HÀNH TRÌNH CỦA ĐẠI BÀNG

KHÔNG CÓ KIẾM PHÁP VÔ ĐỊCH, CHỈ CÓ CON NGƯỜI VÔ ĐỊCH!

Câu nói nổi tiếng trên của Kiếm Thánh Musashi trong Ngũ Luân Thư luôn nhắc tôi nhìn nhận bản thân và mọi vấn đề cuộc sống trên góc độ nhân bản nhất. Kỳ thực, mọi phương pháp, chiến lược, cách thức đều là thứ tới sau, và là công cụ để con người thực hiện hóa mục đích của mình. Quan trọng, con người đó là ai? Với cùng 1 năng lực, người nhân nghĩa dùng để phát triển cộng đồng, kẻ tham lam tìm mọi thủ đoạn để trục lợi cho bản thân bất chấp ảnh hưởng tới cộng đồng.

Từng được nghe hoà thượng Thích Huyền Diệu - người nước ngoài đầu tiên được Nepal chấp thuận cấp cho hai mẫu đất để xây Việt Nam Phật Quốc Tự - ngôi chùa quốc tế đầu tiên ở vườn Lâm Tỳ Ni - nơi Đức Phật ra đời - thuyết giảng về Mật Pháp trong Kinh Doanh, tôi nhận thấy điều quan trọng nhất về Mật Pháp của thầy mà thầy không chủ động nói ra là sự cân bằng bản thân, bí quyết tạo nên một con người vô địch. Nhưng hệ thống hóa lại, 5 điều thầy dạy để giúp con người hạnh phúc và thịnh vượng hơn có mối tương thông mật thiết với học thuyết Ngũ Hành và Ngũ Thường trong nho giáo.

Vậy, chúng ta phải cân bằng những yếu tố nào để cuộc sống tốt đẹp và hạnh phúc hơn?

Trước nhất, thầy dạy chúng sinh cần tin vào nhân - quả. Tin vào nhân quả là để thấy quả mà tạo ra nhân, luôn có sự nhắc nhở bản thân mỗi hành động mình tạo ra đều có có kết quả hay hậu quả thấy rõ ràng được. Người không tin nhân quả, chuyện gì cũng có thể làm được. Với loại người này, ta nên vái nó rồi chạy đi càng xa càng tốt. Với ngũ thường, điều này có thể ví với chữ Nhân - đứng đầu trong Ngũ Thường. “Nhân” đối ứng với “mộc” trong ngũ hành và “mùa xuân” trong bốn mùa.

Tiếp theo, thầy nói khi làm ăn, sinh sống, mọi việc ta thấy phải thấy cho trúng (chánh kiến). Chánh kiến ở đây tương ứng với chữ Trí, đối ứng với hành Thủy, là lý trí, sống biết phân biệt chánh tà, đúng sai, không buông lung theo những điều xấu ác. Có biết đúng thì mới chọn đúng, làm đúng, từ đó mà nỗ lực để thành công cũng giảm đi. Nhận thức sai, tất cả đã sai ngay từ ban đầu rồi.

Sau đó, thầy nhắc về chữ Tín, Tín ở đây chính là giữ lời hứa, là thành tín. Nó đối ứng với tỳ trong ngũ tạng, thổ trong ngũ hành và tứ quý trong tứ mùa. Con người làm việc cũng vậy mà làm người cũng vậy đều phải giữ chữ tín thì mới tồn tại được. Người mà không có chữ tín thì không thể có chỗ đứng trong xã hội được.

Rồi một yếu tố rất quan trọng tiếp theo, ấy là chữ Tâm. Tâm theo tôi ứng với chữ Lễ, đối ứng với hỏa trong ngũ hành, với tim trong ngũ tạng và mùa hạ trong bốn mùa.  Trong “Hoàng Đế nội kinh” giảng: “Tâm giả, quân chủ chi quan; chủ minh tắc hạ an, chủ bất minh tắc thập nhị quan nguy” nghĩa là cái tâm là có tác dụng chủ đạo. Tâm vốn dĩ là có trạng thái rất rộng mở và hướng lên phía trước, đây là trạng thái tự nhiên của nó. Nếu là trạng thái mất tự nhiên thì bệnh trạng chính là thù hận. Thù hận sẽ làm tổn hại trái tim. Vì sao lại nói như vậy? Đó là bởi vì tâm thù hận đều là từ bên trong mà phát ra bên ngoài. Hơn nữa, loại khí này là hướng vào bên trong mà tụ lại. Vì thế đặc biệt dễ gây ra các bệnh như tim mạch vành, hồi hộp, đánh trống ngực...

Cuối cùng, đó là việc luôn có lòng nhân nghĩa, yêu thương cha mẹ, quý trọng mọi người, uống một chén nước, ăn một bát cơm, không bao giờ quên ơn. Điều này ứng với chữ Nghĩa, đối ứng hành Kim. Thực hành lòng biết ơn khiến con người luôn hướng thiện, và hấp dẫn được tất cả những năng lượng tích cực của vũ trụ tới bản thân mình.

Suy cho cùng, bất kỳ môn phái, tôn giáo, tín ngưỡng nào, mục đích đều mong muốn con người hoàn thiện và cân bằng hơn, để cuộc sống hạnh phúc và thình vượng hơn. 5 điều rút ra từ thuyết giảng của thầy Huyền Diệu, cũng rất tương đồng với nguyên lý cân bằng mệnh cục trong Mệnh Lý Bát Tự, khi cuộc sống của chúng ta cân bằng, mọi chuyện sẽ trở nên dễ dàng hơn. Từ ấy mà con người vô địch của chúng ta hình thành lên.

Chỉ có không ngừng nỗ lực cân bằng và hoàn thiện bản thân, chúng ta mới có thể tạo nên những điều tốt đẹp cho xã hội. Và khi chúng ta thành tâm mong muốn thì chúng ta sẽ có năng lượng và công cụ để làm mọi việc. Đặc biệt trong thời đại kinh tế loạn lạc thế này, giữ một tâm thức đúng mới là điều quan trọng nhất, chứ không phải bất cứ kỹ năng hay chiến lược nào cả.

Vậy, bạn đã đánh thức được con người vô địch trong mình chưa? 

Phuoc Nguyen

Được tạo bởi Blogger.