HÀNH TRÌNH CỦA ĐẠI BÀNG

TINH HOA GIÁO DỤC 17

LÀM NGƯỜI NÊN BIẾT HỌC CÁCH LẮNG NGHE

Joy Javid từng là một trong những tên tội phạm nguy hiểm nhất bị giam trong nhà tù ở Canada, Mary là một nhân viên tình nguyện phụ trách hướng dẫn và chia sẻ về phương pháp Thiền định cùng tư duy tích cực cho các tù nhân. Nhưng Joy không bao giờ tham gia các buổi thảo luận như thế, tuy nhiên những tù nhân khác thường hay nhắc đến cơn thịnh nộ của anh ta. Một ngày nọ Mary quyết định gặp riêng Joy. Mặc dù ban đầu có chút miễn cưỡng, nhưng trong suốt hai tiếng đồng hồ sau đó, Joy đã thổ lộ hết toàn bộ câu chuyện cuộc đời của anh. Lần kế tiếp Mary lại đến và được mọi người kể lại rằng Joy đã thay đổi, gần như đã chuyển hóa và hầu hết mọi tức giận dường như biến mất. Những tù nhân khác thắc mắc không biết chính xác cô đã làm như thế nào, cô đã nói điều gì.

Nhưng Mary chia sẻ rằng những gì cô làm đó chỉ là: Lắng nghe!

Vì vậy họ quay sang hỏi Joy và câu trả lời của anh cũng thật đơn giản rằng: “Lần đầu tiên trong cuộc đời có người thực sự lắng nghe tôi và nghe toàn bộ câu chuyện cuộc đời tôi.”

Triết học phương Tây khẳng định rằng: “Trí tuệ chỉ có một con đường thể hiện, đó là ngôn ngữ. Người ta dứt khoát rằng, cái gì không nói ra được bằng ngôn ngữ thì không phải trí tuệ. Muốn khoe mình khôn, trình bày ý tưởng phát minh thì phải có công trình được viết ra, đọc lên, công bố, vì không có luật sư giỏi nào mà không thể biện luận”. Hơn một thế kỷ trôi qua, đặc biệt trong vài thập kỷ trở lại đây, phương Đông bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi phương Tây, nên đã chi phối phần nào đó vào cách người phương Đông nuôi dạy con cái.

Chúng ta tập trung nhiều hơn vào việc phát triển ngôn ngữ nói cho trẻ. Vì thế ngày càng nhiều đứa trẻ có khả năng ăn nói lưu loát, có logic, giỏi biện luận, thuyết trình. Nhưng còn một kỹ năng khác quan trọng hơn mà lại được ít người quan tâm và chú ý đến, đó là phát triển nghệ thuật lắng nghe. Đã có nhiều đứa trẻ xuất hiện trong các chương trình Mặt trời bé con, trong các chương trình tìm kiếm tài năng nhí ở trong lẫn ngoài nước, chúng ta thấy nhiều em phô diễn được sự thông minh thông qua việc hoạt ngôn, điều này cũng tốt thôi, nhưng thật hiếm khi chúng ta thấy một đứa trẻ biết cách lắng nghe.

Trong khi giá trị của việc lắng nghe là rất lớn, từ xưa người ta cũng đã chú trọng, đánh giá rất cao về tầm quan trọng của việc lắng nghe. Bằng chứng rất rõ mà họ đã để lại là thông qua chữ viết, đã khắc họa rõ nét ý nghĩa của việc lắng nghe quan trọng như thế nào.

Đây là dạng chính thể của chữ Thính (nghe) . Chữ thính này được ghép bởi sáu chữ (6 bộ) khác nhau gồm có: chữ Nhĩ , chữ Vương (vua), chữ Thập (mười), chữ Mục (mắt), chữ Nhất và chữ Tâm (trái tim). Có lẽ đây không chỉ là chữ mà còn là văn minh mà người xưa đã để lại, ghép tất cả các bộ này lại với nhau mới thấy hàm ý sâu sắc.

+ Chữ Nhĩ: Chỉ việc lắng nghe bằng tai.

+ Chữ Vương: Ý muốn nói rằng cần tôn trọng người nói và coi lời của người nói như của Vua.

+ Chữ Thập và chữ Vương: Chỉ âm thanh ở khắp mọi nơi (thập phương tứ hướng), cũng không nên nghe mà để tai ở thập phương tứ hướng, như thế chỉ là nghe tự do.

+ Chữ Nhất và chữ Tâm: Không những chú tâm lắng nghe mà còn phải nghe bằng cả trái tim, bằng tấm lòng.

Như vậy thông qua chữ này, người xưa muốn khuyên hậu thế rằng khi lắng nghe chúng ta không chỉ dùng đôi tai, mà còn cần tôn trọng lời người nói như vua. Dù có bị những tạp âm hay tiếng ồn từ khắp mọi nơi làm xao lãng sự chú ý, nhưng khi nghe cần phải chăm chú tập trung, không được để những âm thanh khác đó chi phối. Trong khi đó chữ Khẩu (nói), thì chỉ gồm có ba nét và một bộ.

Dân gian có câu: “Ba tuổi đủ để học nói, nhưng cả cuộc đời không đủ để biết lắng nghe”. Có miệng không có nghĩa là đã biết nói, có mắt không có nghĩa là đã biết đọc, có tay chưa chắc đã biết viết. Vì vậy, có tai càng không có nghĩa là đã biết lắng nghe.

Nhưng để hình thành khả năng lắng nghe cho trẻ thực sự rất khó. Vì nói thì dễ, còn học để lắng nghe một cách hiệu quả lại có vẻ như quá mới mẻ. Thứ hai, bạn thường có thói quen nói nhiều hơn nghe và nhiều người thực sự không biết thế nào là lắng nghe. Thứ ba, phương pháp nuôi dạy theo kiểu cũ không giúp trẻ hình thành nên năng lực này, vì cách giao tiếp một chiều, xuyên suốt tuổi thơ đứa trẻ gần như ít khi nào được bố mẹ tôn trọng và chú ý lắng nghe. Thì làm sao những đứa trẻ đó có thể trở thành người biết lắng nghe được? Cho nên trẻ dễ dàng học được kỹ năng nói, còn lắng nghe thì không. Để cho trẻ biết cách lắng nghe thực sự, dưới đây là ba mốc cơ bản bạn cần thực hiện để có thể kết nối với con trong đời sống hằng ngày, giúp con trẻ trở thành người biết lắng nghe.

Là con người ai cũng muốn được lắng nghe, được quan tâm, thấu hiểu, chia sẻ.

Mốc thứ nhất - Lắng nghe: Thay vì lúc nào cũng là bạn nói con phải nghe, bây giờ khi con nói điều gì đó bạn cũng sẽ lắng nghe, cố gắng hiểu, giúp con diễn giải thành ngôn ngữ. Nếu ngay từ nhỏ, bạn tương tác với con như vậy, trẻ sẽ hình thành được những năng lực cơ bản nhất để biết cách lắng nghe trong giao tiếp.

Nhưng vì một số lý do nào đó mà con bạn chưa biết lắng nghe, hay cắt ngang lời người khác hoặc chưa thể tập trung khi nghe. Phương pháp giao tiếp sau đây sẽ có thể giúp trẻ ý thức và cải thiện đáng kể việc lắng nghe của mình.

Mỗi tối, tốt nhất lúc mà trẻ không có gì chơi, không có ai chơi cùng, bạn và trẻ có thể thống nhất cùng nhau trò chuyện trong khoảng một thời gian nào đó, khoảng hai mươi phút chẳng hạn. Trong mười phút đầu có thể để con nói trước, nói gì cũng được, thao thao bất tuyệt mọi thứ chuyện trên đời, mọi thứ con nghĩ, bạn không được phép ngắt lời - hãy biến con bạn thành người kể chuyện.

Sau đó, mười phút còn lại sẽ đến lượt bạn (Kinh nghiệm: Những chủ đề tôi nói với trẻ thường có chủ đích rõ ràng như về sự khoan dung, chia sẻ, bài học về thất bại là mẹ thành công, về tình yêu cuộc sống,… để nuôi dưỡng tâm hồn trẻ), nếu trong lúc lắng nghe mà trẻ tỏ ra mất tập trung, lơ đễnh, ngắt lời bạn thì sẽ bị phạt, hình thức phạt sẽ được bạn và con thảo luận.

Có như vậy, được một thời gian đứa trẻ không chỉ học được cách nói mà còn học được cách lắng nghe. Khi bạn lắng nghe chăm chú thì đối phương cũng sẽ cảm nhận được. Lắng nghe cũng cần sự kiên nhẫn vì nhiều lúc không phải chuyện gì mình cũng muốn nghe, nhưng người ta cần được tâm sự, chia sẻ và việc lắng nghe của mình đôi lúc lại rất có ích cho người kia.

Điếc hơn người điếc là người không biết lắng nghe.

Mốc thứ hai - Lắng nghe hiệu quả: Khi trẻ muốn truyền tải một thông điệp, hay muốn trò chuyện với bạn, mà trong lúc bạn đang làm một việc gì đó như nói chuyện với vợ, chồng, bạn bè, hoặc đang xem phim, làm việc… những lúc như vậy, bạn cần phản ứng thế nào cho hợp lý.

Lý tưởng nhất, hãy dừng tất cả mọi việc đang làm, chuyển sự chú ý sang con. Hãy lắng nghe toàn bộ câu chuyện, đừng tự ý cắt lời, mạch chia sẻ của con, trong lúc nghe nên nói đệm vào đó những từ như: “Vậy à; Rồi sao nữa; Ý con là… ”, và những biểu cảm trên khuôn mặt như cau mày, nhăn mặt, cười, gật đầu,… để tỏ ra rằng bạn đang thực sự lắng nghe, quan tâm, hiểu vấn đề con nói.

Sau khi tiếp nhận thông điệp của con hãy chủ động xác nhận lại toàn bộ những gì bạn đã nghe, bằng cách tóm tắt ngắn gọn câu chuyện trẻ vừa nói. Cụ thể, đứa trẻ kể về chuyện đi ăn sinh nhật bạn Bon hôm nay, nghe xong chuyện bạn tóm tắt: “Vậy đây là sinh nhật lần thứ bảy của bạn Bon, con đã hồi hộp khi lên tặng quà cho bạn ấy. Cuối buổi sinh nhật mọi người trét bánh kem lên mặt nhau”. Làm được như thế, người nói ở đây là đứa trẻ sẽ biết được rằng bạn thực sự lắng nghe và cảm nhận được sự quan tâm.

Mục đích đầu tiên của việc lắng nghe chính là để thấu hiểu những chia sẻ, tâm tư, tình cảm, tiếng lòng của người nói, chứ không nhất thiết là để tán thành hay phản đối quan điểm nào đó. Cho nên, để lắng nghe đạt được hiệu quả cao nhất bố mẹ rất cần lắng xuống, khiêm nhường, kiên trì, thiếu một trong ba yếu tố này thì việc lắng nghe sẽ không đạt chất lượng.

Lắng xuống, mọi suy nghĩ, ý niệm, thành kiến, sự hiểu biết của bạn nên tạm gác sang một bên. Như một ly nước vậy, để mọi bụi bẩn lắng hết dưới đáy, phía trên chỉ còn lại dòng nước trong suốt, thuần khiết. Chỉ có lắng xuống, bạn tĩnh lặng mới có thể tập trung toàn bộ tinh thần và lý trí để nghe một cách thấu đáo được. Khiêm nhường, nếu không có yếu tố này bạn sẽ dễ trở nên tự cao, ngạo mạn mà chẳng nghe ai nói nữa, hãy nhớ hình ảnh của cây lúa nặng trĩu hạt luôn cuối rạp mình xuống đất. Nếu không có tính kiên trì bạn sẽ không thể lắng nghe hết đầu đuôi câu chuyện, nghe nửa chừng thì bạn cũng sẽ không thể hiểu được chuyện gì đang xảy ra - lắng xuống mới nghe được.

Kinh nghiệm: Bạn tránh không nên vừa làm một việc nào đó lại vừa nói chuyện với con, như đang tương tác với vợ, chồng hoặc cùng bạn bè, hay đang xem phim, dùng điện thoại, làm việc. Lắng nghe như thế là không tập trung, không hiệu quả và thiếu tôn trọng.

Nếu bạn thực sự đang rất bận, bạn cần thời gian và không gian riêng tư cho mình vào lúc đó. Bạn không cần phải lắng nghe hay trả lời những câu hỏi của đứa trẻ, mà tốt hơn hết bạn nên nói rõ: “Bố/mẹ thấy con có vẻ như muốn nói một điều gì đó, nhưng thực sự lúc này bố/mẹ có việc cần phải làm. Nên con hãy đi ra chỗ khác, xong việc chúng ta nói chuyện sau”. Bởi vì không phải lúc nào bạn cũng có thời gian để nói chuyện với con được, đó là sự thật. Bạn cũng cần không gian riêng tư để chăm sóc, yêu thương chính mình và thời gian để nghỉ ngơi. Điều này cũng tốt cho đứa trẻ chúng học được cách quan sát, tính kiên trì, tôn trọng không gian của người khác và biết cách chờ đợi để được lắng nghe.

Bạn có thể nói liên tục được trong một tuần, thậm chí một tháng.

Nhưng bạn lại không thể im lặng trong một ngày.

Mốc thứ ba - Lắng nghe chủ động: Sau khi lắng nghe và tóm tắt lại nội dung, hãy đặt một vài câu hỏi để phản hồi câu chuyện bạn vừa được nghe. Cụ thể, cũng câu chuyện ở trên: “Thế con có bị trét kem lên mặt không? Bon có mở quà của con ra ngay tại đấy không?”. Tương tác như vậy, làm người nói hiểu được rằng người nghe có quan tâm và chú ý đến câu chuyện của mình.

Trong một thế giới ồn ào, nơi mà hầu hết các ông bố chạy theo xu hướng đào tạo các thiên tài, thần đồng, những đứa trẻ biết cách ăn nói lưu loát, thật tuyệt vời khi có được những con người biết lắng nghe.

Lắng nghe trọn vẹn là cử chỉ của trái tim.

Trần Huy Toàn

Được tạo bởi Blogger.