HÀNH TRÌNH CỦA ĐẠI BÀNG

CHO THẾ NÀO? NHẬN RA SAO?

Có nhiều lần tôi được nghe những lời than thở, về việc một người luôn sống vì người khác, luôn cho đi hết mình, nhưng lại chẳng nhận được điều gì tốt đẹp trở lại. Vậy là do ông trời bất công, hay là ông bị che mắt?

Thực ra, khi ta làm một việc gì đó cho một người, hoặc một tập thể nào đó, nếu ta chẳng hề vô tư thì thật khó để có điều vô tư quay trở ngược lại. Cuộc sống lúc này hẳn sẽ vần xoay bên những con tính, cho đi điều gì và nhận lại điều chi?

Cũng có khi người mà ta cho đi, là người mà ta hết mực yêu thương, cho đi một cách chân thành với những gì tốt nhất mà ta có. Nhưng mà khoan đã, nếu như đó chưa chắc là những gì mà đối phương cần, vậy thì họ có thể đáp đền những gì mà ta mong đợi hay không?

Ví dụ như người phụ nữ yêu chồng, luôn quan tâm sức khoẻ ông chồng mà đưa những chế độ dinh dưỡng tốt nhất vào chế độ ăn, và yêu cầu người chồng tuân thủ nghiêm ngặt. Cơ mà đàn ông thì còn có những khoảng trời riêng, những buổi hàn huyên anh em nâng cốc, vậy đâu thể cứ ăn hoài một chế độ tốt đẹp như vậy được.

Hay trong một doanh nghiệp, người sếp muốn nhân viên của mình có thật nhiều skills để đi chinh chiến, gọi hết thầy a, b, c,... (thiếu mỗi thầy Phước) đến dạy cho anh chị em. Nhưng vấn đề là đó chưa chắc là những skills mà mọi người cần đến nếu trải dài trên mặt bằng chung, bởi sẽ có người biết rồi, có người chưa biết, có người không phụ hợp với phương pháp đó, có người lại chẳng biết mình cần biết cái gì,... Trên hết là sự tự nguyện và mong cầu. Trong trường hợp này, một số sẽ cảm thấy biết ơn và ghi nhận sự quan tâm của người lãnh đạo, một số ca thán, và một bọn thì ngáo ngơ thất vọng,... như vậy thì mục đích việc cho đi là tốt, nhưng nhận về thì vô số kết quả, còn hiệu quả thì chẳng biết ra sao, ứng dụng như thế nào.

Đôi khi, sự nhận lại còn đến từ những điều vô hình, những gì mà mắt thường không nhìn thấy, phải chờ đợi thời gian bóc trần. Giống như nguyên lý âm dương của việc cho và nhận, khi cho đi biểu hiện cho hành động, sự chủ động, là tính dương. Còn việc nhận lại biểu trưng cho cái bên trong, sự tiếp thu, là tính âm. 

Cho nên có những việc mà ta làm, sự cảm kích sẽ đến từ bên trong của đối phương, đặc biệt khó đòi hỏi sự hiện hữu ngay tức thì đối vơi những đối tượng khó biểu lộ cảm xúc. Nhưng bằng cách này hay cách khác, những gì họ nhận lại sẽ dần đáp đền cho chúng ta bằng nhiều cách thức trong đời sống, nhiều khi chẳng đến từ chính họ. Bởi vì chúng ta đã gieo một nhân tốt, nên quả tốt sẽ trở ngược lại, ngay tức thời hay trong một quãng đời sau đó.

Như khi ta dạy dỗ đứa trẻ tinh nghịch của mình, nó vẫn tiếp thu lời dạy của ta, những vẫn nghịch ngợm như thường. Phải có một quá trình thẩm thấu ngày qua ngày, bằng hành động giáo dục đều đặn không ngừng của ta, cái bên trong của đứa trẻ mới dần dần thay đổi và trở nên tố đẹp hơn. Cho đi ở đây là yêu thương, là thời gian, là hoàn thiện bản thân không ngừng để nhận lại sự phát triển của con cái.

Hoặc với nhân viên của mình, để họ có thể dốc sức hết mình thì cần thiết vô cùng việc cho họ thấy giá trị của mình, giúp họ biết mình không chỉ là nhân viên mà còn là đồng sở hữu công việc đó, họ được lắng nghe, đồng cảm, và được xây dựng ước mơ của chính họ. Vậy thì cần tiên quyết cho đi niềm tin, những cảm hứng chiến đấu, cung cấp cho họ những công cụ để thực hiện, hướng dẫn họ, và đưa họ đến những mục tiêu cao hơn. Cho đi ở đây là cho những hành động cụ thể, thiết thực, để nhận lại sự tự tin và khả năng phát triển tuyệt vời từ đội ngũ của mình. Và điều quan trọng là bạn phải sở hữu những điểu mà mình cho đi đó, bởi nhân viên của bạn sẽ không thể cảm thấy họ là chủ sở hữu công việc của mình nếu bạn không thực lòng coi họ là những người đồng hành với mình.

Tính âm dương của cho và nhận luôn song hành với quy luật nhân quả, điều quan trọng là phải nhìn thấy quả để điều chỉnh nhân. Bạn sẽ chẳng thể nào nhận lại được một giấc ngủ ngon, nếu không chịu dành thời gian của mình cho việc sinh hoạt điều độ.

Và để có thể cho đi rồi nhận lại những điều tốt lành nhất, hãy bắt đầu từ chính bản thân mình. Tự tìm hiểu bản thân và dành cho mình những điều tốt đẹp phù hợp nhất, như những niềm vui, một công việc yêu thích, một thói quen khiến ta hạnh phúc mỗi ngày,... để nhận lại một con người hạnh phúc. 

Bên cạnh đó, cũng phải học cách đón nhận những điều tốt đẹp mà thế giới và con người dành đến cho mình. Người không dám nhận thì sẽ luôn sợ mất đi, sẽ toan tính thiệt hơn thì khó lòng mà cho đi đúng cách được. Chỉ cần thứ ta nhận lại, không có gì sai trái hay lệch lạc đạo đức, thì chẳng có gì phải lo sợ. Biết cho mình, biết nhận về mình rồi, từ đó mới cho đi, với cùng một công thức đó.

Hãy xét xem là mình định cho ai, cho cái gì, họ có thực sự cần điều đó trong khoảng thời gian đó hay không? Ta có đủ khả năng để cho đi điều đó không? Bởi mình sẽ chẳng thể nào cho những gì mà mình không có. Còn nếu được, thì cứ nhẹ nhàng và cho đi. Chỉ vậy thôi. Người nhận là đối tượng được cho chứ không phải mình, chỉ cần họ vui vẻ tiếp nhận sự cho đi đó, như vậy đã quá đủ rồi.

Mặc dù cho và nhận không phải một bài toán, nhưng cũng cần có những sự suy tính, để khi cho đi thì sẽ cho đi với sự an vui, còn khi nhận thì nhận với lòng biết ơn và sự hạnh phúc. Lựa chọn thì quan trọng hơn nỗ lực, lựa chọn đúng việc cho đi thì sẽ bớt nỗ lực phải sửa chữa những phát sinh không đáng có từ lòng tốt thiếu suy tính của mình. Khi mà tất cả việc cho và nhận đều đạt được sự công bình, thì đời sống sẽ thật đẹp, thật tốt lành.

st

Được tạo bởi Blogger.