TINH HOA GIÁO DỤC 13 (PHẦN 4 - HẾT)
GIÁO DỤC TIỀM THỨC, QUYẾT ĐỊNH
TƯƠNG LAI CỦA TRẺ
III. CHỮA LÀNH TIỀM THỨC BẰNG
NGÔN TỪ TÍCH CỰC
Tạo cơ hội cho trẻ thấy hình ảnh mới về bản thân. Những tình huống mà
trẻ có thể nhìn thấy mình khác đi, chủ động vận dụng sức mạnh ngôn từ tích cực
vào trong đời sống.
Muốn chuyển đổi trong tâm trí trẻ khỏi hình ảnh mình là một kẻ tham
lam, ích kỷ. Bạn không nên nhắc đi nhắc lại tại sao con lại tham lam như vậy,
sao con không biết chia sẻ cho người khác, cách này không hiệu quả. Thay vào đó
hãy thường xuyên mua đồ ăn, đồ dùng, rồi bảo trẻ mang cho bố mẹ, ông bà, bạn,
những người xung quanh, sau đó khẳng định và khen ngợi hành động của trẻ. Nhưng
quan trọng hơn hết, bạn cần tự chất vấn lại bản thân, trong đời sống hằng ngày
bạn có phải là một tấm gương của việc cho đi hay không.
Muốn xóa bỏ cách suy nghĩ của trẻ ra khỏi cái hộp trong vai trò của một
bác sĩ, hãy tạo điều kiện cho trẻ tham gia các hoạt động khác như đóng giả làm
lính cứu hỏa, cảnh sát, họa sĩ, vận động viên,… để trẻ có thể nhìn thấy bản
lĩnh của mình là vô hạn như thế nào.
Muốn chuyển đổi khỏi tâm trí của một đứa trẻ hình ảnh chúng luôn nhìn
nhận bản thân mình là người kém thông minh, thiếu sáng tạo, bạn nên thường xuyên
hỏi ý kiến của trẻ, để trẻ xử lý dần những tình huống, vấn đề nhỏ đến lớn, câu
hỏi từ đơn giản đến phức tạp, nghe trẻ cố vấn về những vấn đề khác nhau như con
nghĩ bức tranh này treo ở đâu là hợp lý và tại sao? Hoặc vài hôm nữa cô chú A lại
đến con thấy nên nấu món gì và tại sao con cho rằng nấu món đó cô chú ấy sẽ
thích?
Đóng vai, diễn kịch cũng mang tính trị liệu rất mạnh mẽ, bởi vì trẻ em
dễ uốn nắn, chuyển đổi thông qua hoạt động. Khi một đứa trẻ có tính nết hung dữ
được giao đóng vai người hiền lành, biết quan tâm, trẻ có thể thay đổi bản thân
qua những trải nghiệm này. Tương tự với trẻ kiêu căng, hiếu thắng, có thể giao
cho trẻ đóng vai một người cực kì khiêm tốn. Nhìn chung, càng nhiều tính cách
và bối cảnh mà trẻ được tham gia diễn xuất, trẻ càng có thể phát triển đời sống
tâm hồn của mình khỏe mạnh hơn.
Hãy đơn giản những khuyết điểm, khẳng định trẻ bằng những lần ám thị
tích cực, ưu điểm của trẻ, vô tình hay cố ý nhấn mạnh những hình ảnh mới ở trẻ
trước mặt người khác.
Cụ thể đang nói chuyện với chồng khi có mặt con ở gần đó bạn nói: “Anh
biết không, hôm nay con trai ở nhà rất tốt, nó biết mang đồ ăn chia sẻ cho rất
nhiều bạn.”
Nói chuyện qua điện thoại với mẹ bạn có thể khen con: “Cháu mẹ dạo này
rất biết hợp tác và giúp đỡ mọi người trong gia đình, con mừng lắm.”
Lúc đến nhà bạn chơi, có thể nói: “Cậu biết không thằng bé giúp ích được
rất nhiều việc nhà, có những chuyện cần hỏi nó vì thằng bé có thể cho ra nhiều
ý tưởng khác nhau.”
Đừng gò ép hay gắn trẻ vào bất cứ vai trò, thành tựu, hay chuẩn mực của
một người nào cả, điều này sẽ gây ra sức ép, khiến trẻ cảm thấy nặng nề, tạo
nên một sự ràng buộc vô hình buộc trẻ phải sống với những nhãn mác đã được gắn
cho. Bởi vì khi đó trẻ sẽ bị kẹt vào vai trò đó như cầu thủ tương lai, bác sĩ,
luật sư, thiên tài toán học,… trong khi trẻ nên được tự do trở thành những gì
trẻ có khả năng trở thành. Khi bạn đẩy trẻ tư duy vào trong khuôn khổ của “một
cái hộp”, khả năng sáng tạo của trẻ sẽ rất khó phát triển trong môi trường thế
này và vô tình làm giới hạn tiềm năng của trẻ. Vì biết đâu với những trải nghiệm
phong phú trẻ có thể tìm thấy được chính mình, một điều gì đó tốt hơn, hợp với
bản thân mình nhất. Hơn nữa, khi bị gắn vào một vai trò, một nhãn mác nào đó,
trẻ sẽ lo sợ nếu chúng không còn giống như sự trông đợi của bố mẹ, liệu mọi người
còn yêu thương mình nữa không? Vậy là vô tình trẻ sẽ cố gắng để trở thành mẫu
người mà người khác trông đợi nó trở thành, chứ không phải là sống thật với
chính mình, đúng với con người mà nó mong muốn.
Khi bạn làm bất cứ điều gì, bạn nhận lại kết quả từ hành động đó. Đây
là luật nhân quả, cho dù bạn có thích hay không thích, có tin hay không tin. Luật
này thể hiện từ suy nghĩ đến lời nói và hành động. Hàng ngày bạn nói với con những
gì, mỗi lời nói có một sức mạnh đến nỗi có thể làm tan băng giá, nhưng cũng có
thể làm tan nát một trái tim.
Trần Huy Toàn