ĐÚNG VIỆC
Thế giới của chúng ta trở nên xáo trộn phần nhiều là do chúng ta không
làm đúng việc, bất chấp việc chúng ta là những con người vô cùng tận tuỵ và có
trách nhiệm với công việc, với cuộc đời, bất chấp cả khi chúng ta đã dành phần
lớn cuộc đời để chăm chỉ làm việc - nếu việc đó ngay từ đầu đã sai.
Có nhiều khách hàng khi tìm đến tôi để tư vấn Bát Tự đã cho thấy vấn đề
này: Họ vô cùng chăm chỉ, vô cùng nỗ lực, làm đúng quy trình, làm xuyên thời
gian,… làm tới những lúc thấy kiệt quệ vẫn tiếp tục làm. Đến một ngày nhìn lại,
mọi thứ xung quanh vẫn chẳng thay đổi gì nhiều, ngoại trừ bản thân đã quá nhiều
mệt mỏi và những cảm xúc thì chẳng còn tích cực như ban đầu.
Nguyên nhân ở đây là bởi họ đã không làm đúng. Làm đúng, là lựa chọn
đúng, lựa chọn phù hợp ngay từ đầu. Điều này sẽ tạo ra giá trị, và hiệu quả cho
việc mình làm. Chọn không đúng, không phù hợp, có nỗ lực bao nhiêu thì cũng sẽ
quanh quẩn, rối rắm, dẫn đến những lựa chọn hành động tiếp theo cũng tăng độ
sai số, một lúc nào đó bao nhiêu công sức sẽ đổ bể như đổ domino vậy.
Sự chọn đúng, làm đúng này, bản chất đến từ việc mình thấu hiểu bản
thân bao nhiêu phần, biết được điều gì thì phù hợp với năng lượng của mình, điều
đó sẽ tạo ra được giá trị thật sự gì? Và giá trị ấy sẽ tác động cụ thể đến đối
tượng nào?
Đôi khi có những việc tưởng chừng ý nghĩa nhưng lại hết sức vô nghĩa.
Đấy là khi ý nghĩa của một việc nó không đem lại lợi ích lâu dài, và làm hao hụt
tài nguyên, nguồn lực của chúng ta.
Giống như khi bão lũ ở miền trung xảy ra, có những địa phương nấu bánh
chưng gửi gắm. Đó là một hành động đẹp, đáng trân trọng. Tuy nhiên lại cũng có
những địa phương thấy vậy liền huy động nguồn lực ào ạt gói thêm bánh chưng,
tránh việc thua kém những nơi kia, mà không để ý rằng người dân vùng lũ có thực
sự cần bánh chưng hay không, bánh đó thì bảo quản được bao lâu giữa những ngày
mưa lũ, hay việc so đo thành tích đó có mang lợi hiệu quả thật sự gì hay không?
Trong công việc cũng vậy, khi một doanh nghiệp thiết lập KPIs cho toàn
thể hệ thống nhân viên, nhưng những người nhân viên ở các bộ phận đều đang lắp
ghép sai vị trí, kẻ giỏi ăn nói thì ngồi tính bảng lương, kẻ ù lì thì bắt đi
chaỵ doanh số, những người bao quát thì đi phân tích kĩ thuật, người tỉ mỉ lại
chẳng cho đi bắt lỗi,… thế thì dù 100% nhân sự trong doanh nghiệp đó đều thực
hiện đủ KPIs, đi làm đúng giờ, làm đúng quy trình bài bản,… thì hiệu quả của
công việc cũng chẳng cải thiện thêm mấy phần. Vì vấn đề là đã sai từ đầu rồi,
có tiếp tục vận hành cái sự sai ấy, thì nó cũng chỉ là một sai lầm rất đỗi kỷ
luật mà thôi. Chuyện này xử lý phải đến từ cả hai phía, lãnh đạo cần hiểu rõ mục
tiêu của hành động hơn và chọn cho đúng nhân sự phù hợp, nhân sự cũng phải hiểu
rõ năng lực và mong ước của bản thân hơn đề đề xuất cho đúng công việc.
Hay trong chuyện tình cảm, ví dụ như khi yêu thương một người, thì đó
là tất cả những gì chúng ta nên tập trung. Tất cả mọi vấn đề bên ngoài, đều chỉ
nên là gió thoảng ngoài tai, tránh để ta xao lãng mà quên mất rằng, việc của
chúng ta cần làm đúng là dành tất cả yêu thương cho người đó. Còn nếu cứ mãi
không thể tập trung để yêu thương họ cho tốt, như thế là chưa đúng người rồi,
nhìn nhận lại cho kỹ càng rồi quyết định đi tiếp hay là ngưng.
Trong đời sống của chúng ta, việc mà chúng ta cần làm đúng quan trọng
nhất là làm người, đôi khi nghĩ rằng quá hiển nhiên, nhưng để làm người đúng
nghĩa lại khó vô cùng. Lựa chọn làm người, là lựa chọn có trách nhiệm với bản
thân mình, biết rằng mình sống để làm gì, mình có tạo được ra giá trị gì cho đời
sống này hay không.
Khi mình có trách nhiệm với bản thân rồi, thì trách nhiệm ấy sẽ lớn dần
lên, trở thành trách nhiệm với cộng đồng xã hội chung quanh. Điều này khiến cho
chúng ta biết rung động trước cái đẹp, biết bất bình với cái xấu cái ác, biết
nhận thức đúng sai và chỉ lựa chọn làm điều đúng, làm những điều có ý nghĩa với
cuộc đời, còn những gì không mang lại ý nghĩa gì thì kiên quyết không làm.
Thế nên ví dụ như khi người thân mình bị ốm, việc cần làm nhất sẽ là động
viên để họ có thể tích cực điều trị, chứ không phải xoáy vào những sai lầm dẫn
đến hiện trạng của họ khi họ từng không nghe mình. Việc này không những không
khiến tình trạng của người kia tốt hơn mà còn khiến cho mối quan hệ của mình tệ
thêm đi. Lúc họ bình phục mới cùng nhìn lại nguyên nhân và đưa ra giải pháp khắc
phục thật khéo léo. Điều này xuất phát từ việc hiểu đúng vị trí của mình là người
thân - đồng đội, do đó mọi hành động đều hướng về nhau, bảo vệ cho nhau.
Để nhận thức cho đúng, lúc này sẽ cần thật nhiều nỗ lực. Nỗ lực để hiểu
biết bản thân. Nỗ lực để yêu thương bản thân nhiều hơn. Tự nói chuyện với bản
thân, tự chăm sóc cái tâm đầy biến động của mình. Bên cạnh đó cũng không ngừng
tự hoài nghi, tự hỏi bản thân mình xem tại sao mình lựa chọn làm việc này, và
việc đó có ý nghĩa đến đâu?
Thực ra mình hay chọn sai, là do khi mình chưa đủ hiểu biết, thì tâm
mình lại quậy quá, không hỏi nó, không nói nó, không quản nó, nó sẽ lựa lung
tung, cuối cùng kẻ thiệt lại chính là mình. Quản trị cuộc đời rốt cục là quản
cho tốt cái tâm của mình, để nó luôn thấy đúng, nghĩ đúng, lựa chọn đúng. Nếu tất
cả chúng ta đều hướng đến việc này - làm đúng việc từ đầu, chắc chắn xã hội của
chúng ta sẽ ngăn nắp và dễ chịu vô cùng, khi ấy thì dù có covid hay cô hồn cũng
không con nào có thể tác oai tác quái lâu dài được. Mong là như vậy.
st