TÌM LẠI CHÍNH MÌNH
Vốn không ai biết ngày mai mình sẽ ra sao? và dù có đạt được những điều
mình mong ước thì liệu mình có hạnh phúc mãi với thành tựu ấy hay không? Cho
nên ý nghĩa đích thực của đời sống chính là có thế thấy ra được vẻ đẹp muôn mặt
của đời sống bao gồm cả hạnh phúc & khổ đau, thành công và thất bại. Vì
chính những đau khổ hay thất bại mới mang lại cho mỗi người sức mạnh để sống, để
vượt qua tất cả mọi trở ngại.
Vì vậy điều quan trọng nhất trong cuộc sống là nhận ra được ý nghĩa
đích thực của đời sống. Muốn thấy ra được điều này theo Thầy cần phải làm 2 việc:
+ Sống vô ngã vị tha.+ Sống trọn vẹn với chính mình.
1 - SỐNG VÔ NGÃ & VỊ
THA
Sống vô ngã vị tha - tức là đừng sống “ích kỷ”, đừng muốn những cái gì
tốt thì dành hết cho mình. Vì người nào muốn tất cả hạnh phúc trên đời đều dành
cho họ, thì người ấy là người đau khổ nhất trên đời.
Đố các bạn, một vị giác ngộ thành Phật thì người ấy giác ngộ được điều
gì?
Sở dĩ Đức Phật giác ngộ hoàn toàn vì Ngài thấy ra được sự thật rằng tất
cả các pháp đều bất toàn, nên ai cầu toàn thì chỉ có thể chuốc lấy đau khổ mà
thôi.
Bài học giác ngộ & giải thoát hay hạnh phúc & an lạc đích thực
của mỗi người là tại đây và bây giờ ngay nơi chính mình. Dù mình đang đau, đang
bệnh nhưng nếu mình không có vấn đề gì với cái đau, cái bệnh ấy, “bệnh chỉ là bệnh
thôi”, có cách nào thuận tiện thì chữa, có thuốc gì sẵn thì uống thì chính ngay
đó người ấy đã giác ngộ & giải thoát.
2 - SỐNG TRỌN VẸN VỚI CHÍNH
MÌNH
Có những người bị bệnh ung thư, chỉ một thời gian ngắn nữa là ra đi,
hay có những người khi Thầy đến gặp họ là đã rất gần phút lâm chung, thế mà sau
khi nghe Thầy chia sẻ về trải nghiệm hạnh phúc khi Thầy sống trọn vẹn với nỗi
đau đớn tột cùng nơi chính mình, thì họ đã mỉm cười một cách hoàn toàn an lạc
ngay lúc lâm chung ấy.
Tại sao một người có thể cả đời sống trong đau khổ, nhưng trước khi chết
vẫn có thể mỉm cười hạnh phúc?
Vì trước đây còn khỏe thì cứ bị bản ngã lăng xăng cứ lôi kéo tìm kiếm
chuyện này, giải quyết chuyện kia nên lúc nào cũng mệt mỏi và căng thẳng, giờ tới
lúc bệnh nặng quá không còn sức để “mong cầu” hay “giải quyết” bất cứ điều gì ,
vì quá đau đớn nên cách duy nhất là chỉ trọn vẹn giây phút hiện tại với những
cơn đau. Nhưng điều kỳ diệu là trong giây phút lâm chung ấy lại phát hiện hạnh
phúc và an lạc ngay khi tâm trọn vẹn với những gì đang xảy ra, dù đó là đau đớn
hay bệnh tật, và phát hiện ra sự thật đúng như Đức Chúa từng nói: “Mùa màng thì
phong phú mà chẳng có người gặt”.
Giá trị của cuộc sống không phải sống được bao lâu, mà chính là có thể
sống trọn vẹn với chính mình trong từng giây từng phút hay không?
Mình vẫn ở ngay đây, hạnh phúc đích thực vẫn ở ngay đây, không mất đi
đâu hết, chỉ cần trở lại là thấy. Đức Phật nói Pháp - tức sự thật, hạnh phúc
hay chân lý là:
+ Sanditthiko: có thể thấy ngay.+ Akaliko: không qua thời gian.+
Ehipassiko: trở về là thấy.+ Opanayiko: tại đây & bây giờ ngay nơi chính
mình+ Paccattaṃ veditabbo viññūhī: mỗi người tự thể nghiệm chân lý và hạnh phúc
ấy.
3 - VIÊN NGỌC QUÍ NƠI MỖI NGƯỜI
Mỗi người chúng ta đều mang nơi mình “viên ngọc quý”, ai cũng đều bình
đẳng như nhau, không có ai hơn ai một chút gì. Mỗi người đều có đầy đủ mắt-tai-mũi-lưỡi-thân-ý
như nhau, vậy sao có người thì an lạc, có người lại đau khổ?
Tại vì đa số chúng ta chưa biết sử dụng mắt nhìn thấy sắc như thế nào
cho đúng, sử dụng tai nghe âm thanh, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị như thế nào cho
được lợi mình lợi người, mà cứ đem những “viên ngọc quí” ấy ra lạm dụng quá mức
mà tự phá hoại chính bản thân mình.
Bên Mật Tông có câu thần chú “Om Mani Padme Hum” tức là “Trong mỗi người
có viên ngọc quí”, nhưng không phải cứ ngồi đọc “Om Mani Padme Hum” là
xong, mà phải biết sống trọn vẹn với chính mình trong từng giây phút để phát hiện
ra “viên ngọc quí” ấy là gì và cách sử dụng nó như thế nào mới được.
Trong cuộc sống này ai cũng có đầy đủ mắt-tai-mũi-lưỡi-thân-ý, có
“viên ngọc quí” giống như nhau, nhưng mỗi người có biết sử dụng mắt-tai-mũi-lưỡi-thân-ý
để học ra bài học về chính mình và cuộc sống hay không? để nhận ra ý nghĩa đích
thực của cuộc sống hay không hay vẫn mãi sống trong ảo mộng mà tưởng đã đánh mất
mình, nên giờ phải tìm lại…
Thầy
Viên Minh