TINH HOA GIÁO DỤC 8 (TIẾP THEO)
ĐIỀU THẾ
KỶ 21 CẦN - SÁNG TẠO
III. KHƠI NGUỒN SÁNG TẠO
Lợi ích từ truyện cổ tích mở ra cho chúng ta một lời giải khác về một
vấn đề rất quan trọng. Truyện cổ tích thể hiện tính sáng tạo, vì những sự việc
trong đó xảy ra không theo tuân thủ theo một trật tự, logic, khuôn khổ, quy tắc
nào cả, dường như phá vỡ mọi quan niệm thông thường. Chính vì thế rất phù hợp với
tâm hồn trẻ nhỏ, giúp chúng tha hồ tưởng tượng, mơ mộng trong đầu mà không hề sợ
hãi hợp lý hay bất khả thi. Với truyện cổ tích mọi thứ đều có thể, trẻ được tự
do, tự do chính là nền tảng của sáng tạo.
Để ươm mầm cho năng lực sáng tạo của trẻ, bạn cần hiểu được bản chất của
sáng tạo. Trẻ nhỏ và người lớn nằm ở hai thái cực khác xa nhưng lại là tiền đề
bổ sung cho nhau. Đối với người lớn sáng tạo là tạo ra cái mới, cái độc đáo, gắn
với tính chủ đích, có tính bền vững và là kết quả của quá trình nỗ lực tìm tòi.
Trong khi đó sáng tạo của trẻ bắt đầu tự sự tái tạo, bắt chước, mô phỏng và
không có tính chủ đích. Việc sáng tạo của trẻ thường phụ thuộc vào cảm xúc, vào
tình huống và kém bền vững. Nên cách người lớn tác động đến trẻ bằng những lời
khen, động viên đúng lúc, sẽ giúp các em tự tin từ đó tạo ra chất xúc tác kỳ diệu
nuôi dưỡng hành vi sáng tạo.
Nhưng phần lớn những trẻ em không được lớn lên trong môi trường kích
thích sự sáng tạo, do một số nguyên nhân chủ quan và khách quan. Người lớn
thích áp đặt ý tưởng, mong muốn, coi trọng cách làm của mình hơn là để trẻ được
tự do thể hiện ý tưởng, được làm theo cái trẻ thích. Người lớn thường thích trẻ
vâng lời hơn thích trẻ sáng tạo. Người lớn thích trẻ làm theo sự chỉ dẫn của
mình hơn thích trẻ có ý tưởng mới. Người lớn thường đánh giá thấp khả năng của
trẻ, không tin rằng trẻ có ý tưởng riêng. Người lớn không yêu cầu cao, không
giao cho trẻ những nhiệm vụ đòi hỏi sự mạo hiểm, sáng tạo.
Điều này dẫn đến hệ quả làm trẻ có nguy cơ thiếu hụt sự trải nghiệm,
ngăn trẻ nỗ lực tìm kiếm các giải pháp sáng tạo. Nhiều người lớn vì sợ trẻ gặp
nguy hiểm mà vô tình ngăn cản những hành vi mạo hiểm cần thiết để khơi dậy năng
lực sáng tạo cho trẻ, làm chúng mất cơ hội trải nghiệm, trở nên thụ động và kém
tự tin. Như vậy, có thể chính người lớn với những cách suy nghĩ, ứng xử không hợp
lý, có gốc rễ từ yếu tố tâm lý, văn hoá, là nguyên nhân chính ngăn cản sự phát
triển tính sáng tạo của trẻ.
Ngoài ra những nhân tố khách quan khác cũng có ảnh hưởng mạnh mẽ sáng
tạo như là “sự phát triển của xã hội”, lối tư duy thiên lệch về chủ nghĩa duy vật,
tư tưởng sống quá đề cao vật chất trong những thập niên vừa qua. Hoạt động của
con người thời nay, con đường mà người phương Tây dấn thân và người phương Đông
chịu ảnh hưởng mạnh mẽ, làm gia tăng vật chất nhanh chóng. Sự tích lũy của cải
và chiếm hữu vật chất dẫn đến sự phát triển mạnh mẽ của khoa học. Vì khoa học
tiến bộ sẽ giúp nhân loại thỏa mãn các ham muốn và gia tăng vật chất mau chóng.
Chính vì thế mà giáo dục cũng trở thành công cụ bị lạm dụng bởi những
mục đích trá hình, được ngụy trang dưới những danh từ hoa mỹ. Từ giáo dục mầm
non đến đại học thay vì một nền giáo dục chân chính nhằm phát triển con người
toàn vẹn, tìm tòi hiểu biết bản thân, tự chủ được chính mình, hòa hợp với thiên
nhiên và vạn vật, hướng đến con người nhân văn, tự do, giàu tình yêu thương.
Hiện nay người ta xây dựng nên một nền giáo dục chẳng ăn nhập với mục
tiêu ban đầu, bản chất nguyên thủy của giáo dục đã bị biến chất thành một mô
hình, ép trẻ vào những đường lối đã được định sẵn, thành những công cụ phục vụ
cho mục đích cụ thể. Cái mà ta gọi là giáo dục những đứa trẻ ở đây là họ dùng
những lời ngon tiếng ngọt để thuyết phục các em rằng hãy suy nghĩ trong phạm vi
khoa học, trong khuôn khổ những khám phá của khoa học mà được ứng dụng vào kỹ
thuật, công nghiệp,… họ chỉ cho phép và dạy dỗ kiến thức, hiểu biết (tính toán,
ghi nhớ, suy luận, lập luận, tư duy logic, khuôn mẫu làm việc,… ) có liên quan
đến những thứ ấy mà thôi, làm đầu vào cho chuẩn nền tư duy của các em, rồi lại ứng
dụng chúng không ngoài mục đích nào khác là trải nghiệm và thỏa mãn các nhu cầu
vật chất.
Người ta lúc nào cũng nhắc đi nhắc lại với trẻ rằng chúng phải cố gắng,
phải tạo ra nhiều vật chất, phải thành công về mặt tài chính. Thay vì tìm thấy
giá trị bên trong bản thân chính mình, người ta lại bắt trẻ tìm kiếm sự công nhận
từ bên ngoài. Sự áp đặt của người lớn, của xã hội đã làm đứa trẻ không được tự
do về ý chí, làm các em phát triển lệch lạc, thậm chí đánh mất hoàn toàn bản chất
thực sự của mình. Hệ thống giáo dục như vậy chỉ khiến cho não trái phát triển
vượt trội, nhưng lại khiến bán cầu não phải suy yếu, làm kìm hãm và giới hạn
đáng kể sự sáng tạo.
Trong khi đó bán cầu não phải của trẻ nếu được kích thích hoạt động,
trước tiên là một thế giới của sự hỗn loạn, bừa bãi, thế giới của nghệ thuật,
thơ ca, tình cảm, cảm xúc, mơ mộng, thuần khiết, của sự “nổi loạn”. Chính cảm
xúc bên trong này mới là điều quan trọng, giúp trẻ trở thành con người hoàn
toàn tự do, con người của sáng tạo và hạnh phúc. Sự thật là hầu hết hệ thống vận
hành trong nhà trường hiện nay được thiết kế để làm khô cằn tâm hồn, cạn kiệt sự
sáng tạo và rút ngắn tuổi thơ của trẻ.
Trên đây là một số nguyên nhân cơ bản làm kìm hãm sáng tạo của trẻ em.
Do vậy, những phương pháp sau sẽ giúp bạn biết cách gìn giữ, hóa giải và phát
huy tối đa tiềm năng sáng tạo cho trẻ.
1. Tự do trong suy nghĩ là sáng
tạo
Trước hết không nên giới hạn suy nghĩ, trí sáng tạo của trẻ bằng kinh
nghiệm của bản thân. Có nghĩa là, thông thường bạn đưa ra câu trả lời dựa trên
những kinh nghiệm thu thập được trong quá khứ khi đứng trước vấn đề, liên hệ với
những gì đã từng xảy ra. Bạn tự nhủ: “Tôi đã học được điều gì trong cuộc sống,
trong nhà trường hay trong công việc giúp tôi giải quyết vấn đề?”. Rồi bạn lựa
chọn phương án dựa trên kinh nghiệm trong quá khứ, không tính đến những giải
pháp của người khác, để đưa ra quyết định một chiều của mình. Vì thực hiện theo
các bước rõ ràng dựa trên kinh nghiệm, bạn ngạo mạn tin chắc giải pháp của
mình, luôn đi theo lối mòn, sử dụng những thứ đã có sẵn mà không phát triển
thêm.
Đây là nguyên nhân kìm hãm sáng tạo của trẻ em, cũng là nguyên nhân
gây ra thoái hóa não đối với những người có tuổi. Trong khi lối tư duy giúp não
phát triển sáng tạo và nhạy bén như một thiên tài là luôn đổi mới. Khi đứng trước
một vấn đề nên xét đến nhiều phản ứng khác nhau, họ không thích sự lặp lại. Họ
luôn tự hỏi làm sao để đưa ra nhiều phương án nhất có thể nhằm giải quyết vấn đề,
thay vì hỏi xem kinh nghiệm quá khứ hay họ đã được dạy điều gì.
Vậy làm sao để cho các em bé có được tư duy sáng tạo như một thiên
tài. Thực ra bản chất thực sự trong tư duy của một thiên tài là suy nghĩ, sáng
tạo như một đứa trẻ. Thiên tài không sợ sai, trẻ em lại càng không sợ. Đặc điểm
tâm lý chung ở trẻ em thường có xu hướng làm những điều chúng nghĩ, nếu chúng
không biết, chúng vẫn thử, cho dù sai chúng cũng muốn làm, làm mà không do dự,
thiên tài cũng vậy.
Đó là yếu tố căn bản để sáng tạo, thông thường muốn có ý tưởng thành
công, có thể sẽ có rất nhiều ý tưởng. Không thể có ý tưởng tốt mà không trải
qua các ý tưởng ngu ngốc, tệ hại và điên rồ. Sự sáng tạo đòi hỏi cần có can đảm
buông tay ra khỏi những điều không chắc chắn, quy tắc, quy định, khuôn khổ giới
hạn. Đôi khi ý tưởng điên rồ nhất có thể đưa ra giải pháp sáng tạo. Nếu bạn kìm
hãm những ý tưởng, tưởng chừng như vô nghĩa này hay phê bình chúng quá sớm, có
thể bạn đã vô tình ngăn cản quá trình dẫn đến cách tân thực tiễn. Sau đây là một
trường hợp điển hình cho điều này:
Một nhà sản xuất muốn có ý tưởng để phát triển một dòng sản phẩm giày
khác đi, họ tập hợp mọi người và nhiều ý tưởng mới được đưa ra. Cuối cùng mọi
người thống nhất với ý tưởng được cho là ngớ ngẩn và điên rồ nhất của một nhân
viên bán hàng sống gần lò mổ. Anh ấy cho rằng: “Tại sao chúng ta không thể khâu
những đôi mắt bò có sẵn trong lò mổ gần đây vào mũi giày, để chúng có thể nhìn
được mọi vật khi đang di chuyển nhỉ?”
Mới nghe có vẻ ngu ngốc và đáng cho một tràng cười. Tuy nhiên, sau đó
họ tập trung phát triển ý tưởng này, họ cố gắng đưa ra nhiều giả định phát triển
ý tưởng này như: Việc lắp ống kính quang học thay vì mắt bò, hoặc lắp một thiết
bị hấp thụ chấn thương, hay khâu một đôi mắt bò giả để trông có một đôi giày thật
đặc biệt. Sau đó có người đưa ra một gợi ý rằng thay vì để đôi mắt quan sát mọi
nơi con người đi tới, tốt hơn là để người ta quan sát những nơi đôi giày đi
qua. Và họ liên hệ được đôi giày với chiếc gương phản chiếu xe máy và đề nghị gắn
thêm sọc phản quang vào gót giày, sau cùng gợi ý này đã được đưa vào phát triển
sản phẩm. Ngày nay, chúng ta thấy những đôi giày có sọc phát sáng trong bóng tối
để mọi người có thể xác định người đi bộ dễ dàng hơn. Phát minh này làm nảy
sinh một ngành công nghiệp tập trung vào những sọc phản quang trên quần áo, mũ
bảo hiểm và pedal xe đạp.
Bài học ở đây là gì, khi trẻ cố gắng suy nghĩ, đưa ra ý tưởng, giải
pháp nào đó, bạn cần động viên, khuyến khích trẻ hiện thực ý tưởng của mình.
Khi trẻ hoàn thành được việc, không những khẳng định nỗ lực, mà còn chia sẻ cho
người khác biết. Điều này sẽ tạo nên vết khắc trong tâm hồn các em, trẻ được
khuyến khích, tự do chơi với những ý tưởng của mình thì chúng càng tự tin và
tin tưởng bản thân là một chủ thể độc lập sáng tạo. Thật ra sự sáng tạo luôn hiện
hữu trong hành vi của trẻ, vấn đề là người lớn có nhìn ra, khích lệ, có biết
phương pháp nuôi dưỡng và kích hoạt kịp thời hay không.
Sự giống nhau tiếp theo giữa tư duy của thiên tài và trẻ em là trong một
vấn đề nhưng lại có những cách làm khác nhau, đưa ra được rất nhiều ý tưởng.
Người Nhật Bản từng làm thí nghiệm như sau:
Họ tập hợp nhiều người lớn và trẻ em, chia ra thành hai nhóm tách biệt,
sau đó “dùng bút chấm một chấm lên trên bảng”, rồi hỏi các đối tượng tham gia rằng
“Đây là cái gì?”
Hầu hết câu trả lời của người lớn đều giống nhau “dấu chấm”. Đối với
trẻ em hoàn toàn ngược lại, mỗi trẻ có một cách trả lời khác nhau, không ai giống
ai cả. Nào là con đom đóm, tàu vũ trụ, cái đĩa, vòng tròn, ngôi sao, bông hoa,
giọt nước, nước mắt,... Thiên tài khi nhìn vào “dấu chấm” cũng suy nghĩ như đứa
trẻ vậy.
Trẻ em sinh ra đều là một cá thể độc đáo, không giống bất kỳ một ai
khác, giá trị của chúng cũng chính là nằm ở sự khác nhau này. Chúng suy nghĩ, cảm
nhận không hề giống ai cả, theo cách riêng của mình, không theo một kiểu mẫu
nào có sẵn, độc lập, độc đáo, linh hoạt và sáng tạo. Mỗi đứa trẻ đều có tiềm
năng trở thành thiên tài.
Nhưng tại sao khi lớn lên hầu hết kiểu tư duy này bị mất đi, thay thế
bằng một tư duy đóng khung, cứng nhắc và thiếu sáng tạo. Đó là do trong quá
trình đào tạo, tương tác với trẻ, người ta đã làm mất đi các đặc tính ấy.
Lâu nay nhà trường, gia đình và xã hội luôn dạy các em hướng đến một
câu trả lời nhất định, họ đưa một hệ quy chiếu và hướng tất cả các em vào hệ
quy chiếu đó. Người ta dạy trẻ em thế này: “Nào các em - Đây là dấu chấm (.)”,
tất cả trẻ em đều đã được dạy chung một cách như vậy. Dấu chấm ở đây hiểu theo
nghĩa rộng nhất tượng trưng cho những vấn đề, bài toán, giải pháp nào đó trẻ em
gặp phải trong đời sống mà người lớn đã dùng kinh nghiệm và những quy ước có sẵn
áp đặt lên trẻ phải nghe theo. Để mong muốn trẻ có thể nhớ, lĩnh hội, đạt được
kỹ năng nào đó hay đơn giản là để nhanh chóng giải quyết vấn đề. Như vậy, 12
năm ngồi trên ghế nhà trường và 4 năm đại học, những em bé thuở nào nhìn nhận
“dấu chấm” là con đom đóm, tàu vũ trụ, cái đĩa, vòng tròn, ngôi sao, bông hoa,
giọt nước, nước mắt,... giờ đây đã bị đồng nhất, tư duy đóng khung và không còn
linh hoạt nữa. Ngược lại, không làm như cách cũ thay vào đó trước hết bạn khuyến
khích, động viên để trẻ thể hiện quan điểm, ý tưởng, suy nghĩ theo cách riêng của
mỗi em. Bạn đón nhận tất cả các câu trả lời, dù đúng hay sai, hợp lý hay phi
lý, bằng lòng tôn trọng dành cho tất cả.
Sau khi nhận được câu trả lời hãy hỏi tại sao chúng nghĩ theo cách đó
và chỉ cho chúng thấy một cách nghĩ khác. Không những thế bạn còn nên giải
thích rõ cho trẻ hiểu rằng, cách suy nghĩ của các em không hẳn sai, chỉ là chưa
đúng trong trường hợp này mà thôi. Nếu xét cụ thể trong bài văn này, với môn
toán, ký hiệu này có thể là dấu chấm. Nhưng trong một hoàn cảnh, thời gian,
không gian khác nó có thể là những sự vật hiện tượng hay ý nghĩa như các em suy
nghĩ.
Làm được như thế trẻ mới thực sự hưởng lợi từ giáo dục, nhờ có giáo dục
trẻ sẽ học hỏi thêm nhiều cái mới, kế thừa được những bài học, kinh nghiệm, trí
tuệ của thế hệ đi trước. Nhưng đồng thời cũng độc lập phát triển được những giá
trị bên trong, nhờ đó năng lực sáng tạo của các em sẽ được thăng hoa lên một tầm
cao mới.
Trên thế giới mỗi đứa trẻ là độc nhất vô nhị, giá trị của các em nằm ở
chỗ không giống số đông còn lại, vì vậy lựa chọn đầu tiên của các em nên trở
thành là chính mình. Khi được là chính mình, các em sẽ tạo ra sản phẩm, sự cống
hiến của mình là duy nhất. Nếu không tạo ra sự khác nhau và sự duy nhất mà chỉ
chúng mới có được, trong một tương lai gần chúng sẽ trở nên vô dụng và bị thay
thế hoàn toàn bởi máy móc và robot. Vì chúng được lập trình và tạo ra để thực
hiện những loại công việc có tính lặp đi lặp lại, thiếu sáng tạo, cảm xúc, sự
linh hoạt trong tư duy. Tất cả những công việc đó sẽ sớm bị thay thế hoàn toàn
bởi trí tuệ nhân tạo.
Nuôi dạy con, đào tạo học sinh nên để chúng được tự do bày tỏ ý kiến,
suy nghĩ của mình. Nội dung bài học, câu hỏi, giải pháp, phương án vì thế không
được phép đóng khung vào một diễn giải cụ thể nào, dù đó là của người thầy đáng
kính, là bố mẹ của mình. Nếu không, đứa trẻ sẽ mắc kẹt vào một diễn giải, làm
mai một sáng tạo, cá tính và đầu óc trở nên máy móc. Việc học, đào tạo trẻ
không phải chỉ là ghi nhớ giải pháp bạn đưa ra cho trẻ, mà là tìm được bao
nhiêu phương án cho vấn đề mình đang đối mặt.
Tóm lại, để trẻ đưa ra suy nghĩ, ý tưởng, giải pháp cho riêng mình.
Khi tư tưởng được tự do thể hiện, cảm xúc trở nên tích cực bởi được động viên,
khích lệ khả năng sáng tạo của trẻ em là vô hạn.
2. Sáng tạo trong đặt câu hỏi
Đặt những câu hỏi nhằm khơi dậy tư duy sáng tạo cho trẻ.
Sáng tạo từ những câu hỏi tại sao: “Tại sao lại có mưa? Tại sao buổi tối
con mới nhìn thấy trăng sao, còn ban ngày thì lại không?”
Sáng tạo qua những câu hỏi phản đề lập dị: “Con nghĩ nếu mình có thêm
một đôi cánh thì chuyện gì sẽ xảy ra, có những tiện ích hay rắc rối nào?”
Sáng tạo trong việc đặt câu hỏi giải quyết tình huống: “Con sẽ làm gì
nếu con đang chơi trên một cái cây và chúng nói: “Ôi! Bạn làm mình đau quá”; “Nếu
con và bạn cùng nhau muốn chơi cùng một đồ chơi, con sẽ xử lý thế nào?”
Trần
Huy Toàn