TINH HOA GIÁO DỤC 16 (PHẦN 1)
SỨC MẠNH CỦA NGÔN NGỮ CƠ THỂ
Giáo sư Tâm lý học Albert Mehrabian, thuộc Trường Đại học UCLA được
coi là người tìm ra quy luật 7 - 38 - 55 trong giao tiếp.
Quy luật này nói rõ rằng:
55% quá trình giao tiếp không liên quan đến việc sử dụng từ ngữ, mà
liên quan đến ngôn ngữ cơ thể và vẻ mặt khi nói chuyện.
38% liên quan đến ngữ điệu, chẳng hạn như âm lượng, giọng nói, sự diễn
cảm trong cách diễn đạt.
Chỉ có 7% liên quan đến ngôn từ.
Kết luận này được Tiến sĩ Ray Birdwhistell - Giáo sư Tâm thần học của
Trường Đại học Pennsylvania khẳng định lại một lần nữa rằng người nghe tiếp nhận
7% từ nội dung, từ ngữ. 38% từ cách nói nội dung bao gồm giọng nói: Nhấn, dừng,
cao, thấp, to, nhỏ, trầm,… và 55% không liên quan đến từ ngữ như dáng điệu,
trang phục, di chuyển, vung tay, nét mặt. Tóm lại đó là ngôn ngữ cơ thể của người
nói.
Bạn hãy thử nhớ lại, đã bao nhiêu lần bạn nói điều gì hay mong muốn đứa
trẻ làm một việc gì mà trẻ đứng như trời trồng và có thể có những động thái bất
tuân hay không? Những lúc ấy, bạn cảm thấy thế nào? Bạn có muốn la mắng chúng
như cái cách mà bố mẹ vẫn thường làm với mình lúc nhỏ? Vậy mỗi lần bị bố mẹ mắng
cứng đầu cứng cổ, ngang ngạnh không ai bằng, có phải đến cuối cùng bạn đều mếu
máo khóc và mang nặng suy nghĩ bố mẹ không hiểu mình hay không? Lúc nhỏ bạn như
thế nào đứa trẻ bây giờ cũng như thế đấy, đừng phản biện bằng cách trẻ con mỗi
thời mỗi khác. Dù có sống trong thời đại nào, trẻ con vẫn là trẻ con và vẫn
mang một số bản chất tâm sinh lý như nhau. Mà xét cho cùng, đúng là hồi ấy bố mẹ
chưa hiểu mình thật, cũng giống như bạn đang chưa hiểu trẻ thôi.
Đối với trẻ nhỏ, việc học và hiểu ngôn ngữ hay con số chỉ hiệu quả khi
não phát triển sau 7 tuổi. Bởi vì cho đến lúc này, phần não trái đảm nhận chức
năng ngôn ngữ, tiếp thu tri thức toán học, vật lý, logic mới bước vào thời kỳ
phát triển. Hiểu và nhận thức rõ điều này rất quan trọng trong việc giao tiếp với
trẻ em nói chung, đặc biệt quan trọng đối với những em bé dưới 7 tuổi nói
riêng.
Cứ thử tưởng tượng mà xem, khi trẻ chưa có ấn tượng và hiểu nhiều về
âm thanh mà bạn cứ tuôn ra một chuỗi âm thanh nhưng lại vô nghĩa với chúng thì
ai mà làm theo cho được. Khi một người thích thưởng thức hội họa mà lại bắt họ
ngồi nghe giao hưởng thì tốt nhất nên ngủ, ít nhiều gì âm thanh giao hưởng còn
có tác dụng ru ngủ tạm thời.
Cũng giống như vậy, với trẻ em việc giao tiếp thực sự đạt được hiệu quả
khi và chỉ khi nào bạn nói chuyện với trẻ bằng ngôn ngữ cơ thể, biểu cảm trên
khuôn mặt, hình ảnh trực quan. Bởi vì đây mới thực sự là ngôn ngữ trẻ có thể hiểu
và ghi nhớ chứ không đơn thuần bằng lời nói, chữ viết như cách mà nhiều người từ
trước đến nay vẫn thường giao tiếp với trẻ là không hiệu quả.
Nhưng dễ gì bạn có thể sử dụng được ngôn ngữ cơ thể để giao tiếp hiệu
quả với trẻ. Về mảng này người phương Tây có phần nào đó nhỉnh hơn người phương
Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng. Rõ ràng, người phương Tây từ lâu
thường có xu hướng thể hiện ra bên ngoài, trong đó có sắc thái, cử chỉ, biểu cảm,
nên ở góc độ nào đó nhìn một người dùng cả ngôn ngữ âm thanh lẫn hình thể để biểu
đạt suy nghĩ lại có sức lôi cuốn. Còn người phương Đông thường có xu hướng trầm
lặng, nhẹ nhàng, họ có thói quen cất giữ cảm xúc bên trong nên ít thể hiện ra
bên ngoài.
Ở Việt Nam nói riêng, để vận dụng được phương pháp này nuôi dạy trẻ thực
sự đòi hỏi những nỗ lực phi thường của bố mẹ. Vì chỉ với cụm từ “ngôn ngữ cơ thể”,
nhiều người nghe còn khó hiểu, không biết gì, giờ đây lại bắt đầu giao tiếp với
trẻ bằng ngôn ngữ này. Thực sự nó không khó, chỉ hơi lạ thôi, nên cần đầu tư
nhiều, đòi hỏi một quá trình học hỏi, suy tư, tìm hiểu về phương pháp mới mẻ.
Thứ hai, cần hạ cái tôi của mình xuống, việc này cũng không phải dễ. Nhìn chung
văn hóa của người Đông phương vẫn quen với cách nói chuyện, giao tiếp thông qua
cảm nhận là chính và thường cất giữ thậm chí là nén cảm xúc vào trong. Bây giờ
phải chuyển hướng ra bên ngoài, biểu cảm theo kiểu “khoa tay, múa chân” như của
phương Tây, nhiều người sẽ cảm thấy ngượng, cứng nhắc, mất tự nhiên, kiểu như
không phải là mình.
Vậy khi giao tiếp bằng ngôn ngữ cơ thể, cảm xúc, biểu cảm, bằng những
hình ảnh trực quan mang đến cho trẻ những lợi ích gì mà làm bạn phải tốn nhiều
thời gian, công sức để học hỏi, rèn luyện như thế?
I. SỬ DỤNG NGÔN NGỮ CƠ THỂ GIÚP
TRẺ SẼ DỄ HIỂU, LÝ GIẢI THÔNG ĐIỆP CỦA NGƯỜI LỚN HƠN LÀ CHỈ DỤNG LỜI NÓI, CHỮ
VIẾT
Cụ thể khi bạn muốn trẻ dừng một việc gì đó, chỉ đơn thuần nói: “Dừng
lại đi” - trẻ thường không hiểu, không hiểu thì không làm theo. Cũng câu nói
đó: “Dừng lại đi” - bạn nói bằng giọng thật trầm, mắt nhìn thẳng vào mặt trẻ và
biểu hiện sự không tán thành. Làm được như vậy trẻ sẽ dễ hiểu và có xu hướng hợp
tác cao hơn.
Khi trẻ có ý định làm một chuyện gì đó nguy hiểm, bạn cố gắng ngăn cấm
bằng những lời khuyên, nhưng đứa trẻ vẫn không nghe. Thay vào đó chỉ cần nhìn
vào mắt trẻ và bạn tỏ ra sợ hãi, sau đó lắc đầu, thông điệp này sẽ được trẻ đón
nhận dễ hơn.
Đứa trẻ lần đầu tiên muốn làm một việc gì đó, như lấy đồ của người
khác, trèo qua cửa sổ, định ăn một thanh sô-cô-la khi chưa có sự cho phép của bạn,…
rất có thể chúng sẽ quan sát những biểu cảm trên khuôn mặt của bạn. Lúc đó bạn
không nói gì, vẫn tỏ ra bình thường, thậm chí khẽ cười, đứa trẻ sẽ “mã hóa” biểu
cảm này là “đồng ý”, chúng được phép. Ngược lại, bạn nghiêm mặt, lắc đầu chúng
sẽ hiểu “không”, việc này bố mẹ không tán thành.
Dùng ngôn ngữ cơ thể trong quá trình giao tiếp chưa bao giờ được chúng
ta nhìn nhận đúng mức. Có nghĩa rằng từ trước đến giờ cách mà hầu hết chúng ta
tương tác, truyền tải thông điệp đến trẻ rất ít hiệu quả. Nhiều người và nhiều
thế hệ đã đi qua hay cằn nhằn: “Đứa trẻ không nghe lời tôi nói”, trong khi vấn
đề nằm ở bản thân người lớn, phương pháp truyền tải thông điệp cho trẻ con chưa
thực sự hiệu quả.
II. SỬ DỤNG NGÔN NGỮ CƠ THỂ
GIÚP TRẺ TĂNG CƯỜNG KHẢ NĂNG QUAN SÁT VÀ SUY LUẬN
Khi trẻ hỏi: “Mẹ ơi, bố về chưa”. Thay vì trả lời có hoặc không, bạn
giả vờ nhìn quanh nhà và tìm hết chỗ này đến chỗ kia, sau đó lắc đầu. Đứa trẻ
quan sát thấy vậy chúng sẽ hiểu là bố chưa về.
Thay vì đơn thuần nói: “Bố mẹ cũng thích ăn cái này”, với ngôn ngữ cơ
thể bạn có thể làm được nhiều hơn thế. Bằng ngôn ngữ cơ thể bạn có thể nhảy
lên, xoay một vòng như vũ công ba lê để bày tỏ cho đứa trẻ biết là mình có
thích ăn cái này.
Khi trẻ hỏi: “Bố ăn cơm chưa?”. Nếu chưa, người bố khòm lưng xuống một
góc 45 độ, điệu đi trông thật nặng nề. Trẻ quan sát thấy vậy, chúng sẽ hiểu ý bố
là chưa ăn nên mới như vậy.
Ngôn ngữ cơ thể làm trẻ phát triển khả năng chú ý quan sát, lớn lên
các em còn có năng lực đọc ngôn ngữ cơ thể của người khác và khơi dậy được trí
sáng tạo.
Trần Huy Toàn