TINH HOA GIÁO DỤC 13 (PHẦN 3)
GIÁO DỤC TIỀM THỨC, QUYẾT ĐỊNH
TƯƠNG LAI CỦA TRẺ
II. CHA MẸ THAY ĐỔI LỜI NÓI,
CON THAY ĐỔI CUỘC ĐỜI
Trẻ còn nhỏ chưa hiểu được sức mạnh của ám thị ngôn từ ảnh hưởng đến bản
thân như thế nào, chúng chỉ có thể tiếp nhận một cách thụ động thông qua sinh
hoạt và giao tiếp với bố mẹ trong đời sống hằng ngày. Hiểu được điều này, việc
bố mẹ có thể chủ động giúp trẻ xây dựng hình ảnh cá nhân bằng ngôn từ tích cực
ngay từ nhỏ là điều hết sức quan trọng. Mà người đóng vai trò chủ đạo ở đây
chính là người làm bố mẹ, thầy cô, những người thường xuyên tiếp xúc với trẻ nhất,
chẳng hạn như sau:
Thấy con tập thể dục, bạn động viên: “Tập thể dục giúp con khỏe mạnh,
thân hình sẽ trở nên đẹp hơn.”
Trông thấy con chia một phần thức ăn cho những trẻ khác, bạn khen ngợi
trong hành vi: “Con biết chia sẻ cho mọi người, trái tim con thật rộng lớn.”
Khi con nhận trách nhiệm về hành vi của mình, bạn nói lời tích cực:
“Con đã làm việc đó không đúng nhưng lại không trốn tránh và nhận lấy trách nhiệm
về việc mình làm. Con rất can đảm.”
Trẻ giúp tiếp khách, bạn nói: “Con trưởng thành hơn rồi, có thể giúp bố
mẹ tiếp khách nữa.”
Trẻ không giỏi trong việc học nhưng lại rất kiên trì và thích may mặc,
bạn khẳng định: “Con có thể chú tâm hàng giờ liền để may cho búp bê những bộ đồ
rất xinh đẹp, đó là tài năng của con.”
Trong cuộc sống hằng ngày khi trẻ làm gì sai trái, có những hành vi
không đúng đắn bạn không quát mắng, đánh đòn mà nhẹ nhàng, yêu thương, nhẫn nại
chỉ dạy, uốn nắn và luôn nói con là một đứa trẻ tuyệt vời.
Khi trẻ dùng tiền một cách hợp lý, bạn đính chính: “Con không những tự
mình biết cách kiếm tiền, mà còn chi tiêu hợp lý. Còn biết dùng tiền của mình để
giúp đỡ người khác, có tiền cũng thật tốt.”
Những khoảnh khắc tốt đẹp nhất đứa trẻ được khẳng định lúc còn nhỏ sẽ
trở thành tiêu chuẩn, chuẩn mực suốt đời mà chúng có thể dựa vào đó mỗi khi thất
vọng, nản chí về sau. Trong quá khứ nó đã làm được việc gì đó khiến nó tự hào về
bản thân, bản thân chúng là người như thế nào. Tất cả ký ức tốt đẹp được khẳng
định trở thành niềm tin, một phần trong con người của trẻ. Giúp trẻ đánh thức
được năng lượng, sức mạnh tiềm tàng bên trong, tư duy tích cực - hấp dẫn những
điều tích cực.
Trẻ nhỏ học một cách vô thức, nhưng người dạy cần có ý thức.
Chung Ju Yung đã từng trải qua một câu chuyện về thời niên thiếu như
sau. Sinh thời, nơi ông ở có rất nhiều rệp, điều này gây ra những phiền toái nhất
định đối với cuộc sống của ông, đặc biệt là trong lúc ông ngủ. Ông cố gắng
tránh né chúng bằng cách leo lên bàn ngủ, nhưng cũng chẳng được bao lâu thì những
con rệp lại từ chân bàn leo lên cắn người. Ông lại tìm cách, lấy mấy cái khay đổ
đầy nước rồi kê vào bốn chân bàn, rệp trèo lên sẽ rơi vào chân bàn mà chết đuối.
Thế nhưng những điều này cũng chỉ giúp ông được yên một hai ngày, rệp lại từ
đâu xuất hiện và lại cắn người. Vừa bực mình vừa ngạc nhiên, ông bật đèn tìm hiểu
xem bằng cách nào mà lũ rệp có thể tránh được bát nước. Ông tự nhủ, hay là
chúng leo lên tường, rồi lên trần nhà và tìm chỗ có người để rơi xuống? Đúng vậy,
lũ rệp đã vượt qua trở ngại là bát nước, chúng đã dốc toàn tâm toàn lực để đạt
được mục tiêu của mình. Chứng kiến tận mắt cảnh này, bài học về lũ rệp đã ảnh
hưởng xuyên suốt cuộc đời ông về sau. Người khác thì cho rằng khi rơi vào hoàn
cảnh khốn cùng thường hay nói lời tuyệt vọng như không còn con đường nào khác
hoặc không có cách nào khác. Nhưng ông lại không nghĩ như vậy, vì không tìm kiếm
nên mới không thấy có đường khác mà thôi, vì không nỗ lực tối đa như những con
rệp nên không thể tìm thấy phương pháp nào khác. Cuộc đời, sự nghiệp của biết
bao doanh nhân, vĩ nhân nói chung và cuộc đời của ông nói riêng đã là một minh
chứng cho điều này.
Việc ám thị do tiềm thức tiếp thu hình ảnh hơn là từ ngữ. Nó để lại vết
khắc có thể ảnh hưởng đến cuộc đời của một người, khi hội tụ đầy đủ các yếu tố
chủ thể được trải nghiệm trực tiếp, hình ảnh rõ nét, cảm xúc bị tác động, thì rất
có thể sẽ trở thành chuẩn nền tư duy của người đó, ảnh hưởng họ đến suốt đời.
Những lúc như thế một trong những luật lớn nhất của vũ trụ, luật hấp dẫn sẽ làm
việc hiệu quả, phát huy tối đa, nó sẽ định hình cho sự phát triển hiện tại và
trong tương lai của bất kỳ ai. Mỗi một lần ám thị là một lần tạo ra một lực hấp
dẫn, ám thị tích cực sẽ hấp dẫn những điều tích cực, tư duy tích cực và ngược lại.
Việc ám thị thường là kết quả của sự tích tiểu thành đại. Mỗi lời nói,
hành động là một mảnh ghép ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai của một đứa trẻ và
cách chúng nhìn nhận, xây dựng bản thân mình. Khái niệm này thường chỉ đúng khi
mang tính chất xây dựng, nhưng sẽ không đúng khi mang tính phá hoại.
Một thói quen xấu có thể hình thành chỉ qua hai đến ba lần thực hiện,
nhưng để xây dựng một thói quen tốt thường mất trung bình là ba mươi ngày thực
hiện và duy trì. Để hình thành nên một cây cổ thụ cần đến ngàn năm, nhưng để chặt
ngã nó chỉ trong vài phút. Người Do Thái có câu ngạn ngữ: “Một giọt nước vẩn đục
sẽ làm một ly nước trong vẩn đục. Một ly nước vẩn đục không vì một giọt nước
trong tồn tại mà trở thành trong”. Hay truyện về cuộc đối thoại của Bồ Đề Đạt
Ma và vua Lương Vũ Đế cũng ngầm ngụ ý nói lên sức phá hoại ghê gớm của cái xấu.
Khi Vua hỏi: “Trẫm từ khi lên ngôi đến nay, xây chùa, chép Kinh, độ
Tăng không biết bao nhiêu mà kể. Vậy có công đức gì không?”
Đạt Ma đáp: “Không có công đức.”
Vì vua vốn dĩ có công đức, nhưng thường mang ở trên miệng thích người
khác xưng tán, thiện ác triệt tiêu. Vì lẽ đó mà một rừng công đức bị chút ý
nghĩ xấu xóa hết.
Điều này khẳng định phá hủy luôn dễ hơn xây dựng, cái xấu luôn dễ phát
triển hơn cái tốt.
Cũng như vậy, đối với một đứa trẻ thì sao? Thành công hay thất bại phụ
thuộc rất nhiều vào cách trẻ nhìn nhận bản thân tiêu cực hay tích cực. Niềm tin
này được hình thành thường qua nhiều lần tác động bởi ám thị tích cực, nhưng lại
dễ dàng bị phá vỡ bởi một vài lần bị ám thị tiêu cực. Nên việc dùng những ngôn
từ tiêu cực để trêu chọc, tác động đến trẻ nhỏ dưới bất kỳ hình thức nào là điều
không nên. Điều này cần sự phối hợp của cộng đồng, trong đó có gia đình, nhà
trường và xã hội.
Nếu bạn biết tự chủ và sử dụng ngôn từ tích cực đối với trẻ chắc chắn
sẽ mang đến rất nhiều lợi ích. Nhưng chẳng may trẻ em vì một lý do nào đó mà
thường bị ngôn từ tiêu cực tác động và chi phối tiềm thức của trẻ. Gắn cho
chúng với những nhãn mác, các tác nhân tiêu cực khác nhau như là đứa trẻ lì lợm,
ngu ngốc, kém thông minh, chậm chạp. Hay những thành tựu cá nhân như lớn lên nó
sẽ thành một vị Phật, con tôi giống một bác sĩ, nó là một luật sư tương lai,
thì làm sao để thay đổi lại những suy nghĩ hằn sâu trong tiềm thức của những đứa
trẻ này?
Người Nhật Bản từng có một thí nghiệm đặc biệt, dựa trên tiền đề về những
hiểu biết và phát hiện đối với tinh thể nước của Tiến sĩ Masaru Emoto. Họ đặt
cơm vào ba cái lọ khác nhau, một lọ họ viết chữ cảm ơn, lọ thứ hai họ viết đồ
ngốc, lọ thứ ba họ lờ nó đi. Sau một thời gian, lọ thứ nhất lên men, có mùi
thơm dễ chịu, lọ thứ hai chuyển màu, bắt đầu thối nát. Nhưng điều làm người ta
ngạc nhiên hơn cả, là lọ bị bỏ mặc đã mau chóng biến thành màu đen, bốc khói, rất
khó chịu. Thí nghiệm này không kết thúc ở đó, họ mang ba cái lọ này đến một trường
tiểu học để những đứa trẻ nói lời cảm ơn, chẳng mấy chốc trong ba cái lọ, đều
lên men, bắt đầu tỏa ra những mùi thơm.
Điều này có nghĩa là ngay cả những điều đang chết và dần trở nên mục
nát cũng có thể hồi sinh, nhờ sự quan tâm, ngôn từ tử tế. Và chúng ta biết rằng
dạng thức gây tổn thương lớn nhất là hành vi bỏ rơi, không quan tâm của bạn đối
với người khác.
Đứa trẻ hay bị ám thị ngôn từ tiêu cực, sẽ nhìn nhận bản thân sai lệch
chúng cũng sẽ như lọ cơm thứ hai vậy. Nhưng thậm chí điều đó cũng không đáng sợ
bằng sự thiếu quan tâm, cảm giác bị bỏ rơi, lạc lõng giữa dòng đời.
Tuy nhiên, ngôn từ có sức hủy diệt lớn đến đâu cũng sẽ có sức xây dựng,
chữa lành lớn đến đó. Mọi thứ đều có thể hồi sinh bằng ngôn từ thích hợp, khi
xuất phát từ sự quan tâm, tin tưởng, tình yêu thương thực sự. Vậy “ngôn từ
thích hợp” ở đây là gì? Để gỡ bỏ hết thảy những niềm tin tiêu cực mà bạn đã cố
tình hay vô ý gieo rắc vào đầu những đứa trẻ, giúp các em thực sự tự do trong
tâm trí và có được chuẩn nền tư duy tốt nhất. Dưới đây có ít nhất ba gợi ý về
phương pháp nhằm giúp trẻ loại bỏ và xây dựng lại hình ảnh mới về giá trị của bản
thân mình.
Trần Huy Toàn