HÀNH TRÌNH CỦA ĐẠI BÀNG

TINH HOA GIÁO DỤC 15

NÓI SAO CHO TRẺ CHỊU NGHE

Quan niệm từ trước đến nay, người lớn trong khi giao tiếp thường mặc định một điều rằng họ nói con nhỏ phải nghe. Họ không tôn trọng trẻ, luôn nghĩ con mình là những đứa trẻ không bao giờ lớn, cho dù chúng đã năm mươi hay sáu mươi tuổi, vì thế họ cũng chẳng bao giờ trao đổi hay cùng con thảo luận chuyện gì. Họ chỉ đơn giản bảo con luôn phải làm cái này, không được làm cái kia, họ cứ mặc định rằng trẻ phải nghe lời. Như câu cửa miệng mà nhiều người hay dùng: “Bố mẹ nói một là một hai là hai, hoặc cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư”, hay như câu “trứng thì làm sao khôn hơn vịt”. Lời của họ là thánh chỉ, là chân lý tối thượng.

Nhưng đó là lối tư duy cũ, một quan niệm lạc hậu, kiến thức lỗi thời và giáo điều cứng nhắc, không còn phù hợp với thời đại ngày nay nữa. Trẻ em được sinh ra từ sau năm 2012 với chiều kích hoàn toàn khác, với một nguồn năng lượng mới. Những đứa trẻ này mang đặc điểm khác những đứa trẻ trước đó và tâm thức lại khác xa tâm thức bạn lúc còn nhỏ. Vì vậy, bạn không thể mang một nguồn năng lượng cũ để tương tác với một nguồn năng lượng mới. Không thể mang tư duy cũ để tương tác với những đứa trẻ thời đại mới tràn đầy năng lượng, tư duy phá cách và mới mẻ.

Cừu không thể dẫn dắt sư tử. Bạn cần biến thành sư tử, mới tương tác được với sư tử. Để có thể nói chuyện, nói cho những đứa trẻ thời đại mới nghe lời, hợp tác, bạn cần trang bị kiến thức mới, tư duy mới và một tâm thức mở rộng để đón nhận những giá trị mới.

Đưa ra giải pháp là công việc dễ dàng, trong khi việc khó khăn hơn, việc căn cơ và mang tính hiệu quả bền vững hơn là đi sâu vào bản thân vấn đề thì không được mấy ai dành thời gian và công sức. Không hiểu và không tìm hiểu được nguyên nhân rất khó để giải quyết được vấn đề tận gốc. Để đi sâu vào một vấn đề nó mang tính cá nhân rất lớn. Bởi hoàn cảnh và tính cách của một người là rất đặc biệt. Vượt thoát khỏi những con số thống kê, những con số trung bình cộng của tất cả các nhà khoa học, việc tìm hiểu nguyên nhân rốt ráo cho một vấn đề bạn gặp phải rất phức tạp. Tôi sẽ đưa vào các tình huống cụ thể, để bạn có thể biết rằng việc tìm hiểu nguyên nhân trẻ không nghe lời, không hợp tác với bạn khó khăn và phức tạp cỡ nào.

Đứa trẻ từ 0 đến 7 tuổi là tập hợp hỗn tạp các cảm xúc, suy nghĩ phi logic, mông lung và dường như đến chính chủ nhân của những suy nghĩ đó cũng không thể điều khiển được, thì làm sao có thể dễ dàng nghe lời và làm theo ý người khác. Hơn nữa đây là giai đoạn trẻ luôn muốn khẳng định bản thân, muốn được là chính mình, hình thành nên những đặc trưng cá nhân chỉ có nó mới có. Thể hiện rõ nhất khi các em vào tuổi lên 3, lên 10, 14 và tuổi 21, với đặc trưng muốn tự do, tự chủ và có ý chí riêng. Nên trẻ sẽ có xu hướng suy nghĩ, hành động theo cách riêng, theo tiếng nói bên trong của mình, dù đúng hay sai đó cũng là quyết định tốt nhất cho đứa trẻ học hỏi và trưởng thành.

Cho nên, đứa trẻ hay bất kỳ ai đi nữa cũng đều có khát khao thể hiện bản thân theo cách mình muốn, không phải theo cách người khác áp đặt. Do đó việc đứa trẻ nghe lời, làm theo sự chỉ đạo của bạn là điều không dễ dàng.

Nguyên nhân thứ hai

Với cách suy nghĩ thường tình, nhiều người vẫn nhất quán nói theo cách người lớn muốn trẻ nghe, nhưng cách nói này làm trẻ khó hiểu nên các em khó nghe lời.

Có lần Bella ba tuổi bị bệnh ngoài da nghiêm trọng, cần khẩn cấp đưa đi bệnh viện. Nhưng bà ngoại ở đó tỏ ra rất căng thẳng, sợ hãi, khiến Bella bất an nên mặc dù tất cả mọi người dỗ dành, thậm chí là hăm dọa bé vẫn không chịu lên xe đi bệnh viện. Mọi người trong nhà đều hết sức lo lắng, lúc đó tôi định bỏ qua sự tôn trọng, mặc kệ ý chí cá nhân của bé mà bắt phải nghe theo ý tôi. Nhưng rồi bình tĩnh hơn một chút, tôi nhớ lại mình đã vi phạm một nguyên tắc đã học được từ câu chuyện trong cuốn “Đắc Nhân Tâm” về Ralph Waldo Emerson.

Chuyện kể rằng, một hôm hai cha con triết gia Emerson muốn đưa con bê vào chuồng, nhưng họ phạm phải một lỗi thông thường rằng chỉ nghĩ đến điều mình muốn. Thế là Emerson và con trai, kẻ cố đẩy, người ra sức lôi con bê vào chuồng, nhưng con bê cũng vẫn làm theo những gì nó muốn: “Cứ đứng dạng chân ra và kiên quyết không nhúc nhích”. Cô gái giúp việc gia đình Emerson nhìn thấy tình cảnh đó. Cô không biết làm thơ hay giỏi viết tiểu luận, nhưng cô hiểu tâm lý loài vật hơn nhà triết học Emerson. Cô đưa ra ngón tay vào mõm con bê cho nó mút như bú mẹ, rồi từ từ vỗ nó vào chuồng.

Bài học muốn người khác nghe bạn nói hãy nói theo ngôn ngữ của người kia muốn nghe, nói theo cách mà họ có thể hiểu.

Thế là kể từ đó tôi thay đổi hoàn toàn cách nói chuyện với trẻ.

Thay vì nói: “Con ngủ sớm, mai dậy đi chơi nhé”. Giờ đây tôi sẽ nói:

“Con muốn mai dậy sớm đi chơi không? Vậy hãy ngủ sớm nhé.” Thay vì nói: “Trả điện thoại lại cho bố”. Tôi nói. “Con muốn lần sau được chơi điện thoại nữa thì trả điện thoại lại đây.”

Thay vì nói: “Con chờ thêm một chút nữa rồi bố sẽ cho ăn”. Tôi nói:

“Con muốn ăn cái bánh này à, con đi chơi một lát rồi quay lại bố sẽ cho ăn.”

Với tình huống ở trên tôi không nói theo cách mình muốn đứa trẻ nghe nữa: “Con cần đi bệnh viện mua thuốc, nếu không con sẽ bị đau”, mà tôi nói theo cách Bella muốn nghe.

Lúc đó Bella đang chơi đùa cùng ba đứa trẻ khác rất vui vẻ, tôi lại chỗ đó và bảo chúng đừng chơi với Bella nữa vì Bella đang bị đau, có thể truyền bệnh sang các em, sau đó tôi đến chỗ Bella nói: “Con biết tại sao mấy bạn không chơi với con không, bởi vì con đang bị đau.”

Tôi hỏi tiếp: “Con có muốn mấy bạn chơi với con nữa không?”. Bé trả lời: “Có.”

Tôi nói: “Vậy bây giờ lên xe để cậu chở đi bệnh viện mua thuốc uống sẽ khỏe lại, như thế các bạn sẽ lại chơi với con”. Như một phép màu, Bella ngay lập tức nghe lời.

Phương pháp này có thể tóm tắt bằng một một lời khuyên của Dale Carnegie, nhà văn, nhà diễn thuyết người Hoa Kỳ và tên tuổi của ông được chúng ta biết đến nhiều nhất thông qua một trong những cuốn sách kinh điển nhất mọi thời đại “Đắc nhân tâm” từng nói: “Ai làm được điều này, sẽ có cả thế giới. Cách duy nhất để gây ảnh hưởng đến người khác là nói về những điều họ mong muốn. Hãy khơi gợi ở người khác một ham muốn mãnh liệt và hướng dẫn họ làm thế nào để đạt được điều đó.”

Nguyên nhân thứ ba

Có những lúc trẻ không chịu nghe lời của bạn, rất có thể là trẻ có lý do riêng của mình. Những lúc như thế bạn cần lắng nghe tâm tư, tình cảm và nguyện vọng của các em.

Có lần sau ngày làm việc kéo dài, vừa mới bật quạt máy lên để nghỉ ngơi, thì cô cháu gái Quỳnh Như chín tuổi vào chỗ tôi chơi. Nhưng không hiểu sao được khoảng năm phút bé lại tắt quạt một lần, mặc dù trong phòng khá nóng. Tôi bảo bé bật quạt lên, rồi bé lại tắt, lại bật việc này diễn ra nhiều lần như vậy. Tôi bắt đầu cảm thấy khó chịu và mất kiên nhẫn, nên ngồi dậy nhẹ nhàng hỏi bé: “Như ơi! Tại sao con lại tắt quạt vậy?”. Bé im lặng một lúc (mặc dù đã cố kìm nén sự khó chịu của mình, nhưng có vẻ như bé cảm nhận được năng lượng tiêu cực trên khuôn mặt tôi) rồi nói: “Con đang chơi trò xếp hình, quạt máy quay làm sập nhà của con.”

Vấn đề là như vậy, không phải bé muốn chống đối, không nghe lời của tôi mà bé có lý do riêng của mình. Mọi chuyện được giải quyết khi tôi cho quạt đứng yên một chỗ, tôi thì có gió, còn Như có được không gian chơi xếp hình.

Một tình huống khác, cô bé bốn tuổi tên là Bella đang chơi búp bê thì tôi lấy xe ra chở bé đi dạo cùng. Bella mang theo búp bê lên xe đi luôn, lúc đó tôi nói với bé: “Đi chơi không được mang theo búp bê, Bella đem cất đi”. Nhưng nói đến mấy lần mà bé không chịu nghe, tôi bắt đầu cảm thấy khó chịu, mất kiên nhẫn, năng lượng tiêu cực trong người dần dần nổi lên. Một lần nữa tôi lại cố gắng dùng cái Tâm cái Trí trấn tĩnh cái Thân, đồng thời đặt mình vào vị trí của Bella để suy nghĩ và sau đó nhẫn nại hỏi: “Tại sao con lại không xuống xe, đem cất búp bê để cậu chở đi chơi”. Lúc này bé mới mếu máo trả lời: “Con sợ cậu không đợi.”

Tim tôi như muốn thắt lại, chút nữa tôi đã mất đi bình tĩnh và sự nhẫn nại cần thiết để rồi có thể ứng xử với trẻ tệ như thế nào khi không có sự lắng nghe, không có sự thấu hiểu. Ngay lập tức tôi tắt chìa khóa, xuống xe và nói: “Cậu đứng đây chờ con, nên hãy mang búp bê vào nhà, rồi chúng ta sẽ cùng nhau đi”, Bella liền nghe lời.

Nguyên nhân thứ tư.

Trẻ không nghe lời bạn nói có thể là vì trong lúc cảm xúc của các em tiêu cực, mà bạn mặc nhiên không chú ý đến. Lúc đó vô tình bạn khởi động tính năng não bò sát bên trong trẻ, chúng sẽ dễ cáu giận và lúc tâm trạng không tốt thì không ai muốn làm gì nữa.

Trẻ đang chơi vui vẻ mà bạn gọi: “Con trai vào quét nhà giúp mẹ.”

Đang buồn mà bị nhắc: “Con ngồi đó làm gì nữa, đến giờ học bài rồi.”

Vừa mới xem tivi cùng bạn bè một lát, nhưng bạn nói: “Con tắt tivi đi, không xem nữa.”

Trong một tình huống khác, bạn làm việc ở công ty và hôm nay bạn có lý do riêng nên muốn xin nghỉ nhưng theo quy định thì không được. Bạn đi làm với tâm trạng khó chịu, không tập trung và chậm trễ trong công việc. Lãnh đạo của bạn đi qua, thấy vậy liền khiển trách và lập biên bản. Mặc dù trên nguyên tắc bạn đã sai, vi phạm nội quy, lãnh đạo phạt vậy là đúng nhưng có phải cảm xúc của bạn sẽ rất tệ và không còn muốn làm việc nữa. Khi đó vì cơm ăn áo mặc có thể bạn vẫn cố làm nhưng với tâm trạng mệt mỏi, sẽ không hết mình vì công việc.

Tuy nhiên cũng trường hợp ở trên khi bắt gặp bạn không tập trung, thậm chí đang chậm trễ, người lãnh đạo mời bạn vào gặp, lấy cho bạn chai nước và hỏi chuyện: “Hôm nay anh không được khỏe à, anh đang có chuyện gì đó phải không?”. Rồi bạn kể lại lý do hôm nay mình muốn xin nghỉ việc nhưng không được, vì quy định của công ty. Người lãnh đạo nghe hết mọi chuyện và cho phép bạn về sớm, thậm chí vẫn tính lương trong ngày hôm đó. Trước lúc bạn về ông còn nói: “Cảm ơn anh vì thời gian vừa qua đã cống hiến cho công ty, tôi thành thật ghi nhận điều đó”. Bạn sẽ cảm thấy thế nào khi có một người lãnh đạo và làm việc ở một nơi như vậy? Bạn có muốn cống hiến hết sức mình và muốn gắn bó lâu dài với công ty như vậy không? Chắc chắn là có rồi, vì nơi đó bạn được cảm nhận mình là con người, cảm xúc của mình được trân trọng, lắng nghe, thấu cảm và chia sẻ.

Không chỉ đối với trẻ em, con người ai cũng như vậy. Cảm xúc là yếu tố quyết định dẫn đến hành động. Không xử lý cảm xúc của các em, cách nói, ra lệnh phiến diện dễ gây nên những tiêu cực khiến trẻ không muốn hợp tác.

Nguyên nhân thứ năm

Trẻ không nghe lời, cũng có thể là chúng đã “nhờn” với lời bạn nói.

Bạn hay nói với trẻ, hay đưa ra nhiều câu mệnh lệnh, yêu cầu nhưng bạn cũng không chắc chắn trong lời nói của mình, trẻ có làm và nghe theo hay không, kiểu như: “Con nghe cũng được, mà không nghe cũng được”. Lúc này lời nói của bạn không đi kèm theo hành động dứt khoát, rõ ràng. Điều này sẽ được đứa trẻ nắm bắt một cách có ý thức, chúng sẽ ngầm hiểu rằng lời nói của bố hoặc mẹ không có uy nghiêm, sức mạnh. Lâu dần chúng sẽ không còn tôn trọng và đứa trẻ cũng sẽ không còn nghe lời bạn nói nữa.

Khi bạn nói, đưa ra câu mệnh lệnh mà đứa trẻ không nghe lời hay không hợp tác, bạn đã xét đến tất cả những nguyên nhân kể trên chưa? Hầu như không nhiều người suy nghĩ như vậy. Đơn giản là bạn chỉ nói, đưa ra một câu mệnh lệnh và bỏ qua hết tất cả các điều kiện ở trên. Chính từ sự thiếu năng lực chuyên môn nhưng lại thừa quyền lực, nên bạn dễ dàng chọn con đường tắt để cho trẻ vâng lời, phục tùng, đó là áp đặt.

Đứa trẻ sẽ không hề thích sự áp đặt này, bởi đó là những “tinh anh” tiên phong trong thời đại mới với những phẩm chất vượt trội. Các em đã nhận thức được giá trị của bản thân, biết suy nghĩ, có khả năng sáng tạo cao, các em không ngần ngại thể hiện bản thân, cảm xúc của mình, các em không thích đi theo lối mòn và rất độc đáo nên không dễ dàng nghe lời. Các em sẽ chống lại bạn và nếu bạn không thay đổi cách tương tác, không tiếp nhận chương trình giáo dục mới cho phù hợp với thời đại bạn sẽ làm tổn thương con mình và dần dần khiến chúng trở thành đứa trẻ không hạnh phúc.

Cho nên, muốn nói cho trẻ nghe (hợp tác) cần thỏa mãn hai điều kiện sau đây.

Thứ nhất, cần suy nghĩ thật kỹ trước khi nói, không phải muốn nói gì với trẻ con cũng được và cũng không nên tùy tiện đưa ra những câu mệnh lệnh: “Con không được làm cái này,… con không được thế kia. Con phải thế này,… con phải làm thế kia”. Không đơn giản để đứa trẻ thời đại mới có thể nghe lời bạn, vì đó là những đứa trẻ thông minh, lanh lợi, sáng tạo và có cá tính mạnh mẽ. Chúng không phải đứa trẻ ngu ngốc: “Gọi…dạ;

Bảo…vâng; Sai gì làm đó; Nói gì nghe vậy”, các em không phải là robot được lập trình để tuân theo sự chỉ huy của người khác.

Thứ hai, thế giới nội tâm của trẻ nhỏ và người lớn hoàn toàn khác nhau. Không thể nói tiếng Việt để mong một người Nhật Bản hiểu bạn được. Cho nên, bạn cần liên tục đặt mình vào vị trí của đứa trẻ, để ngẫm nghĩ xem điều bạn nói như vậy đứa trẻ có thực sự hiểu không? Và bạn đã phân tích vấn đề với nhiều khía cạnh, xét đến những nguyên nhân kể trên chưa? Hay lời bạn nói, chỉ thị của bạn chỉ đứng trên góc nhìn chủ quan, phiến diện của bản thân mình.

Tóm lại, khi nói mà trẻ không nghe lời, hay đưa ra một mệnh lệnh mà trẻ không làm theo, cũng không hẳn là một điều tệ. Bạn cần xem lại chính mình, xem mình đã thực sự ổn không và bạn có đủ kiến thức về trẻ em, về thế giới tâm hồn của chúng hay chưa. Bạn nên buông bỏ bớt quyền lực tự phong của người làm bố mẹ, để nâng cao năng lực bản thân. Muốn nói cho đứa trẻ nghe lời cần thỏa mãn những điều kiện kể trên, đứa trẻ sẽ chịu hợp tác với những gì bạn nói. Và đôi khi thỏa mãn mọi điều kiện, dù lời bạn nói có chan chứa tình yêu thương, hợp tình hợp lý đi nữa, đứa trẻ vẫn không nghe lời, thì điều đó cũng rất tốt. Bạn không nên khó chịu vì điều này. Vì còn khó chịu là còn sân si, bạn còn ràng buộc, còn khổ, bạn nên nhìn lại bản thân, quay lại tu thân sửa mình.

Nhìn (thấu cảm) - cảm xúc của người khác - để nói.

Trần Huy Toàn

Được tạo bởi Blogger.