HÀNH TRÌNH CỦA ĐẠI BÀNG

TINH HOA GIÁO DỤC 7 (TIẾP THEO)

GIẢI PHÁP CHO CÁC VẤN ĐỀ TRONG BỮA ĂN VÀ BÀI HỌC LÀM NGƯỜI

III. GIAI ĐOẠN TỪ 13 THÁNG ĐẾN 3 TUỔI HÌNH THÀNH NÊN BỮA ĂN CƠ BẢN

Bữa ăn được chia làm ba bữa chính và một bữa phụ (bú sữa mẹ), ngoài ra không nên cho trẻ ăn vặt, vì một bữa ăn ngon có thể chỉ bắt đầu bằng một cái bụng đói. Nói cách khác, chỉ khi nào trẻ thực sự đói chúng mới tập trung ăn, ăn một cách ngon miệng và ăn tất cả những thứ có trên bàn. Trẻ chỉ có thể bắt đầu bữa ăn khi đã ngồi vào bàn, thời gian kéo dài cho mỗi bữa khoảng 30 phút.

Khi trẻ ăn được cũng không nên khen, cũng không nên bảo ăn thi, không nên so sánh trẻ này với trẻ kia. Nếu trẻ ăn ít, không tập trung trong bữa ăn, cũng không nên gây sức ép, cứ để như thế cho xong bữa. Ăn không đủ vài tiếng sau chắc chắn trẻ sẽ đói, muốn đòi ăn. Lúc này là thời điểm quan trọng để dạy trẻ, cho dù trẻ có nài nỉ, van xin bạn cũng không nên cho trẻ ăn thêm. Chỉ có như thế trẻ mới không ỷ lại và rút ra được quy luật “thưởng phạt trong hành vi”, ăn thì no, có sức khỏe, không ăn sẽ đói, không chút sức lực. Lúc này, người bố hoặc mẹ vì xót thương mà cho trẻ ăn tạm cái bánh, trái chuối hay hộp sữa, hay cho trẻ ăn lại bữa phụ, thì đứa trẻ sẽ hiểu ra được rằng: “Dù mình có không nghiêm túc trong bữa ăn, mình ăn không no, ăn không đúng bữa cũng sẽ có những bữa phụ mình sẽ không thấy đói”. Do đó, đứa trẻ sẽ không bao giờ có bữa ăn hoàn chỉnh. Còn người bố mẹ thấy con kén ăn, biếng ăn trong bữa lại thấy xót nên cứ bổ sung thêm vào bữa phụ, hoặc tìm mọi cách để cho con ăn vào bữa chính sẽ dẫn đến lúc ăn trong sự mệt mỏi và căng thẳng.

Đối với thức ăn nên chế biến đồng đều về lượng và nhiều món khác nhau, để trẻ tập ăn được mọi thứ trên bàn. Khi chỉ ăn món mình thích mà không ăn món không thích sẽ ăn không đủ về lượng, trẻ sẽ đói đến bữa sau tự dưng sẽ ăn bù. Khi thực sự đói thì món gì trên bàn cũng sẽ trở thành đồ ăn ngon. Nếu chỉ ăn toàn thứ mình thích, sẽ hình thành nên tính “kén cá chọn cạnh” và dễ làm mất cân bằng dinh dưỡng ảnh hưởng đến sức khỏe.

Trong giai đoạn này cần giúp trẻ hình thành thói quen ăn cơm cùng gia đình, ngồi vào bàn ăn, không chạy nhảy lung tung. Bữa ăn bắt đầu với cảm xúc tích cực, không khóc, mè nheo, điện thoại hay đồ chơi. Trẻ con và người lớn cùng tập trung vào bữa ăn, không làm việc riêng hoặc gây náo loạn bữa ăn.

Nếu bạn nghiêm túc, làm triệt để như những gì đã gợi ý ở trên thì rất nhanh chóng trẻ sẽ làm quen và hoàn thiện được bữa ăn cơ bản. Rồi từ cái nền đơn giản và cơ bản đó, chúng ta sẽ lồng ghép một cách khéo léo những bài học vào để giáo dục trẻ em trong bữa ăn.

Trần Huy Toàn

Được tạo bởi Blogger.