XIN ĐỪNG NẮM GIỮ TÌNH YÊU
Khi yêu một ai đó tha thiết, luôn có một suy nghĩ vô thức trong ta rằng
phải nắm giữ họ, phải bảo vệ lấy tình yêu này. Và trong đa số trường hợp, chính
quan điểm yêu ấy lại khiến mỗi quan hệ lãng mạn trở nên ngạt thở và chấm dứt
trong đớn đau.
Thực ra, không nắm giữ một điều gì khi yêu không chứng tỏ ta vô tâm
hay dửng dưng với nửa kia và với mối quan hệ, mà trong sự không nắm giữ với nhận
thức hoàn toàn trong sáng và đón nhận, niềm chân thành và không toan tính bên
trong mỗi người dễ dàng được bộc lộ. Lúc này, không chỉ ta mà đối phương vừa cảm
thấy tự do vừa có sự kết nối về mặt tâm hồn một cách sâu sắc.
Không đồng hóa vào khái niệm "họ là của mình"
Sau ngày nhận ra người đàn ông mà mình hết mực yêu thương ngoại tình,
A ngập tràn trong nỗi đau khổ. Cô không thể ăn ngon dù đó là những món ăn mà mỗi
ngày cô yêu thích. Cô không thể ngủ, thậm chí chìm đắm trong những cơn mộng mị
thâu đêm suốt sáng. Cô nhận ra cả thân thể lẫn tinh thần bị "nuốt chửng"
trong cảm giác nặng trĩu ấy. Quan sát những cơn đau liên hồi, có lúc lên đến đỉnh
điểm như thể chúng được ban phát sức mạnh xé tan lồng ngực và hủy hoại sinh mạng
mong manh này, trong một thoáng nhất thời, cô nhận ra bản thân đang đồng hóa rất
mạnh và bị cuốn rất nhanh vào những cảm xúc tiêu cực cùng những suy nghĩ thêu dệt
nên câu chuyện bất hạnh ấy. Cô thấy mình đang tự biến bản thân là nạn nhân của
cuộc đời mình. Chính quá trình "viết một vở kịch" bên trong này khiến
cô thêm hận và thêm oán trách người đàn ông mà cô từng yêu thương. Chỉ bởi vì
cô dính lấy suy nghĩ "anh ta là một nửa của mình".
Có biết bao nhiêu người khi yêu đã nắm giữ những khái niệm, những danh
xưng như vậy, để rồi khi cuốn vào đó thì chỉ thêm trách móc và giận hờn? Điều
này không chỉ diễn ra với phụ nữ, mà cả đàn ông. Họ đều có tin rằng chỉ khi xem
người kia là của mình, là một phần của cuộc đời mình, thì họ mới có thể bảo vệ
tình yêu ấy. Nhưng họ không nhận ra, với sự dính mắc này, thì khi người kia
không còn đáp ứng những kỳ vọng của họ, khi người kia không còn chung thủy với
họ nữa, thì tâm lý họ chắc chắn hoàn toàn sụp đổ. Càng nắm giữ, càng ngộp thở.
Như khi ta bóp nghẹt lấy lồng ngực mình, thì chẳng phải ta càng thêm đau đớn
hay sao?
Không nắm giữ không có nghĩa là bỏ rơi
Thật ra, khi nhìn thật sâu vào chính mình, thứ mà ta thực sự mong muốn
nhất trong đời ấy chính là tự do. Dù thoạt đầu, khi yêu đương thắm thiết, ta
thường ước ao đối phương và mình lúc nào cũng phải quấn quýt lấy nhau, cũng phải
cam kết, hứa hẹn và quan sát "nhất cử nhất động" của nhau để bảo vệ
tình cảm thăng hoa này. Chúng ta tin rằng bằng cách ấy, tình yêu sẽ ngọt ngào
mãi mãi. Nhưng thực tế không bao giờ diễn ra theo cách ấy.
Sau một thời gian suy nghĩ và hành xử theo cách này, nhiều cặp đôi trở
nên mệt mỏi và muốn không gian riêng tư, như một khoảng không lớn hơn để tự do
"hít thở". Vì trong khi yêu, quan tâm quá sẽ trở thành bận tâm, và bị
cuốn vào nhau quá nhiều sẽ trở thành phụ thuộc và luyến ái. Điều này khiến cho
bản chất tự do bên trong mỗi người cảm thấy tù túng.
Vì thế, không nắm giữ đối phương không có nghĩa là bạn bỏ rơi họ, mà để
cho họ được quyền tự do theo cách họ đang mong muốn. Và với bạn, đơn giản là
luôn ở đó, lắng nghe, hỗ trợ và chăm sóc khi họ thực sự cần. Điều này tạo ra những
"khoảng thở lành mạnh" cho yêu đương và hôn nhân. Sự tiếp cận chân
thành và trong sáng này cũng kích hoạt chiều không gian tĩnh lặng và tự do bên
trong đối phương, để họ có thể mang đến cho bạn thái độ ứng xử tương tự.
Càng mong cầu càng thất vọng
Đôi khi, chúng ta đã quá đặt nặng ý nghĩa cho mối quan hệ này nên tin
vào những câu chuyện lý tưởng do mình huyễn hoặc. Chẳng hạn, khi ta gặp một người
có cùng cá tính, sở thích với mình, và cả hai có thể chia sẻ đủ thứ, ta thường
rơi vào niềm tin vô thức rằng "họ chắc chắn là người bạn đời mà vũ trụ gửi
đến cho mình, là tri âm tri kỷ không thể thiếu của mình". Nhưng rồi, sau
khi trải qua những tháng ngày bên nhau, đối diện với những mặt tốt lẫn xấu ở
người kia, và cùng đó là những điều kiện sống của cả hai cũng thay đổi, bạn
không còn thấy rằng họ là "một nửa" của mình nữa. Cũng trong nhiều
trường hợp, người kia chọn ra đi vì một lý do nào đó, nhưng bạn còn dính mắc
vào khái niệm "họ là tri kỷ của mình", thì hẳn nhiên sẽ có một sự sụp
đổ về mặt tâm lý bên trong bạn.
Càng mong cầu, càng thất vọng. Nếu ta để cho mối quan hệ được diễn biến
một cách tự nhiên, tức không có nhiều huyền hoặc và toan tính trong đấy, ta sẽ
luôn đón nhận bất cứ điều gì xảy đến cho mối quan hệ, và xem đó là thách thức
hay bài học cần thiết cho sự trưởng thành. Lúc này, cũng chẳng có oán thán hay
trách móc, cũng chẳng có ghen tuông hay giận hờn, mà đơn giản là một lời cảm ơn
sâu sắc và chân thành đến họ vì đã bước qua cuộc đời mình và để lại một thông
điệp vô giá: "không nắm giữ tình yêu".
ST