BÁT PHONG TRONG ĐỜI NGƯỜI
Bát phong liên tiếp thổi qua
Đời người lên xuống theo đà gió đưa
Khen-chê được-mất hơn thua
Vinh-nhục vui-khổ như đùa người tu
Nói dễ (mà) vào cảnh như mù
Rơi xuống mới biết chưa tu được gì.!.
Bát phong là tám ngọn gió đời, thổi rất mạnh làm cho cuộc sống con người
bị xáo trộn. Tám ngọn gió này gồm: lợi – suy, hủy – dự, xưng – cơ, khổ – lạc.
Suy cho cùng chỉ có 2 loại, 4 ngọn gió nóng làm bay lên, 4 ngọn gió lạnh
chìm xuống. Cả đời người bị tám ngọn gió đó thổi lên trời rồi xuống địa ngục,
chìm nổi không yên mà không thoát được. Những ngọn gió này thổi vào đâu,
nó thổi vào ngã mạn của con người, nếu không có ngã mạn thì bát phong thổi vào
nhà trống không có suy suyển. Con người ai cũng có ngã mạn chưa trừ nên phải tu
từ cảnh thực ở đời, phải có thực chứng mới biết mình cần tu sửa gì.
Mình nói là vô thường, khổ, vô ngã nhưng có điều người thân của
mình vì một lý do gì đó rời bỏ mình ra đi thì khóc lóc đau khổ. Thành ra giáo
lý nhà Phật đọc thì dễ hiểu, nhưng thực hành được hay không là một chuyện khác.
Văn rồi tư, khi tư rồi mới bắt đầu tu tập cho đến khi giải thoát, chưa tu mà mới
hiểu không cũng là con số không. Phải có cảnh mới biết mình thực sự có tu chưa.
1. Lợi Suy - được và mất
Con người khi đạt được cái gì mình thích thì vui sướng, hân hoan, khi
cái mình muốn mất đi thì đau đớn, khổ sở. Đức Phật không bao giờ dạy mình tìm
cái được cả, vì mình tìm cái được khi mình mất sẽ đau khổ. Hai ngọn gió này khi
mình làm được nó thổi mình lên tận mây xanh, khi mình suy tàn sẽ rơi xuống dưới
đất. Ngọn gió này đánh con người tơi tả, hàng ngày, hàng giờ.
Tổ Bồ Đề Đạt Ma có dạy là khi chúng ta gặp chuyện bất như ý thì ngay
khi đó, chúng ta nên tu hạnh báo oán, tức là nghĩ rằng chuyện đó không phải khi
không mà có, mà do cái duyên xấu của mình. Trước mình gieo nhân xấu, bây giờ
mình chịu quả xấu, cho nên gặp khổ không buồn, hay là gặp những điều bất như ý,
chúng ta không buồn; còn khi chúng ta gặp cái may mắn thì cũng khoan mừng, tại
vì cái này là do phước báu của mình, còn phước thì mình hưởng, hết phước thì
thôi. Thành ra được may mắn cũng không tự tôn, hay tự kiêu, đó gọi là tùy duyên
hạnh. Hiểu được điều này thì đứng trước cái Được cái Mất, chúng ta sẽ tự tại.
2. Hủy Dự: Hủy báng - tán thán
Hủy và Dự, gọi là hủy báng và tán thán, cũng là khen - chê, chỉ lời
nói mà làm cho chúng ta lên bờ, xuống ruộng rồi.
Có một câu chuyện trong nhà thiền: Một vị tướng quân tới gặp vị thiền
sư hỏi rằng: Bạch Ngài trong Phật giáo nói có Niết-bàn và có Địa Ngục, Ngài có
tin không. Vị thiền sư nói, ôi giời ơi, ông nói láo, làm gì có Niết-bàn, làm gì
có Địa Ngục. Khi nghe thiền sư nói như vậy ông đùng đùng nổi nóng, quát tháo ra
lệnh cho lính tới bắt vị thiền sư định chém đầu, thì vị thiền sư cười bảo đấy.
Ông muốn hỏi tôi về Địa Ngục, thì có phải ông đang sống trong Địa Ngục không. Vị
tướng quân lúc đó nghe vị thiền sư giải thích và quay qua xin lỗi và rất vui vẻ
cảm ơn Ngài đã chỉ giáo cho. Vị thiền sư nói ông hỏi tôi Niết-bàn, ông đang sống
trong Niết-bàn đó. Thành ra cái khen và chê nó làm cho con người sống trong Địa
Ngục hay sống trong Niết-bàn tùy lúc, khen thì lên tận trời xanh sống, chê một
cái bừng bừng nổi giận sống trong địa ngục.
Đức Phật mới thuyết một bài pháp như thế này, “Khi nghe lời khen khoan
mừng, vì mừng thì sẽ mất bình tĩnh, mà hễ mất bình tĩnh thì không biết người ta
khen đúng hay khen sai; và khi nghe người ta chê thì đừng có buồn, vì buồn thì
sẽ mất bình tĩnh, mà mất bình tĩnh thì không biết lời chê đó đúng hay
sai.”Thành ra chúng ta sống trên thế gian này, phải nghe lời khen tiếng chê để
chúng ta biết mà sửa mình, nhưng phải bình tĩnh, nghĩa là khoan mừng, khoan buồn,
khoan giận, khoan ghét, thì chúng ta mới sáng suốt để nhận thức được điều đó
đúng hay sai.
3. Xưng Cơ: Tôn kính - chê bai
Xưng và Cơ, có nghĩa tôn kính và chê bai, hay tốt - xấu, vinh - nhục.
Vì vô minh nên con người chấp vào tự ngã, cái tôi. Cái ngã được tôn lên thì dễ
chịu vui vẻ, cái tôi bị huỷ báng thì đau khổ, tức giận. Trong cảnh này thì
dừng lại bình tĩnh không phản ứng và người tu phải biết được pháp thiền quán để
thoát ra: quán cái cảm thọ tức giận đau khổ, quán cái ngã là không có thực. Có
một vị thiền sư đắc đạo kể lại bài học mà người cha đã dạy ông từ khi còn nhỏ
“Bất cứ khi nào có ai đến mắng chửi, hỏi con những câu xúc phạm, con khoan hãy
đáp lời, hãy nói với họ con sẽ trả lời họ vào sáng hôm sau”. Sau một đêm, mọi cảm
xúc tiêu cực lắng xuống, con người ta sẽ sáng suốt hơn để có câu trả lời cho mọi
hoàn cảnh.
4. Khổ Lạc: Đau khổ - hạnh phúc
Khổ và Lạc, hay còn gọi là đau khổ và hạnh phúc, mong muốn hạnh phúc,
không đạt được thì đau khổ. “Cầu bất đắc khổ”, mình mong cầu không được là đau
khổ, còn ước gì được nấy thì lúc đó vui vẻ, sung sướng thành ra một ngọn gió
làm cho mình đau khổ, còn một ngọn gió làm cho mình hạnh phúc. Tuy chỉ là
thoáng chốc vô thường nhưng không nhận ra thì vẫn bị nhấn chìm.
5. Làm sao đạt được Bát Phong xuy Bất Động?
Chúng ta học Phật có những người học Phật bằng kinh chữ Nho, chữ Pali,
rồi chúng ta ngồi thiền, lễ Phật, tụng kinh… đủ thứ, đó là học theo công thức.
Nhưng có một cách học Phật ngoài công thức đó giúp chúng ta tránh được những đường
kiếm của thế gian này là Bát Phong. Tức là khi gặp những cảnh Khổ Vui, Khen
Chê, Được Mất… những cái đó là những nghịch cảnh, thuận cảnh, mà chúng ta giữ
được tâm mình bình tĩnh và sáng suốt thì người đó sẽ đạt được nghệ thuật Thiền.
Trong thiền viện, người thiền sinh mới đến sẽ học nấu cơm, học xách nước,
học trồng rau… học tất cả mọi việc bình thường, không dính dáng gì đến thiền hết.
Nhưng trong những cảnh đó, chúng ta thấy cuộc đời này là ông thầy rất tận tâm,
luôn luôn đánh chúng ta bằng những đường kiếm bất ngờ; có nghĩa là khi chúng ta
bị chê, bị mất, bị khổ, bị tiếng xấu, bị những đau đớn ray rứt mà chúng ta vẫn
giữ được sự bình tĩnh sáng suốt, thì khi đó được gọi là Bát Phong Bất Động.
Người thế tục thì có thể học tại gia tức là ở giữa chợ, ở gia đình,
làm dâu, làm vợ, làm cha, làm mẹ, làm tất cả mọi việc bình thường của một thế
nhân.
Nếu quý vị được hạnh phúc, được khen, được gặp thuận cảnh, điều này
nên cám ơn nhân duyên tốt là mình có phước báu vô cùng mới được những hoàn cảnh
như ý này. Giả sử như chúng ta bị những điều trái ý làm khổ lòng, rối trí thì
nhớ rằng cơ duyên giác ngộ rất gần, nếu chúng ta biết một điều là nên bình
tĩnh, lắng xuống. Giống như Đức Phật dạy, “Khi gặp cảnh thuận con nên khoan mừng,
là vì nếu mừng sẽ mất bình tĩnh. Khi gặp cảnh nghịch con khoan buồn tại vì buồn
sẽ mất bình tĩnh.”
Cái bình tĩnh này trong Thiền gọi là Định. Do bình tĩnh cho nên chúng
ta duy trì được sự sáng suốt, và duy trì được sự sáng suốt đó trong nhà Thiền gọi
là Huệ. Như vậy chúng ta chỉ sử dụng được có hai cái để tu thôi. Là bình tĩnh
thì sẽ sáng suốt, nhờ sáng suốt nên duy trì sự bình tĩnh, và do đó chúng ta sống
trên thế gian này có thể tắm được những dòng nước nóng lạnh, gọi là tắm nước của
Bát Hải Long Vương mà vẫn không bị sứt mẻ gì. Một vị Phật được ra đời là như vậy!
st