HÀNH TRÌNH CỦA ĐẠI BÀNG

HIỂU VỀ NGHỀ NGHIỆP

Chữ nghề gắn liền với chữ nghiệp. Mà trong đó, nghề là duyên mang đến cho mình, còn nghiệp là nhận thức và hành vi của mình trong nhân duyên (nghề) đó. Như vậy, nghề là ngoại cảnh mang đến để mình trải nghiệm. Còn nghiệp quyết định đến "vận mệnh" của mỗi người. Vậy nên, đừng trách nghề. Vì nghề không có một lỗi lầm nào. Mà chính cái "nghiệp" mà ta thực hiện trong nghề mới dẫn ta đi đến đâu. 

Mỗi nghề trong cuộc đời đều là nhân duyên hợp tình hợp lý để mỗi người học ra bài học của mình. Mục đích chính của nghề không phải để mọi người theo đuổi sự thành công trong nghề, mà rốt cuộc nghề nào cũng để con người ta trở về chính mình mà thấy đây là một món quà tốt đẹp để mình học ra bài học về thận trọng, chú tâm và quan sát lại chính mình. Để làm gì? Để không tự gây hại cho mình và cho người khác. Và để học ra về sự khổ, vô thường và vô ngã. Rằng chẳng nghề nào của mình, hay dành cho mình, mà là một nhân duyên đến rồi đi trong cuộc đời mình mà thôi. Nhưng nghề lại là một phương tiện mà qua đó con người gọt giũa tâm hồn họ. 

Không một nghề nào hơn nghề nào, mà chỉ có nghiệp mà mỗi người tạo ra tự gây họa xấu hay tốt cho chính họ. Viết lách hay lao công, chủ tịch xã hay dân thường.... đó chỉ là một khái niệm vị trí trong xã hội do con người sắp đặt. Nó không có thật, nhưng nếu chúng ta bị dính mắc vào vị trí này thì chắc chắn sẽ nảy sinh sự tự ti hoặc tự kiêu. Vậy thật không đáng, vì nó chỉ khiến mình muộn phiền khổ não mà thôi. 

Cha mẹ thường giáo dục con học giỏi để có nghề tốt, nhưng nghề tốt không bằng đạo đức chuẩn mực. Vì nghề là ngọn, mà đạo đức là gốc. Chẳng hạn, nếu phải chọn giữa một triết gia, một giáo sư kiến thức uyên thâm nhưng trong đời sống lại hết sức cao ngạo, phê phán định kiến người, và với một cô giúp việc không kiến thức và tài năng nhưng chất phác, thật thà, sẵn lòng hỗ trợ người khác, thì bạn sẽ có cảm tình với cô giúp việc hơn, phải thế không? 

Vì thế, đừng ngưỡng mộ người qua lớp áo mà họ choàng lên. Lớp áo đó là cái nghề của họ. Vì có nghề, thì cũng có thể mất nghề. Nhưng một người sống phải đạo thì như một gốc rễ của một cây xanh càng ngày càng đâm sâu vào lòng đất. Nếu họ biết thông qua nghề, mà rèn mình, thì họ sẽ càng ngày càng về chân tâm sớm hơn bất cứ người nào theo đuổi hư danh. 

Trang Ps

Được tạo bởi Blogger.