HÀNH TRÌNH CỦA ĐẠI BÀNG

TINH HOA GIÁO DỤC 10 (TIẾP THEO VÀ HẾT)

BỐ MẸ HỌC CÁCH NHẪN NẠI, KHƠI DẬY ĐƯỢC TÍNH KIÊN TRÌ TRONG CON

II. PHƯƠNG PHÁP XỬ LÝ TÌNH HUỐNG CỦA BỐ MẸ BIẾT CÁCH YÊU THƯƠNG CON

Bố mẹ biết cách yêu thương con họ sẽ xử lý theo cách khác. Trước sự bối rối, cùn cáu, thậm chí là gào khóc của đứa trẻ khi đang cố gắng tự làm một việc gì đó như đã nói ở trên nhưng chưa thành, họ vẫn giữ được bình tĩnh. Bố mẹ biết cách yêu thương con là những người luôn có niềm tin ở trẻ, cũng như trẻ luôn tin tưởng ở bố mẹ. Họ tin rằng những đứa trẻ sẽ làm được chuyện này nên họ kiên nhẫn chờ đợi con, dẫu có thể tốn rất nhiều thời gian. Họ khuyến khích và trấn an đứa trẻ bằng những câu khẳng định cảm xúc như: “Con đang cố làm nhưng có vẻ như chưa ổn lắm. Bố thấy con tỏ ra khá tức giận. Việc này có vẻ hơi khó, làm chưa được thì thật không vui gì cả.”

Khi cảm xúc được công nhận, quan tâm đúng mức, trẻ dần bình tĩnh trở lại, sẽ tiếp tục tìm cách và cố gắng hơn để hoàn thành việc mình đang làm. Lúc này họ sẽ nói với trẻ bằng những câu khích lệ tích cực: “Con sắp làm được rồi, cố lên chút nữa, con sẽ làm được mà bố mẹ tin ở con”. Cảm xúc được công nhận, bố mẹ nhẫn nại đợi chờ, động viên thì năng lượng từ hệ thống một sẽ chuyển lên hệ thống hai, chuyển từ tư duy nhanh sang tư duy chậm. Từ đó giúp trẻ điềm tĩnh, nhẫn nại hơn trong giải quyết và tìm ra phương pháp để xử lý vấn đề.

Trong đó có một số trường hợp nếu như thử thách, trải nghiệm của trẻ quá khó, mãi mà chúng vẫn chưa thể làm được. Lúc này sự can thiệp vừa đủ đến từ người lớn là cần thiết, nhưng cốt yếu vẫn để trẻ tự trải nghiệm và khám phá cho bản thân. Tuy nhiên không nên giúp trẻ quá nhiều, nên gợi ý thay vì trực tiếp giúp đỡ. Như vậy trẻ mới cố gắng suy nghĩ và xử lý vấn đề theo cách riêng của mình, trở nên sáng tạo, thành người có bản lĩnh và thực sự cảm nhận được cảm giác chinh phục của người chiến thắng. Brian Tracy là một doanh nhân thành đạt, tác giả của nhiều đầu sách nổi tiếng từng nói: “Nếu bạn dạy cho con cái cảm thấy rằng chúng có thể đạt được bất kỳ mục tiêu hay nhiệm vụ nào nếu chúng quyết tâm, bạn sẽ là một bậc phụ huynh thành công và bạn đã cho con cái lời chúc phúc tốt đẹp nhất.”

Kinh nghiệm: Trong những lần đầu tiên trải nghiệm một chuyện gì đó trẻ chưa thuần thục làm tốt cũng là việc bình thường, bạn cần khoan dung, nhẫn nại với trẻ là điều cần thiết. Tùy vào việc chúng đối mặt mà có thể mất vài ba phút thậm chí hàng giờ đồng hồ, vài ngày hay thậm chí vài tuần mới tốt được. Điều này tùy vào mỗi đứa trẻ mà chỉ có bố mẹ chúng là người trực tiếp quan sát mới có thể thấu hiểu được. Lúc này bạn cần nhạy cảm, chú ý sắp xếp thời gian hợp lý nhằm tạo điều kiện và môi trường thuận lợi để con phát triển. Chẳng hạn như mỗi sáng bạn cho trẻ rời nhà lúc 6:45 phút để đến trường. Nhưng lúc nào bạn cũng dậy trễ, hoặc thức dậy vào lúc 6:30, thì sẽ không có thời gian cho trẻ chuẩn bị và tự làm hết việc những việc như xếp chăn, rửa mặt, chải tóc, đi giày, thay đồ. Như thế bạn sẽ ngụy biện rằng vì không có thời gian, trẻ làm quá lâu, sẽ trễ giờ nên bạn phải làm giúp, thì hẳn đây là một lý do nghe rất hợp lý. Tuy nhiên nếu bạn dậy sớm hơn, cho trẻ nhiều thời gian hơn 40 phút thay vì 15 phút thì mọi chuyện lại khác. Những lần đầu tiên sẽ mất khá nhiều thời gian, tuy nhiên về lâu dài thì thời gian sẽ giảm xuống đáng kể và mang lại được nhiều lợi ích hơn cho cả con lẫn người lớn.

Cứ như vậy hết lần lần đến lần khác, hết chuyện này đến chuyện khác, đứa trẻ sẽ tự làm tất cả, sẽ tiến về phía độc lập, tự tin hơn về bản thân, tiềm thức của chúng sẽ ghi nhớ rằng, mọi việc có thể có khó khăn một chút nhưng lúc nào mình cũng cố gắng nên cuối cùng sẽ hoàn thành. Theo thời gian não bộ cũng học được cách khi đối mặt vấn đề nào đó khó khăn và mất thời gian chúng sẽ chuyển vùng tư duy ngắn hạn, nhanh chóng của hệ thống tư duy cũ sang vùng tư duy cao hơn, phức tạp hơn để suy nghĩ vấn đề đó là hệ thống tư duy mới. Điều này đồng nghĩa ta đã thành công trong việc đánh thức tính kiên trì, nhẫn nại của trẻ.

Mọi thứ đã có sẵn ở đứa trẻ, bạn chỉ cần tạo ra môi trường để đánh thức những giá trị bên trong mỗi em. Tính kiên trì, nhẫn nại cũng vậy, dưới đây là một vài gợi ý để bạn tạo môi trường cho con nhằm chủ ý khơi dậy phẩm chất quý giá bên trong mỗi em một cách tự nhiên, vui vẻ. Đồng thời, mỗi người có thể tự sáng tạo thêm hoặc biến đổi sao cho phù hợp với hoàn cảnh gia đình, không gian, thời gian và chính đứa con mình.

Giao cho trẻ công việc mất thời gian như lấy đậu xanh trộn với đậu đen, sau đó lại cho trẻ tách ra, ban đầu ít rồi tăng dần lên. Được một thời gian có thể nâng độ khó, bằng cách chuyển sang trò chơi “xâu chuỗi hạt”. Trò này không những giúp cho trẻ kiên trì mà còn giúp các em tập trung, khéo tay hơn rất nhiều. Khi các em phải cầm những hạt cườm nhỏ, dùng sợi chỉ vừa mềm vừa nhẹ xâu qua một cái lỗ bé xíu, sẽ không dễ tí nào. Ban đầu bạn có thể khuyến khích con xâu hạt để làm vòng tay, đến vòng đeo cổ. Dùng nó để tặng bố mẹ, những người bạn quanh nhà hay trước những chuyến đi thăm ông bà, bạn bè xa, cũng có thể làm mang đi tặng hoặc bán.

Chơi trò “mèo bắt chuột”, bạn là chuột con là mèo, con sẽ đuổi bắt bạn. Tất nhiên tốc độ của bạn sẽ nhanh hơn, nên bạn tha hồ đùa với con và đồng thời trong lúc con rượt đuổi luôn miệng khuyến khích con: “Cố thêm chút nữa, thêm một lần nữa, sắp bắt được bố rồi”. Sau vài lần như thế rồi hãy để con bắt được bạn. Điều này ngụ ý với trẻ rằng, chỉ cần con cố thêm một chút nữa, kiên trì thêm một chút nữa, con sẽ làm được. Rồi sau đó có thể ôm con, cõng con một đoạn tạo ra tiềm thức tích cực để lần sau con muốn chơi tiếp. Đồng thời lúc này bạn nên trò chuyện cùng con, để trẻ có thể rút ra một bài học cho bản thân: “Con gái, nếu ngay lần đầu tiên con chạm không được vào người bố con bỏ cuộc, như vậy con có thành công không? Có lẽ cô bé sẽ trả lời là không. Khi đó nên khẳng định lại với trẻ rằng: “Đúng vậy, nếu không chạm được vào lần thứ nhất, con nên cố thêm lần thứ hai, thứ ba,… có tính kiên trì con sẽ làm được”. Hay là vào những ngày thứ bảy, chủ nhật hãy vào những quán ăn hay nhà hàng đông khách nào đó, tìm một cái bàn rồi gọi món và bạn phải chắc rằng phải mất đến cả hai mươi phút món ăn mới được mang ra hoặc bạn sẽ dặn trước nhân viên phục vụ rằng hãy từ từ mang thức ăn. Trong lúc đợi món ăn với cái bụng đói, hãy hỏi con trẻ rằng: “Nếu không kiên trì đợi mà đứng dậy ra về thì “hình phạt” ở đây sẽ như thế nào? Còn nếu kiên trì đợi thì “phần thưởng” ở đây là gì?”

Có thể cho trẻ trồng cây bằng chính những hạt mầm chưa nảy chồi xanh, cho trẻ trồng và cho chúng chờ đợi. Sau đó thường xuyên đặt ra những câu hỏi để trẻ tự chất vấn bản thân: “Nếu trước khi nảy mầm, vì thiếu kiên nhẫn mà con nhổ nó lên thì có gặt hái thành công không?”, hoặc “Bây giờ nếu con đợi một thời gian thì chuyện gì sẽ đến?”. Sau đó cùng trẻ nhẫn nại đợi chờ kết quả, thông điệp như vậy sẽ dễ dàng khắc sâu vào trong tâm trí của các em. Hay mỗi cuối tuần hãy để cho trẻ lau nhà, việc lau nhà phải lặp đi lặp lại nhiều lần, nên đây cũng là một cách hữu hiệu và mang tính ứng dụng cao để tinh luyện những thói quen tốt cho trẻ em.

Ivan Pavlov (1849-1936) là nhà sinh lý học người Nga nổi tiếng bậc nhất thế giới, được nhận giải Nobel sinh lý học và y khoa năm 1904. Lúc còn nhỏ Pavlov là đứa trẻ có tính kiên nhẫn trong mọi việc. Có một lần cha sai hai anh em ra vườn đào hố trồng cây, hai anh em đào rất vất vả, cả hai đều mồ hôi ướt đầm.

Cha cậu nhìn thấy liền chau mày nói: “Các con đào sai vị trí rồi, phải đào lại hết”. Em trai nghe vậy vô cùng nản lòng liền ngồi phịch xuống đất, không muốn đào nữa.

Pavlov không phàn nàn gì cầm xẻng lên đào theo cha, em trai thấy vậy cũng đành đứng dậy đào theo.

Ba cha con cần mẫn đào từng ít đất cứng một, cha lặng lẽ nhìn hai anh em một lúc sau cười vui vẻ nói: “Được rồi, các con không phải đào nữa.”

Thì ra không phải là vị trí đào không đúng mà ông làm như vậy muốn bồi dưỡng tính kiên nhẫn cho các con và thử thách hai anh em. Tính kiên nhẫn của Pavlov đã giúp cậu rất nhiều để có được thành công trong thí nghiệm sau này.

Không phải đứa trẻ nào cũng phản ứng như Pavlov, sinh ra đã vượt trội hơn về tính kiên trì. Điển hình như phản ứng của cậu em của Pavlov, ngoài đời thật nhiều em còn phản ứng dữ dội hơn khi được đánh thức những đặc tính bên trong mình. Đối với những em có đặc tính này lắng sâu hơn bình thường, thì trước khi đánh thức nó dậy bạn cần làm tốt công tác tư tưởng, đả thông tinh thần cho trẻ bằng cách kể chuyện, cho trẻ xem những đoạn video clip về tính kiên trì. Như vậy trẻ hiểu được động cơ bên trong cho mình cố gắng và đồng thời bạn cần dùng kỷ luật, kỷ cương, quan tâm và nhẫn nại với các em hơn một chút.

Lặp đi lặp lại một công việc nào đó một cách bình thường hết năm này qua tháng khác thì đó không còn là việc bình thường nữa. Để đến với thành công, ước mơ ai cũng phải trải qua những thời khắc như vậy và chỉ có tính kiên trì nhẫn nại mới có thể giúp bạn vượt qua.

Trần Huy Toàn

Được tạo bởi Blogger.