TINH HOA GIÁO DỤC 12 (PHẦN 2)
THẤU HIỂU VỀ CON NGƯỜI, NUÔI DƯỠNG
CON THUẬN TỰ NHIÊN
II. ĐỂ TRẺ PHÁT TRIỂN THUẬN TỰ
NHIÊN
Lúc nhìn thấy những chú voi bị thuần hóa một cách dễ dàng không phải bởi
những sợi xích khổng lồ mà chỉ bằng một sợi dây thừng bé nhỏ. Nhiều người đã đặt
câu hỏi và được người quản tượng giải thích như sau:
Khi những con voi còn nhỏ, người ta giữ nó bằng cách dùng sợi thép cứng
buộc chân vào thanh sắt. Thấy mình bị trói, voi sẽ vùng vẫy để thoát ra. Tuy
nhiên, vì sức quá yếu so với lực giữ của sợi dây nên voi không sao thoát được.
Một thời gian sau, khi voi thôi không tìm cách thoát nữa, họ thay sợi thép cứng
bằng sợi dây thừng. Voi lại tiếp tục vùng vẫy, nhưng lại thất bại. Chán nản, nó
bằng lòng với việc bị trói và thôi không tìm cách thoát. Lúc này, họ thay sợi
dây thừng bằng sợi dây bình thường và thanh sắt cũng được thay thế bằng cọc gỗ.
Bây giờ, voi đã lớn, sợi dây không có ý nghĩa gì trong việc trói buộc, chỉ cần
một lực nhỏ là con voi trưởng thành có thể làm đứt. Nhưng sau vô số lần thử và
thất bại trước đó, nó đã thôi việc cố gắng để được thoát ra. Giờ đây, không phải
sợi dây dưới chân mà là sợi dây trong tư tưởng đang trói chặt voi, ngăn nó bước
về phía tự do.
Thực ra nhiều người cũng có sợi dây trói buộc chính mình như thế, mà
không ai khác là chính bố mẹ và những người thân thương của họ xiềng xích ngay
từ tấm bé. Sau đây là quá trình hình thành sợi dây vô hình trói buộc trong tâm
trí và cách để cởi bỏ nó ra khỏi cuộc sống của mỗi người.
Giai đoạn từ 0 đến 7 tuổi, trẻ bắt đầu đương đầu với những khó khăn do
ngoại cảnh, tập tranh đấu và tìm hành động theo cách riêng của mình, là giai đoạn
trẻ làm quen, thích nghi và hòa mình vào thế giới. Bởi thế đứa trẻ trong thời
gian này rất năng động, sáng tạo, tò mò, muốn khám phá thế giới xung quanh bằng
nhiều con đường khác nhau, cụ thể là thông qua trải nghiệm vận động. Tuy nhiên,
cũng vào lúc này các em lại bị chính những người thân thương, trước hết là bố mẹ
các em vì thiếu hiểu biết về thế giới trẻ thơ, các giai đoạn phát triển của con
người mà đã ra sức ngăn cấm các em làm cái này làm cái kia.
Con không được chạy nhanh, vì họ sợ con ngã.
Mẹ cấm con cầm cái gậy đó chơi, vì sợ gậy đâm vào mắt.
Con không được leo lên cây, trèo lên bàn, vì sợ con ngã.
Không được trèo lên cầu thang, vì sợ nguy hiểm.
Không được chạy xe đạp quá nhanh, vì sợ tai nạn.
Bố cấm con không được đi tắm sông, vì sợ đuối nước.
Con không được chơi trò kia nữa, vì sợ bẩn đồ.
Cấm con không được tắm mưa, không được ra ngoài trời nắng, vì sợ đau ốm.
Mẹ cấm con không được lại chỗ đó chơi, không được sờ vào cái này,
không được làm như thế, vì sợ ảnh hưởng không tốt đến con.
Tóm lại, với những bố mẹ như vậy, trong mắt họ bất kỳ việc gì đứa trẻ
muốn làm đều nguy hiểm và mang tính rủi ro cao, nên họ luôn tìm cách ngăn cấm
con mình trải nghiệm. Việc họ cấm đoán như vậy có khác gì sợi dây xiềng xích
vào chân voi con? Nếu chỉ xét ở một khía cạnh đơn lẻ, chỉ nhìn cái lợi trước mắt
thì dễ dàng nhận thấy mặt tích cực. Lý luận của họ là ngay lập tức có thể hạn
chế tối đa tai nạn, bất trắc xảy đến với trẻ em. Nhưng khi xét tổng quan, mở rộng
tầm nhìn, chúng ta lại thấy mặt trái của lý luận và hành động ngăn cấm thuần
túy như vậy sẽ dẫn đến nhiều hậu quả.
Đứa trẻ không nghe lời bạn được, làm sao những đứa trẻ thông minh, cá
tính, tràn đầy năng lượng lại có thể dễ dàng nghe theo mệnh lệnh vô lý đến từ
người khác. Các em đã nói với tôi: “Con sẽ nổi loạn, sẽ chống lại bố mẹ mình, sẽ
không nghe lời”. Bởi vì đó là một cơ chế rất bản năng đã được lập trình sẵn để
giúp trẻ có khả năng tự học hỏi, khám phá thế giới, là quá trình phát triển tự
nhiên của đứa trẻ. Bây giờ, bạn lại can thiệp vào quá trình đó, từ góc nhìn của
mình, từ lý luận của bản thân, bạn cho đó là nguy hiểm và muốn ngăn cấm quá
trình phát triển của đứa trẻ, điều này trái với lẽ tự nhiên. Vậy nên dù bạn có
quát, la mắng, giải thích bao nhiêu lần đi nữa cũng chỉ là sự ngăn cấm tạm thời,
làm trẻ sợ nhất thời và một cách bản năng đứa trẻ sẽ lại lặp lại những hành vi
của mình. Giống như voi con vậy, ban đầu dẫu có bị xiềng xích chúng vẫn cố vùng
vẫy.
Cấm đoán trẻ thường xuyên cùng một chuyện mà trẻ vẫn không nghe lời,
nhiều người không hiểu thì cho rằng trẻ lì lợm, cứng đầu, gán cho trẻ những cái
mác ám thị tiêu cực. Và đến ngay cả con khỉ cũng có lúc rơi từ cành cây xuống,
nên đôi khi trẻ phạm phải sai lầm, vấp ngã, gặp phải rủi ro cũng là một chuyện
bình thường. Nhưng khi trẻ ngã xuống, đó cũng chính là lúc bạn phạm phải sai lầm
tai hại nhất trong cách xử lý tình huống. Hầu hết mọi người sẽ làm như thế này:
họ hốt hoảng chạy lại trách con: “Thấy chưa, mẹ đã bảo rồi mà, ngã đau sợ
chưa”, hoặc “Trẻ mà ngã có người thậm chí lại đánh thêm, vì tức giận khi trẻ
không nghe lời”, đó cũng là lúc mà ám thị tiêu cực phát huy đỉnh điểm sức tàn
phá của mình.
Cảnh tượng này diễn ra không chỉ một vài lần mà còn thường xuyên lặp
đi lặp lại, tác động mạnh mẽ khiến vô thức làm trẻ tin và chấp nhận rằng thất bại
là một bài học đau đớn, mạo hiểm là rủi ro. Những biểu hiện tiêu cực của người
lớn như xát muối vào nỗi đau của trẻ, mặc dù chính bạn cũng không biết được điều
đó. Bạn chỉ nghĩ đơn giản làm như vậy trẻ sẽ không nghịch nữa, trẻ sẽ được an
toàn.
Khi đứa trẻ không được trải nghiệm thứ mà nó thích, nó cũng không biết
sự nguy hiểm của các trò chơi và đương nhiên nó cũng không đặt ra được giới hạn
cho bản thân khi thực sự rơi vào tình huống đó. Ngoài ra bởi vì ngăn cấm, đứa
trẻ sẽ quy định luôn trò nguy hiểm không nên chơi và con bạn sẽ thàn đứa trẻ tất
cả (đứa trẻ đó là nhiều người trong số chúng ta ngày nay vô thức sợ mọi thứ),
những cô cậu bé nhút nhát, lúc nào cũng muốn sống trong phạm vi an toàn, từ đó
cũng không muốn khám phá thế giới hơn nữa, dần dần mất đi ý chí sáng tạo. Chưa
hết, bởi vì mọi ham muốn bị dồn nén nên nó trở thành một sự ức chế, cảm xúc
chôn sâu vào trong lòng, chờ tới ngày bùng phát (tổn thương tâm hồn).
Vì cơ thể vật lý và sức sống gắn chặt với nhau không tách rời, nên khi
cơ thể vật lý lười nhác vận động sẽ trở nên ốm yếu, từ đó sức sống cũng què quặt.
Đồng thời cũng chính sự nhút nhát bên trong, làm tư duy thiếu sự dũng cảm bứt
ra khỏi lối mòn. Đến lúc này đứa trẻ đã lớn, thật giống như con voi đã được thuần
hóa phải không nào, dù nhìn một sợi dây nhỏ ràng buộc nhưng chú lại nghĩ đó là
sợi xích sắt không thể phá vỡ. Còn bạn đã vô thức thành công trong việc thuần
hóa, biến một cơ thể vật lý đang trên đà phát triển khỏe mạnh thành một cơ thể
yếu đuối, biến một đứa trẻ đầy tiềm năng trở nên nhu nhược.
Con người có thể làm những điều phi thường, nhưng phần lớn đang sống
dưới mức năng lực bản thân có thể làm được, chỉ vì đang trói buộc khả năng của
mình bằng sợi dây mang tên “không thể”. Đừng để mình bị trói buộc mãi như chú
voi kia. Vậy phản ứng, tương tác thế nào với trẻ trong tình huống ở trên thì tốt,
để “voi con” lớn lên có thể được tự do và thể hiện tất cả tiềm năng mà nó? Rõ
ràng cách chúng ta nhìn nhận, giải quyết vấn đề còn quá đơn giản và chưa thật sự
hiệu quả. Mỗi khi bạn la mắng, đánh đập và ngăn cấm trẻ là bạn đã tố cáo sự bất
lực của chính mình trong việc tìm phương pháp hiệu quả để nuôi dạy con cái. Cho
nên mỗi khi gặp những trường hợp như vậy, bạn nên thực hiện theo cách sau đây:
Chủ động tạo cái “khuôn” cho trẻ tự do vui chơi, sáng tạo, trải nghiệm
trong đó
Tại sao gọi là khuôn (ranh giới)? Khuôn, có nghĩa là không gian vô
hình được bạn thiết lập, tạo nên và quy định để đứa trẻ tự do hoạt động trong
đó. Cái khuôn là trang bị cần thiết để bảo vệ cho trẻ. Vì khi trẻ em vượt qua
khỏi cái khuôn, rất có thể trẻ sẽ gặp tai nạn, nguy hiểm nằm ngoài tầm kiểm
soát dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Chẳng hạn, trẻ trèo lên một nhành cây thấp
(trong cái khuôn), nhưng trẻ tự ý trèo lên một ngọn cây thật cao (vượt ra ngoài
cái khuôn), khi còn quá nhỏ, thiếu kinh nghiệm và sức lực chưa đủ sẽ ra sao khi
gặp rủi ro?
Hỏi: “Tại sao cần thiết lập khuôn, điều đó có giới hạn tự do của đứa
trẻ hay không?”
Trả lời: “Một đứa trẻ nếu để tự do theo kiểu muốn làm gì làm nấy thì rất
dễ hình thành nên tính tự cao, ngạo mạn, ngang ngược, phá phách dần dần xa rời
những điều chân thực, lẽ phải. Hơn nữa, đứa trẻ chưa có nhận thức đúng đắn về
thế giới xung quanh, hiểu biết còn hạn chế nếu để tự do hoàn toàn rất dễ gây
nguy hiểm cho những người khác lẫn bản thân. Nên cần thiết tạo ra cái khuôn vô
hình, để các em có thể tự do và phát triển trong đó.”
Hỏi: “Vậy trong cái khuôn vô hình này đứa trẻ sẽ được những gì?”
Trả lời: “Trẻ sẽ được tự do vui chơi, sáng tạo, quậy phá, trải nghiệm
nguy hiểm, chịu va đập và việc của bạn là đứng từ xa quan sát trẻ, không nên tự
ý tác động hay can thiệp vào. Thậm chí bạn có thể chủ động tạo cơ hội cho các
em được va đập, được trải nghiệm tổn thương, nếm trải sự đau khổ (tất nhiên
trong giới hạn của trẻ) để trẻ có thể rèn luyện được ý chí, khả năng thích nghi
và bản lĩnh để vượt qua những trở ngại trong cuộc đời. Có như thế đứa trẻ lớn
lên mới có đủ kinh nghiệm, bản lĩnh, niềm tin vào chính mình. Vì chúng ý thức
được rằng những bài học này mình đã được nếm trải một phần nào đó, nên trẻ sẽ
biết cách tiếp cận.”
Tóm lại, cái khuôn là khoảng không vô hình được bạn tạo ra để trẻ tự
do vui chơi, trải nghiệm trong đó mà chúng không hề hay biết.
Chẳng hạn, khi bé một tuổi đang cố trèo lên cái ghế, rủi ro không cao,
thậm chí trong trường hợp ngã nếu có bị thương cũng không đáng kể. Hãy để cho
bé thoải mái trải nghiệm khám phá thử thách của bản thân, đừng can thiệp vào tiến
trình phát triển tự nhiên đó (tự do trong cái khuôn). Cũng đứa bé đó, nhưng khi
em leo ra ban công của tòa nhà thì cần bế em vào, vì đã vượt ra khỏi cái khuôn
vô hình nên cần can thiệp.
Tuy nhiên trong một tình huống cũng mang tính rủi ro cao và có vẻ như
đã vượt ra khỏi cái khuôn vô hình, chẳng hạn khi bé ba tuổi leo lên cái thang
cao năm mét dựng sau nhà. Nếu trèo lên và ngã xuống từ độ cao bốn mét, năm mét
thì tai nạn không còn trong tầm kiểm soát nữa. Với lập luận như vậy bạn dễ dàng
cắt đứt trải nghiệm của đứa trẻ bằng cách ra lệnh, ngăn cấm, hoặc bế trẻ xuống
khỏi thang. Nhưng bạn cũng có thể chọn một giải pháp khác đó là ở phía sau hỗ
trợ, khi quan sát thấy con thực sự cần giúp đỡ (trẻ vẫn tự do trong cái khuôn
mà bạn tạo nên). Tuy nhiên sự hỗ trợ của bạn nên ở mức tối thiểu, làm sao cho
trẻ tự cảm nhận được cảm giác có thể chinh phục bằng quyết tâm của bản thân. Để
trẻ tự trải nghiệm được trạng thái giác ngộ, chứ không phải là được người khác
giác ngộ giùm.
Ở châu Á nói chung và ở Việt Nam nói riêng, người ta đề cao việc học
Toán và giải Toán một cách thái quá, nhưng nó đã thực sự mang lại được gì? Những
bài toán của cuộc đời hoàn toàn khác. Bài toán đời sống không chỉ cần tư duy
logic mà còn cần năng lực cảm nhận và rất nhiều phẩm chất khác như ý chí, tự
giác, quyết đoán, lòng từ bi, dũng cảm, mạnh mẽ, linh hoạt, sáng tạo… Việc học
Toán nói riêng và các môn học khác trên ghế nhà trường hiện nay, không khiến
các em được trang bị đầy đủ những điều kiện này để có thể vững vàng trước những
vấn đề của cuộc sống. Những đứa trẻ, nếu chỉ dành phần lớn thời gian của mình để
giải Toán mà không được trao cơ hội giải quyết những vấn đề thiết thực trong đời
sống theo khả năng nhận thức của mình, sẽ không thể trưởng thành nổi. Do đó,
tôi cho rằng bạn cần giúp đứa trẻ tập trung để đối mặt và giải quyết các “bài
toán có trong cuộc sống”, đó mới là những bài học cần đầu tư nhiều thời gian.
Như việc nhiều người ngăn cấm trẻ chơi ở sông, suối vì sợ trẻ bị đuối
nước, tôi cho rằng đó là cách trốn tránh nỗi sợ hãi để có được chút cảm giác an
toàn giả tạm. Đây không phải là một dạng bài toán trong cuộc sống hay sao, thay
vì tránh né bạn cần trang bị những kiến thức nhất định để đứa trẻ có trải nghiệm
phù hợp. Trước hết, cần phân tích cho trẻ hiểu rằng đâu là chỗ nước sâu, nước
có dòng chảy mạnh, chỗ nào tắm được, chơi được và chỗ nào không được.
Sau đó nếu có một số em vẫn không hiểu được nguy hiểm của việc bị đuối
nước, có thể chủ động cho em đó trải nghiệm, bằng cách để nước cuốn trôi một
chút và hãy chắc chắn rằng bạn là người làm chủ tình hình, như thế trẻ sẽ hiểu
được vấn đề mà bạn đã đề cập đến. Tiếp theo, hãy đặt ra những tình huống giả định
như: Nếu dép trôi thì có nên chạy theo lấy không, nếu có thì tại vì sao, còn nếu
không thì vì sao? Trường hợp có bạn bị nước cuốn trôi, các em sẽ phải làm thế
nào? Rồi để các em tự đưa ra nhận định riêng, sau đó bạn mới giải thích: “Đúng
vậy, nếu bạn bị nước cuốn trôi các em nên ra tay giúp đỡ, nhưng không nên chạy
ra kéo bạn vào, vì các em chưa biết bơi. Mà nên chạy đi tìm những người gần nhất
xung quanh hoặc la lớn gọi cứu trợ, hay tìm một nhánh cây gần bên để kéo bạn
vào”. Rồi diễn tập lại phương án cứu hộ vài lần, sau đó cho trẻ vui chơi tự do.
Thời gian đầu hãy đứng ở xa quan sát, nếu không có điều gì đi quá giới hạn, thì
bạn không nên can thiệp vào cuộc vui của trẻ.
Làm được như vậy không những trẻ được tự do vui chơi, thân thể khỏe mạnh,
mà còn phát triển trí tuệ và nuôi dưỡng tâm hồn thánh thiện cho các em. Cách
làm của tôi luôn là như vậy và hy vọng mọi người có thể tiếp cận được như cách
tôi đã làm, dạy dỗ và giáo dục trẻ thông qua các hình thức vui chơi, hoạt động.
Trẻ chơi mà học khi nào không hay, đấy là một điều diễn ra rất tự nhiên.
Thân vận động. Tâm tĩnh tại. Trí phát triển.
Con người càng trưởng thành, thất bại càng nhiều, nếu không có đủ ý
chí để đương đầu rất dễ làm cho bản thân gục ngã. Từ đó, những suy nghĩ như, điều
đó ngoài khả năng của mình; mình mãi mãi không thể làm được; đáng lẽ mình không
nên làm thế, mình nên nghe lời bố mẹ. Những suy nghĩ tiêu cực thế này mới thật
sự là thất bại. Vì thế, việc giáo dục để trẻ có đủ sức mạnh đương đầu với thử
thách và ý chí đứng lên sau thất bại là vô cùng quan trọng.
Người làm bố mẹ nào cũng hy vọng con mình lớn lên trưởng thành và đạt
được thành tựu, hoặc chí ít cũng có chút bản lĩnh đứng giữa đất trời. Nhưng họ
lại không xây dựng nền tảng vững chắc cho các em, họ không để trẻ làm tốt những
“việc nhỏ” ngay từ bé mà họ muốn giáo dục con mình theo kiểu một bước lên tận
trời cao.
Hành trình vạn dặm bắt đầu từ một bước chân. Thành công lớn đều bắt đầu
từ làm tốt những việc nhỏ. Vũ Trụ khổng lồ được cấu thành từ những hạt photon
ánh sáng tí hon. Đối với đứa trẻ, mỗi lần chinh phục được dù chỉ là một thử
thách nhỏ nhưng đó là lời khẳng định bản thân. Làm trẻ tràn đầy tự tin, vô thức
phá tan sự nghi ngờ, áp lực, do dự, vượt lên chính mình và chiến thắng nỗi sợ
hãi . Tạo nên ý chí vững vàng, cảm xúc mạnh mẽ, làm hành trang để các em dấn
thân và là tiền đề để chinh phục những điều vĩ đại phía trước. Cứ như vậy thông
qua việc thực hành tiếp nối, chinh phục hết thử thách này đến thử thách khác,
lòng can đảm dần được hình thành.
Đặc điểm của người có tính can đảm và liều lĩnh không giống nhau. Những
người liều lĩnh thường bốc đồng, bất cẩn, họ hay đánh giá thấp thử thách mình
phải đối mặt và mù quáng lao vào mọi thứ mà thậm chí không lường đến hậu quả. Họ
thường thiếu kiên nhẫn, nên người liều lĩnh khó mà chịu đựng được gian truân, sự
trì hoãn, họ mang nặng tâm lý tốc chiến tốc thắng và họ thường chỉ đặt ra hai lựa
chọn chiến thắng hoặc cái chết. Mặt khác, một người can đảm thực sự là người có
kỹ năng, họ trầm tĩnh, vững lòng, nên tâm thái ổn định, bền bỉ, họ có khả năng
chịu đựng trong thời gian dài. Lòng can đảm mang tính chất đồng đội và cộng hưởng,
trong khi liều lĩnh lại mang tính vị kỷ cá nhân. Lòng can đảm thì khôn ngoan và
có tính chuẩn bị trước.
Theo sự quan sát của tôi, đa phần bố mẹ Việt xử lý bằng cách thứ nhất,
họ ngăn cấm trải nghiệm của đứa trẻ ngay từ nhỏ nên lớn lên các em thiếu đi bản
lĩnh, nhưng có thừa sự liều lĩnh. Có lẽ cũng chính vì thế những môn thể thao mạo
hiểm hầu như bị người phương Tây chiếm hoàn toàn ưu thế. Phải chăng họ sinh ra
đã ưu việt, có sẵn lòng can đảm, trẻ em ở họ có bản lĩnh hơn con em chúng ta?
Không hề, sự khác biệt lớn nhất tạo ra một thế hệ chênh lệch rất xa nhau về đẳng
cấp như thế là do bố mẹ phương Tây đã xử lý vấn đề theo cách thứ hai. Họ dám
buông tay, họ có niềm tin ở con mình và họ luôn khuyến khích, động viên, thậm
chí tạo mọi điều kiện để đứa trẻ trải nghiệm, va đập. Còn ở Việt Nam nhiều người
vẫn còn quanh quẩn trong các cung bậc cảm xúc của những ông bố bà mẹ nuôi con bằng
bản năng, bao bọc con quá mức, khiến chúng không thể phát triển.
Cho nên khi đã xác nhận qua hai bước: “Tạo lập môi trường và xây dựng
cái khuôn vô hình”, hãy để trẻ tự do đối mặt, rồi va đập và chịu tổn thương, để
học các bài học trong cái khuôn. Đặc biệt đối với những đứa trẻ nuôi dưỡng
trong môi trường quá được bao bọc hoặc ít tác nhân kích thích, bạn đừng dễ dàng
và tùy tiện nói ra những cụm từ: “Con không được…, con không thể…, cấm con… ”,
khi chưa suy nghĩ thật kỹ, thật thấu đáo. Hay bắt con phải làm thế này, con phải
làm thế kia, bố mẹ đừng nên tự ý can thiệp vào bài học và quá trình nhận thức tự
nhiên của trẻ. Có như vậy con bạn mới có được thể lực tốt, ý chí mạnh mẽ, có đủ
can đảm và bản lĩnh để đối đầu trước những thách thức thời đại.
Chúng ta cần thành thật nhìn nhận lại bản thân nhằm xử lý tất cả những
nỗi sợ có trong người, để không lây truyền bất kỳ nỗi sợ hãi nào cho đứa trẻ.
Trần Huy Toàn