HOẠCH ĐỊNH NGHỀ NGHIỆP CHO HỌC SINH LỚP 12
Dựa trên thuyết con nhím, cha mẹ/thầy cô/người thân có thể cùng con hoạch định nghề nghiệp cho tương lai dựa trên 5 bước cơ bản sau đây:
Bước 1: Khám phá “thứ con
thích”
Đầu tiên, hãy cùng con tìm ra sở thích của mình. Bước này khá dễ dàng
với cha mẹ, vì cha mẹ là người theo sát con từ hồi còn lọt lòng, nên hiểu khá
rõ về thiên hướng cũng như ước mơ của con. Nếu con đã biết xác định rõ đam mê của
mình, cha mẹ có thể chuyển sang Bước 2 luôn. Nhưng nếu con vẫn đang loay hoay
không biết mình thích làm gì, cha mẹ có thể dựa vào một số câu hỏi gợi ý sau:
- Con có hứng thú đặc biệt với môn học gì ở trường?
- Con có sở thích hay đam mê tìm hiểu về lĩnh vực gì?
Bước 2: Xác định “thứ con giỏi”
Ở bước này, cha mẹ cần đánh dấu những điểm mà con có khả năng vượt trội.
Để dễ dàng đánh giá điểm vượt trội của con, cha mẹ có thể dựa trên nhiều yếu tố
để đưa ra giả định khách quan, chính xác như điểm các môn học trên trường của
con, cách con suy nghĩ và ra quyết định hàng ngày… Từ điểm vượt trội đó, cha mẹ
sẽ dễ dàng đưa ra danh sách những nghề nghiệp có thể phù hợp với năng lực của
con.
Chẳng hạn, nếu con hay đạt điểm cao về môn Toán, hay có khả năng tính
nhẩm khá nhanh tiền khi đi mua sắm cho cả nhà, rất có thể con có khả năng phân
tích logic về số liệu. Với năng khiếu này, con có thể lựa chọn các nghề nghiệp
phù hợp như kế toán, kiểm toán, phân tích tài chính…
Bước 3: Tìm hiểu “thứ xã hội
cần”
Cho dù có đam mê hay năng lực về lĩnh vực gì, thì lựa chọn nghề nghiệp
của con cũng cần phù hợp với đòi hỏi của xã hội. Hay nói cách khác, ngoài chuyện
giúp con xác định đam mê và năng lực của mình, cha mẹ cũng nên cập nhật thường
xuyên xu hướng về nghề nghiệp trong xã hội, để có cái nhìn thực tế hơn.
Cha mẹ có thể dễ dàng tra cứu và tổng hợp thông tin về thị trường lao
động thông qua một số nguồn tham khảo như website của Tổng cục thống kê, các
trang báo chính thống, hay qua thông tin truyền miệng từ người thân, bạn bè.
Ngoài các luồng thông tin trên, cha mẹ cũng có thể chủ động nhờ tư vấn từ các
chuyên gia qua phòng hướng nghiệp của các trường Đại học uy tín như RMIT.
Bước 4: Tìm điểm giao thoa -
“nghề nghiệp lý tưởng”
Đây là bước quan trọng nhất trong Thuyết con nhím. Dựa trên ba yếu tố
(tương ứng với ba bước) nêu trên, cha mẹ cùng con lựa chọn ra nghề nghiệp phù hợp
nhất.
Chẳng hạn, theo ví dụ đã đề cập ở trên, nếu con thích tính nhẩm nhanh,
và hay được điểm cao trong môn toán, con có thể theo một trong các ngành như kiểm
toán, kế toán, phân tích tài chính… Hiện tại, nghề phân tích tài chính đang có
xu hướng đi lên khi ngày càng nhiều công ty cần nhân sự phân tích và tối ưu tài
chính doanh nghiệp. Trong khi đó, thị trường hiện đã thừa nhân lực về kế toán,
kiểm toán. Vậy nên, nghề nghiệp thích hợp cho con và giúp con bớt được cạnh
tranh, cũng như tăng cơ hội phát triển sự nghiệp chính là nghề phân tích tài
chính.
Tất nhiên, không phải lúc nào cũng có thể tìm được điểm giao thoa phù
hợp. Chẳng hạn như con đam mê tìm hiểu về lịch sử và có kết quả học tập khá cao
cho môn này. Thế nhưng, các ngành về lịch sử lại có rất ít cơ hội việc làm và
có nhu cầu nhân sự không cao. Trong trường hợp này, thay vì làm nhà sử học, cha
mẹ có thể linh hoạt giúp con tham khảo các ngành có liên quan đến lịch sử như
làm về văn hoá trong các tổ chức phi chính phủ. Các vị trí về lịch sử – văn hoá
trong tổ chức phi chính phủ sẽ giúp con tiếp cận được nhiều cơ hội hơn trong
tương lai, mà vẫn thoả mãn sở thích ban đầu của con.
Bước 5: Đánh giá, điều chỉnh
lại bản thân
Sau khi đã xác định điểm giao thoa (nghề nghiệp đã chọn), cha mẹ cần
giúp con đánh giá định kỳ lựa chọn của mình so với ba yếu tố còn lại theo gợi ý
sau:
Thứ con thích: Con có còn yêu thích nghề mình chọn hay không?
Thứ con giỏi: Con có còn duy trì kết quả học tập cho các môn có liên
quan đến nghề đó tốt hay không? Con có còn tự trau dồi kiến thức về các môn học
đó hay không?
Thứ xã hội cần: Nghề mà con chọn hiện đang có chiều hướng đi lên về
nhu cầu không? Còn có nhiều vị trí trống cho nghề đó không? Hay các nhà tuyển dụng
có đang ráo riết tìm nhân sự cho vị trí đó hay không?
Từ kết quả đánh giá định kỳ, cha mẹ có thể cùng con đưa ra điều chỉnh
bản thân sao cho phù hợp với cả ba yếu tố trên.
Nguồn bài viết: ĐH RMIT