HÀNH TRÌNH CỦA ĐẠI BÀNG

NHÀ GIÀU DẠY CON

1. Cứ năm nào cũng vậy, có một số người đợi ngày cuối cùng của tháng chạp mới đi mua hoa, hòng được rẻ nhất, do áp lực về thời gian của tiểu thương. Và các tiểu thương mấy năm nay đã quyết định đập bỏ, dọn lên xe rác chở đi thay vì cho như mọi năm. Điều này đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong xã hội (đang điều chỉnh hành vi từng ngày để sống văn minh hơn). 

Có thể bạn thấy chua chát, nhưng quyết định tiêu huỷ hàng hoá là quyết định bình thường của thị trường. Hàng sở hữu của thương nhân, họ bán, trữ, tiêu huỷ là quyền của họ, luật pháp không cấm. 

Chúng ta từng khóc thương nông dân trồng hoa. Nhưng họ thật ra chẳng có gì tội nghiệp vì các thương lái đã trả tiền xong từ dưới ruộng. Thương lái cũng chẳng tội nghiệp gì vì họ đã lãi những ngày đầu khi bán những chậu hoa đẹp cho người giàu. Người nghèo lúc này nghe giá sẽ dội ngược, bảo là hét trên trời, giận. Nhưng giá đó có người mua, cung gặp cầu. Người giàu, thay vì tốn thời gian đi tận nơi để lựa chậu vừa ý, giờ có người mang lên tận nơi, lấy trước nên lấy cái ngon, thuận mua vừa bán, phân khúc hạng sang, người có tiền, kẻ có hàng ngon nên việc bán hàng diễn ra nhanh chóng, vui vẻ. Mọi thứ vận hành trơn tru. Hoa, tranh, nhạc, du lịch....là những sản phẩm tinh thần, không phải là thiết yếu, người cần thì đã sẵn sàng trích một phần thu nhập để mua rồi. Không được cho tặng miễn phí những sản phẩm văn hoá, vì người nhận miễn phí sẽ khó mà trân trọng. Khi nhu cầu đã hết, người bán nên chở hàng về kho hoặc đổ bỏ. Công ty vệ sinh đã ký hợp đồng dọn dẹp, ngay cả bỏ hết đống hoa đó, họ đã thu tiền và sẽ dọn sạch, không than phiền gì. Mọi thứ nó đã vào guồng, không như mình nghĩ. 

Buffet trong các khách sạn 5 sao, toàn tôm hùm, hàu, cá hồi...đến tối, dù còn nguyên nhưng họ cũng đổ bỏ hết, không cho nhân viên ăn hoặc mang về vì sẽ tạo thành tâm lý phục vụ không tốt (hòng mang về). Cũng không đem cho người nghèo, cơ nhỡ....vì làm ăn, không tốn thời gian phân bổ nhân sự làm việc này. Chưa kể nhóm nhà nghèo không quen bụng, ăn mấy món sang sang kia sẽ ói mửa hay Tào Tháo đuổi, kiện thưa rồi mình đi giải quyết mệt mỏi. Chuyện có anh quản lý nhà hàng 5 sao nọ nhận thức không sâu, cứ nói đồ ăn đổ bỏ mang tội gì đó, đem cho nhóm vô gia cư ăn. Cứ tối tối là 1 nhóm vô gia cư chầu chực trước nhà hàng, có lần ăn xong thì đau bụng, 1 người tử vong nửa đêm vì tiêu chảy cấp (do không quen ăn hải sản). Anh quản lý phải chịu rắc rối thời gian dài. Làm chủ phải có tư duy khác. Hàng của họ, tiền của họ, khi đổ bỏ họ còn xót xa hơn cả mình tiếc. Nhưng khi cần bỏ là phải bỏ. Còn từ thiện, hãy trích phần trăm lợi nhuận gửi vào quỹ từ thiện chuyên nghiệp nào đó để họ làm giúp mình. 

2. Dân làm ăn không có mở miệng là tội nghiệp, thương thế. Mình cứ cảm tính, cảm xúc trong kinh tế thì hậu quả kinh khủng. “Đừng bao giờ giao cơ nghiệp vô tay người cảm tính”, người Do Thái hay người Hoa luôn dặn nhau như vậy khi lựa chọn người quản lý cấp cao. 

Khách sạn có phòng có trăm ngàn/đêm nhưng cũng có phòng trăm triệu/đêm, tuỳ họ, có vi phạm pháp luật đâu mà chửi rủa? Học phí trường chỉ vài trăm ngàn nhưng cũng có trường cả tỷ 1 năm. Xấu đẹp, ngu khôn, hợp lý hay không hợp lý, đắt rẻ, xa gần....ĐỀU là do cá nhân mình tự nghĩ. Họ bán vậy đó, công suất phòng chỉ có vài % thôi, nhưng họ không giảm giá, chuyện của người ta. Tour du lịch họ ra giá vậy, mình chửi bán "mắc quá chó nó đi", nhưng người ta vẫn có khách riêng của người ta, "chó" có tiền đi chơi, còn mình là "người" mà không có. Khách sạn ở Đà Lạt ngày thường 200k/đêm, lễ tết lên 1 triệu/đêm thì cũng bình thường, chẳng có gì chặt chém cả. KS chỉ có 10 phòng mà 100 người cần, thì giá phải tăng tương ứng cho 10 người chấp nhận mức giá cao nhất, nếu không có ai chấp nhận, tự động giá sẽ giảm. Hiệp hội du lịch vui lòng đừng ra công văn yêu cầu khách sạn trên địa bàn cam kết không tăng giá....mà quên là quy luật thị trường. Lúc ế, hiệp hội có ra công văn sẽ bù lỗ cho người ta không? Hãy để thị trường tự do điều tiết. Cứ nói "hãy bán giá sao cho vừa túi tiền". Vấn đề là túi của ai? Mình chỉ có thể biết túi của mình thôi, còn của người khác, sao biết mà nói? 

Mấy cái túi hàng hiệu niêm yết tới mấy chục cả trăm triệu/cái, mình thấy vắng hoe, ái ngại cảm thông. Họ kinh doanh, được nhờ mất chịu. Họ lỗ, chịu hết nổi sẽ trả mặt bằng. Dân mình đi qua, nói sao không hạ giá xuống 50 ngàn/cái để bán cho dễ, chứ thấy ế tội quá em ơi. Họ treo đó là tính vô chi phí marketing, cho đám đông nhìn thấy thương hiệu, còn rẻ hơn quảng cáo trên tivi. Đám đông sao biết được chuyện đó, nên đứng coi, phán xét và khuyên răn khí thế. Với nhà buôn lớn, họ không bao giờ hạ giá vào giờ chót vì như vậy sẽ khiến cho những người mua trước thấy tiếc nuối, trách móc và có khi lại chờ giảm giá năm sau. Mà đối tượng đó mới là khách hàng thật sự, phải bảo vệ họ. Louis Vuitton (LV) hay Hermes là thương hiệu thời trang không bao giờ sale off, qua mùa lỗi mốt là huỷ.

Đừng bao giờ dạy người giàu tiêu tiền, quản lý tài chính (họ làm ra tiền, dư được tiền tức việc quản lý tài chính của họ đã rất khoa học, hiệu quả). Đừng bao giờ ngây ngô yêu cầu người ta thay đổi giá cả, "sao không bán rẻ từ đầu rồi giờ đổ bỏ", rất tào lao, trẻ con. 

Khủng hoảng thừa 1929-1933, hàng hoá các công ty họ đổ hết xuống biển chứ không có tặng cho ai, dù nhiều nước đang trong nạn đói, bị các nhà đạo đức học lên án là sao không thuê tàu đi tặng mấy nước đang chiến tranh. Làm chủ đau đầu muốn chết vì lỗ, ngồi đó còn thuê tàu cử người đi phân phát hàng cho chỗ đang đánh nhau. Quy luật kinh tế thị trường nó vậy, không thể lấy cảm xúc, tình cảm, hiểu biết nhỏ nhoi của mình ra phán xét được.

3. Thị trường nó lạnh lùng sòng phẳng. Nếu ai lỗ, thì là bài học cho họ năm sau. Kể cả nông dân trồng chuối, thanh long, tiêu điều, nuôi heo nuôi gà.... Thời đại này thông tin rộng khắp. Tính toán sai, cung vượt cầu, không biết tiếp thị hay chế biến, cứ thụ động phụ thuộc thì khi giá rẻ, đồ đống. Ngược lại. Cầu cao thì lãi nhiều, hưởng. Giải cứu nông sản là chiến dịch người ta chỉ mình cách tiêu thụ, sau đó phải tự biết làm chứ sao đợi người ta thương hại mãi? Không riêng nông nghiệp, cứ ai thụ động thì nghèo, chịu. Ai chủ động thì giàu, hưởng. 

Nếu ai có đầu óc khách quan, hiểu quy luật thị trường mới kiếm tiền được. Những bạn cảm tính khó có thể làm ăn hoặc trở thành quản lý cấp cao vì không rạch ròi các quan hệ, nuông các cảm xúc, không tôn trọng khách quan vì nghe theo con tim nhiều quá. Lúc yêu thì thôi là yêu, ghét thì thôi là ghét. Cứ trong đầu ai mà còn cảm xúc ưa rồi không ưa, thích rồi ghét....thì không thể làm ăn được. 

Đừng bao giờ kêu gọi ủng hộ công ty nào vì thương, mua hàng là vì nhu cầu, còn vì ủng hộ thì không lâu dài được. Cũng đừng kêu gọi tẩy chay hãng nào đó vì ghét. Lần trước có 1 hãng hàng không, vì "tội" đưa các người mẫu lên đón các cầu thủ yêu thích, mà người mẫu đó đám đông mặc định là không đẹp, không "xứng" để đụng vào cơ thể thần tượng của họ, thế là nổi cơn cuồng nộ. FB khắp nơi nói sẽ tẩy chay, thề là không bao giờ đi hãng này nữa, trong đó có người bạn thân của mình. Sau đó 1 tháng, mình thấy cậu ấy vẫn ngồi cả đêm search vé giá rẻ, và khi vé hãng đó thấp hơn các hãng kia  chỉ có vài đồng, cậu đã quên mất lời thề thốt khi xưa, book vé và bay, post hình lên FB khoe mua được giá hời, cười như địa chủ được mùa. 

Đám đông có cảm xúc lên xuống thất thường, ầm ầm lên cơn thịnh nộ rồi quên béng, các nhà kinh tế học gọi là "não cá vàng". Mình làm quản trị, đừng có lo lắng thái quá. Tuyệt đối không bị cuốn theo. 

Những ông chủ ở Hongkong thường dạy con cháu của họ "Nếu con cho rằng một cái gì đó là đắt, là do con còn quá ít tiền, chưa đủ tiền để xem nó là rẻ". (如果你认为某样东西很贵, 说明你没有足够的钱认为它便宜-nguyên văn đã chuyển sang chữ giản thể cho dễ đọc). Phấn đấu làm thêm, thay vì chua chát với đời. Không đủ năng lực thì chấp nhận không ăn được nho, chứ buông chi lời cay đắng "nho ơi mi hãy còn xanh lắm", đó chỉ là sự an ủi bản thân thôi. "Than thở, phàn nàn, ghét" là động từ chỉ có ở người yếu thế và bất lực. 

Hãy dạy con tư duy khác biệt như thế, để sau này nó sống thoải mái hơn.

Cà phê cùng Tony

Được tạo bởi Blogger.