MỘT KHI KHỞI TÂM THÌ ĐÃ PHÂN THIỆN-ÁC RỒI, ĐỨC PHẬT GỌI LÀ "TỰ CHẺ ĐẦU CHÍNH NÓ"
Dạ, con xin chào Thầy! Và kính chúc Thầy thân-tâm luôn an lạc. Thưa Thầy,
con có ít thắc mắc, xin Thầy từ bi chỉ dạy.
Hằng ngày trong khi ngồi thiền, hay trong cuộc sống, con luôn để ý vào
bên trong, và luôn nhận thấy được sự sinh khởi của vọng niệm. Dạo gần đây, con
phát hiện liền sau khi vọng tưởng khởi, có thêm một vọng nữa. Con không biết đó
là gì?
Xin Thầy hãy giải đáp giúp con. Nguyên nhân từ đâu? Và giải quyết nó
như thế nào ạ?
Kính Thầy!
TRẢ LỜI:
Đó là tính chất đương nhiên của vọng tưởng. Vọng tưởng xuất phát từ lý
trí, mà "nghi" luôn tiềm ẩn trong lý trí, nên khi một tư tưởng khởi
lên liền kèm theo sự phân vân lưỡng lự. Nghĩa là có một tư tưởng liền có một tư
tưởng khác bám theo. "Nhất niệm khởi thiện ác dĩ phân" là vậy.
Theo Dịch Lý, từ Thái cực đã sinh một "nghi" thì liền sinh
"nghi" thứ hai (lưỡng nghi). Trong lý Duyên khởi của nhà Phật, chúng
ta cũng thấy "Cái này sinh thì cái kia sinh" và từ đó "trùng
trùng duyên khởi". Hoặc "Nhất ba tài động vạn ba tuỳ" cũng cùng
nguyên lý ấy.
"Nhất niệm khởi thiện ác dĩ phân", một khi khởi tâm thì đã
phân thiện-ác rồi. Khởi tâm tức là Tướng biết của 6 căn, nếu không thanh tịnh
thì thường bị bản ngã chi phối nên đã khởi tâm liền phân thiện-ác, sinh-diệt.
Thí dụ khi con nghĩ cái hoa này "đẹp" tức hàm ý bên trong đã có so
sánh với "xấu" rồi. Khi con nói đây là "thiện" thì đã đối
chiếu với "ác" rồi v.v... đúng không?
Điều này một mặt nào đó dường như rất có hại, nhưng mặt khác lại giúp
chúng ta không bị chấp vào một tư tưởng nhất định để trở thành biên kiến, nhị
nguyên.
Người giác ngộ không phải bỏ mặt này lấy mặt kia mà cả hai mặt đều
giúp họ thấy ra sự thật tương đối của thế giới hiện tượng, nhờ vậy họ không chấp
trước điều gì ở đời mà sống ung dung giải thoát.
Con đừng bận tâm hoặc lo lắng, khi tâm thế nào con cứ thấy như vậy
thôi, sự thấy biết này giúp con dần nhận ra sự thật và không còn dính mắc trong
phân biệt nhị nguyên nữa.
Tánh biết thì luôn rỗng lặng trong sáng, "không sinh" nên
cũng "không diệt". Vì vậy con chỉ cần cảm nhận thân tâm trong sinh hoạt
hàng ngày một cách tự nhiên thôi, không cần dụng ý theo dõi kỹ quá.
Cố gắng theo dõi, ghi nhận bằng cái Ta ý thức thì luôn bị phân đôi như
con đã thấy nên sẽ làm con căng thẳng mà vẫn thấy mình không thể nào miên mật
được, nhưng nếu con để tự nhiên thì tánh biết tự thấy nghe, tự cảm nhận mọi sự
mọi vật một cách miên mật tự nhiên dù chẳng có cái Ta nỗ lực dụng công nào ở
đó.
Chính con đôi lúc trải nghiệm điều này khi sống thật hồn nhiên vô tâm,
nhưng khi hữu ý muốn "tu cho thật rốt ráo" thì liền bị cái Ta ý thức
xen vào biến con thành hai cái Ta - nhị nguyên đối đãi. Đó chính là "nhất
niệm khởi thiện ác dĩ phân".
Do đó Đức Phật dạy trong Pháp Cú:
"Quả thật điều nguy hại
Người ngu sinh sở tri
Huỷ phần sáng của mình,
Tự chẻ đầu chính nó"
"Phần sáng" sẵn có chính là tánh biết, "sinh sở
tri" chính là ý thức của cái Ta...
Thầy
Viên Minh