CẢNH BÁO TỘI PHẠM LỪA ĐẢO TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG
Ngoài các thủ đoạn lừa đảo truyền thống như: Giả danh cán bộ cơ quan
Nhà nước, người lãnh đạo cấp cao để lừa xin việc làm, “chạy chức”, “chạy án”,
xin dự án, vay vốn tổ chức, cá nhân nước ngoài; kêu gọi đầu tư, …các đối tượng
đã lợi dụng không gian mạng để hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản với phương
thức tinh vi, đa dạng về cách tiếp cận nạn nhân, với nhiều vụ có số lượng lớn bị
hại tham gia tại nhiều địa phương trên cả nước.
Hiện tại, các thủ đoạn điển hình đối tượng tội phạm hay sử dụng đó là
sử dụng mạng xã hội để kết bạn, thông báo gửi quà, sau đó giả danh nhân viên
sân bay, hải quan, thuế... yêu cầu bị hại nộp tiền cước vận chuyển, thuế, phí,
tiền phạt... vào các tài khoản ngân hàng do các đối tượng chỉ định rồi chiếm đoạt.
Bên cạnh đó là chiêu trò giả danh cán bộ cơ quan Nhà nước, Công an, Viện kiểm
sát, Tòa án gọi điện thông báo chủ thuê bao có liên quan đến các vụ án, vụ việc
đang giải quyết, đe dọa, yêu cầu bị hại chuyển tiền hoặc khai thác thông tin
tài khoản ngân hàng của bị hại, từ đó đăng nhập vào tài khoản của bị hại chuyển
tiền vào các tài khoản ngân hàng của đối tượng để chiếm đoạt.
Không những thế, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản lợi dụng không
gian mạng để hoạt động phạm tội có chiều hướng gia tăng, với nhiều thủ thủ đoạn,
như: Tạo lập các website, sàn giao dịch, ứng dụng kiếm tiền, sử dụng “mồi nhử”
là các khoản lợi nhuận cao để kêu gọi, lôi kéo đầu tư kinh doanh tiển ảo, ngoại
hối (Forex), sàn giao dịch quyền chọn nhị phân... theo mô hình đa cấp, sau đó
can thiệp vào hệ thống kỹ thuật, làm cho nhà đầu tư thu lỗ hoặc đánh sập để chiếm
đoạt tài sản; Đăng thông tin giả mạo và các hoàn cảnh khó khăn để vận động
quyên góp từ thiện và chiếm đoạt số tiền huy động được… Đặc biệt hơn là loại
tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong các lĩnh vực kinh tế như tài chính,
chứng khoán, đầu tư, phát hành trái phiếu doanh nghiệp... với thủ đoạn hết sức
tinh vi, lợi dụng sơ hở trong cơ chế, chính sách, pháp luật để hoạt động phạm tội,
gây ra hậu quả thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế, người dân và doanh nghiệp.
Để phòng tránh tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân cần tăng
cường trau dồi kiến thức về pháp luật, chính sách, thường xuyên theo dõi các
thông báo phương thức thủ đoạn phạm tội của cơ quan chức năng trên các phương
tiện, thông tin đại chúng. Nghiên cứu, kiểm tra kỹ trước khi thực hiện các giao
dịch về tài chính, đề phòng trước những khoản đầu tư mang lại “lợi nhuận
cao”.
Riêng về tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, đề
nghị người dân đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi đến bằng số điện thoại cố
định, người gọi tự xưng là cán bộ các cơ quan nhà nước, đặc biệt là lực lượng
Công an để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại, không cung cấp
thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở... cho bất kỳ đối tượng nào khi
chưa biết rõ nhân thân và lai lịch của người đó, đặc biệt không nghe lời của
các đối tượng chuyển tiền vào các tài khoản do các đối tượng chỉ định.
Người dân khi mua hàng qua mạng cần sàng lọc, kiểm tra kỹ thông tin quảng
cáo, rao bán về hàng hóa, danh tính người bán hàng, lựa chọn địa chỉ uy tín,
hình thức thanh toán minh bạch.
Thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng
tư trên các tài khoản mạng xã hội. Thường xuyên thay đổi để đảm bảo tính an
toàn của mật khẩu; không chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân trên mạng xã hội.
Không cho mượn, cho thuê các giấy tờ cá nhân có liên quan như: Căn cước công
dân, giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, thẻ ngân hàng, không nhận chuyển khoản
ngân hàng hoặc nhận tiền chuyển khoản của các ngân hàng cho người không quen biết.
ST