HÀNH TRÌNH CỦA ĐẠI BÀNG

TINH HOA GIÁO DỤC 12 (PHẦN 1)

THẤU HIỂU VỀ CON NGƯỜI, NUÔI DƯỠNG CON THUẬN TỰ NHIÊN

Nỗi sợ là một loại thử thách, cũng có thể xem đó là nguyên nhân bào mòn tinh thần, ý chí, ngăn cản con người thể hiện bản lĩnh thực sự của mình khi đứng trước nỗi sợ và không thể vượt qua được chúng. Có bao giờ bạn tự chất vấn bản thân mình rằng: Tại sao bạn lại sợ? Nỗi sợ đến từ đâu? Điều tệ hại gì xảy ra khi đứng trước nỗi sợ? Liệu nó có thật sự đáng sợ như bạn vẫn nghĩ? Có cách nào để thoát khỏi nó không? Đã rất nhiều lần tôi nghĩ đến điều đó, tìm hiểu gốc rễ xem nó xuất phát từ đâu, cố gắng lý giải nó và tìm phương pháp cũng như cách thức để khắc phục. Có những nỗi sợ không thành hình, cũng không biết nó có thật sự ghê như vậy không, nhưng bạn vẫn sợ. Khi lớn lên, bạn đã phần nào nhận thức được chuyện này, bạn dần hiểu thực chất nỗi sợ là một loại ám ảnh tâm lý và nếu bạn cũng đang đặt ra câu hỏi như trên, thì câu trả lời sẽ đến ngay sau đây.

I. XÓA ĐI NỖI SỢ, TRẢ LẠI SỰ CAN ĐẢM CHO CON

Để hiểu nỗi sợ thâm nhập vào bạn như thế nào, hãy thử xem một trường hợp cụ thể. Mọi người có cảm giác như thế nào nếu tôi nhắc đến từ “ma”? Nếu tôi nhắc đến từ này ở Mỹ, có lẽ bạn sẽ không thể ngờ được phản ứng của nhiều trẻ em ở đây, đáng yêu vô cùng. Tại sao vậy?! Ở nước Mỹ, khi trẻ em còn nhỏ người ta hóa trang thành những con ma thân thiện, hiền lành, dễ mến sau đó họ xuất hiện và chơi đùa với những đứa trẻ, những con ma này ngay lập tức để lại dấu ấn tốt trong tâm hồn các em. Chính vì thế trong tiềm thức của các em về bóng tối chẳng có gì đáng sợ cả, nó gắn liền với những kỷ niệm ngọt ngào, cùng người thân vui đùa và “ma” xuất hiện như người bạn tuyệt vời và trẻ tin như vậy. Được giáo dục như thế nên trẻ em Mỹ nói riêng và trẻ phương Tây nói chung ít có khái niệm về nỗi sợ này.

Đối lập hoàn toàn, khi lặp lại nguyên câu hỏi trên với một số trẻ em Việt Nam thì quả là đáng thương. Bởi lẽ, trẻ em ở đây được tiếp nhận khái niệm này theo một cách hoàn toàn khác. Khi trẻ còn nhỏ, chúng thường bị hù dọa bằng những cách mà bạn nhận thấy có vẻ hiệu quả nhất: Ngoài kia có con ma; Ra ngoài bị ông kẹ bắt đấy; Ui! con gì ngoài kia vậy. Thậm chí nhiều người còn đi xa hơn, họ thêu dệt nên những câu chuyện kinh dị phía sau màn đêm và lan truyền nó như một bí kíp nhằm mục đích hù dọa đứa trẻ để chúng sợ và trở nên ngoan ngoãn, nghe lời hơn trong một số trường hợp như: Chúng có thể ở yên trên giường, ngủ sớm hơn, khỏi ồn ào, chạy nhảy, đi chơi lung tung ngoài đường vào đêm khuya hay trưa nắng.

Khi trẻ tiếp nhận điều này từ người lớn, đứa trẻ tin như vậy, nỗi sợ dần hình thành, những niềm tin tiêu cực này sẽ khắc sâu vào trong tiềm thức các em. Còn người lớn thành công trong việc hù dọa và cấy nỗi sợ vào tâm trí trẻ, như một giải pháp đắc lực mỗi khi trẻ nghịch ngợm.

Thực ra, trong những lần đầu tiên được nghe nói ma quỷ đứa bé cũng không hề biết đó là gì, ban đầu chúng cũng chẳng sợ đâu, cho đến khi nhìn thấy ngôn ngữ cơ thể của bạn, cách bạn phát ra âm lượng, thái độ, sắc thái biểu cảm ghê rợn trên khuôn mặt để hù dọa trẻ. Vì trẻ em rất giỏi quan sát, tiếp thu bằng hình ảnh và ghi nhớ dễ dàng qua ngữ cảnh, cảm xúc từ đó đứa trẻ bắt đầu cảm thấy lo lắng, hoang mang.

Lúc này với sự phát triển mạnh mẽ bán cầu não phải, chúng nhìn vào bóng tối và ấn tượng đầu tiên nảy ra trong tâm trí trẻ là những thứ kinh dị, đáng sợ. Trẻ sẽ có cảm giác rằng những thứ sắp xuất hiện sau màn đêm là một thứ gì đó xấu xa, gớm ghiếc, tiếp theo chúng tự tưởng tượng ra khung cảnh này và sợ hãi khi phải đối mặt. Điều đó sẽ được ghi nhớ trong ý thức của trẻ, cho đến một lúc nhận định này ăn sâu vào tiềm thức, hoạt động vô thức trong đứa trẻ. Thế là nỗi sợ hãi được hình thành, lấn át tâm trí, luồn lách vào từng sợi cơ, tế bào trong cơ thể. Cứ như vậy, nỗi sợ này được gieo rắc khiến con trẻ mang theo suốt cuộc đời.

Cho đến ngày hôm nay nhiều người sợ hãi những thứ mà mình đã bị chính người thân cấy vào tâm trí. Chắc chắn họ chưa hiểu được hậu quả mà mình gây ra, cũng như tính chất nghiêm trọng của vấn đề, rằng họ đã tạo thêm vô số cái khổ cho người khác. Nhiều người có thể tự nói với mình: “Chẳng có gì sau màn đêm”, hoặc “Ma ư! Nó chẳng có thật”, nhưng họ vẫn cứ sợ, tâm trí họ không ngừng tưởng tượng những khung cảnh hãi hùng khi đối mặt với bóng tối. Tiềm thức luôn mạnh hơn ý thức, nỗi sợ đã ăn sâu vào trong tiềm thức và hoạt động một cách vô thức. Vì vậy dù đã lớn, nhưng nhiều người vẫn cứ sợ thứ mà họ chưa bao giờ trải nghiệm, thậm chí suốt cuộc đời cũng không có lấy một lần để đối mặt.

Do đó, tốt hơn hết đối với trẻ nhỏ, muốn trẻ không có những nỗi sợ như thế, bạn không nên thêu dệt hay hù dọa các em. Hãy để cho trẻ tự trải nghiệm với môi trường xung quanh, thế giới nhỏ của trẻ trước khi bước ra cuộc đời rộng lớn của chính mình.

Trong trường hợp bạn đã gieo cho trẻ hạt mầm của nỗi sợ hãi, thì cần nhìn nhận lại vấn đề, thông qua học hỏi những cách xử lý tốt hơn. Như cách của người Hoa Kỳ chẳng hạn, hãy cùng trẻ trải nghiệm bóng tối vui vẻ, có như vậy các em sẽ dần quen với màn đêm, nỗi sợ sẽ biến mất.

Nỗi sợ hãi là không có thật. Nơi duy nhất lo sợ có thể tồn tại là trong suy nghĩ của bạn về tương lai. Nó là sản phẩm của trí tưởng tượng, làm cho bạn sợ những thứ không có thật và có thể chúng chưa bao giờ tồn tại.

Trần Huy Toàn

Được tạo bởi Blogger.