TÀI LIỆU HƯỚNG DẪN CHĂM SÓC, ĐIỀU TRỊ F0 TẠI NHÀ CỦA BÁC SĨ HÙNG - HƯNG (BỆNH VIỆN ĐA KHOA NGHỆ AN)
A. HƯỚNG DẪN CHUNG
Hướng dẫn phòng tránh lây cho những thành viên khác trong gia đình:
Các F0 nên ở riêng trong 1 phòng, tốt nhất là phòng cao nhất trong nhà. Phía
ngoài phòng có để 1 chiếc bàn nhỏ để gia đình tiếp tế thức ăn và nước uống. Khi
đi ra lấy đồ ăn,bắt buộc phải mang khẩu trang, sát khuẩn tay trước khi mở cửa
phòng cũng như lau cồn vào tay cầm phía ngoài phòng phòng trước khi vào. Tất cả
đồ ăn, uống, bát đũa, quần áo không được đưa ra ngoài phòng cho đến khi khỏi bệnh.
Nên tự giặt, tự phơi quần áo ngoài ban công. Tất cả rác gom lại trong túi và
phun cồn 70 độ. Không khạc nhổ lung tung. Nên mở cửa sổ, thỉnh thoảng có thể
dùng quạt hút hoặc thổi không khí trong phòng ra ngoài môi trường. Không được
thổi gió ngược trở lại trong nhà.
Tốt nhất mỗi người nên có 1 máy đo SP02 để theo dõi tình trạng hô hấp
của mình. Hãng tốt nhất là Micolife. Nếu khi đo SP02 dưới 95% tức là bạn có thể
sắp bị nặng hơn, nên đến cơ sở y tế. Nếu khó thở, tạm thời bạn nên nằm sấp sẽ dễ
thở hơn và liên hệ cơ sở y tế điều trị. Tuy nhiên với tình hình tiêm chủng tốt
như hiện nay, tỷ lệ nặng sẽ rất ít.
Trước khi ngoáy mũi để tự test Covid nên nhỏ Otilin và chờ 10 phút. Đợi
mũi thật thông thì ngoáy mũi sẽ đỡ đau. Đút que đủ sâu, thường khoảng 7-8cm
song song với sàn mũi, đến khi chạm vào vòm sẽ có cảm giác đau nhẹ trong họng,
như thế mới đạt yêu cầu. Với trẻ bé quá nên dùng test nước bọt. Nên súc họng
nhiều lần trong ngày bằng nước muối, có thể dùng các dung dịch súc họng sát khuẩn
nhẹ có bán trên thị trường.
Khi bị nghẹt mũi, lúc đó triệu chứng mất ngửi sẽ xuất hiện đồng thời với
ho khan, rát họng, chán ăn. Vì thế đừng để nghẹt mũi. Cách xử lý khá đơn giản.
Có thể nhỏ Otilin 0.05% x 1 lọ, nhỏ mũi ngày 3 lần, dùng 5 ngày. Sau 10 phút, xịt
nước muối biển 0,9% để làm sạch mũi và hạn chế tác dụng phụ của Otilin, xì ra
nhẹ nhàng tránh viêm tai. Khi nghẹt mũi tuyệt đối không xì mũi. Dùng cho trẻ
trên 6 tháng. Nếu người lớn hoặc trẻ em trên 8 tuổi bị nghẹt mũi, chảy mũi nhiều
có thể dùng bình rửa mũi SRK ngày rửa 4-6 lần. Không sử dụng cho trẻ dưới 8 tuổi
tránh viêm tai.
Nên ăn nhiều, uống nhiều nước hoa quả, uống nhiếu sữa. Nên dùng sữa
Ensure và pha đúng theo hướng dẫn của nhà SX. Có thể bổ sung vitamin B1,
Vitamin C và Vitamin D. Nên có một tinh thần thoải mái, xem phim, nghe nhạc. Chấp
nhận nghỉ ngơi 7 ngày rồi test lại. Nếu ai có triệu chứng nặng hơn như ho, chảy
mũi thì sử dụng thêm thuốc. Hạn chế dùng thuốc để tránh tác dụng phụ. Nếu triệu
chứng nhẹ, không cần dùng thuốc kháng Virus.
Tuyệt đối không tự ý sử dụng kháng sinh, long đờm, giảm ho, thuốc Nga
xanh, Nga đỏ, xuyên tâm liên khi mắc bệnh. Khi dùng nhiều thuốc sẽ làm tăng
nguy cơ tương tác thuốc gây ảnh hưởng đến cơ thể.
Không sử dụng bình xịt mũi họng Viraleze, Bio Spray vì đây là những
thuốc xịt chưa được công nhận chữa covid, giá quá đắt và hiệu quả không tương xứng
giá tiền. Tuyệt đối không xịt xuyên tâm liên vì sẽ gây chán ăn.
Tắm bình thường kể cả khi các bạn sốt. Thậm chí tắm 2 lần mỗi ngày
càng tốt, tắm nước ấm, xả nước nóng nhiều rồi xông hơi nước là được. Việc tắm
khi mắc covid cần tắm sạch sẽ, tuy nhiên khi tắm nên tắm nước ấm, Việc gội đầu
cũng tương tự, nên gội nước ấm, gội đầu nhanh, sấy khô tóc. F0 làm thế nào để
mình thấy thoải mái, không nên kiêng quá kỹ gây ngứa ngáy bội nhiễm thêm. Trong
thời gian cách ly, nếu quá nóng hay quá lạnh vẫn có thể sử dụng điều hòa ở nhiệt
độ 27 độ C, làm sao cho bản thân mình thấy dễ chịu nhất. F0 cách ly tại nhà nên
chú ý tắm rửa cẩn thận, lau dọn nhà tắm, không gian sống...để hạn chế nguy cơ
cho người cùng nhà, nếu trong nhà vẫn có người không phải F0.
Khi đỡ chỉ cần theo dõi sức khỏe thêm 7 ngày kể từ lúc xét nghiệm âm
tính. Lúc đó sẽ không có khả năng lây nhiễm cho người khác. Nếu xét nghiệm PCR
mà CT>30 cũng ít có khả năng lây nhiễm.
Một trong những triệu chứng khó chịu nhất khi mắc là ho khan. Do nguyên
nhân giống hệt các thuốc ức chế men chuyển (ACE) khác là gây tắc nghẽn đường hô
hấp trên và gây ho mạn tính kéo dài cho người dùng. Virus corona tấn công ức chế
men Angiotensin II và làm cho Bradykinin không chuyển hoá thành Heptapeptide.
Chúng ta biết rằng heptapeptitde có thể tan trong nước và đào thải theo đường
nước tiểu, nhưng Bradykinin thì không như vậy, nó không tan trong nước và lắng
đọng ở phổi. Chất gây viêm này là tác nhân chính gây ho khan trên những bệnh
nhân mắc covid. Tỷ lệ gặp ho do thuốc ức
chế men chuyển hoặc mắc covid vào khoảng 5-30%. Ho không phụ thuộc vào mức độ nặng
hay nhẹ. Nghĩa là nếu như ai đó đã mẫn cảm thì có thể bị ho ngay từ lúc mắc.
Sau khi đã bị ho, người bệnh cũng không ho tăng thêm. Nhưng chỉ cần khỏi bệnh từ
3-5 ngày là cơn ho tự hết. Một số trường hợp ho kéo dài và phải sau 2 tháng mắc
bệnh, cơn ho mới chấm dứt hẳn. Do tỷ lệ biến chứng ho do mắc bệnh Covid 19 khá
cao nên không ít trường hợp phải uống “oan” rất nhiều kháng sinh, thuốc ho,
xông họng vì cứ ngỡ bị ho do viêm họng hoặc co thắt phế quản, mà các cơn ho vẫn
không dứt. Đáng ngại hơn, khi bị ho nhiều người bệnh dùng thuốc long đờm khiến
cơn ho ngày càng dữ dội, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và sinh hoạt.
Đau họng do mắc virus sẽ tự khỏi mà không cần dùng thuốc, khi đau họng
nên uống giảm đau, ngậm kẹo ngọt. Ngạt mũi sẽ làm tăng tình trạng đau họng và
ho khan.
Tuyệt đối không xông khi bị mắc covid vì gây bỏng hô hấp, làm nặng nề
thêm bệnh. Và cũng chưa có nghiên cứu nào chứng tỏ tỏi, gừng, sả, chanh có tác
dụng phòng chống, điều trị covid
B. HƯỚNG DẪN ĐIỀU TRỊ
I. Đơn thuốc điều trị cho người
lớn và trẻ trên 7 tuổi:
1. Paracetamol 500mg x 10 viên, uống 1 viên khi sốt hoặc đau, không
quá 6 viên/ ngày
2. Vitamin B1 100mg x 10 viên, mỗi ngày uống 1 viên
3. Vitamin C 500mg x 20 viên, mỗi lần uống 1 viên, ngày 2 lần
4. Vitamin D 2000UI x 10 viên, mỗi ngày uống 1 – 2 viên.
5. Coldi B 0,1% (người lớn) xịt mũi ngày 3 lần, khi nghẹt, trước rửa
mũi 10 phút hoặc Otilin 0,05% (trẻ em) x 1 lọ, nhỏ mũi ngày 3 lần, khi nghẹt
mũi, dùng 5 ngày
6. Bình rửa mũi SRK x 1 chiếc, rửa mũi ngày 4 -6 lần, chỉ rửa khi mũi
thông
7. Mua thêm 1 hộp muối rửa mũi
Hướng dẫn rửa mũi (làm theo đường link sau):
https://www.youtube.com/watch?v=XyLqyiSCHuw
II. Đơn thuốc điều trị cho trẻ
từ 6 tháng - 7 tuổi:
1. Paracetamol 80mg; 150mg hoặc 250mg (tuỳ cân nặng) x 10 gói hoặc
viên nhét hậu môn, dùng 1 viên khi sốt trên 38,5 độ.
2. Vitamin tổng hợp dạng siro 125ml x 1 hộp, mỗi lần uống 5ml, ngày 2
lần
3. Otilin 0,05% x 1 lọ, nhỏ mũi ngày 3 lần, dùng 5 ngày.
4. Xypenat 2,4% x 1 hộp, xịt mũi ngày 6-9 lần..
5. Chườm ấm, tắm rửa bình thường khi sốt, nhớ tắm nước ấm, làm ấm
phòng bé.
* Hướng dẫn nhỏ rửa mũi cho em bé (tư thế nằm, ngửa đầu): Nhỏ Otilin
0,05% x 1 lọ, nhỏ mũi ngày 3 lần, dùng 5 ngày, sau khi nhỏ, nếu bé khóc bịt miệng
cho bé hít vào. Chờ 10 phút. Xịt nhỏ mũi bằng nước muối ưu trương như Nebial
3%, Xypenat 2,4% vào mũi, mỗi bên 5-6 nhát. Bịt miệng cho bé hít vào sau khi xịt.
III. Đơn thuốc điều trị cho trẻ
dưới 6 tháng tuổi:
1. Paracetamol 80mg x 10 viên nhét hậu môn, dùng 1 viên khi sốt trên
38,5 độ.
2. Vitamin tổng hợp dạng siro 125ml x 1 hộp, mỗi lần uống 2,5ml, ngày
2 lần
3. Otilin 0,025% x 1 lọ, nhỏ mũi ngày 3 lần, dùng 5 ngày. (pha loãng lọ
0,05% bằng nước muối sinh lý)
4. Xypenat 2,4% x 1 hộp, xịt mũi ngày 6-9 lần..
5. Chườm ấm, tắm rửa bình thường khi sốt, nhớ tắm nước ấm, làm ấm
phòng bé.
* Hướng dẫn nhỏ rửa mũi cho em bé (tư thế nằm, ngửa đầu): Nhỏ Otilin
0,025% x 1 lọ, nhỏ mũi ngày 3 lần, dùng 5 ngày, sau khi nhỏ, nếu bé khóc bịt miệng
cho bé hít vào. Chờ 10 phút. Xịt nhỏ mũi bằng nước muối ưu trương như Nebial
3%, Xypenat 2,4% vào mũi, mỗi bên 5-6 nhát. Bịt miệng cho bé hít vào sau khi xịt.
IV. Những thuốc đặc biệt
• Khi bé bị đau bụng, nôn, tiêu chảy dùng theo đơn sau: (sau khi loại
trừ lồng ruột)
1. Enterogeminar x 10 ống, mỗi lần uống 1 ống, ngày 2 lần
2. Siro kẽm x 1 hộp, liều uống theo tuổi như sau:
- Từ 6 tháng đến 12 tháng tuổi: 2.5ml (5mg)/ngày.
- Trẻ em 1 - 3 tuổi: 2.5ml (5mg)/lần, ngày 2 lần.
- Trẻ em 3 - 6 tuổi: 2.5ml (5mg)/lần, ngày 3 lần
- Trẻ em trên 6 tuổi: 5ml (10mg)/lần, ngày 2 lần
3. Espumisan siro x 1 lọ, mỗi lần uống 1-2ml, ngày 3 lần trước ăn 30
phút
4. Smecta hương dâu x 6 gói, mỗi lần uống 1 gói, ngày 2 lần
• Khi người lớn bị đau, chướng bụng:
1. Espumisan x 25v, mỗi lần uống 2 viên, ngày 3 lần
• Khi người lớn bị tiêu chảy:
1. Antibio x 10 gói, mỗi lần uống 1 gói, ngày 2 lần
2. Viên kẽm x 10 viên, ngày uống 1 -2 viên
• Nếu bệnh nhân người lớn có tiền
sử viêm mũi dị ứng; sau 7 ngày không đỡ chảy mũi, ngạt mũi có thể sử dụng như
sau
- Medrol 16mg x 5v, mỗi ngày uống 1 viên sau ăn sáng
- Loratadine 10mg x 10v, ngày uống 1 viên
- Pulmicort x 10 nang, pha 1 nang vào mỗi bình rửa mũi, dùng 5 ngày
• Nếu bệnh nhân trẻ em có tiền
sử viêm mũi dị ứng; sau 7 ngày không đỡ chảy mũi, ngạt mũi có thể sử dụng như
sau:
- Aerius o,5mg/ml x 1 lọ, mỗi ngày uống 1 lần 2,5 – 5ml tùy độ tuổi
C. HƯỚNG DẪN SAU KHI KHỎI BỆNH
- Khỏi bệnh là khi xét nghiệm PCR âm tính hoàn toàn hoặc CT > 30
- Trường hợp test nhanh âm tính vẫn nên tiếp tục uống vitamin như hướng
dẫn thêm 5 ngày. Nếu nghẹt mũi tiếp tục rửa mũi để tránh viêm mũi xoang, viêm
phế quản
- Sau test nhanh âm tính 7 ngày, bạn được tính khỏi hoàn toàn bệnh.
- Sau khi khỏi hoàn toàn thì có thể sống chung với các thành viên khác
mà không sợ lây nhiễm. Nên lau sạch các bề mặt gỗ, kim loại, giặt chăn màn và
các vật dụng cá nhân.
- Người mới mắc bệnh thường không mắc lại bệnh trong 6 tháng tiếp theo