HÀNH TRÌNH CỦA ĐẠI BÀNG

TINH HOA GIÁO DỤC 20 (PHẦN 1)

KHƠI GỢI KHẢ NĂNG QUAN SÁT LÀ CHÌA KHOÁ DẪN ĐẾN TRÍ TUỆ ĐỈNH CAO

Một con báo khi lao vào tấn công sơn dương trong đàn, trước tiên nó sẽ quan sát thật kỹ và phân tích vấn đề ở nhiều khía cạnh về con mồi như: “Con này đã già hay là còn nhỏ, có vẻ như đang bị thương, đang hăng say ăn cỏ mà mất cảnh giác so với những con khác, hay cự ly giữa nó với đàn tương đối xa”. Trong lúc quan sát mắt nó không rời khỏi con mồi, rồi chầm chậm tiến tới gần hơn, khi đã đủ gần, con báo lao vào tấn công và chỉ duy nhất một con mồi đó, cho dù xung quanh có xuất hiện nhiều con mồi khác, nhưng nó chẳng chú ý đến, vậy là thành công, ngược lại phân tán sự chú ý đến những mục tiêu khác có thể sẽ thất bại. Đó là nét đặc trưng cơ bản của quan sát, tập trung vào một việc thay vì nhiều việc, có mục đích rõ ràng, quan sát và đánh giá tổng thể thay vì đơn lẻ mà không bị sao lãng bởi các yếu tố ngoại cảnh.

Quan sát là hành vi thuộc bản năng. Tuy nhiên với người được tinh luyện có chủ đích thì đến một lúc nào đó sẽ thăng hoa thành năng lực phi thường. Mỗi người, dù lớn hay nhỏ đều sử dụng nhiều hay ít bản năng quan sát trong đời sống, công việc, nghiên cứu,… nhưng thường sử dụng chúng một cách ngẫu nhiên và vô thức. Chỉ một số ít các thiên tài, doanh nhân, nhà khoa học, tuyển thủ ý thức được vai trò của trí quan sát, để vận dụng tối ưu vào trong đời sống hằng ngày, mang đến thành công, hạnh phúc, cũng như thịnh vượng cho chính họ và người xung quanh.

Trí quan sát có thể giúp bạn nhận biết, đánh giá, thu thập thông tin, phán đoán tình hình nhanh chóng và chính xác nhất có thể. Trí quan sát là khí cụ cơ bản cần có ở con người, giúp bạn hoàn thiện bản thân. Thiếu nó những quan năng đặc biệt của tinh thần như trí nhớ, trí phán đoán, hay khả năng suy luận sẽ không phát triển được. Thiếu nó sự hiểu biết của bạn đối với các sự vật, sự việc rất lờ mờ, nhất là không ứng dụng được vào đâu cả.

Luyện tinh thần, bản lĩnh con người cần lấy quan sát làm gốc. Nhưng tiếc thay, cũng như trực giác bạn thường đánh giá và phán đoán sai tình hình. Nguyên nhân là từ lúc nhỏ đến lớn, bạn không được luyện tập quan sát đúng đắn. Khi quan sát đánh giá một vấn đề nào đó thường mang ý kiến chủ quan, thành kiến riêng của bản thân. Bạn còn xem xét sự vật sự việc xảy ra theo cách mà bạn muốn nhìn nhận, chứ chưa xem xét sự vật sự việc y như nó đang xảy ra. Dẫn đến một phần đông vẫn dùng trí quan sát theo một cách vô thức của bản năng, nên kém hiệu quả và thường dễ phạm phải sai lầm.

Muốn đo lường tinh thần khám phá tri thức, người ta thường căn cứ vào khả năng chú ý quan sát mạnh yếu của mỗi người mà ước định. Câu chuyện về người huấn luyện khỉ, có thể giải thích rõ hơn cho ý nghĩa câu nói ở trên.

Một người nọ muốn mua khỉ về nuôi, mỗi con có giá ứng với một số tiền nhất định. Trước khi mua người ấy có hứa với chủ bán: “Nếu ông để tôi giữ lại trong vài ngày và sau đó lựa chọn theo ý muốn, tôi sẽ chịu trả giá bằng hai.”

Người bán mới hỏi: “Bằng cách nào mà trong thời gian ngắn như vậy anh có thể phân biệt được con nào khôn, con nào ngốc.”

Anh trả lời: “Chỉ cần xem sức chú ý của nó là biết ngay. Nếu trong khi mình nói hay cắt nghĩa gì cho nó, mà sự chú ý của nó bị sao lãng vì bị một con ruồi trên vách hoặc vì một cái cớ nhảm nhí nào đó. Như vậy con này đáng nản lắm, dẫu có sửa hay trị thì nó sẽ càng bướng bỉnh, khó dạy, thì không ích gì. Trái lại con nào biết chú ý thì dễ tập lắm.”

Con người cũng như vậy, Albert Einstein trong một lần đến dự sinh nhật bạn đã mải tập trung quan sát đàn kiến đến nỗi quên đi sự náo nhiệt và tiếng cười nói vui đùa của bạn bè. Thomas Edison lúc còn nhỏ đã nằm hàng giờ liền, để tận mắt quan sát mầm cây sinh trưởng lớn lên. Charles Darwin sinh thời cũng chẳng khác gì, lúc còn nhỏ ông ấy thích khám phá ngoài thiên nhiên, quan sát và thu thập hết côn trùng này đến “hóa thạch” nọ, họ là những ví dụ điển hình về khả năng chú ý quan sát thiên bẩm.

Mỗi đứa trẻ đều có bản năng quan sát, nhờ thế mà chúng có khả năng tự học hỏi, khám phá thế giới. Dễ nhận thấy nhất là trẻ thường bắt chước những hành vi, cử chỉ, lời nói, dáng đi, tính cách của bố mẹ,… Sau đó sự quan sát của trẻ hướng đến mọi sự vật sự việc xung quanh. Nhìn con bướm, đàn kiến, cái chong chóng, chiếc lá, những sự vật sự việc mà chúng có hứng thú quan tâm. Đây cũng là thời điểm nhạy cảm để giúp trẻ phát triển trí quan sát hoặc là lãng quên. Tuy nhiên chúng ta chưa ý thức để nhận biết được vấn đề này, nhằm giúp trẻ rèn luyện phát triển.

Trí quan sát tinh vi là khi bạn biết tập trung tư tưởng, tập trung tinh thần và biết để hết tâm tư vào một sự vật hay sự việc nhất định nào đó. Đứa trẻ sau này lớn lên trí quan sát trở nên tinh tường hay không, đều được quyết định một phần bởi thiên bẩm trong mỗi em và một phần nằm ở cách bạn tương tác với trẻ, tạo môi trường có chủ đích để trẻ có thể học hỏi và phát triển ngay trong đời sống hằng ngày. Vì vậy, dưới đây là những gợi ý nhằm giúp bạn khai thác tiềm năng của trí quan sát cho đứa trẻ, phù hợp qua từng giai đoạn phát triển.

Chúng ta đến với thế giới này để học hỏi và trải nghiệm. Chỉ nên quan sát mà không đi kèm theo bất kỳ đánh giá hay phán xét nào. Như vậy ta mới nhìn nhận vấn đề một cách khách quan, công bằng và chính xác nhất.

Trần Huy Toàn

Được tạo bởi Blogger.