BÀN VỀ GÁNH NGHIỆP
Có nhiều khi, cuộc đời bạn không được như ý, khó khăn vây trở, bệnh tật
rầy rà, thất tình thất thế triền miên. Người ta bảo bạn đang phải trả nghiệp
cho một hoặc nhiều kiếp trước, gây ra tội lỗi này nọ, nên kiếp này mới trắc trở
khổ sở như vậy.
Điều này thực có đúng không?
Chiếu theo ý nghĩa, Nghiệp (Karma) nghĩa là hành động. Từ hành động dẫn
tới diễn biến và kết quả. Kết quả tốt hay xấu ấy là dựa vào hành động ban đầu,
cùng chuỗi những hành động tiếp theo dẫn tới.
Chúng ta không có nghĩa vụ phải gánh vác hay chịu trách nhiệm với những
hành động không phải do chúng ta thực hiện, hay có ý thức thực hiện.
Như trong Phật Giáo Nguyên Thuỷ, đức Phật định nghĩa, hành động có ý
thức được gọi là Nghiệp, hành động không có ý thức không thể gọi là Nghiệp.
Hành động có ý thức là hành động phải chịu quả báo, hành động không có ý thức
không phải trả quả báo. Như vậy, cái quyết định thành Nghiệp hay không, không
phải là hành vi mà chính là ý thức, vì ý thức giữ vai trò chỉ đạo hành động. Xuất
phát từ ý nghĩa này, tu tập cũng có nghĩa là sửa sai ý thức, không phải hành động,
vì hành động là cái được chỉ đạo bởi ý thức.
Nghiệp cũng có hai ý nghĩa, Nghiệp thiện và Nghiệp ác. Nghiệp thiện là
nghiệp được chỉ đạo bởi tâm không tham không sân và không si; Nghiệp ác là nghiệp
được chỉ đạo bởi tâm có tham có sân và có si. Nói một cách dễ hiểu là hành động
nào mang một ý thức tốt đẹp, thì hành động ấy sẽ mang lại một kết quả tốt đẹp
và ngược lại.
Ví như chúng ta muốn trở thành một vị bác sĩ tài giỏi, điều kiện tất yếu
là chúng ta phải nỗ lực học tập, thâu thập kinh nghiệm trong ngành y khoa, nếu
làm đúng như vậy thì chúng ta sẽ trở thành một vị bác sĩ tài giỏi. Đó là kết quả
của một hành động có ý thức đúng đắn, được chỉ đạo bởi trí. Ngược lại, có người
cũng muốn làm bác sĩ, nhưng không nỗ lực học tập, không rút kinh nghiệm, thì
người đó sẽ không thành bác sĩ hoặc trở thành một vị bác sĩ không giỏi. Đó là kết
quả của một hành động thiếu ý thức, được chỉ đạo bởi vô minh.
Sự khác biệt nhau về con người không phải là số phận, cũng không phải
là định mệnh, bởi có rất nhiều người có cùng Bát Tự năm tháng ngày giờ sinh giống
nhau như tôi từng đề cập tới trong một bài viết trước đây, sự khác biệt chính
là do cách hành nghiệp của chúng ta.
Vậy thì nghiệp quả kiếp trước tác động thế nào tới đời sống con người
kiếp này???
Nghiệp quả tạo ra cảnh, thiện hay ác nghiệp sẽ tạo ra từng hoàn cảnh
khác nhau. Hoàn cảnh là môi trường ta sống, là những người ta gặp, là những sự
việc diễn ra bên ngoài chúng ta.
Ta có thể chọn lựa cảnh không? - Có và không!
Có những hoàn cảnh mà ta có thể chuyển cảnh, ví như bạn bè xung quanh
đầy năng lượng tiêu cực, oán thán, ta tìm bạn khác tích cực hơn. Môi trường
công việc kìm hãm bản thân và đầy rẫy thị phi, ta tìm môi trường khác. Tình yêu
hết lòng yêu thương tan vỡ, ta tìm những niềm vui khác trong cuộc sống và dần dần
tập quen với trạng thái bình thường mới...
Cũng có những hoàn cảnh mà con người nhỏ bé của chúng ta không tự mình
chuyển cảnh được. Ấy là chiến tranh, dịch bệnh, khủng hoảng,... Lúc này, cảnh
mà ta chuyển chỉ có thể xuất phát từ trong tâm trí mình. Thời thế càng khó
khăn, nội tâm càng cần tĩnh lặng để nhìn nhận về bức tranh lớn. Giá trị của bạn
ở đâu, bạn mong muốn điều gì, điều gì khiến cuộc sống của bạn trở nên ý
nghĩa??? Tất cả những câu hỏi này sẽ như kim chỉ nam dẫn lối cho bạn tự chuyển
cảnh trong tâm.
Khi mà tâm thế thay đổi, dẫn đến hành động thay đổi. Hành động khác đi
thì nghiệp quả khác đi. Luôn nhớ rằng bản thân bạn không cần phải chịu trách
nhiệm cho những hành động mà bản thân mình không có ý thức, dù vậy, hãy luôn có
ý thức. Điều này quyết định nghiệp quả của bạn sẽ là tốt đẹp thiện lành hay xấu
xa mệt mỏi.
Vậy thì vì sao những người sống tốt đẹp lại vẫn luôn phải chịu
hoàn cảnh vất vả khổ đau? Điều này chẳng phải do họ chịu nghiệp quả từ tiền kiếp
hay sao?
Đó chỉ là một lý do để biện hộ. Điều quan trọng là họ có thực sự đủ mạnh
mẽ để cho phép mình chuyển cảnh hay chưa? Hay vẫn chấp nhận, chịu đựng được những
gì đã và đang diễn ra?
Ngay cả những người bệnh ung thư giai đoạn cuối, vẫn vô cùng nhiều người
lựa chọn cho mình một thái độ sống hết sực tích cực và tràn đầy yêu thương, họ
làm được thì tại sao bạn lại không?
Chúng ta đừng quá nặng nề những ám ảnh về nghiệp quả, mà quên mất rằng
mình cần có trách nhiệm với từng giây từng phút mình còn sống trên đời, làm
đúng việc, gặp đúng người, chọn đúng cảnh, ấy chính là khi nghiệp quả đang được
tạo thành.
ST