HÀNH TRÌNH CỦA ĐẠI BÀNG

HOÀN CẢNH THỬ THÁCH LÒNG NGƯỜI

Môi trường thử thách lòng người. Khi ở trong môi trường khó, ta mới biết tâm mình vững hay chưa vững.

Các bậc phụ huynh của chúng ta thường hướng con cái mình đến một hoàn cảnh hay một tương lai ổn định. Khi một người trẻ ở quê vừa ổn định trong sự nghiệp lẫn hôn nhân, người ta thường gọi họ đã vững vàng về mọi thứ. Nhưng đó chỉ đơn giản là những vững vàng bên ngoài. Thật khó để nói họ có vững vàng bên trong hay không.

Tôi đã chứng kiến nhiều cảnh sụp đổ ở quê nhà. Đó là trường hợp những gia đình đi đến phá sản, cảnh vợ chồng nọ sống trong một túp lều tranh xơ xác sau đó được xã xây cho ngôi nhà bê tông mang tên "nhà tình thương". Cảnh những người nông dân đấu tranh suốt những năm ròng để mong có khoản tiền bồi thường đất đai hợp lý. Cảnh những người trẻ bỏ học từ năm lớp 9, đi xuất khẩu lao động đến mãi 10 năm vẫn chưa trở về nhà... Và cũng có những cảnh nom khấm khá hơn, ấy là những con người lập nghiệp nơi phương xa, trở về với một địa vị cao hơn, có tiếng tăm trong làng xã của họ. Ai ai cũng đang đi trên con đường ngỡ chừng riêng biệt, và đám đông tung hô hay dè bỉu họ theo cái quy chuẩn xã hội bao lâu nay, theo cái lòng dạ con người vốn đôi khi thật hẹp hòi và ích kỷ... 

Một nghệ sĩ mà tôi phỏng vấn đã nói thật đúng, rằng chúng ta đang sống trong môi trường bị dán nhãn quá nhiều thứ. Chúng ta luôn phân chia trong đầu vạn thứ, vạn điều, từ cây viết chuyên nghiệp hay nghiệp dư, nghệ sĩ chính thống hay tay ngang... Ta dán lên con người mình, in hằn trong tư duy của mình những lằn ranh thật "chua chát" từ đó gián tiếp bóp nghẹt lấy một con người, và tự đưa mình vào một khuôn khổ thật hạn chế và ngột thở. 

Môi trường của chúng ta được tạo nên từ nhận thức của mỗi cá nhân. Nhưng cũng chính trong một môi trường đầy khốc liệt, ta đôi khi lại có cơ hội thấy rất rõ những cung bậc bên trong mình. Cái cách mà ta phản ứng trước một vấn đề. Cái cách mà ta khoan dung hay đang thực sự gián tiếp đưa ai đó vào cảnh khốn cùng. Ranh giới giữa thiện-ác mong manh là thế. Vì chỉ một chút ta thiếu chú tâm vào lòng mình, ta sẽ tự chính mình trở thành phần ''con'', thật hoang dã và thú tính. 

Hồi còn là học sinh, tôi khá ám ảnh tác phẩm "Đời thừa" của nhà văn Nam Cao, có lẽ bởi tôi là một kẻ đầy chiêm nghiệm. Hoàn cảnh sống khắc nghiệt và quá thiếu thốn, gián tiếp đưa một kẻ giàu lý tưởng như Hộ, trở nên một tên vô dụng đầy chán ngán. Trong anh ta dấy lên những cung bậc mâu thuẫn, dằn xé, anh ta mong một đàng, nhưng cảnh vợ con leo lắt lại khiến anh ta phải viết lên những trang văn nom thật vô vị và nông cạn. Cái nghèo khiến anh ta thấy tiền, ôi thôi, mới thực sự là quan trọng. Nhìn cảnh vợ con đói khổ, khiến anh ta như đang đâm bao nhát dao vào con tim nóng hổi của mình. 

Để ung dung trong cái khó là một điều đòi hỏi thật nhiều kiễn nhẫn và chấp nhận. Người ta nói, chấp nhận và thứ tha, chỉ dành cho kẻ yếu. Nhưng bạn cứ thử chấp nhận và thứ tha đi rồi sẽ rõ, bạn có làm được không, và lúc này bạn biết mình yếu hay mạnh. 

Sự vận hành của nhân duyên, biến thiên, luân chuyển, cũng là để gián tiếp giúp bạn nhìn rõ chính mình hơn, đi xuyên qua được những dằn xé tâm can, để chạm vào cái gọi là tĩnh lặng. Người ta không thể chạm vào tĩnh lặng, vì người ta bị dính mắc vào quá nhiều toan tính. Con người có quá nhiều toan đính, so đo, được hơn, nên lòng họ mới thật là đa đoan và sợ hãi. Họ không thấy ra được họ đang sợ hãi, vì chính khối toan tính của họ đã che mờ đi cái biết muôn thuở của họ mất rồi.

Trang Ps

Được tạo bởi Blogger.