HÀNH TRÌNH CỦA ĐẠI BÀNG

TINH HÓA GIÁO DỤC 11 (TIẾP THEO)

II. “HỌC ĂN, HỌC NÓI, HỌC GÓI, HỌC MỞ”, CÓ RẤT NHIỀU ĐIỀU QUAN TRỌNG CẦN PHẢI HỌC VÀ HỌC CÁCH LÀM RA TIỀN, SỬ DỤNG TIỀN CŨNG LÀ MỘT BÀI HỌC VÔ CÙNG QUAN TRỌNG TRONG CUỘC ĐỜI MỖI NGƯỜI

Mục đích đầu tiên trong việc lao động, trước hết để đảm bảo phục vụ nhu cầu sinh tồn của chính bản thân và sự hoàn thiện cơ thể vật lý cho trẻ trong những năm đầu đời. Đồng thời lao động tạo ra của cải vật chất, nên sẽ phát sinh ra tiền để trao đổi và sử dụng. Tiền cũng như thức ăn, sẽ cần cho hoạt động sống của cơ thể, không có ăn sẽ đói, đói thì không làm được gì. Nhưng ăn quá nhiều, không tự chủ được việc ăn con người trở thành một khối thịt nặng nề, lúc nào cũng chỉ quanh quẩn cho các nhu cầu thể xác, làm con người ta chẳng thể tiến xa trên hành trình phát triển của mình.

Tiền cũng vậy, thiếu nó sẽ khó khăn, nhưng có nhiều mà không biết sử dụng lại gây hại. Trong thời đại nhiều cám dỗ vật chất như hiện nay, tiền chi phối mọi hoạt động đời sống của con người. Việc bạn cần làm là giúp trẻ nhận thức được vai trò và ý nghĩa thực sự của tiền tệ trong cuộc sống. Tiền từ đâu mà có và cách sử dụng tiền hữu ích, là công việc quan trọng đối với quá trình cung cấp kiến thức làm nền tảng trong nhận thức và rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ.

1. Hướng dẫn cho trẻ cách làm ra tiền thông qua lao động

Tiền có được là nhờ hoạt động đổi một cái gì đó hay tạo ra một sản phẩm để giúp đỡ, giải quyết nhu cầu của người khác từ sức lao động chân tay hoặc lao động trí óc của bản thân. Tuy nhiên tôi không cho rằng, trả tiền cho trẻ làm việc nhà là một ý hay. Việc nhà trẻ vẫn làm, nhưng với tư cách là một thành viên trong gia đình chứ không nên để trẻ có tư tưởng rằng làm là để kiếm thu nhập.

Cho trẻ nhận thức giá trị tích cực của việc có và sử dụng tiền, khi các em còn nhỏ là rất hữu ích trong đào tạo kỹ năng. Trẻ có cơ hội tiếp xúc với tiền nên sẽ hiểu rõ và có kinh nghiệm quản lý, sử dụng thứ công cụ này một cách hiệu quả trong đời sống. Cũng như thông qua đó sẽ giúp bồi dưỡng, phát triển con người Thân Tâm Trí dưới sự dẫn dắt của chúng ta, chứ không chỉ đơn giản sử dụng nó với ý nghĩa thực dụng.

Có ít nhất ba cách dưới đây tùy vào đặc điểm, nơi chốn của từng gia đình và cá tính, sở thích cũng như thế mạnh của mỗi đứa trẻ. Bạn có thể giúp các em hiểu rằng tiền sẽ có được từ các hoạt lao động chân tay hoặc trí óc, mà bản thân chúng đã cố gắng làm ra.

Thứ nhất, để cho trẻ đến nhà người quen, hoặc bạn bè làm những công việc đơn giản, phù hợp với nhận thức và sức khỏe của các em như cắt cỏ, trông em, rửa xe, dọn nhà,… để các em có thể lao động và có tiền từ các hoạt động này.

Thứ hai, nếu gia đình bạn trực tiếp là cơ sở hoặc nơi sản xuất một món hàng gì đó, hãy cho trẻ tham gia với tư cách như một nhân viên thực sự. Hay khuyến khích trẻ chế tạo sản phẩm phù hợp với niềm yêu thích của mình để bán ra thị trường, như gấp hoa giấy, vẽ tranh, làm đồ chơi, dụng cụ điện tử từ phế liệu, các vật dụng bỏ đi từ chai lọ.

Đối với phương pháp giáo dục này bà Sara Imas đã áp dụng thành công với các con của mình, dưới đây là một phần của câu chuyện. Được trích dẫn trong cuốn sách “Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương”, thông qua đó hy vọng gợi nên nhiều ý tưởng về phương pháp giáo dục con cũng như bạn có thể tham khảo nhằm linh hoạt ứng biến vào môi trường Việt Nam.

Khi tuyên bố nhà mình cũng phải triển khai nguyên tắc có làm có hưởng, bọn trẻ xắn tay áo lên, hào hứng muốn thử. Thông qua những quyết định được đưa ra trong cuộc họp gia đình, bọn trẻ bắt đầu giúp tôi bán nem rán. Khi đó, tôi vẫn không dám bỏ mặc cho bọn trẻ làm việc ở ngoài tầm quan sát của mình, chúng muốn lao động kiếm tiền, vậy thì trước hết hãy làm thuê cho tôi.

Mỗi ngày, tôi làm một đến hai trăm cái nem rán bán cho bọn trẻ, mỗi cái trị giá 30 agorot (100 agorot bằng 1 shekel) chúng có thể tự nâng giá bán, tự do chia lợi nhuận. Nếu không muốn bán hàng, chúng có thể ở nhà giúp tôi làm nem, có điều hoa hồng ít hơn. Tôi làm một phép tính như thế này, một cái nem rán có giá 0,3 agorot người làm ra một cái nem rán được hưởng 10% giá thành? tức là kiếm 0,1 agorot. Còn người bán được một cái nem rán, hưởng 20% giá thành? kiếm 0,2 agorot. Bán nem rán rèn luyện kỹ năng sinh tồn tốt hơn làm nem rán, vì nó đòi hỏi bọn trẻ phải tiếp xúc với những người rất lạ, từ đó rút ra nhiều kinh nghiệm hơn và cũng có nhiều đóng góp hơn đối với việc bán nem rán của gia đình. Vì vậy, tôi đặt ra quy tắc cho các con dựa theo phương thức làm ăn buôn bán chân chính. Sau khi đặt ra quy tắc, Dĩ Hoa và Huy Huy tự phân chia công việc. Dĩ Hoa là người hướng nội, nó nhận thấy việc bán nem rán rất cần phải xuất đầu lộ diện, đối với nó mà nói là việc vô cùng đau khổ, cho nên nó chủ động nói nó muốn ở nhà giúp tôi làm nem rán. Tôi duy trì phép tắc trong gia đình, nhưng tôi cũng không can thiệp vào sự lựa chọn của con cái. Tôi bảo Dĩ Hoa: “Làm nem rán yêu cầu hằng ngày con phải dậy sớm một tiếng, nhưng hoa hồng ít, kiếm được ít tiền tiêu vặt hơn”. Dù vậy, Dĩ Hoa vẫn bằng lòng nhận nhiệm vụ này, tôi tin rằng thằng bé sẽ làm rất tốt. Huy Huy thì hướng ngoại, nó hí hửng nói: “Mẹ ạ, con đi bán nem rán! Bán nem rán mỗi ngày được ngủ nhiều hơn làm nem rán một tiếng đồng hồ, lại còn kiếm được nhiều tiền gấp đôi nữa”. Thấy em trai thử sức với công việc khó khăn hơn, Dĩ Hoa cũng hơi phân vân do dự, nhưng vẫn khá bảo thủ và giữ lại cho mình một đường lùi, nó mặc cả với tôi: “Mẹ, con có thể vừa làm nem rán, vừa thử bán nem rán được không ạ?”. “Đương nhiên là được”. Tôi ủng hộ ý kiến hợp lý của con.

Con út chưa đầy bốn tuổi của tôi vừa thấy hai anh tham gia vào kế hoạch mới của gia đình, cũng hớn hở chạy tới đòi tham gia. “Em phụ trách việc trải bánh đa nem hằng ngày!”. Dĩ Hoa trực tiếp giao việc cho em gái. Công việc trải bánh đa nem, cụ thể là gỡ những cái bánh đa nem đang dính liền vào nhau. Con bé rất hài lòng với công việc này.

Sau khi đưa ra quy tắc có làm có hưởng, bọn trẻ bắt đầu chia nhau hành động. Dĩ Hoa chưa làm nem rán bao giờ, nên không biết làm bánh đa nem như thế nào, ban đầu nó lấy bột mỳ làm thử. Nhưng Dĩ Hoa rất kiên nhẫn, nó quan sát tỉ mỉ cách tôi làm nem rán, sau đó tự nhốt mình vào bếp, sau khi dùng hết ba cân bột mỳ, nó bưng ra một đĩa nem rán, mừng rơi nước mắt: “Mẹ, năm cái tất cả, con kiếm được 0,5 agorot rồi”. Về sau, khi sự nghiệp của Dĩ Hoa thành công, nhớ lại quãng thời gian làm nem rán, nó xúc động nói: “Nhào bột cũng là một nghệ thuật, không được đặc quá, cũng không được nhão quá, mềm dẻo như mặt gấm mới là tốt.”

Huy Huy nhận việc bán hàng, liệu thằng bé có hoàn thành nhiệm vụ không? Mới đầu, tôi đi theo sau Huy Huy, không phải vì tôi lo cho sự an toàn của nó, mà tôi lo ngộ nhỡ việc bán hàng không được thuận lợi, thì nó sẽ có những ý nghĩ tiêu cực. Làm người mẹ, tôi phải lo tính trước tính sau, trước khi để con ra khỏi nhà, tôi nắm chặt bàn tay nó rồi từ từ buông ra.

Quả nhiên không nằm ngoài dự liệu, Huy Huy xách làn nem rán, trong lòng nơm nớp lo sợ. Bình thường thằng bé hướng ngoại, nhanh nhẹn hoạt bát, hay nói hay cười, gặp người lạ nó cũng biết ứng xử ra sao. Nhưng lần đầu tiên đi bán hàng, nó đứng ngây ra nhìn dòng người và xe cộ tấp nập qua lại, không cất nổi lời mời.

Đây chính là khác biệt giữa trẻ em Trung Quốc và trẻ em Israel. Đối với trẻ em Do Thái mà nói, giao tiếp mặt đối mặt với khách hàng là chuyện hết sức bình thường. Ở cổng khu chung cư, tôi thường xuyên gặp rất nhiều trẻ em Do Thái bán đồ chơi và sách cũ của mình, chúng luôn luôn nói chuyện vui vẻ, thoải mái với người khác, thể hiện kỹ năng thuyết phục rất có sức hút.

Vạn sự khởi đầu nan. Huy Huy thoáng có ý nghĩ rút lui, nó quay đầu nhìn tôi đang đứng ở góc phố. Tôi đi tới, dùng ánh mắt khích lệ Huy Huy như nói với nó rằng: “Không sao đâu con, đó chỉ mới là khởi đầu thôi.”

Trước mắt Huy Huy là một cửa hàng bán đồ dùng trẻ em, nó lấy hết dũng khí bước vào bên trong. Ông chủ của hàng đang rất bận, Huy Huy kiên nhẫn đứng một bên, đợi ông chủ bán hàng xong, nó mới đi lên phía trước giới thiệu nem rán của mình. Đáng tiếc, ông ta không thích nem rán, nhẹ nhàng xua tay biểu thị không mua. Tuy ông ta từ chối rất khéo, nhưng người lớn chúng ta gặp chuyện này cũng lúng túng khó xử nữa là trẻ con.

Huy Huy không nhụt chí, bởi ở nhà tôi đã cho nó một phương án dự phòng. Tôi bảo thằng bé: “Bán nem rán không phải là việc dễ, ngay đến mẹ đôi khi cũng không bán được. Cho nên con đừng tự gây áp lực cho mình, chỉ cần con cố gắng hết sức là tốt rồi”. Ngoài ra, tôi còn dạy cho thằng bé một số quy tắc giao tiếp thông thường.

Sau này Huy Huy nói với tôi rằng, công tác chuẩn bị đó rất có tác dụng. Khi bị ông chủ cửa hàng bán đồ dùng trẻ em từ chối, cảm thấy vừa ra quân đã bất lợi, nó rất thất vọng, nhưng ngay sau đó nó chợt nhớ lại những lời mẹ nói với mình, nên lễ phép thưa: “ Bây giờ bác không mua cũng không sao ạ, khi nào bác có nhu cầu hay tụ tập muốn ăn nem rán, cháu sẽ mang đến tận nơi cho bác. Bác cũng có thể đặt hàng trước, nhà cháu không chỉ làm nem rán mà còn có rất nhiều món ăn vặt khác của Trung Quốc nữa ạ.”

Huy Huy tiếp tục đi về phía trước, nhà thứ hai nó bước vào là cửa hàng tạp hóa bán các loại đồ ăn vặt, thức uống và một ít đồ dùng văn phòng phẩm. Chủ cửa hàng trông thấy Huy Huy xách nem đi vào, niềm nở hỏi: “Cậu bé Trung Quốc cháu muốn mua thứ gì à?”. Hồi đó mới chỉ có gia đình tôi là người Trung Quốc sống ở thành phố Kiryat Shmona, cho nên mọi người đều rất chú ý.

Huy Huy làm theo những gì thằng bé đã diễn trước ở nhà cho tôi xem, nó kính cẩn chào: “Cháu chào cô! Cô có muốn nếm thử nem rán Trung Quốc không? Ở đây có nem rán Trung Quốc do mẹ cháu làm, ăn rất ngon, nhất định cô sẽ thích cho mà xem”. Chủ cửa hàng tạp hóa là một người phụ nữ Do Thái ngoài bốn mươi tuổi, rất nhã nhặn và tốt bụng, cô ta khen Huy Huy rất giỏi và còn mua hai cái nem rán.

Lần đầu tiên Huy Huy bán được hàng ấy là vào năm mười ba tuổi, thằng bé từng do dự đứng ngoài cửa hàng, từng không thể mở lời. Nhưng nó đã vượt qua cửa ải này, ánh mắt nó như sáng bừng lên.

Nguyên tắc có làm có hưởng khiến hai cậu con trai của tôi có một cuộc lột xác kỳ diệu. Với quy định không được để lỡ việc học, hằng ngày các con tôi rời khỏi nhà lúc 6:30 phút sáng, chúng vừa đi vừa bán hàng dọc theo con đường tới trường. Những hôm đắt hàng, nhanh chóng bán hết nem rán, chúng lại quay về nhà lấy thêm; còn những hôm sắp đến giờ vào học mà vẫn chưa bán hết nem rán, chúng sẽ đậy làn lại, tan học thì quay về nhà. Hôm nào buổi chiều tan học sớm, chúng tranh thủ ghé vào các cửa hàng và bán một ít nem rán. Tôi đưa ra một yêu cầu với bọn trẻ, đó là bán nem rán nhưng không được quên học hành.

Tuy các con bán nem rán, một món ăn chẳng đáng bao nhiêu tiền, nhưng tôi nhận ra, trong quá trình bán hàng, tính cách của cả hai đứa trẻ đều có sự thay đổi lớn.

Dĩ Hoa vốn là đứa hướng nội, không khéo giao tiếp với người khác, để nó đi bán nem rán chẳng khác nào làm khó nó, thằng bé sẽ không cảm thấy vui vẻ thích thú. Dù có vài lần mang nem rán đến trường bán, nhưng Dĩ Hoa thường chỉ hoàn thành nhiệm vụ một cách lén lút, không cảm thấy việc mình làm là đàng hoàng. Biểu hiện của nó đi ngược lại mong muốn ban đầu của tôi khi thực hiện nguyên tắc có làm có hưởng. Vì mục đích của nguyên tắc này không phải là thôi thúc con cái kiếm tiền, mà là muốn bọn trẻ hiểu lý luận, học lao động, thay đổi cuộc sống theo cách tích cực, giúp chúng xây dựng lý tưởng, bồi dưỡng tinh thần trách nhiệm.

Tôi khuyến khích Dĩ Hoa giao lưu nhiều hơn với các bạn người Do Thái, dù sao nói chuyện với bạn bè về cuộc sống trước đây ở Thượng Hải cũng là điều tốt, vì trẻ em Do Thái khá hiểu biết về marketing. Người Do Thái nắm giữ phần lớn của cải của thế giới cũng là vì họ đã thường xuyên rèn luyện kỹ năng marketing ngay từ khi còn nhỏ.

Quả nhiên cơ hội nằm trong những chi tiết của cuộc sống, trong khi nói chuyện cùng các bạn về cuộc sống ở Thượng Hải, Dĩ Hoa phát hiện ra, các bạn Do Thái vô cùng hứng thú với văn hóa Trung Quốc. Có một hôm Dĩ Hoa tham gia một buổi biểu diễn cá nhân của cậu bạn cùng lớp tên là Sam, trở về nhà đột nhiên thằng bé phấn khởi hỏi tôi: “Mẹ, mẹ ơi! Con có thể bắt chước Sam mở tọa đàm ‘Đến với Trung Quốc’ không? Con có nhiều khuyến mãi hơn bạn ấy, mỗi bạn mua vé vào cửa sẽ được ăn miễn phí món nem rán Trung Quốc của nhà mình!”

Ý tưởng marketing của Dĩ Hoa đúng là một công đôi việc, làm tôi vừa kinh ngạc vừa cảm động. Ngay lập tức, cả nhà khẩn trương tập hợp, dốc toàn bộ sức lực giúp đỡ Dĩ Hoa mở buổi tọa đàm quảng bá món nem rán Trung Quốc.

Tọa đàm “Đến với Trung Quốc” ở trường học giành được thành công rực rỡ, thoáng chốc các bạn học Do Thái cũng nhìn Dĩ Hoa nhà tôi bằng con mắt khác, đó là sự tôn trọng và giá trị của lao động. Buổi tối hôm đó, mỗi người bỏ ra 10 agorot mua vé vào cửa nghe tọa đàm đều được nếm thử món nem rán chính hiệu của gia đình tôi. Cân nhắc giá thành của món ăn, Dĩ Hoa nhờ Huy Huy cắt mỗi cái nem rán thành mười phần, xếp ngay ngắn vào trong lòng chiếc đĩa điểm tâm nhỏ. Buổi tọa đàm đó, Dĩ Hoa tiếp đón tất cả hai trăm khán giả, vé vào cửa thu về 2000 agorot. Ngoài 500 agorot nộp cho nhà trường làm phí thuê địa điểm, Dĩ Hoa còn dư 1500 agorot. Chia chác 1500 agorot kia như thế nào? Dĩ Hoa xử lý đâu ra đấy, nó lấy 300 agorot làm phí lao động, trả cho người giúp nó cắt nem rán và phụ trách việc tiếp đón khách. Một ngàn hai trăm agorot, nó giữ lại 600 agorot, số còn lại mua điểm tâm cho cả nhà cùng ăn.

Sự thay đổi của Huy Huy cũng làm tôi thay đổi cách nhìn. So với anh trai Dĩ Hoa, Huy Huy giỏi động não phân tích nhu cầu của người khác hơn. Thành phố Kiryat Shmona nằm ở phía bắc Israel, cư dân nơi đây khá coi trọng khẩu vị, Huy Huy nhắc nhở tôi: “Mẹ ạ, con nghĩ những người ăn cơm ở nhà hàng bên kia sẽ cần một ít vị cay, mẹ có thể làm cho con hai mươi cái nem rán cay không. Nếu như họ thích ăn, có lẽ sẽ bán được nhiều hơn.”

Làm nem rán bao nhiêu năm, nhưng trước giờ tôi chưa từng nghĩ đến vấn đề khẩu vị, nhu cầu của khách hàng để có những thay đổi tốt hơn. Tôi rất tôn trọng đề nghị của Huy Huy, thay đổi món nem rán Thượng Hải chính thống sang phiên bản Israel, chia ra nhiều loại khác nhau như, nem rán cay, nem rán ca ri, nem rán sô-cô-la, nem rán phô mai.

Quả nhiên những cải biến này đã đẩy mạnh lượng tiêu thụ nem rán. Những suy nghĩ và phân tích dựa trên nhu cầu thị trường cũng thể hiện được đầu óc kinh doanh của Huy Huy.

Thứ ba, đọc sách để kiếm tiền, có nghĩa là cho trẻ đọc một cuốn sách và sau đó tóm tắt lại nội dung cho bạn nghe, như thế trẻ sẽ nhận được một khoản tiền thông qua lao động trí thức. Hoặc phân tích, rút ra bài học từ các câu chuyện cổ tích, hay cuộc đời của những nhân vật thành công trong cuộc sống.

Ở phương pháp này có một câu chuyện thú vị như sau: Caleb Maddix một người viết sách, doanh nhân, người có tầm ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội, là giám đốc điều hành và một trong top hai mươi người có sức ảnh hưởng tạo động lực lớn nhất thế giới. Nhưng sự thật bất ngờ nhất ở chàng trai này là Caleb mới 15 tuổi. Tuy nhiên, điều đặc biệt không đến từ cậu mà đến từ cách giáo dục của bố Caleb.

Năm bảy tuổi, trong một lần đến nhà bạn chơi, Caleb thấy bạn mình được cho 20 USD. Bạn của Caleb tiết lộ đó là tiền công được mẹ trả sau khi dọn phòng. Cậu bé bảy tuổi thích thú, Caleb trở về hào hứng bắt tay vào việc dọn nhà kiếm tiền. Xong việc, cậu bé chạy đến nói với bố, nhưng bố của Caleb Maddix lại có quan điểm hoàn toàn khác với sự hồ hởi của con.

Anh nói: “Bố rất vui khi con làm việc này. Con sẽ đi đổ rác. Con sẽ dọn phòng của mình. Nhưng bố không muốn con nghĩ rằng con sẽ làm như vậy để kiếm tiền trong tương lai.”

Thay vào đó anh đưa cho cậu một cuốn sách: “Nếu con đọc hết cuốn sách này và viết một bài tổng kết về cuốn sách, bố sẽ cho con 20 đôla”, anh nói. Vì có động lực nên Caleb đọc rất nhanh hết cuốn sách đó.

Để tiếp tục tạo động lực thêm cho con, anh nói: “Thực tế, bố không đưa 20 USD cho mỗi cuốn sách con đọc bởi vì một ngày nào đó, con sẽ phải trả tiền cho những gì mình đọc. Hãy nhớ rằng những gì con đạt được trong năm năm tới được quyết định bởi những gì con đã đọc và ai cùng con đồng hành. Những gì con học được nhiều nhất sẽ giúp con kiếm tiền nhiều nhất”. Lời nhắn nhủ của bố khiến Caleb ngày càng chăm chỉ đọc sách hơn và lĩnh hội nhiều kiến thức từ trong sách vở, đến năm mười hai tuổi cậu đã viết cuốn sách đầu tiên trong đời.

Khi bạn hướng dẫn cho đứa trẻ đã hiểu được rằng tiền có được thông qua các hình thức lao động khác nhau, việc tiếp theo cần làm là định hướng công việc cho các em một cách chân chính và bền vững. Nói cách khác, cần dạy cho trẻ thấm đẫm lương tâm và đạo đức nghề nghiệp ngay từ khi các em còn nhỏ. Khi mọi công việc, ngành nghề, cần phải thỏa mãn được lần lượt các điều kiện sau: “Có gây ảnh hưởng xấu cho thiên nhiên và môi trường xung quanh, có làm tổn hại hay nguy hiểm cho người khác không. Rồi mới tính việc lợi cho mình”, thì công việc nào cũng đáng quý, đáng trân trọng mới có thể được phép làm.

Trần Huy Toàn

Được tạo bởi Blogger.