BÀI HỌC GIA ĐÌNH
Gia đình là một trong những bài toán khó giải nhất của đời người. Ở đó
ẩn chứa những mối quan hệ thật sự gần gũi nhưng chính trong nó cũng là sự phức
tạp. Mọi hỷ nộ ái ố của đời người, xuất hiện một cách rõ nhất, trong gia đình của
chính họ. Với vợ, với con cái, với đàng nội, với đàng ngoại, với cô chú, dì bác
nói riêng, anh em họ hàng hai bên nói chung, thật lắm lúc khiến con người ta
không lo nghĩ không được. Và chính trong cái lo nghĩ và trách nhiệm này, con
người ta mới có thể trưởng thành, vì họ cần học ra bài học tình người và sự cân
bằng trong chằng chịt quan hệ. Tu học, ai ai cũng phải từng đã nếm mùi gia
đình, cho đến khi họ "chán chê" "sắc - thanh - hương - vị -
xúc..." của nó mới hết học lại.
Đã một thời gian, kể từ thời sinh viên, nay tôi mới đi tàu hỏa trở lại.
Một chuyến đi từ Quảng Bình về quê hương Nghệ An thật nhiều trải nghiệm quý giá
làm sao. Quả thực, người miền Trung thật thà, chất phác, có gì nói nấy không hề
sai. Họ có thể nói bô bô ở khắp mọi không gian công cộng, nhưng cũng chính thế,
tôi thấy được sự thẳng thắn, không câu nệ và dễ thương ở nơi họ. Gặp mọi hạng
người ở thế gian mới thấy cuộc đời quả thực thú vị, nếu có bất ngờ cũng là vì sự
mới mẻ, chứ không phải vì định kiến và phán xét.
Ở toa tàu 1 của SE8, tôi ngồi cạnh hai người đàn bà. Họ đều ở tuổi
ngoài ngũ tuần, nhưng tinh thần lại hết mực tươi trẻ và chân thành. Dì thứ nhất
gặp tôi trước khi lên tàu, vì cả hai đều cởi mở không kém nhau, nên khi biết ghế
cạnh bên của tôi không có người ngồi, dì xuống ngồi, trò chuyện không biết bao
nhiêu là thứ. Dì kể về hai người con ở nhà. Cô con gái lớn quen anh kia một
năm, nhưng gặp nhau chưa đến chục lần, mà đàng trai đã mang trầu câu đến xin cưới.
Vậy là rơi vào bị động. Cuối cùng cũng cưới, nhưng cưới thì hai vợ chồng trẻ suốt
ngày cãi nhau. Vợ làm trong bệnh viện, chồng làm bộ đội, phải trực nhiều, ấy vậy
mà chuyện xây dựng gia đình của cặp đôi trẻ vẫn nhiều phần gian nan. Dì bảo:
"Dì thấy bọn nó cãi nhau mà cũng ớn thiệt, mấy chuyện cỏn con à. Chồng nó
thì gia trưởng, nó thì lại quá vô tư."
Tuổi trẻ, hình như cái tôi của ai cũng lớn vì chưa va đập và cọ xát
nhiều, nên bản ngã chưa được mài mòn nhiều.
Dì kể tiếp: "Nhà dì, vì có người đi nước ngoài, nên xây nhà lầu rất
lớn ở trung tâm từ những năm 1998. Con rể đến nhà, nó kinh ngạc vì nhìn nhà như
khách sạn. Cũng chính thế, khi về nhà con rể ở Nghệ An, thấy nhà ba gian mộc mạc,
dì cũng hụt hẫng lắm. Nhưng dì biết đó chỉ là tâm lý. Sáng hôm sau ngủ dậy, lại
rất bình thường. Dì dạy con mình rằng đừng đánh giá bất cứ ai qua cái áo khoác
bên ngoài của họ. Ở nông thôn Việt Nam mình, ở đâu cũng vậy cả thôi. Cốt yếu là
tâm tính chân thành, điều này mới là quan trọng để gắn bó bền lâu." Tôi
không biết đùa hay thật với dì: "Hôn nhân gia đình thật phức tạp, cháu
nghĩ độc thân vẫn khỏe hơn!" Dì bảo: "Phải có gia đình chớ!" Và
cả hai dì cháu lại cười haha. Gặp các mẹ ở quê, mười người thì cả mười đều hô
lên: "Kiểu chi cũng phải có gia đình!"
Truyền thống, văn hóa gia đình, xóm làng đã ăn vào máu con người Việt
Nam, đặc biệt là thế hệ X đổ xuống. Họ luôn đặt chữ hiếu lên làm đầu, và họ
cũng coi hôn nhân gia đình là một động lực sống. Như người dì thứ hai ngồi với
tôi cũng vậy, với dì, gia đình là trên hết. Những cuộc trò chuyện ấy, có một sức
chạm nào đó vào cõi tâm tôi, để ở đó, tôi trân quý cha mẹ hơn, và cả những con
người đã cùng tôi sinh ra và lớn lên giữa một thôn quê yên bình thơ mộng. Mỗi
người ta gặp trong đời, đã giúp ta rất nhiều trên con đường nhận biết chính
mình.
Từ ga Vinh, tôi ngồi trên xe taxi của một thanh niên trẻ ở xã mình.
Anh cũng bảo: "Hồi trước anh cũng nghịch ngợm, phá phách và lông bông lắm.
Nhưng kể từ khi cưới vợ, anh biết lo nghĩ, quan tâm cho gia đình hơn. Có con
cái nữa thì không lo nghĩ không được. Mình biết mình không thể sống cho một
mình mình, mà còn trách nhiệm với người xung quanh." Tôi bảo anh: "Lấy
vợ cũng là tu ha!" Anh cười: "Ừ, đúng vậy. Trải nghiệm gia đình cũng
là một kiểu tu. Mình đang sửa mình mỗi ngày." Và rồi tôi thấy, có lắng
nghe những con người xung quanh mình, mới thấy ai ai cũng có những nỗi niềm thật
riêng, và những nghĩ suy cũng nhiều phần sâu sắc. Họ thực sống trong chính hoàn
cảnh của họ.
Viết đến đây, tôi bỗng nhớ đến mẹ mình, người suốt đời hy sinh lặng thầm
vì những người thân trong gia đình. Ở tuổi ngũ tuần, mẹ gần như chưa được đi
đâu nhiều vì mải phải chăm sóc bà dì (chị của bà ngoại) sống cùng gia đình. Bà
già yếu nên không còn đi được đã nhiều năm nay, mẹ sớm hôm kề cận bà quan tâm,
lo cho từng bữa ăn và những sinh hoạt thường nhật khác. Con cháu rủ đi đâu, mẹ
cũng từ chối vì bảo phải lo chăm bà. Ai ai cũng phục mẹ, vì mẹ phục vụ bà dì
còn hơn cả mẹ ruột mình, đặc biệt ở thời đại mà con người sợ trách nhiệm, thậm
chí là trách nhiệm với chính những người già là bậc sinh thành nuôi nấng họ. Có
lẽ, đó cũng là duyên nợ, là nghiệp quả mà mẹ phải gánh vác để học ra bài học
trách nhiệm, nâng đỡ người khác trong cuộc đời này. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi
cảnh, vậy nên, đừng lý tưởng hóa bất cứ gia đình nào, chỉ đến khi thực sống
trong cảnh của họ, ta mới nếm được cái mùi vị thật sự.
Khi sẵn sàng lắng nghe mọi người tự nhiên chia sẻ tâm tư của họ, ta lại
nhận ra một điều rằng ai ai cũng đang tu trong chính hoàn cảnh của mình. Dù
trình độ nhận thức của mỗi người mỗi khác, nhưng mỗi trải nghiệm đều thật bình
đẳng để từng cá nhân chạm vào suối nguồn chân tâm. Trong mối quan hệ gia đình,
họ hàng chẳng chịt, ai ai cũng có những lo tính riêng, nỗi niềm riêng, nhưng đừng
nghi ngại và lo lắng quá cho họ, bởi rằng mỗi người đều có Phật tính như nhau,
và tánh Phật không bao giờ biến mất. Bài học của người tu là hãy lắng nghe và
thông cảm cho họ nhiều hơn, hãy âm thầm quan tâm họ bằng sự nhẫn nại và kiệm lời,
để họ được bộc bạch, bởi khi để họ bộc bạch nỗi niềm, họ đang nhìn vào chính
mình mà thốt ra. Và sẽ đến lúc, họ sẽ tự họ thức tỉnh mình trong cái nhìn sâu
thẳm ấy.
Trang Ps