HÀNH TRÌNH CỦA ĐẠI BÀNG

TINH HOA GIÁO DỤC 9 (PHẦN 1)

BA KHÔNG THỎA MÃN, PHƯƠNG PHÁP ĐẶC BIỆT GIÚP CON TỰ CHỦ TRƯỚC NHỮNG CÁM DỖ THỜI ĐẠI

Triết lý về viên kẹo

Tình huống 1: Mỗi ngày bạn đều cho một đứa trẻ ăn kẹo. Bạn làm điều ấy rất thường xuyên và vui vẻ, đứa trẻ ấy cũng có vẻ rất yêu bạn. Mỗi ngày thấy bạn, nó đều cười tươi và chạy đến nhận kẹo. Nhưng rồi một ngày, bạn xoa đầu nó và bảo: “Hết kẹo rồi”, bỗng dưng nó rất khác. Nó gào ầm lên rằng bạn keo kiệt, xấu xa hoặc nó đi khắp nơi để nói xấu bạn. Với nhiều người, cho dù bạn có cho họ kẹo mỗi ngày, thì họ cũng chỉ nhớ mỗi một ngày mà bạn đã không cho.

Tình huống 2: Trong một lớp học có nhiều em người Do Thái, trên bàn cô giáo có một gói kẹo to. Cô chỉ vào gói kẹo và nói với học sinh: “Số kẹo trên bàn là của các em”. Nhưng hôm nay chỉ phát cho mỗi em một chiếc và bắt đầu từ ngày hôm sau, khi đến lớp bạn nào có bao nhiêu kẹo thì cô sẽ phát thêm cho bạn đó số kẹo bằng như thế. Nếu bạn không còn chiếc kẹo nào, cô sẽ không cho bạn đó kẹo, các em hiểu chưa. Lũ trẻ gật đầu.

Nói xong cô giáo bắt đầu đi phát kẹo cho từng học sinh. Có bạn vội vã bóc kẹo định ăn ngay nhưng chợt dừng lại vì nghĩ đến lời cô. Ngày đầu, lũ trẻ không ăn hết kẹo. Ngày hôm sau, cô giáo khen ngợi chúng và cô giáo phát cho mỗi em thêm một chiếc kẹo, như đã nói. Ngày thứ ba, khi nhìn vào tay các em, cô giáo đã thấy số lượng kẹo trong tay mỗi em mỗi khác, có bạn còn hai chiếc kẹo có bạn còn một chiếc. Theo quy định, cô phát hai chiếc cho em nào còn hai chiếc và một chiếc cho em nào còn một chiếc. Mấy ngày sau, số kẹo trong tay các em đã có sự khác biệt lớn, mỗi ngày cô vẫn tuân theo quy tắc như ban đầu.

Một tuần trôi qua, khi cô giáo kiểm tra số kẹo trong tay các em. Những em Do Thái đều giữ lại kẹo, chẳng ăn chiếc nào, còn kẹo của các bạn nhỏ khác đều có số lượng khác nhau. Cuối cùng cô giáo khen ngợi các bạn nhỏ vẫn giữ được số kẹo như ban đầu, đó là những bạn có tính kiên nhẫn, có nghị lực và có ý chí rất cao. Tiếp tục theo dõi người ta đã thấy những em này lớn lên thành công hơn rất nhiều so với các em còn lại.

Đây là điểm nhấn của văn hóa giáo dục người Do Thái, đó là trì hoãn thỏa mãn, trì hoãn sự hưởng thụ, có làm có hưởng. Để các em biết được thành quả là kết quả của sự nỗ lực không ngừng, từ đó luôn trau dồi và làm giàu ý chí, nghị lực. Mình muốn có thì mình phải nỗ lực, cố gắng, biết tự chủ cảm xúc trước những cám dỗ nhất thời để hướng đến đại cuộc, sự thành công trong tương lai.

Trái ngược lại với sự trì hoãn thỏa mãn, có làm có hưởng của người Do Thái thì các bố mẹ, đặc biệt bố mẹ Việt Nam và Trung Quốc luôn thỏa mãn, cho con hưởng thụ ngay, chiều chuộng con quá mức, muốn gì được nấy. Bạn có bao giờ tự nhủ, những đứa trẻ sẽ phát triển ra sao trong một môi trường như thế chưa?

Lúc nào cũng dễ dàng nhận được thứ mà mình muốn trong khi lại chưa bao giờ học cách chia sẻ, nên chúng sẽ nghĩ rằng mọi sự cho đi của bố mẹ như một điều hiển nhiên, là bổn phận của bố mẹ. Chúng sẽ dần trở nên tham lam, ích kỷ, còn sự biết ơn chỉ là một khái niệm xa vời. Chúng cũng không hề biết trân trọng những gì mình được nhận và mau chóng trở nên nhàm chán với những thứ đó. Đứa trẻ như vậy, quan niệm sống của chúng là “đòi và được” mà không cần có chút nỗ lực hay sự cố gắng nào, nên chúng hay rơi vào lối sống buông thả, thích hưởng thụ. Do đó dễ dàng bị phần não bò sát làm chủ, dẫn đến lối tư duy ngắn hạn làm chúng trở nên lười nhác lao động, thiếu nhẫn nại, ý chí, nghị lực. Một hệ quả khác nữa, vì lúc nhỏ chúng đã có quá nhiều sự lựa chọn, mong muốn mà chẳng biết để làm gì. Nên khi lớn lên, chúng thường không có khả năng nhận biết những điều mình thực sự cần trong cuộc sống. Chúng bị rối và không biết đâu là chọn lựa phù hợp cho bản thân. Trong bối cảnh xã hội thay đổi không ngừng, đòi hỏi nhiều nỗ lực, cố gắng, đầy rẫy các cám dỗ tệ nạn, thất nghiệp luôn hiện hữu thì làm sao những em như vậy có thể trở thành con người tự chủ và thành công trong cuộc sống được.

Hai tình huống ở trên cho thấy cách yêu thương con khác nhau, nhằm cho các bố mẹ nhận biết được con đường hình thành nên hai đứa trẻ cũng không giống nhau. Vậy nên thỏa mãn một đứa trẻ như thế nào là hợp lý?

Làm thế nào để trẻ lớn lên dù đứng trước cám dỗ, những cạm bẫy, vẫn tỉnh táo và đủ bản lĩnh tự chủ bản thân để vượt qua, là một quá trình rèn luyện sẽ được trình bày cụ thể sau đây:

Trước hết bạn cần xem xét những yêu cầu của trẻ có chính đáng không, hay đơn thuần chỉ là những thứ trẻ muốn. Nếu đó là mong muốn, đòi hỏi không chính đáng nên kiên quyết từ chối, còn nếu nhu cầu đó dẫu có hợp lý đi nữa cũng phải đáp ứng dựa trên ba nguyên tắc sau:

Không thỏa mãn ngay.

Trì hoãn thỏa mãn.

Không thỏa mãn quá mức.

Tình huống có thể xảy ra trong đời sống hằng ngày, khi trẻ có bất kỳ ham muốn nào như đòi một cây kem, chiếc xe điều khiển, một cuốn truyện tranh, cuốn bách khoa toàn thư, một chiếc cặp, muốn học tiếng Anh, học đàn, học võ thuật, xe đạp hay điện thoại. Bạn sẽ hướng dẫn cho trẻ cách đạt được những ham muốn của mình bằng cách thông qua “ba không thỏa mãn.”

Trường hợp cụ thể khi con bạn muốn một hộp màu, thì bạn cần hướng dẫn cho con hiểu rằng, con cần hoàn thành một nhiệm vụ nào đó để có được thứ con muốn. Chẳng hạn như con cần đọc thuộc một bài thơ hoặc là lau sạch căn nhà giúp mẹ, đó là không thỏa mãn ngay.

Lợi ích của việc không thỏa mãn ngay hay nói cách khác thỏa mãn có điều kiện là gì? Khi trẻ có ham muốn nào đó là cơ hội tốt nhằm phát triển kỹ năng, biết mình muốn cái gì và hướng ý muốn đó vào trong cuộc sống. Để được như thế, khi trẻ mong muốn về điều A - hãy cho trẻ làm những việc khó B để được điều A. Khi những mong muốn điều A càng ngày càng lớn, càng nhiều thì mức độ của việc khó B cũng từ đó mà gia tăng và thử thách cao hơn để được điều A. Bạn làm cho con hiểu được rằng khi chúng mong muốn có được một thứ gì đó, tự tay chúng sẽ cố gắng bằng chính sức lực của mình để đạt được điều đó mà không cần dựa dẫm vào người khác. Chúng có thể độc lập, tự do, thực sự trở thành những con người dám nghĩ, dám làm. Thỏa mãn có điều kiện là nuôi dưỡng các ham muốn của trẻ, làm tiền đề thôi thúc cho những khát khao lớn hơn sau này.

Tiếp theo đưa ra một lý do để trì hoãn thỏa mãn của trẻ.

Chẳng hạn sau khi thực hiện xong nhiệm vụ là lau dọn xong căn nhà, trẻ có được hộp màu, bạn nói: “Con khoan sử dụng hộp màu, hãy sang mời bạn bên nhà cùng chơi hoặc chờ một tiếng sau bạn Ngân đến rồi hãy mang màu ra dùng.”

Cuối cùng là không thỏa mãn quá mức.

Trường hợp trẻ sử dụng hộp màu, với trò này có thể chúng chơi thỏa mái phải đến một tiếng, thì trước đó hãy thỏa thuận với con là con chơi ba mươi phút, rồi chuyển sang chơi trò khác.

Lợi ích của việc trì hoãn thỏa mãn và không thỏa mãn quá mức là gì? Trong tự nhiên khi một con sư tử đi săn mồi, không biết nó đói như thế nào, nó phải kiềm chế và làm chủ cơn đói trong khả năng có thể và chờ đợi cho đến lúc thích hợp để tấn công con mồi. Nếu nó không khống chế được cơn đói, bị nó chi phối và điều khiển mà điên cuồng săn đuổi con mồi thì khả năng thất bại rất cao, thậm chí kiệt sức mà chết. Trì hoãn thỏa mãn và không thỏa mãn quá mức nhằm mục đích giúp trẻ có thể tự chủ được chính mình, mài dũa lòng kiên nhẫn và vực lên ý chí trong người.

Trần Huy Toàn

Được tạo bởi Blogger.