HÃY ĐỂ SỰ TĨNH LẶNG CẤT LỜI
1. Chúng ta, ai ai cũng "lỡ lời" nhiều hơn một lần trong đời,
chỉ là không bị đưa lên báo chí mà thôi. Nhìn vào những lần lỡ lời của mình,
mình sẽ tự cảm thông và nhẹ nhàng cho những lần lỡ lời của người khác.
Vì sao lỡ lời? Vì lúc đó, cứ nói theo sự thôi thúc của suy tư hay cảm
xúc, một phần nông cạn và thiếu chín chắn. Bám vào suy nghĩ phải nói, rồi nói
ra. Bám vào suy nghĩ như thế là đúng, liền có những lời nói khăng khăng 'mình
đúng và mình thông thái'. Bám vào suy nghĩ nói để người ta hiểu mình, nói để
thanh minh... Bám vào suy tư nào, nói ra theo suy tư nào, thì luôn ẩn đằng sau
đó là nỗi sợ hãi. Vì những khuôn mẫu tư duy mà chúng ta bám vào, luôn muốn tự bảo
vệ và muốn được sự bảo đảm. Vì thế, nếu có bất cứ ai đe dọa khuôn mẫu mà họ bám
vào, thì liền nảy sinh sự giận dữ và sợ hãi.
Bản ngã là tập hợp của ý thức bị rập khuôn hóa, tức là lập luận thế
nào là đúng-sai, tốt-xấu, chấp nhận-không chấp nhận được. Con người bị trói buộc
trong thứ ý thức bị khuôn mẫu hóa đó, nên sự thấu hiểu và đồng cảm bị che lấp.
Vì sự đồng cảm chỉ có thể nảy nở từ một không gian thoáng đãng hơn bên trong
chúng ta. Trong khi, ý thức bị rập khuôn không có không gian đó.
2. Khi một lời được nói ra, nó đã phát ra. Và điều quan trọng là mình
cần chấp nhận được nó đã qua. Có câu nói "Uốn lưỡi 9 lần trước khi
nói" có trí tuệ đằng sau đó. Vì chúng ta thường "dễ bị lỡ lời"
vì thường nói dựa trên "cảm xúc hoặc ý nghĩ thúc đẩy từ bên trong".
Mà ý muốn thì thường xung đột. Có khi nói ra theo ý này, thì ý khác liền xuất
hiện và tự nhủ "sao lúc đó mình không nói theo kiểu khác thì hay
hơn." Và khi nói ra rồi, nhiều người sợ vì nó có thể làm mất hình ảnh cá
nhân của họ. Vì bất cứ lúc nào chúng ta dính mắc vào suy nghĩ, thì chúng ta
luôn dính mắc vào hình ảnh cá nhân. Thứ chúng ta bảo vệ xuyên suốt cuộc đời
này, chẳng phải là một hình ảnh cá nhân hay sao? Nhưng không nhiều người nhìn
ra được hình ảnh đó là ảo tưởng.
Rất nhiều người đã từng tức giận với những lời của Phật, nhưng Phật
không còn bao giờ cho rằng mình lỡ lời. Như vậy, ngay cả khi chúng ta không lỡ
lời, thì vẫn có những người tức giận với ta. Vì sao họ tức giận? Vì họ nảy sinh
ý rằng những lời của người kia đang đụng chạm đến hình ảnh cá nhân của họ. Như
vậy, lời nói của người khác không hề làm ta tức giận, mà sự tức giận nảy sinh
bên trong ta khi ta dính mắc vào ý nghĩ về lời nói kia, và tự suy diễn về lời
nói kia theo một cách tiêu cực nào đó.
3. Cảm nhận sự bình tĩnh sẵn có, thì rất nhiều lời bị thôi thúc từ suy
nghĩ nông cạn sẽ tự diệt đi, và thay vào đó, sự tĩnh lặng sẽ thôi thúc những lời
nói đủ khiêm tốn và trí tuệ.
4. Và trong nhiều trường hợp, không cất lời vẫn tốt hơn. Sự tĩnh lặng
vô ngôn là đủ rồi.
Trang Ps