HÀNH TRÌNH CỦA ĐẠI BÀNG

THỜI GIAN – PHIỀN NÃO – CÁI CHẾT

Tôi vẫn thường kể lại câu chuyện về một vị đại tông đồ đến gặp Chúa để học về sự thật, Chúa nói: “Hôm nay trời nóng quá, làm ơn mang cho ta một ly nước”. Vị tông đồ bèn gõ cửa căn nhà đầu tiên mà ông bắt gặp, một cô gái trẻ xinh đẹp ra mở cửa. Họ hẹn hò, cưới nhau, rồi sinh liền mấy đứa con. Một ngày nọ, trời bắt đầu mưa và cứ mưa mãi, dòng nước chảy xiết dâng cao khiến đường phố ngập lụt, cây cối, đồ đạc, nhà cửa đều trôi theo cơn lũ. Vị tông đồ nắm chặt tay vợ, trên vai cõng mấy đứa con. Khi sắp bị nước lũ cuốn đi, ông ấy gọi lớn: “Chúa ơi, hãy cứu con!”, Chúa hỏi lại: “Thế ly nước của ta đâu?”.

Đây là một câu chuyện thú vị, bởi hầu hết chúng ta suy nghĩ theo dòng thời gian. Con người không thể sống thiếu thời gian, việc ngắm nghĩ về tương lai là một trò tiêu khiển phổ biến giúp họ trốn thoát khỏi thực tại.

Chúng ta nghĩ rằng những thay đổi trong chính mình có thể xảy ra trong dòng thời gian, trật tự trong ta có thể được tạo nên dần dần, từng chút một mỗi ngày. Nhưng thời gian không mang lại trật tự hoặc bình an, vì vậy, chúng ta phải ngưng nghĩ về sự tiệm tiến. Không có ngày mai nào cho chúng ta an trú trong đó, vấn đề cần phải được giải quyết ngay lập tức.

Mỗi khi hiểm họa ập đến, thời gian dường như biến mất và chúng ta hành động tức khắc. Trên thực tế, có rất ít vấn để mà chúng ta nhận thấy nguy cơ từ chúng, thế nên, thời gian được xem như là phương tiện giúp ta vượt qua chúng. Điều đó thật giả trá, thời gian không giúp chúng ta tạo nên sự thay đổi trong chính mình, nó là một chuyển động được con người phân ly thành quá khứ, hiện tại và tương lai; do đó, họ luôn mắc kẹt trong tình trạng xung đột.

Nếu học hỏi là vấn đề của thời gian, cớ sao sau hàng nghìn năm, chúng ta vẫn chưa học được gì ngoài việc thù hận và tàn sát lẫn nhau. Con người cần giải cho ra bài toán thời gian nếu muốn sống một cuộc đời tốt đẹp hơn, bởi từ trước đến nay ta đã góp phần biến nó thành ra xấu xa và vô nghĩa.

Trước hết, chúng ta có thể nhìn vào thời gian chỉ với sự mới mẻ, hồn nhiên và vô tư của tâm thức. Mọi người đều bối rối với vô số vấn đề của mình, họ lạc lối trong mớ hỗn độn đó. Nếu một người bị lạc trong rừng điều đầu tiên cần làm là gì? Họ sẽ đứng lại và quan sát xung quanh. Thế nhưng càng bối rối và lạc lối trong cuộc đời, chúng ta càng chạy đôn chạy đáo, lùng kiếm, hỏi han và khẩn cầu. Điều tiên quyết ở đây là bạn để tâm mình lặng yên, bất động; khi đó, tâm trí trở nên bình an, sáng rõ và bạn có thể thật sự nhìn vào vấn đề thời gian này.

Khó khăn chỉ phát sinh trong thời gian, đó là khi chúng ta đối phó với vấn đề một cách hời hợt, rời rạc, phân tán, hoặc cố gắng trốn chạy khỏi nó - chúng ta không chủ tâm trọn vẹn trong thực tại. Chúng ta cứ mãi hy vọng mọi thử thách sẽ biến mất, hoặc được giải quyết ở một thời điểm nào đó trong tương lai.

Thời gian - về mặt tâm lý, không phải thời gian tuyến tính - là khoảng cách giữa ý niệm và hành động. Hiển nhiên, ý niệm có tính phòng vệ, đó là ý niệm về sự an toàn, chắc chắn, còn hành động thì mang tính tức thời. Nó không thuộc về quá khứ hoặc tương lai mà luôn ở trong hiện tại. Tuy nhiên, vì hành động có thể trở nên nguy hiểm, chúng ta nhất mực tuân theo cái ý niệm mà chúng ta hy vọng sẽ mang đến cho mình sự an toàn, chắc chắn.

Hãy tự quan sát mà xem, bạn có ý niệm về hành vi đúng đắn hay sai lệch, về bản thân và xã hội; và dựa theo ý niệm đó, bạn hành động. Vì vậy, hành động là sự tuân thủ hoặc mô phỏng theo ý niệm, trong đó luôn tồn tại xung đột. Có khoảng cách giữa ý niệm và hành động, trong khoảng cách chứa đựng toàn bộ phạm trù thời gian, về bản chất, khoảng cách đó cũng chính là suy nghĩ. Khi nghĩ rằng mình sẽ hạnh phúc vào ngày hôm sau, bạn có một hình ảnh về việc mình đạt được thành quả trong dòng thời gian. Suy nghĩ, thông qua quan sát và ham muốn được suy nghi nối dài, cho rằng “Ngày mai, tôi sẽ hạnh phúc và thành công. Ngày mai, thế giới là một nơi thật đẹp”; từ đó, suy nghĩ tạo nên khoảng cách, tức thời gian.

Vậy, liệu chúng ta có thể quên đi thời gian để sống một cách trọn vẹn đến mức không buồn nghĩ về ngày mai nữa? Thời gian là phiền não. Ngày hôm qua hoặc ngàn ngày trước, bạn yêu hoặc bạn mất đi người thân thiết, ký ức ở lại và bạn mãi nghĩ về niềm vui, nỗi đau ngày đó. Bạn nhìn lại, để mong ước, hy vọng, tiếc nuối,... vì vậy suy nghĩ tiếp tục ôn lại kỷ ức nhiều lần, dung dưỡng cho phiền não và tính liên tục của thời gian.

Trong khoảng cách này của thời gian do suy nghĩ tạo thành, ẩn chứa phiền não và nỗi sợ kéo dài. Nếu người ta thắc mắc liệu khoảng cách này có thể được xóa bỏ hay không, tự thân câu hỏi đó đã là một ý niệm, mục tiêu, thế nên khoảng cách xuất hiện và một lần nữa bạn vướng kẹt trong đó.

Cái chết là vấn đề lớn của đa số chúng ta. Ý thức về cái chết luôn kề cận mỗi ngày, vậy có thể nào chúng ta đối diện với nó một cách trọn vẹn, đến mức bạn không gặp bất kỳ khó khăn hay thử thách gì trong chuyện đó? Trước hết, bạn phải để cho tất cả những niềm tin, hy vọng nỗi sợ về cái chết kết thúc. Nếu không, bạn gặp gỡ một điều lạ thường với đầu óc đầy ắp những định kiến, hình tượng âu lo đè nén,... tức là bạn gặp gỡ nó với thời gian.

Thời gian là khoảng cách giữa người quan sát và cải được quan sát. Bạn, người quan sát, kính khiếp với ý tưởng gặp gỡ cái chết. Bạn không biết về nó, dù đã đặt ra vô số suy luận và lý thuyết. Bạn tin vào sự tái sinh, thuyết luân hồi, linh hồn, thần thức, thực thể tâm linh,... nhưng đó là khám phá của riêng bạn, hay chỉ là ý niệm được người khác truyền đạt lại? Liệu có điều gì là vĩnh cửu, bất biến và vượt khỏi phạm trù của tư duy? Nếu suy nghĩ có thể nghĩ về chính nó, thì điều đó vẫn nằm trong phạm trù của tư duy và vì vậy, không thể tồn tại mãi, không gì là bền vững dài lâu trong phạm trù của tư duy. Điều quan trọng là bạn nhận ra chẳng có thứ gì tồn tại vĩnh cửu, ngay tại khoảnh khắc ấy, tâm trí được tự do và bạn Có thể bắt đầu quan sát, đó là một phúc lành vĩ đại, là niềm an lạc vô biên.

Bạn không thể sợ một điều chưa biết, chết chỉ là một từ ngữ, nhưng cùng với hình ảnh liên tưởng chết chóc, nó gieo rắc nỗi sợ. Bạn có thể nhìn vào cái chết đơn thuần mà thôi hay không? Hình ảnh sẽ làm phát sinh suy nghĩ, gây sợ hãi; khi đó, bạn hợp lý hóa nỗi sợ về cái chết và kháng lại những cảm xúc tiêu cực không tránh khỏi, hoặc bạn nghĩ ra vô số niềm tin để xoa dịu mình trước nỗi sợ đối với cái chết. Do đó, có một khoảng cách giữa bạn và điều gây sợ hãi. Trong khoảng cách thời gian - không gian này, chắc chắn sẽ có sự xung đột, cũng là nỗi sợ hãi, lo âu và sự tự thản. Suy nghĩ, vốn dung dưỡng cho nỗi sợ, khuyên can: “Hãy trì hoãn, trốn tránh, giữ nó ở càng xa càng tốt và đừng nghĩ về nó”, nhưng trên thực tế, bạn vốn dĩ đang nghĩ về nó, cũng như tìm cách tránh né nó. Thực chất, càng trì hoãn và trốn chạy, bạn càng khiến nỗi sợ trở nên trầm trọng.

Cho đến nay, chúng ta tách biệt sự sống với cái chết, khoảng cách thời gian đó chính là nỗi sợ. Cuộc sống là những phiên tra tấn, lăng mạ, gây phiền não và bối rối diễn ra hằng ngày, thi thoảng xen vào chút niềm vui. Đó là cái mà chúng ta gọi là cuộc sống, đồng thời ta cũng sợ hãi trước cái chết - điều chấm dứt cuộc tồn sinh đau khổ này. Chúng ta thà bám víu vào cái đã biết còn hơn phải đương đầu với cái chưa biết - những điều quen thuộc như ngôi nhà, đồ đạc, gia đình, tỉnh cách, công việc, chuyên môn, tiếng tăm, nỗi cô đơn và các vị thánh của ta. Chúng ta cứ thế, mãi quẩn quanh, lăng xăng bên những thứ nhỏ nhoi, trong các khuôn mẫu hạn hẹp và níu kéo chuỗi ngày tồn tại đây đắng cay.

Trong tâm thức, chúng ta cho rằng sự sống ở hiện tại và cái chết là thứ đang đợi chờ trong tương lai xa. Chúng ta đi tìm sự thật về luân hồi, chứng cứ về linh hồn hay thần thức, xác nhận từ những người có năng lực thấu thị và các cuộc nghiên cứu tâm linh. Nhưng chúng ta không bao giờ thắc mắc làm sao để sống với niềm vui, đam mê và cái đẹp mỗi ngày. Chúng ta chấp nhận cuộc sống như hiện trạng, đầy thống khổ, tuyệt vọng và thỏa hiệp với nó, song song đó chúng ta cẩn trọng tránh né cái chết như một điều đáng kinh khiếp. Nhưng cái chết thì cũng sống động lạ thường, nếu chúng ta biết cách sống bạn không thể sống mà không chết, trong từng phút giây về mặt tâm lý. Đây không phải là một nghịch lý, để sống trọn vẹn từng ngày, bạn phải chết đi cùng mọi thứ của ngày hôm qua. Nếu không, bạn phải sống một cuộc đời máy móc, với một tâm thức cứng nhắc, không bao giờ khám phá được về tình yêu và tự do.

Hầu hết chúng ta sợ chết vì không hiểu về ý nghĩa của cái chết, ta không biết làm sao để sống, nên cũng không rõ phải chết như thế nào. Chúng ta sợ cuộc sống, đâm ra sợ cả cái chết. Người không sợ hãi trong cuộc sống thì không sợ tình trạng bếp bênh, thiếu đảm bảo, bởi vì trong thâm tâm, họ trai hiểu rằng chẳng hề có sự an toàn, chắc chắn nào cả. Chỉ có sự vận động bất tận và khi đó, cuộc sống hay cái chết cũng đều như nhau. Người sống một đời không xung đột, trong đó ẩn chứa vẻ đẹp và lòng từ bi thì không sợ chết, bởi thương yêu cũng là chết đi.

Nếu bạn chết đi cùng mọi thứ mà bạn biết - gia đình, ký ức, cảm giác – thì cái chết là dòng sông thanh tẩy, để phục hồi bạn trở lại trạng thái tốt đẹp nhất. Cái chết mang đến sự vô tư và chỉ có người hồn nhiên vốn nồng nàn, thiết tha – không phải những người tin tưởng vào hoặc muốn khám phá – mới có thể biết được về những điều diễn ra sau cái chết.

Để khám phá câu chuyện thật sự đằng sau cái chết, bạn phải chết - không phải về thể xác, mà về mặt tâm lý – cùng với những điều bạn ấp ủ, gìn giữ và những thứ bạn vẫn chịu đựng trong cay đắng. Hãy chết đi cùng những lạc thú của mình, theo một cách rất tự nhiên, không cưỡng ép hoặc tranh cãi, bạn sẽ hiểu về ý nghĩa của cái chết – để tâm trí hoàn toàn trống rỗng, không còn khát khao, khoái lạc và khổ đau mỗi ngày. Chết là để cách tân và biến đổi, mà không viền đến suy nghĩ cũ kỹ, cái chết mang lại những điều hoàn toàn mới mẻ. Tự do vượt trên những kiến thức được tích lũy, là cái chết; sau đó, bạn mới thật sự sống.

ST

 

 

Được tạo bởi Blogger.