TINH HOA GIÁO DỤC 7 (TIẾP THEO)
GIẢI PHÁP CHO CÁC VẤN ĐỀ TRONG
BỮA ĂN VÀ BÀI HỌC LÀM NGƯỜI
IV. GIAI ĐOẠN BỐN TỪ 4 ĐẾN 9 TUỔI
ĂN KHÔNG CHỈ ĐỂ SỐNG, DẠY CÁCH LÀM NGƯỜI TRONG BỮA ĂN
Sự phát triển của con người bao gồm Thân, Tâm, Trí, ba yếu tố này kết
hợp thành một thể thống nhất sẽ cấu thành con người an nhiên, hạnh phúc. Nhưng
vì một lẽ nào đó từ lâu lắm rồi, hầu hết mọi người, các nền giáo dục ngày nay,
hết thảy các cấp từ mầm non, tiểu học đến đại học ở khắp nơi, vô tình hay cố ý
đã định nghĩa sai về giáo dục. Họ chia tách sự thống nhất của ba yếu tố trên
thành những nhân tố độc lập và riêng lẻ.
Chúng ta đã trải qua một nền giáo dục như thế, ở nhà bố mẹ chúng ta chỉ
nghĩ rằng sinh con ra chăm lo thân thể chúng thật tốt là được. Do vậy, tất cả
thời gian, trí lực, tiền bạc, công sức của họ chỉ xoay quanh việc nuôi dưỡng
Thân cho con. Xem bữa nay con ăn gì, ăn có ngon không, làm sao để con mập thêm
chút nữa, con mặc có đủ ấm chưa, để con ra ngoài nắng có làm chai sạn da không,
chơi như vậy có bị thương tích gì không.
Còn việc phát triển Trí (là trí tuệ, năng lực nhận thức của con người)
thì gần như họ phó mặc cho giáo dục nhà trường, nơi cũng chẳng khả quan hơn. Bản
chất của giáo dục đã bị nhầm lẫn phát triển trí tuệ thành đào tạo tri thức,
cung cấp và nhồi nhét thật nhiều thông tin. Thay vì phát triển kỹ năng cho các
em làm hành trang vào cuộc sống người ta lại lấp đầy vào đó những lý thuyết khô
khan, trừu tượng, thiếu thực tế. Thay vì khuyến khích những khả năng sẵn có,
các em lại được nhồi nhét bởi những mô hình đã được vạch sẵn, muốn đứa trẻ phải
làm thế này thế kia, làm thui chột đi khả năng sáng tạo của các em.
Tâm (hay tâm thức, tâm can, tâm trí) có thể hiểu đơn giản là cảm xúc,
tinh thần, và bản chất thật bên trong của con người, cũng như Trí đều là thể ẩn,
không nhìn thấy được. Nhưng Tâm thì ẩn sâu hơn, Tâm chỉ được nhận thấy khi điều
khiển Thân và Trí làm điều nó muốn. Ví dụ đơn giản nhất là Tâm nóng giận thì
Thân sẽ ngay lập tức biểu hiện ra hình thể của sự nóng giận từ lời nói cho đến
hành động. Phức tạp hơn là Tâm tham, thì sẽ sai khiến Trí lập mưu, sau đó nhờ
Thân truyền đạt hoặc hành động để hiện thực hóa sự tham lam đó. Ví dụ phức tạp
hơn nữa là Tâm hại người sẽ sai khiến Trí lên kế hoạch, để sát hại đối tượng,
hoặc tạo hiệu ứng lôi kéo nhằm bêu xấu, gây hiểu lầm và đổi lỗi cho đối tượng…
Chúng đều nhờ Thân để biểu hiện ra nhưng phức tạp hơn ở chỗ đó là cả một kế hoạch
có sự lôi kéo người tham gia nhằm ủng hộ hoặc che giấu sự thật. Chính vì vậy, một
kẻ Tâm địa độc ác nhưng lại sở hữu Trí thông minh thượng thừa thì thật sự tai hại...
tai hại.
Do đó, ba yếu tố Thân, Tâm và Trí nếu nói đến yếu tố nào quan trọng nhất
thì đó là Tâm, cần lấy Tâm làm gốc. Người xưa vốn dĩ hiểu được điều này nên họ
luôn đánh giá cao việc “dưỡng Tâm”, luôn có trong hết thảy mọi mặt đời sống, được
các đấng cứu độ giảng giải chân lý và gói gọn trong một chữ Đạo.
Nhưng ngày nay, con người lại làm ngược, họ chỉ nghĩ đến việc lo cho
Thân, tập trung vào phát triển Trí và gần như bỏ rơi hoàn toàn việc dưỡng Tâm,
thậm chí nhiều người cho đó là một việc gì đó rất xa lạ không dành cho người
bình thường. Chính cách hiểu sai về con người ngay từ điểm xuất phát, rồi cách
chúng ta được nuôi dưỡng trong sự sai lệch đó lớn lên từng ngày, nên đã tạo ra
vô số “sản phẩm lỗi” trong giáo dục. Đáng lẽ ra giáo dục làm cho con người ta sống
hạnh phúc, yêu thương, từ bi, tự do, thỏa mái hơn thì nền giáo dục hiện hành
chưa thực sự làm được. Ngược lại, giáo dục hiện nay làm cho con người ta đi ngược
lại những thứ đó, người ta ngày một trở nên vô cảm, tư lợi, tha hóa, sống quên
đi thực tại. Khiến mọi thứ trở nên phức tạp và khó khăn hơn, rất nhiều người
luôn chìm đắm trong bất an, hỗn loạn và mất cân bằng. Người thì sống lạc lõng mất
phương hướng, người thì không hiểu được tại sao cuộc đời lại quá đỗi bất hạnh với
mình đến thế.
Rất nhiều thế hệ đã đi qua và thế hệ ngày nay chúng ta đang tiếp nối
là “sản phẩm lỗi” của giáo dục, bởi chính những gì chúng ta được dạy bảo. Người
lớn nếu không hiểu rõ được những định kiến mà xã hội đã áp đặt lên mình, sẽ
không bao giờ có thể giáo dục được trẻ em. Họ sẽ lại trút hết những tàn phế của
bản thân lên đứa trẻ, lại tiếp tục áp đặt lên các em những nỗi sợ hãi đã ngấm
vào huyết quản của họ. Nỗi sợ không được nhận diện và rồi họ sẽ lại tạo ra những
sản phẩm lỗi tiếp theo mang trên mình cơ thể vật chất khiếm khuyết, tâm tư tình
cảm không ổn định và tính cách không đầy đủ.
Những sản phẩm lỗi đó là chúng ta giờ đây đã lớn, lập gia đình, sinh
con và cũng sẽ tiếp tục giáo dục con em như những gì mình đã được giáo dục. Vì
vậy, hiểu được những gì mình đã trải qua, quá trình được nuôi lớn nhiều chừng
nào, chúng ta càng khắc phục được những cài đặt “phần mềm lỗi” cho con tốt chừng
đó.
Nuôi dưỡng một đứa trẻ không những nuôi Thân mà còn dưỡng Tâm, khai
Trí. Và không như cách nhiều người thường nghĩ đó là để đến lúc đi học rồi mới
rèn luyện Thân Tâm Trí cho con. Trẻ nhỏ dưới bảy tuổi đã học hỏi thông qua việc
quan sát bố mẹ hàng ngày, cách người lớn chúng ta tương tác trò chuyện với con,
qua việc tiếp xúc trải nghiệm với đa dạng các môi trường, các trò chơi ngoài
thiên nhiên. Trong đó bữa ăn là sự kết hợp và thể hiện hài hòa phẩm chất của
con người Thân Tâm Trí. Do vậy, không chỉ đơn giản thông qua việc ăn uống để
nuôi dưỡng cơ thể vật lý, mà còn là cách để phát triển những phẩm chất khác
trong Tâm và Trí nhằm phụng sự cho một mục đích cao hơn, biến nó thành Đạo như
là Trà Đạo, Hoa Đạo, Cung Đạo.
Trước bữa ăn, có thể khuấy động bầu không khí bằng những đoạn đối thoại
ngắn và vui vẻ. Hãy nhớ hàm nghĩa của câu “Trời đánh cũng tránh bữa ăn”, - Đạo
lý và Không khí trên bàn ăn là hai việc cần được hài hòa, thiếu một trong hai
coi như điều còn lại là vô nghĩa. Nếu bạn hướng dẫn Đạo lý nhưng lại làm không
khí căng thẳng thì chưa ổn, nhưng bạn tạo ra không khí vui vẻ, thoải mái nhưng
chưa dạy được Đạo lý cho con, để trẻ ăn uống vô ý tứ, thiếu văn hóa cũng không
tốt.
1. Bài học về lòng biết ơn
Trước khi vào bữa ăn, nên tập trung cảm nhận và cầu nguyện: “Xin lỗi bạn,
xin hãy tha lỗi cho tôi. Tôi biết ơn sự sống trên trái đất này đã nuôi dưỡng
tôi. Tôi yêu bạn. Tôi chúc phúc cho bạn”, thể hiện sự trân trọng những sinh
linh khác đã tình nguyện làm thực phẩm cho bạn, lòng biết ơn trái đất này đã
nuôi dưỡng mình và cũng là cách để thanh tẩy thức ăn trở nên tinh sạch và thuần
khiết hơn.
Bạn chỉ cần làm thôi, bạn không cần dạy ai cả, đứa trẻ thấy bạn làm
chúng sẽ bắt chước, đây là cách tiếp thu và học hỏi tự nhiên của trẻ. Ngược lại,
có những đứa trẻ sẽ không làm theo như cách bạn muốn, bạn dạy, cũng đừng ép buộc
con. Đến một lúc nào đó khi ngấm vào trong tiềm thức đủ sâu, đứa trẻ sẽ tự biết
cách thể hiện ra bên ngoài. Đó mới thực sự giáo dục chân chính, cởi mở và bung
tỏa từ bên trong ra, chứ không phải chạy theo hình thức, áp đặt từ bên ngoài.
2. Bài học về phát triển nội
tâm
Thường xuyên chế biến món ăn đơn giản, đạm bạc cho trẻ ăn là trải nghiệm
mà bố mẹ nên cân nhắc. Bởi vì, nếu trẻ luôn ăn những món ngon, món chúng yêu
thích thì trẻ khó mà hiểu, trân trọng được những gì mình đang được bố mẹ mang đến
và việc được ăn món ngon hàng ngày. Thức ăn ngon, vui vẻ ăn là chuyện bình thường
nhưng ăn đơn giản, đạm bạc cũng vui vẻ ăn được, đó mới thực sự là người có nội
tâm mạnh mẽ. Không những thế thỉnh thoảng ăn đơn giản, đạm bạc không gia vị,
không phẩm màu, không cầu kỳ làm cho cơ thể được nghỉ ngơi, có thời gian phục hồi,
bài trừ những độc tố tích tụ lâu năm trong người.
Nếu bạn biết được phương pháp chữa bệnh bằng khoa học thực dưỡng như
trong cuốn “Nhân tố Enzyme” của Hiromi Shinya hoặc phương pháp thực dưỡng
Ohsawa, sẽ hiểu rằng nhiều khi việc chữa bệnh lại rất đơn giản, chỉ bằng cách
ăn uống. Nhưng nhiều người không làm được điều đó là vì từ nhỏ đến lớn quen
thói ăn ngon, ăn mặn, đồ ăn tẩm nhiều gia vị, lắm vị tanh của động vật, vị giác
đã quen với thứ kích thích sự khoái khẩu. Nên việc ăn bữa cơm thực dưỡng như gạo
lứt, muối mè, hay ăn nhạt nhiều khi là thử thách khủng khiếp với họ, không dễ
gì có thể vượt qua.
Học cách ăn đơn giản, đạm bạc, thô sơ và thưởng thức những bữa ăn ngon
hai việc nghe có vẻ đối lập nhưng lại hỗ trợ nhau. Đứa trẻ cứ quen ăn ngon thì
chúng sẽ phản ứng vô cùng tiêu cực khi ăn những món ăn đơn giản, đạm bạc. Hiểu
theo hàm nghĩa cao nhất thì chúng sẽ không có khả năng đối mặt trước những khó
khăn, sóng gió cuộc đời như vậy sẽ dẫn tới khổ đau. Ngược lại nếu tuổi thơ đứa
trẻ vì thiếu trải nghiệm, bữa ăn lúc nào cũng đơn giản, đạm bạc một khi có được
điều kiện để thưởng thức những bữa ăn ngon, chúng dễ ăn mất kiểm soát dẫn đến
tính háu ăn, xa hơn nữa sẽ không tự chủ với cám dỗ khác trong cuộc đời. Rơi vào
một trong hai thái cực trên đều không ổn. Tốt nhất là cho trẻ trải nghiệm ngay
từ nhỏ được hai trạng thái đối lập này, có những ngày được ăn ngon và cũng có rất
nhiều ngày ăn đơn giản, đạm bạc, để chúng có thể đạt được sự cân bằng nội tâm.
Người nào chịu được khổ, ăn rau cũng cho là ngon, thì việc gì làm chẳng
nổi.
Khuyết danh
3. Bài học về dưỡng Tâm qua
cách ăn
Người xưa dạy rằng “Ăn chậm, nhai kỹ, no lâu. Ăn nhanh chóng đói, lại
đau dạ dạy”, vì khi ăn chậm, nhai kỹ, thức ăn đã tương đối được phân giải, nên
vào trong dạ dày sẽ mất ít thời gian, năng lượng để tiêu hóa và hấp thụ. Vậy
nên cơ thể sẽ dùng tối thiểu năng lượng để tiêu hóa thức ăn nhưng sẽ có thể hấp
thu tối đa năng lượng, nên no lâu.
Còn người ăn nhanh, nhai cẩu thả khi thức ăn vào trong dạ dày, cơ thể
mất nhiều năng lượng để tiêu hóa nhưng chỉ hấp thụ ít dưỡng chất, không những
làm nhanh đói mà còn khiến cơ thể mỏi mệt.
Thông thường bữa ăn kéo dài 30 phút, là khoảng thời gian vừa đủ để ăn
với tốc độ trung bình, với mỗi miếng ăn cần nhai khoảng 30 lần. Còn lý tưởng nhất
có thể nhai từ 60 đến 100 lần, vì vậy bạn không nên hối thúc trẻ ăn nhanh. Ăn
nhiều hơn một chút cũng chẳng giúp được gì, chỉ làm trẻ hình thành thói quen xấu,
khiến sau này trẻ có thói quen ăn nhiều, ăn nhanh, ăn cho thỏa mãn bản năng thì
thực sự nguy hại, lãng phí thức ăn, làm cơ thể mệt mỏi, còn làm ảnh hưởng đến
tính cách. Vậy nên nếu trẻ không tập trung vào bữa ăn, chỉ lo nói chuyện hoặc
ngồi nghĩ mơ màng bạn chỉ cần nhắc nhở trẻ một vài lần, sau đó nếu trẻ vẫn
không nghe thì cứ để vậy đi, hết thời gian thì dọn bàn. Vài tiếng sau chắc chắn
sẽ đói, bị đói một vài bữa trẻ sẽ hiểu được chúng chỉ có một khoảng thời gian
ăn nhất định, lần sau trẻ sẽ tự biết cách điều chỉnh.
Đây là chỉ mới nói đến chiều hướng phản ứng vật lý khi ăn nhanh và chậm.
Ngoài ra, việc ăn chậm nhai kỹ no lâu có ý nghĩa không chỉ dừng lại ở đó. Bạn
ăn như vậy là bạn ăn với đúng thực tại, bạn đang thực sự sống, cảm nhận được sự
sống trong khoảnh khắc đó. Bạn tìm thấy chính mình, bạn biết mình ăn gì, bạn cảm
nhận nó ra sao, bạn đang sống, đang tận hưởng cuộc sống. Ngược lại, khi ăn mà
tâm trí chỉ biết ăn cho nhiều, ăn cho nhanh vì nghĩ rằng còn đó công việc đang
đợi, vì thời gian không có, bạn phải tranh thủ chở con đi học, đi làm, là bạn
đang đánh mất chính mình.
Bạn hãy thử hình dung nếu quá khứ là A, thực tại là B, tương lai là C,
bạn ngồi ăn mà cứ mãi nghĩ đến A hoặc C thì thực tại còn đâu. Khi làm như thế với
bữa ăn, bạn cũng sẽ làm như thế với cuộc sống. Lúc đi làm bạn sẽ nghĩ về ngày
cuối tuần; khi nghỉ ngơi bạn lại nghĩ đến công việc; lúc bạn bên người này lại
nghĩ tới người kia, những chuyến đi sắp đến. Khiến cuộc sống của bạn luôn bận rộn
với những dòng suy nghĩ miên man, nổi trôi trong tâm trí, không thể thôi dừng
“suy nghĩ,… suy nghĩ”, làm hao tổn năng lượng, đánh mất đi bình an và tự tại
nơi chính mình. Cứ như vậy, lâu dần sẽ sinh ra phiền não trong tâm trí và dẫn đến
các bệnh thần kinh. Nên không quá khi nói rằng: “Người không biết trân trọng bữa
ăn, là người không biết cách cân bằng cuộc sống.”
Thời Hy Lạp cổ đại xuất hiện nhà triết học nổi tiếng Socrates, có một
câu chuyện kể về ông như sau. Ông và vợ sống trong cảnh nghèo khó nhưng rất tâm
đắc. Một lần nọ làm cơm tiếp khách, bà vợ phàn nàn: “Này mình, bữa ăn đạm bạc
quá.” Socrates mỉm cười đáp: “Chẳng sao, nếu khách là người tốt thì họ xá gì miếng
ăn, còn trái lại ta sẽ nhìn họ dưới tầm mắt chứ sao.”
4. Bài học giúp con khai Trí
“Bệnh từ miệng mà vào họa từ miệng mà ra”, câu này đặc biệt chính xác
khi ngành công nghiệp chế biến ngày càng phát triển, đánh vào sự khoái khẩu của
vị giác con người như thực phẩm bẩn, độc hại, không đảm bảo chất lượng có mặt
khắp mọi nơi như hiện nay. Khiến nhiều người không làm chủ được ham muốn, dung
túng bản thân, bị cảm xúc sai khiến. Bởi vậy, nhiều người mắc phải vô số bệnh tật,
có thân hình “quá khổ” vì không kiềm chế, làm chủ được việc ăn uống.
Để cho trẻ lớn lên có đủ ý chí và sự tự chủ nhằm vượt qua khỏi những
cám dỗ đến từ thế giới vật chất đang có xu hướng ngày càng phình trướng ra như
hiện nay, cần tạo môi trường có chủ đích để đánh thức những đặc tính đó trong
trẻ ngay từ nhỏ. Trong một tuần, một đến hai lần khi đến giờ dùng cơm bạn nên
hãm giờ ăn lại một lát, có thể từ mười đến mười lăm phút để trẻ có thể học cách
tự chủ ham muốn.
Đồng thời trong thời gian chờ đợi, có một chủ đề cũng là bài học vô
cùng hữu ích mà tôi nghĩ bạn nên thử áp dụng. Hãy cho con cảm nhận trong bữa ăn
để hiểu hơn về cái đẹp, từ đó giúp trẻ phát triển trí tưởng tượng lớn lên sẽ có
sức sáng tạo mạnh mẽ.
Thế nào là giúp trẻ cảm nhận trong bữa ăn? Trước hết bạn và con cần tập
trung, chỉ khi đã tập trung việc cảm nhận mới thực sự bắt đầu. Hãy giúp đứa trẻ
cảm nhận những món ăn có trên bàn, mùi hương của gạo chín, mùi lá thơm, hương vị
của món xào, dòng nước mát chảy đến những cánh đồng nuôi lớn những cây lúa,
hình ảnh người nông dân thu hoạch, mẹ vo gạo nấu cơm.
Cùng trẻ tưởng tượng những món ăn này trông như thế nào: “Đĩa rau này
trông giống một cánh rừng; bát cơm của con trông như một cánh đồng muối; đĩa
xào này trông giống như bầu trời lúc hoàng hôn”. Khi lớn lên trẻ sẽ có khả năng
tưởng tượng và liên tưởng từ các sự vật sự việc lại với nhau, từ đó phát huy được
tối đa sức sáng tạo và các ý tưởng có thể bất chợt nảy sinh mọi lúc mọi nơi.
Tuy nhiên cách này có thể khó với nhiều người, vì trí tưởng tưởng chưa
được thăng hoa và tự do mơ mộng. Nhiều người còn cứng nhắc, thiếu đi sự linh hoạt
trong tư duy thì không phải ai cũng có thể áp dụng được cách làm như trên.
Nên có cách khác giúp trẻ khơi nguồn sáng tạo trong bữa ăn đơn giản
hơn. Thường ngày hầu hết mọi gia đình ăn cơm dùng bát hoặc đĩa để đựng thức ăn,
thỉnh thoảng bạn có thể ăn cơm bằng ly, bằng lá chuối, giấy, ống tre,… Hoặc đến
buổi tối đôi lúc bạn tắt bóng điện, bữa cơm sẽ được diễn ra trong màn đêm. Đó sẽ
là những trải nghiệm tuyệt vời đối với trẻ, thậm chí cả với người lớn chúng ta.
Hơn nữa điều này sẽ làm cho đầu óc của trẻ không có giới hạn trong suy nghĩ, từ
đó đánh thức trí sáng tạo cho các em.
5. Bài học giúp con làm người
Có những lúc bạn nấu món ngon, nhưng nấu ít. Một đứa trẻ bình thường,
hay được nuông chiều chắc chắn khi ngồi vào bàn ăn chúng sẽ chỉ ăn món mình
thích. Đó cũng là phản ứng hết sức bình thường, lúc này bạn cần chỉ bảo: “Mẹ biết
con thích ăn món này, nhưng mỗi người chỉ được một ít thôi, phần còn lại để cho
người khác. Do đó phần con ăn thế là đủ rồi, nếu thích ăn nữa con hãy ăn món
khác”.
Ban đầu vì bản năng sinh học còn mạnh, trẻ có thể khóc, mè nheo thậm
chí là giành lấy thứ mình muốn đó cũng là cảm xúc tất yếu của đứa trẻ. Bạn nên
công nhận và tôn trọng cảm xúc các em, nhưng không đáp ứng thêm, cũng như không
nhường phần của mình cho con. Làm được như vậy khi trẻ lớn lên sẽ biết cách tự
chủ cảm xúc, tự chủ được bản thân, biết nghĩ và quan tâm đến người khác hơn,
không còn tính “kén cá chọn canh.”
6. Bài học về tình yêu thương
trong minh triết. Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương
Hãy để cho trẻ tự quyết định mình ăn bao nhiêu thì đủ, đừng ép các em
ăn thêm dù chỉ một hạt. Trẻ được tự do quyết định, nên cũng là người sẽ chịu
trách nhiệm cho hành động của mình, vì thế cuối bữa cơm trong bát cần được ăn sạch,
không được sót dù chỉ một hạt. Lần đầu còn bỏ sót hãy nhắc nhở trẻ ăn cho sạch,
lần thứ hai trẻ vẫn có thể chưa nhớ hãy lại nhắc nhở, nhưng đến lần thứ ba, bốn
thì không nhắc nữa. Nếu vẫn còn sót dù chỉ một hạt cơm trong bát, cho nhịn ăn
luôn vào bữa sau. Dứt khoát làm như vậy một vài lần trẻ sẽ nhớ bài học, biết ăn
sạch cơm và không lãng phí đồ ăn.
Bạn nghĩ như vậy quá tàn nhẫn không. Trẻ em rất thông minh, học rất
nhanh, nếu bạn làm rạch ròi và dứt khoát trẻ sẽ nhanh chóng học được bài học.
Hơn nữa chỉ với một hạt cơm, mà lớn lên trở thành người có trách nhiệm, biết tiết
kiệm, hiểu được nhân quả không còn làm việc xấu nữa. Chỉ một hạt cơm mà biết
bao nhiêu đạo lý trong đó, trẻ học biết bao điều, phải chăng cái giá đó quá rẻ
để trả cho một bài học lớn. Biết chắc chắn con sẽ phạm phải sai lầm, để con làm
sai, rồi phạt con, từ đó con học được bài học - đó là đại thiện tối vô tình.
7. Bài học về lao động
Kết thúc bữa ăn, bạn nên phân chia công việc tùy vào lứa tuổi, sức lực,
sở thích của mỗi em. Dưới bảy tuổi có thể dọn đũa, lau chén bát, nhặt rau. Lên
tiểu học có thể phụ mẹ đi chợ, rửa chén. Lên trung học thì có thể tự mình đi chợ,
chuẩn bị cơm cho cả nhà.
Từ 4 đến 9 tuổi là giai đoạn lý tưởng để áp dụng những bài học này cho
đứa trẻ. Những bài học căn bản làm người, làm nền tảng trong một bữa ăn. Nếu bạn
khéo léo áp dụng và nghiêm túc chỉ dẫn, đứa trẻ sẽ nhanh chóng học được những
bài học cơ bản này. Từ 10 đến 14 tuổi, là khoảng thời gian có thể quan sát, ngắm
nhìn đứa trẻ thực hành những điều mà bạn đã tâm huyết chỉ dẫn các em lúc còn nhỏ.
Để sau đó bước vào giai đoạn tiếp theo, có thể nâng bài học lên tầm cao mới.
Chuyên gia lễ nghi hàng đầu thế giới William Hansen từng dạy cho hoàng
tử William về lễ nghi chính thống của hoàng gia Anh cho biết: “Người giỏi quan
sát sẽ biết được hoàn cảnh sinh hoạt của cha mẹ bạn, hoàn cảnh giáo dục của bạn
ra sao sau một bữa ăn.”
Trần
Huy Toàn