LỜI BẠT CUỐN SÁCH "HƯỚNG DẪN XÂY DỰNG TỦ SÁCH GIA ĐÌNH" CỦA GIÁM ĐỐC NXB PHỤ NỮ
Dù đã biết và làm việc với Nguyễn Quốc Vương khoảng 10 năm, tôi vẫn
không khỏi ngạc nhiên khi Vương quyết định nghỉ làm để ở nhà, chuyên chú đọc
sách, dịch sách, viết sách, bán sách và “làm Khuyến đọc”. Tôi vẫn thường băn
khoăn tự hỏi, đằng sau quyết định có vẻ “mạo hiểm” với chính Vương và gia đình
của anh, lý do thực sự là gì? Phải chăng, đó chính là khát vọng “xây nền văn
hoá quốc gia” của một trí thức trẻ dám dấn thân trong thế kỷ XXI hôm nay…Ở Lời
nói đầu của cuốn sách này, Nguyễn Quốc Vương cũng đã nói rõ quyết định “nghỉ
hưu” ở tuổi gần 40 của anh không phải là một quyết định “bột phát”. Quyết định
đó đã được suy nghĩ rất kỹ từ nhiều đêm khó ngủ, từ gần 10 năm du học Nhật Bản,
từ khi anh trở về Việt Nam trải qua hết khu vực nhà nước, đến khu vực tư nhân
và cuối cùng, anh lựa chọn chính “khu vực” cho mình: làm chủ thời gian của
mình, làm chủ cuộc đời mình và đóng góp cho trẻ em, cho giáo dục và cho tương
lai của đất nước qua hoạt động Khuyến đọc: kêu gọi mọi người, mọi gia đình nâng
cao nhận thức về việc đọc sách, xây dựng tủ sách gia đình, nhà trường và cộng đồng;
từ đó góp phần nâng cao dân trí, thúc đẩy cải tạo xã hội. Khi đã xác định rõ mục
tiêu của cuộc đời, Vương dấn thân như một người cách mạng chân chính, anh tin rằng
Khuyến đọc ở Việt Nam sẽ là chìa khóa để mọi người sống có văn hóa, sống hạnh
phúc và cùng nhau kiến tạo xã hội văn minh.
Ngay cả khi chúng ta đã sống ở thế kỷ XXI, ở Việt Nam, lựa chọn làm một
trí thức tự do và dấn thân không dễ, một trí thức làm Khuyến đọc càng khó. Nỗi
lo cơm áo gạo tiền vẫn là nỗi lo thường trực với cá nhân; hiện thực buồn về văn
hóa đọc ở một đất nước gần 100 triệu dân dễ làm chúng ta nản lòng: hầu hết trẻ
em và người lớn đều không có thói quen đọc sách (ngoài đọc sách giáo khoa), còn
lại theo ước tính “vo” thì trung bình người Việt Nam đọc 0,8 cuốn sách/năm. Hiện
thực buồn này được Vương đem ra so sánh: hầu hết các nước phát triển đều là những
nước coi trọng văn hóa đọc; nếu Việt Nam hôm nay không coi trọng phát triển văn
hóa đọc thì không chỉ mỗi cá nhân “có một lỗ hổng lớn trong nền tảng văn hóa của
bản thân”, mà đất nước cũng sẽ là một quốc gia “mù đọc”, một quốc gia không có
nền tảng để phát triển bền vững và vĩnh viễn không có cơ hội sánh vai với các
nước tiên tiến trên thế giới.Vương đã làm Khuyến đọc theo cách của riêng mình,
đồng thời anh cũng truyền cảm hứng và chia sẻ kinh nghiệm của cá nhân đến mọi đối
tượng: Anh nhận lời Khuyến đọc - nói chuyện về đọc sách cho học sinh, thầy cô
giáo, nhà trường, nhà văn hoá, thư viện, nhà máy, xí nghiệp, công ty,… thậm chí
cho cả một số nhà tù,… Giống như Nguyễn Quang Thạch - người sáng lập chương
trình “Sách hóa nông thôn” - người cho rằng “không cho trẻ em đọc sách” là “có
tội”, Nguyễn Quốc Vương cũng chua xót: “người Việt chúng ta sẽ bắt đầu từ đâu nếu
như không phải là từ chính gia đình của mình”? (tạo điều kiện cho trẻ em đọc
sách từ nhỏ).Vương viết khá nhiều sách liên quan đến giáo dục để nêu rõ mối
quan tâm của mình về văn hoá, về giáo dục, về lịch sử nước nhà (mà anh cho rằng
có quan hệ mật thiết với việc đọc sách và văn hoá đọc). Có cuốn sách anh viết sục
sôi nhiệt huyết, thẳng thắn chỉ ra giáo dục Việt Nam cần làm gì và học gì từ những
nước phát triển (Giáo dục Việt Nam học gì từ Nhật Bản, Đi tìm triết lý giáo dục
Việt Nam, Đường xa nghĩ về giáo dục Việt Nam); có cuốn sách như là công trình thực
chứng về đổi mới giáo dục để có một lớp trẻ yêu lịch sử, văn hoá nước nhà, có
tư duy phản biện và độc lập suy nghĩ (Môn Sử không chán như em tưởng, Hoạt động
trải nghiệm dành cho học sinh tiểu học, từ lớp 1 - lớp 5); có cuốn sách đau đáu
để khẳng định vai trò của giáo dục và vai trò của sách trong việc xây nền móng
giáo dục quốc dân; để cổ vũ, để chia sẻ khó khăn của người biết việc mình đang
làm là vô cùng gian nan, mong tìm người “đồng điệu” (Đọc sách và con đường gian
nan vạn dặm); có cuốn sách hướng dẫn và thiết tha kêu gọi “Xây dựng tủ sách gia
đình - Cùng đọc để sống hạnh phúc và kiến tạo xã hội văn minh”; và hơn hết, có
cuốn sách ngập tràn tình yêu quê hương xứ sở, tình yêu với “cố hương” - quê cũ,
nơi đã nuôi dưỡng anh nên người (Mùi của cố hương, Điều bí mật trong vườn - tập
thơ, Tìm - tập thơ). Vương cũng dịch nhiều sách, đến nay đã lên đến gần 60
cuốn sách dịch (và hàng trăm bài báo). Sách Vương chọn dịch cho thấy sự quan
tâm lớn của anh đối với giáo dục từ cấp độ vĩ mô như quốc gia, dân tộc, thế giới,
cộng đồng, các giai tầng (Cải cách giáo dục Nhật Bản, Phẩm cách quốc gia, Phẩm
cách cha mẹ, Phẩm cách phụ nữ…) đến các cấp độ vi mô nhưng cũng quan trọng
không kém, đó là giáo dục ngay từ trong gia đình (nuôi dạy con, giáo dục nhi đồng,
giáo dục thanh thiếu niên: Sổ tay giáo dục gia đình Nhật Bản, các sách ehon,
sách dạy kỹ năng cho trẻ,…). Vương luôn mong mỏi và tin rằng, bằng sách, bằng
văn hoá, sẽ tác động để cải cách xã hội theo hướng “từ dưới lên” (kết hợp với
kiểu cải cách “từ trên xuống”) để mang lại hiệu quả tốt nhất cho thực tế hiện
nay ở Việt Nam.Vương kêu gọi cộng đồng tặng sách cho trẻ em và trường học những
vùng khó khăn, vùng dân tộc, miền núi.Vương thiết lập cộng đồng Khuyến đọc và hệ
sinh thái Khuyến đọc.Vương thường xuyên đọc, viết và giới thiệu những cuốn sách
hay trên kênh Facebook cá nhân, kêu gọi mọi người đọc sách và mua sách. Anh cập
nhật nhiều thông tin tích cực về văn hóa đọc để lan tỏa tình yêu sách đến mọi
người. Mạng xã hội là một trong các phương tiện làm việc hữu hiệu để phát triển
văn hoá đọc và chia sẻ các quan điểm về giáo dục của anh. Hiện nay anh nhận được
tín nhiệm cao với tư cách là người nghiên cứu giáo dục độc lập, một KOLs có lượt
người follow khá lớn trên kênh Facebook cá nhân và một số kênh khác do anh phụ
trách… Con đường Vương đi hiện nay đã có những người “khai mở” như anh
Nguyễn Quang Thạch với chương trình “Sách hoá nông thôn”; có những tập thể làm
tốt như Tủ sách Nhân ái, nhóm Chủ nhật yêu thương,…; có những Không gian đọc,
Điểm đọc, Trạm đọc; có các tủ sách cộng đồng, tủ sách gia đình,… phục vụ miễn
phí; có những tổ chức nước ngoài như Room to Read; có nhiều nhóm thiện nguyện lặng
thầm không ai biết việc “gieo sách” họ làm; và đặc biệt có những người bạn cùng
chí hướng, cùng có những nick facebook cũng không kém tình yêu sách như Vương
và nick “người bán sách rong” của anh: Cửu vạn sách, Phu sách… những người luôn
thầm lặng mà luôn hết mình với sách và văn hoá đọc…Vậy mà, tỷ lệ người đọc sách
ở Việt Nam hiện nay vẫn còn rất khiêm tốn: Mỗi người trung bình chỉ đọc 0,8 cuốn
sách/năm (không kể sách giáo khoa) nếu xét trên thực tế: mỗi năm Việt Nam xuất
bản 400 triệu bản sách thì có đến trên 300 triệu bản sách là sách giáo khoa…
Như vậy, còn rất nhiều việc phải làm để xây dựng Việt Nam thành một “quốc gia đọc
sách”.
Có khi nào Vương nghĩ mình cũng giống như Đôn Kihote, một mình đánh
nhau với cối xay gió không nhỉ? Hoặc, có khi nào anh thấy mình quá nhỏ bé trước
hiện thực “nan đề” của Việt Nam? (Vương đã từng viết: “Sau khi chinh phục được
“nan đề mấy ngàn năm” là nạn mù chữ, nước Việt Nam chúng ta lại đang đứng trước
một vấn đề mới, tế nhị hơn, phức tạp hơn và nguy hiểm hơn nhiều: “mù đọc” -
trích Đọc sách và con đường gian nan vạn dặm). Tôi nghĩ, hẳn nhiều khi Vương
cũng không khỏi không cảm thấy cô đơn trên con đường mình đã chọn (trong xã hội
còn nhiều “ngổn ngang” này), nỗi cô đơn thường trực trong những bài thơ trữ
tình, có lẽ anh viết như một thứ nhật ký bằng thơ: “Ngồi vào bàn cùng nỗi cô
đơn/Chữ nghĩa chảy tràn trên mặt giấy/Mực cạn/Cô đơn còn nguyên/Đêm đen thành
đêm trắng” (Đêm đen, ngày 14/7/2013, in trong tập thơ Tìm). Nhưng tôi tin Vương
sẽ vẫn luôn vững tin những gì Vương và nhiều bạn bè anh, những người thầm lặng
làm Khuyến đọc đã không mệt mỏi gieo những hạt mầm sách, hạt mầm chữ, để rồi
chan chứa niềm tin: “Những gì tay người gieo xuống/Đất sẽ thực hành phép nhân”
(Phép nhân, in trong tập thơ Điều bí mật trong vườn). Cũng như Vương, tôi
tin “đất sẽ thực hành phép nhân”, để nhân lên không chỉ những hạt mầm, những điều
kỳ diệu của thiên nhiên, tạo hoá mà còn nhân lên những điều tử tế anh và bạn bè
anh gieo hôm nay, nghiệp gieo sách và gieo chữ…Vương giờ đây có nhiều bạn bè, đồng
chí (những người cùng chí hướng) luôn đồng hành cùng anh, ủng hộ anh. Họ hiểu
khao khát muốn góp phần phát triển văn hoá, phát triển đất nước nơi anh: “Nhìn ở
cấp độ vĩ mô, sẽ thấy văn hóa đọc song hành với sự phát triển của quốc gia. Rất
khó để tìm thấy một đất nước nào phát triển, văn minh mà ở đó văn hóa đọc lại
thấp kém và ngược lại. Con đường cứu nước của bậc chí sĩ Phan Chu Trinh bắt đầu
từ việc "khai dân trí" bởi ông hiểu rằng để đất nước nhỏ bé của chúng
ta muốn thắng kẻ thù lớn mạnh hơn thì cần phải có kiến thức, cần giáo dục để tự
lực tự cường, hội nhập vào thế giới văn minh. Ở cấp độ vi mô - cá nhân, việc
đọc sách giúp con người trưởng thành về mặt tâm hồn, trí tuệ, có tư duy logic.
Đọc sách cũng là một cách thức giải trí văn minh, lành mạnh giúp cá nhân cân bằng
cuộc sống và cảm nhận được hạnh phúc. Đây là hình thức học tiết kiệm và hiệu quả
nhất bởi có thể học ở bất cứ chỗ nào, bất cứ khi nào và ở nhiều lĩnh vực”. Tôi
nhiều lúc cũng thấy chúng tôi làm Khuyến đọc như đá ném ao bèo. Có những vòng
sóng xao động đấy nhưng nhiều lúc không khỏi sốt ruột vì cái vòng sóng quá bé
nhỏ, quá yếu ớt so với “cái đám thói quen” giằng rịt tầng tầng lớp lớp như đám
bèo kia, cần rất nhiều cánh tay đưa ra để “phát quang” cái ao tù đọng vốn ít
thói quen đọc trong văn hoá Việt.... Làm Khuyến đọc ở Việt Nam thế kỷ XXI giờ
đây có thể đã đỡ “mịt mù” hơn đầu thế kỷ XX nhưng vẫn còn rất nhiều những hòn
đá tảng, những thành trì “vô hình” không phải dễ dàng có thể công phá vì thành
kiến, vì nhận thức kém, vì thiếu hiểu biết… về sách và văn hoá đọc. Ở góc độ
này, có một sự đồng cảm chẳng khác gì các cụ đầu thế kỷ XX: “Dân hai mươi triệu
ai người lớn/Nước mấy nghìn năm vẫn trẻ con” (Tản Đà)…Đầu thế kỷ XX trí thức Việt
Nam kêu gọi dùng chữ quốc ngữ, bỏ chữ Hán, và chữ Pháp để “cả nước thành thị,
nhà quê đều biết”. Cùng với đó là các cụ kêu gọi viết sách, dịch sách cho người
Việt làm sao để có thể hiểu dễ dàng nhất: viết dễ hiểu, dịch thoát ý, sau đó
trình độ của người đọc được cải thiện, sẽ có thể dịch lại, dịch kỹ hoặc đọc
nguyên bản (theo Nguyễn Văn Vĩnh); các cụ không chỉ hô hào đọc sách, lập nhà xuất
bản, nhà in,… mà còn có niềm tin mạnh mẽ vào “độc thư cứu quốc”, xây văn hoá đọc
trong quốc dân là xây nền văn hoá quốc gia…Nhìn lại một thế kỷ đã qua, nay
chúng ta vẫn đang đi lại con đường ông cha ta đã đi: Phan Chu Trinh, Nguyễn Văn
Vĩnh, Phạm Quỳnh, Nguyễn Hiến Lê,… Chúng ta vẫn đang tiếp tục kêu gọi người dân
quan tâm đến việc đọc sách, đến việc “khai dân trí, chấn dân khí”, chúng ta vẫn
cần có những con người phải hy sinh, phải dấn thân để gây nền dân trí nước
nhà…Đó là điều khiến Vương và những người làm Khuyến đọc, day dứt và rồi, dấn
thân. Mong một xã hội Việt Nam tốt đẹp hơn, văn minh hơn vì có một thế hệ mới
trưởng thành, biết trân trọng việc đọc sách và cùng xây dựng cộng đồng văn
minh.
Trong khi hy vọng vào tương lai với một thế hệ mới, chúng ta nên cùng
nhau đọc và chia sẻ cuốn sách Xây dựng Tủ sách Gia đình - Cùng đọc để sống hạnh
phúc và kiến tạo xã hội văn minh của Nguyễn Quốc Vương. Hy vọng rằng với cách
viết giản dị, gần gũi từ những trải nghiệm của chính gia đình anh, từ chiêm
nghiệm của chính anh và của những người làm Khuyến đọc, cuốn sách chia sẻ cùng
mọi người ý nghĩa nền tảng của việc đọc, ví như: “Tại sao lại là “gia đình đọc
sách”, “Xây dựng Tủ sách và đọc sách trong gia đình thế nào cho hiệu quả”, “Đọc
sách cùng con”, “Từ tủ sách gia đình bước ra thế giới”… Cuốn sách với Phụ lục đặc
biệt cùng “100 cuốn sách nên có trong Tủ sách gia đình”, “Cha ông ta nói về
sách và đọc sách” (gồm các bài viết của Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Nguyễn Duy
Cần, Nguyễn Triệu Luật, v.v), “Trò chuyện với ba người thắp lửa” (các bài phỏng
vấn Thầy Bùi Văn Đông - người điều hành Tủ sách Văn Bùi ở Ninh Bình; bạn Đỗ Hà
Cừ - người điều hành Không gian đọc Hy vọng ở Thái Bình; ông Phạm Thế Cường -
chủ thư viện Tư nhân lớn nhất Việt Nam hiện nay) và Danh sách một số thư viện
công cộng, Thư viện tư nhân/Tủ sách gia đình phục vụ miễn phí… có thể coi là một
cuốn cẩm nang tin cậy cho những ai đồng cảm với công việc Khuyến đọc, mong muốn
xây dựng văn hoá đọc cho gia đình, cộng đồng và xã hội, đặc biệt là muốn phát
triển văn hoá đọc ngay tại chính nơi mình đang sinh sống.Vương nhiều lần chia sẻ:
“Kể từ khi quyết định sẽ trở thành “người bán sách rong”, tôi hầu như không từ
chối bất cứ việc gì, bất cứ cơ hội nào nếu như nó có thể đem lại cho tôi một cơ
hội để nói cho người khác nghe về vai trò, ý nghĩa của văn hoá đọc cũng như giới
thiệu với họ những cuốn sách hay.
Cho dù nhìn lại lịch sử đã qua hay nhìn về tương lai, chúng ta sẽ đều
thấy năng lực đọc của từng cá nhân và văn hoá đọc của dân tộc có mối liên hệ mật
thiết với sự phát triển hay tụt hậu của quốc gia”. (Trích Đọc sách và con đường
gian nan vạn dặm). Có lẽ giờ đây mọi người không còn lạ lẫm khi gọi Nguyễn Quốc
Vương là “người bán sách rong”. Và chắc bản thân anh cũng không còn ngại hay xấu
hổ khi tự nhận mình là “người bán sách rong”. Anh đã tự mô tả mình trên
Facebook là “một người thích nghĩ, đọc, viết và làm nghề bán sách rong”. Anh
mong muốn: “Hợp tác rộng rãi và chặt chẽ với mọi người để tiến hành các hoạt động
khuyến đọc và khuyến học, qua đó thúc đẩy giáo dục và văn hóa đọc ở Việt Nam nhằm
kiến tạo đất nước Việt Nam hòa bình, dân chủ, văn minh và hạnh phúc”. Đọc những
dòng tự mô tả của Nguyễn Quốc Vương hôm nay, tôi thấy có một mạch ngầm tiếp nối
từ thuở cha ông xưa vẫn tiếp tục chảy cho đến hôm nay… Nếu cha ông ta xưa đỗ đạt
làm quan, họ “nhập thế” kinh bang tế thế, giúp dân, giúp đời, nếu thất thế,
không gặp thời hoặc muốn lánh đời, họ “xuất thế” để làm những Ngu ông, Lãn
ông,… nhưng tựu trung lại họ vẫn ưu thời mẫn thế, vẫn mang trí tuệ ra để dựng
xây, tài bồi cho đất nước… Nay, thế hệ trí thức mới có thể khiêm tốn, có thể thẳng
thắn, có thể tự trào,… họ cũng dùng những “tên hiệu” như cha ông thời xưa, nay
gọi là các nick name trên mạng xã hội,…nhưng họ cũng đang ngày đêm không thôi
đau đáu vì sự phát triển chung của đất nước, của dân tộc. Nguyễn Quốc Vương
“người bán sách rong” là một trường hợp như thế. “Người bán sách rong” viết
sách, dịch sách, bán sách và làm Khuyến đọc để nâng cao dân trí, để góp phần biến
“giấc mơ lãng mạn” của anh thành hiện thực, đó là xây dựng “Một đất nước mà hầu
như tất cả mọi người dân, từ người đứng đầu chính phủ tới trẻ em đều mê sách và
có thói quen đọc sách sẽ là một đất nước văn minh và lãng mạn. Tôi tin tưởng mạnh
mẽ rằng trong một đất nước như thế, cả người giàu và người nghèo, cả chính
khách và thường dân đều sống một cuộc sống thanh bình và hạnh phúc”. Câu chuyện
của Nguyễn Quốc Vương “người bán sách rong” thực sự là một câu chuyện truyền cảm
hứng về người trí thức lựa chọn tự do và dấn thân để được đóng góp trọn vẹn
khát vọng xây nền văn hoá quốc gia, “kiến tạo xã hội văn minh” như anh và nhiều
người trẻ hiện nay đang nỗ lực thực hiện. Đó là tín hiệu đáng mừng của văn hoá
nước nhà thế kỷ XXI hôm nay…Xin chúc cho con đường Vương đi - con đường xây nền
đọc sách cho gần 100 triệu quốc dân Việt Nam sẽ sớm “nở hoa”…
Hoa Phượng (Giám đốc Nhà xuất bản Phụ nữ)