HÀNH TRÌNH CỦA ĐẠI BÀNG

CHUYỆN SƯỚNG - KHỔ

Chuyện sướng khổ ở đời thật khó để đem ra nghĩ bàn. Chúng ta thường thấy cái sướng - khổ của người khác qua lý tưởng, phán xét của mình, chứ không bao giờ nếm được sướng khổ thật sự của họ. Ta thấy một người có nhà cao cửa rộng là sướng, vì có lẽ, ta đang ao ước hoặc thiếu thốn điều đó. Ta thấy một người đi đây đi đó nhiều là sướng, vì ta đang khao khát đi như vậy. Ta thấy một người ăn mày là khổ, vì ta nghĩ họ thật bất hạnh vì không có nơi nương tựa. Rốt cuộc, ta thường thấy cái sướng - khổ của thế gian thông qua ý niệm chủ quan của mình, để rồi cũng vì ý niệm đó đã làm ta phiền não. Rốt cuộc, nguyên lý thấy mọi thứ như thực (như nó là), là để mọi người không bị dính mắc vào ý nghĩ chủ quan của mình mà sinh ra khổ não. 

Bởi thực tế là con người không bao giờ có thể phản ánh được sự thật về bất cứ điều gì trên cuộc đời này qua ý nghĩ và cảm xúc của mình. Nếu bất cứ ai dính mắc vào những ý niệm này, thì chỉ thêm cố chấp, bảo thủ,... từ đó mà sinh ra sân hận, tham lam, si mê,... Một nhà sinh học có thể biết nhiều về một cây xanh, nhưng sự thật cây xanh chỉ nằm trong chính cây xanh đó. Dù họ có nói rất khoa học về cây xanh như này như kia, thì sự thật của cây xanh cũng không nằm trong ngôn ngữ. Mà ngôn ngữ đó chỉ là phương tiện để diễn giải. Nó đã qua một lớp khái niệm. Nhưng con người cứ nghĩ những khái niệm này là sự thật để rồi cãi ngược cãi xuôi, để rồi cố chấp bảo thủ vào kho tàng tri thức của mình. 

Lão Tử nói: "trí giả nhược ngu", tức một người trí tuệ là người hồn nhiên, trong sáng, để thấy mọi thứ như chân như thật. Anh ta biết hết nhưng thực ra lại chẳng biết một cái gì. Chẳng biết một cái gì ở đây tức là sự thật thực tại sự sống chỉ nằm trong chính nó, chứ không nằm trong lý trí biết. 

Trang Ps

Được tạo bởi Blogger.