ĐỪNG MẮC KẸT VÀO TUỔI TÁC
Sống với ý thức rằng mình không bao nhiêu tuổi là một điều thực sự
quan trọng, vì lúc đó, bạn cũng sẽ không còn nhìn mình và người khác thông qua
số tuổi. Sự tôn trọng luôn đến từ bên trong, và sự tử tế cũng không đợi một số
tuổi nhất định để phát huy, mà nó luôn sẵn ngay đó, vượt qua mọi sự thay đổi về
mặt hình tướng.
Giáo dục luôn dạy chúng ta rằng phải gọi cô, chú, dì, bác, anh, chị...
với những người lớn tuổi hơn mình để thể hiện lòng tôn trọng. Nhưng chính cách
dạy đó khiến con người luôn đặt nặng danh xưng, và cho rằng gọi thế này mới
đúng, và gọi thế kia là sai, gọi vậy là hỗn, chưa tôn trọng... Mọi quy định đều
tương đối, phương Tây họ đỡ rối rắm về cách xưng hô hơn người Việt (nhưng đây
chỉ là một sự so sánh để cho thấy cái bề mặt phương Tây đơn giản, chứ không hề
có ý định kiến sự xưng hô ở Việt Nam).
Và như đã trình bày, sự tôn trọng đến từ bên trong. Chúng ta tôn trọng
tất cả người khác nhưng điều đó không có nghĩa rằng một người ít tuổi hơn phải
thể hiện sự lễ phép hơn, tôn kính hơn, hạ mình hơn một người nhiều tuổi hơn họ,
hay một người ít tuổi hơn là nhận thức thấp hơn hay không có kinh nghiệm nhiều
như người lớn hơn tuổi.
Khi còn bé, một em bé có thể có nhận thức không thể như người lớn,
nhưng khi đứa trẻ càng lớn lên thì nhận thức của chúng bắt đầu bung nở, và thật
khó để so sánh một người 18 tuổi với một người 30 tuổi bên nào là nhận thức tốt
hơn một cách chủ quan. Vì nhận thức của một người tùy thuộc vào bài học mà họ
đã học trong những hành trình sống, và có người học nhanh và có người học chậm,
điều này không thể nghĩ bàn qua tuổi tác. Suy cho cùng, tuổi tác chỉ là một biểu
hiện của việc già đi của mỗi người về mặt hình tướng mà thôi.
Tất nhiên, điều đó không có nghĩa rằng chúng ta cứ gọi người khác theo
ý muốn của ta, mà cách trình bày này chỉ để mỗi người có thể tiếp cận người
khác mà không bị mắc kẹt vào số tuổi của họ. Sự xưng hô sẽ tùy thuộc vào hai
bên mà đưa ra cách ứng xử cho khéo léo. Chứ cũng không nên bắt ép họ phải theo
ý mình. Nhưng điều quan trọng là nhận thức bên trong, chứ không phải là bên
ngoài. Một người có thể gọi người kia là "bác", nhưng sự tôn trọng mà
họ thể hiện không phải vì đối phương lớn tuổi hơn, mà vì đó là bản chất và thái
độ sống của họ với tất cả mọi người. Và cũng không vì đối phương ít tuổi hơn,
mà bạn thể hiện tính quyền lực và áp đặt của một người lớn tuổi. Chính nhận thức
tôn trọng từ bên trong này mới là tính bình đẳng trong xã hội. Khi bạn yêu cầu
người khác bình đẳng với mình, thì chính bạn cũng cần xem lại bản thân liệu có
đang đối xử định kiến với người khác.
Trang PS