HÀNH TRÌNH CỦA ĐẠI BÀNG

MỌI KHỔ ĐAU & PHIỀN MUỘN ĐỀU DO CHÍNH MÌNH TẠO RA, KHÔNG DO AI KHÁC

Khổ đau hay phiền muộn của chúng ta do chính chúng ta tạo ra, chứ không phải là những tai ách di truyền hay tội tổ tông từ cha ông để lại, hay từ thế giới bên kia trở về ám ảnh chúng ta, như nhiều người quan niệm. 

Cũng không có thưởng phạt từ một đấng toàn năng tối thượng có quyền xét công xử tội chúng ta. Chính luật nhân quả nghiệp báo mới là cơ quan phán xử công minh, chính xác, vô tư và hợp lý nhất đối với hành vi của mỗi mỗi con người.

Luật nhân quả nghiệp báo tự động vận hành một cách tinh vi nghiêm ngặt ngay trong hành vi tạo tác của mỗi người, vì vậy không thể tránh né trách nhiệm về đời sống của chính mình, phải biết nhìn nhận những ưu khuyết, đúng sai, thiện ác trong mỗi hành vi động-tịnh của mình chứ không quy trách nhiệm cho bất kỳ ai khác dù đó là Thượng Đế. 

Đổ tội cho kẻ khác hay cho điều kiện bên ngoài thì dễ nhưng thật ra khi hành động như thế chúng ta vô tình rước thêm phiền lụy và tạo cho mình nhiều đối nghịch hơn.

Như người xưa đã nói: "Kẻ tiểu nhân luôn tìm cách chỉ trích kẻ khác, người trung nhân tự khiển trách mình và bậc đại nhân không tự trách mình cũng chẳng trách người". Vì thế, là người trí chúng ta phải tự giải quyết những vấn đề riêng tư của mình không nên phiền trách ai khác. 

Hơn thế nữa, khi gặp một nghịch cảnh hay bị một người nào đó làm phiền lụy, chúng ta cần phải trầm tĩnh, sáng suốt để quan sát, lắng nghe, suy nghiệm hầu thấy được mối liên hệ nhân quả của sự kiện, từ đó chúng ta học hỏi được chính mình và thế giới xung quanh. 

+ Nếu phát hiện nguyên nhân lỗi lầm từ phía chúng ta thì chúng ta có trách nhiệm xin lỗi, đền bù và cần phải tự sửa để đừng gây thêm thiệt hại cho mình và người. 

+ Nếu nguyên nhân từ phía bên ngoài thì chúng ta lại càng phải trầm tĩnh, sáng suốt và nhẫn nại hơn để tìm hiểu lý do có sự hiểu lầm. Nhẫn nại, trầm tĩnh, sáng suốt và khoan dung là phong thái được các bậc Thánh hiền từ cổ chí kim áp dụng hữu hiệu nhất để tự chủ, để vượt qua mọi trở lực trên đường đời. Và cũng lắm khi chính nhờ những đức tính nầy mà các ngài đã cảm hóa được những kẻ thù nghịch nguy hiểm nhất.

Khi bị tổn thương chúng ta thường phản ứng thù nghịch do quá tự ái, tự vệ mà quên rằng biết đâu chính kẻ gây tổn hại cũng có hoàn cảnh đáng được thương yêu và thông cảm. Hoàn cảnh, trình độ nhận thức, lòng tham lam, ích kỷ, nóng giận hoặc chỉ là một chút danh dự, một chút hiểu lầm mà người kia không làm chủ được mình và đã không ngần ngại gây thương tổn cho ta. 

Thực ra, chính chúng ta lắm lúc thiếu sáng suốt tự chủ cũng đã từng hành động như vậy, thế mà ít khi chúng ta thấy được lỗi mình, chỉ lo tìm lỗi đối phương.

Trong Pháp cú kinh Đức Phật dạy rằng: "Chớ nên dòm ngó lỗi người, chớ nên xem họ đã làm gì hay không làm gì. Chỉ nên nhìn lại mình thử đã làm được gì và chưa làm được gì".

Vì không mấy ai đạt được toàn chân toàn thiện, nên bất cứ người nào cũng có thể phạm lỗi lầm dù vô tình hay cố ý. Nếu quả thật "Nhân vô thập toàn" thì liệu chúng ta đã là người hoàn toàn không có lỗi lầm chưa? Và như thế tại sao chúng ta không cố gắng sửa đổi lỗi lầm của mình mà lại chỉ trích kẻ khác?

Nếu mọi người đều biết tự tu, tự sửa, tự nhận trách nhiệm về mọi hành động của mình chứ không quy trách cho kẻ khác thì thế giới trở nên thái bình, an lạc, không có loạn ly, tranh chấp, không có đố kỵ, oán thù...

Thầy Viên Minh - trích "Con Đường Hạnh Phúc"

Được tạo bởi Blogger.