VÌ SAO LẠI GỌI LÀ "CẬU ẤM CÔ CHIÊU"?
Con của quan chức, con nhà quyền quý thì gọi là "cậu ấm cô
chiêu". Thành ngữ "cậu ấm cô chiêu" từ đâu mà có? các từ "ấm",
"chiêu" có nghĩa là gì?
Ấm ở đây thực ra là từ gốc Hán, chữ Hán viết là "廕"
hoặc "蔭"
(tục thường viết là "廕"). Ấm nguyên nghĩa là bóng cây, bóng râm, là che chở.
Phàm được nhờ ơn của người khác đều gọi là ấm. Phép ngày xưa cứ ông cha làm
quan to, con cháu được ra làm quan, gọi là "ấm sinh" 廕生,
"ấm tử" 廕子, "ấm tôn" 廕孫, v.v. Như vào thời Trần nước ta,
phàm là con các quan thì con cháu được làm học trò ở Quốc tử giám 國子監 rồi
ra làm quan hết.Cái lệ ấy gọi là "tập ấm" 襲廕. Tập là mặc vào, khoác
vào. Ấm là bóng. Tập ấm là khoác bóng, tức là nương bóng cha ông mà được ra làm
quan.
Ngày nay dù lệ tập ấm không còn người ta vẫn quen gọi con nhà quan chức,
con nhà quyền quý là cậu ấm.
Còn về từ “cô chiêu” thì từ đâu mà có?
“Chiêu” trong “cô chiêu” có nguồn gốc từ chữ “chiêu” trong “Chiêu văn
quán” (trong đó “chiêu” nghĩa là sáng sủa, rạng rỡ. Việt Nam tự điển (Hội Khai
trí Tiến đức) giảng như sau: “Chiêu: Tên gọi con ông tiến-sĩ đời Lê, con các
ông tiến sĩ thì được dự vào học sinh Chiêu văn quán <> Cậu chiêu, cậu ấm,
v.v..”.
Triều Lê (đời Hồng Đức) đặt ra Sùng văn quán, Tú lâm cục. Con các quan
từ Tam phẩm trở lên được tuyển vào Sùng văn quán. Con các quan từ ngũ phẩm trở
lên tam phẩm được tuyển vào Tú lâm cục. Sau đời Hồng Đức, Sùng văn quán, đổi
làm Chiêu văn quán.
Vì con các ông tiến sĩ gọi là “chiêu”, nên thi hào Nguyễn Du (con thứ
bảy của tiến sĩ Nguyễn Nghiễm) thời đi học còn gọi là “cậu Bảy Chiêu”; Hải Thượng
Lãn Ông Lê Hữu Trác (con thứ bảy của tiến sĩ Lê Hữu Mưu) cũng được gọi là “cậu
Bảy Chiêu”.
Như vậy, “ấm” trong “cậu ấm” chỉ về lệ “tập ấm” do triều đình ban cho
con cháu các quan. Như “ấm tử” (con quan); “ấm tôn” (cháu quan)... Còn “chiêu”
lại chỉ riêng các nho sinh con ông tiến sĩ, được vào học ở Chiêu văn quán. Và
“chiêu”, trong “cậu chiêu”, vốn dùng để chỉ con trai các ông tiến sĩ. Sau này
thành ngữ “cậu ấm, cô chiêu” nhằm để chỉ cả con trai, con gái nhà quan nói
chung.
ST