HÀNH TRÌNH CỦA ĐẠI BÀNG

LÀM SAO ĐỂ SỐNG HẠNH PHÚC HƠN???

Con người ta sống trên đời, không ai là không khổ. Ai cũng có những nỗi khổ của riêng mình, không phải bệnh tật thì nghèo khó, không phải vợ chồng thì con cái, có khi không khổ mấy cũng tự thấy mình khổ, thế là khổ.

Bài viết này tôi sẽ không nói đến những khía cạnh về tâm linh hay chữa lành bên trong, mà muốn mổ xẻ phân tích một chút, xem vì cớ gì mà chúng ta khổ hoài như vậy?

Tôi nhớ lời thầy tôi, giáo sư Phan Văn Trường từng nói với chúng tôi: “Người Việt thường khôn, giỏi nên cứ việc gì đơn giản thì nghĩ rằng có lẽ không đúng. Người ta bảo đi thẳng thì tới nhanh, nhưng mình bàn cãi chán rồi tìm con đường lắt léo, rồi chết đuối mà chẳng tới được điểm đến”.

Vấn đề này diễn ra ở trong các doanh nghiệp, trong bộ máy chính trị, trong từng gia đình, và ngay cả trong cuộc đời mỗi chúng ta. Chúng ta khổ hơn, là vì ít coi trọng vấn đề quản trị, nhất là Quản trị cuộc đời.

Quản trị là việc sử dụng những nguồn lực hữu hạn để đạt được hiệu quả tối đa. Như vậy đối với việc Quản trị cuộc đời, hai vấn đề mà chúng ta cần làm rõ, đó là nguồn lực của chúng ta là gì và hiệu quả mà ta mong muốn nằm ở đâu?

Ví dụ như cuộc đời một con người, nhất định nên thấu hiểu bản thân mình, chấp nhận mình có những điểm mạnh thế nào và điểm yếu ra sao, cùng với đó là nhìn nhận về mục tiêu mà mình mong muốn xem có phù hợp với năng lượng bản thân hay không, từ đó đưa ra chiến lược để vận hành cuộc sống của mình tốt nhất có thể.

Nguyên lý quản trị cuộc đời này, đòi hỏi chúng ta cần phải có lòng tự trọng cao, sự thấu hiểu bản thân cũng như vai trò và trách nhiệm của mình thật đích xác, cùng với một mục đích sống rõ ràng, bởi khi đó ta mới có khả năng chịu trách nhiệm cho những quyết định quan trọng cho đời sống của mình.

Lấy ví dụ như khi một khách hàng của tôi là người có Bát Tự cần Hoả, cũng là người có khả năng nghệ thuật và hơi hướng nghệ sĩ cao, việc tốt nhất dành cho họ sẽ là một công việc liên quan tới lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, và môi trường phù hợp là phát triển về phía Nam. Nhưng cũng con người đó, nếu hoạt động trong lĩnh vực tài chính - kế toán, ngày ngày làm việc với những con số thì sẽ khoa lòng phát triển, từ đó dần trở nên vật vờ và bất mãn.

Nguyên nhân dẫn đến nỗi khổ của người không làm đúng khả năng của mình, là bởi họ không thể quản trị để làm đúng việc, đúng vai trò của mình trong đời sống, ở đúng giai đoạn sung sức nhất cuộc đời.

Chúng ta đều chỉ muốn làm hơn, nhưng ít khi để ý rằng chỉ cần làm đúng trước, đã là rất tốt. Bởi cái ta quan tâm, là đạt thành tựu cho những mục tiêu ngắn hạn, chứ không phải kết cục lâu dài.

Lại lấy ví dụ trong một gia đình, tới ngày giỗ chạp, ông chủ nhà mới gọi cả gia đình vào và bàn bạc việc nấu cỗ. Lực lượng tham gia gồm thanh niên tri thức, nhân viên văn phòng, trẻ em hiếu động,... Tới ngày giỗ, tổ hợp những nhân vật trên ra sức vật lộn với đồ bếp, cuối cùng cũng làm xong mâm cỗ ra hồn, khách khứa tới ăn khen gia đình có tinh thần đoàn kết. Tiệc rượu xong xuôi, khách khứa no say ra về, gia chủ lại vật lộn dọn dẹp, ai đấy đều mệt bở hơi tai, chẳng buồn nói với nhau câu nào.

Trong khi đó, nhà hàng xóm cách không xa, cũng cùng một hệ gia đình cơ bản như trên, cũng đám giỗ nhân dịp cuối tuần, thuê đội nấu cỗ đắt hơn một tí vì làm ít. Ông chủ nhà này thì phân công trẻ nhỏ đón khách, mấy cô văn phòng tiếp hội phụ nữ, anh em kể chuyện phái mày râu. Cơm rượu no say, ai nấy vui vẻ ra về, gia chủ cũng vui vẻ hàn huyên tình xưa nghĩa cũ xong đi ngủ, hôm sau lại khoẻ re đi làm.

Trong câu chuyện này, ông chủ nhà thứ nhất quản lý được gia đình, đe câu nào sợ câu đấy, dù các thành viên không có chuyên môn nấu cỗ nhưng vẫn hoàn thành xuất sắc vài mâm cỗ, đó là quản lý giỏi. Nhưng ông này lại quản trị kém vô cùng do không xếp đúng người đúng việc, nhìn nhận sai mục đích của ngày lễ là dịp nâng cao thể diện gia đình, thành ra ai cũng vì cái thể diện đó mà hao tâm tổn sức, hệ quả mệt mỏi kéo dài tới mấy ngày sau.

Còn ông chủ nhà thứ hai chỉ đơn giản là nhìn nhận rõ mục đích ngày lễ là dịp gắn kết các thành viên trong gia đình, từ đó lựa chọn cách thức phù hợp, đúng khả năng và vai trò của từng thành viên, cho nên ai ai cũng vui vẻ nhẹ nhàng.

Trong chuyện tình cảm cũng vậy, một mối quan hệ đổ vỡ nguyên nhân chính là bởi hai người trong cuộc đã không còn quản trị tốt mối quan hệ của mình. Kiểu như đang quen người này thì không tập trung mà lại đong đưa người khác, hay cần cổ vũ động viên người yêu thì lại chỉ khiến người ta lo lắng bất an. Việc không nhận thức rõ vị trí của mình trong cuộc cũng như hệ quả dẫn đến là gì khiến người ta đưa ra các quyết định sai lầm, từ đó gây nên khủng hoảng.

Vậy đấy, nếu ta luôn chú ý phóng tầm nhìn ra xa hơn, để xem kết quả sau cùng ta muốn đạt được là gì, đồng thời luôn nhìn nhận thật rõ vai trò của bản thân và những người sống quanh ta, thì từ đó ta có thể đưa ra những chiến lược quản trị cuộc đời đúng đắn nhất.

Cuộc sống này, chỉ cần ta sống đúng, làm đúng, ở đúng nơi, vào đúng thời điểm, thì chắc chắn sẽ bớt đi rất nhiều nỗi khổ. Và cũng chỉ cần đúng thôi, vừa vặn để còn có sức làm việc khác, chứ đừng cố hơn để làm gì cả.

Phuoc Nguyen

Được tạo bởi Blogger.