còn làm cho
chúng ta sa đọa, mà còn giúp chúng ta vươn đến một đời sống chân - mỹ - thiện.
Gặp nguy khó mà vẫn giữ được trầm tĩnh, sáng suốt. Giải quyết mọi vấn
đề mà không tỏ ra bối rối lo âu. Khi sai lầm sẵn sàng nhận lãnh trách nhiệm thì
mới thật là phong độ của bậc hiền trí...
Thầy Viên Minh - trích "Con Đường Hạnh Phúc"