TINH HOA GIÁO DỤC 14
DẠY CON THÀNH NGƯỜI THÔNG MINH
THÌ DỄ, GIÁO DỤC CON LÀM NGƯỜI TỬ TẾ KHÓ HƠN NHIỀU
I. TƯ THẾ KHI GIAO TIẾP VỚI TRẺ?
Trước hết cần nói đến tư thế giao tiếp thông dụng nhất, nhưng cũng ít
người chú ý và mắc phải sai lầm là bạn thường đứng nói chuyện với trẻ.
Ngồi xuống hoặc bế trẻ lên ghế, trên bàn nhằm đặt chúng ngang tầm mắt
mà nói chuyện thay vì trẻ phải ngước lên, được như vậy sẽ mang tính tương tác
cao hơn. Nghĩ mà xem, nếu bạn nói chuyện với ai đó nhưng chỉ đứng tới rốn họ,
lúc nào cũng phải ngước lên nhìn, còn người kia thì ngược lại. Chưa bàn đến việc
ảnh hưởng đến sức khỏe, bạn có cảm thấy mất tự tin, cảm giác thấp kém, thiếu được
tôn trọng phải không. Tương tự, cách bạn đứng và nói chuyện sẽ ảnh hưởng xấu đến
trẻ.
Nhưng khi ngồi xuống hoặc đặt trẻ lên ngang tầm mắt với bạn, trẻ sẽ cảm
thấy mình được tôn trọng, được yêu thương hơn. Và khi đó bạn có thể hỏi trẻ rằng:
“Con biết tại sao bố mẹ hay ngồi hoặc quỳ xuống để trò chuyện cùng con không?”.
Sau khi nghe câu trả lời của con, lúc này có thể chủ động giải thích rằng: “Vì
con chưa cao, nên bố mẹ ngồi hoặc đặt con lên cao để con có thể nhìn thấy bố mẹ
dễ dàng khi giao tiếp”. Như thế trẻ sẽ nhanh chóng học được hình mẫu ứng xử lịch
thiệp, hơn nữa từ đó có thể biết đặt mình vào vị trí của người khác mà suy
nghĩ.
Đừng nhìn trẻ con từ trên cao xuống. Hãy thử hạ thấp người để mắt của
bạn ở ngang tầm mắt của trẻ khi giao tiếp.
II. NGÔN TỪ CỦA TRẺ THƠ
Cần lưu ý rằng từ hai đến bảy tuổi là giai đoạn phát triển ngôn ngữ,
nên khi trẻ đi ra ngoài học từ những người bạn hàng xóm một vài câu chửi thề,
nói bậy, ngôn từ không được hay cũng là việc hết sức bình thường. Nếu gặp tình
huống ở trên không cần phản ứng gì trước những câu nói này của trẻ, chỉ cần im
lặng và lờ đi, câu nói đó sẽ tự dưng mất giá trị và năng lượng để tồn tại, cũng
vì thế mà chỉ sau vài lần sử dụng, tự động trẻ sẽ bỏ từ ngữ ấy. Ngược lại, phản
ứng bằng cách cấm đoán, răn đe, la mắng không những làm tổn thương tâm hồn và
thể xác các em, mà còn tiếp thêm năng lượng cho những ngôn từ “xấu” tồn tại.
Một vấn đề khác, trước những câu nói tưởng chừng như vô thưởng vô phạt
của trẻ như: “Bụng của chú ấy bự quá; ông kia lùn hơn cả mẹ; cô này xấu quá; chị
mập như con heo; lêu lêu áo em kia rách kìa,… ” ấy vậy mà nhiều người lại cảm
thấy thích thú, phá lên cười. Phản ứng như vậy đã vô tình tạo năng lượng mạnh mẽ
cho ý thức của trẻ, chúng sẽ cảm thấy hào hứng với tình huống vừa rồi và sẽ muốn
lặp lại trải nghiệm này vào một lúc nào đó trong tương lai.
Ban đầu chỉ là những câu nói vô thưởng vô phạt, không ý tứ, không ngữ
nghĩa, nhưng sau nhiều lần được bạn tiếp thêm năng lượng thì sự việc sẽ diễn ra
có ý thức đối với đứa trẻ. Chúng nói, hành động một cách có chủ đích để được bạn
“tưởng thưởng” bằng những trận cười và sự ngỡ ngàng. Thời gian trôi qua dần ăn
vào trong tiềm thức, đến một lúc nó sẽ hoạt động vô thức trong cách tương tác,
giao tiếp hằng ngày của đứa trẻ. Ngày nay, bạn thấy cách ứng xử này rất phổ biến,
nhiều người thường “chào nhau”, hay khởi động buổi trò chuyện bằng cách: “Ồ! Dạo
này ốm quá ha”; “Ăn gì mập thế”; “Sao da dẻ nhăn như bà già vậy”. Tóm lại, họ
có xu hướng nhìn nhận mặt xấu, khuyết điểm của một ai đó để châm ngòi cho một
cuộc đàm tiếu, những trận cười rẻ tiền.
Nhiều người xem việc khai thác khía cạnh này như một vấn đề bình thường
trong xã giao, cũng chẳng bao giờ đắn đo và biết đối phương cảm nhận thế nào
trước những nhận xét tiêu cực của mình. Cũng cần có phản ứng trước những câu
nói này hoặc lắc đầu, như thế trẻ sẽ hiểu đó là điều không nên, là tín hiệu mà
bố mẹ mình không khuyến khích lặp lại hành vi này. Còn nếu trẻ đã lớn hãy nói
và phân tích cho trẻ hiểu những câu nói vô ý tứ của mình, có tác động tâm lý thế
nào đến người nghe là được.
Có một câu chuyện thú vị về cách ứng xử này như sau. Jeff Bezos là một
tỷ phú người Mỹ, người sáng lập và cũng là CEO tập đoàn Amazon, lúc mười tuổi
trong một lần đi du lịch cùng bà, nghe được một quảng cáo trên Radio rằng mỗi lần
hít một hơi thuốc lá sẽ rút ngắn hai phút cuộc đời, cậu bé Bezos nhanh nhảu
tính toán số điếu thuốc mỗi ngày và số lần hít vào mỗi điếu. Khi đã hài lòng với
kết quả tính toán, cậu với lên phía trước tự hào nói với bà: “nếu mỗi lần hút
thuốc mất hai phút cuộc đời thì bà đã mất chín năm tuổi thọ rồi đấy ạ”. Bezos
ngồi chờ lời khen ngợi trí thông minh và kỹ năng số học của mình, tuy nhiên bà
chỉ bật khóc, ông của Bezos dừng xe lại bên đường, ra khỏi xe và gọi cháu trai
lại gần nói: “Jeff, một ngày nào đó cháu sẽ hiểu rằng làm người tử tế khó hơn
người thông minh nhiều.”
Điều này đã làm Bezos ấn tượng đến nỗi nó trở thành kim chỉ nam cho sự
phát triển kinh doanh và xây dựng bản thân của ông sau này. Bezos đã chứng minh
câu nói: “Mười người buôn chín kẻ gian” là không đúng.
Không phải làm kinh doanh là cứ mưu mẹo, chộp giật mới thành công. Đó
là sự thành công không bền vững và đầy rủi ro, chưa xét đến các khía cạnh khác
như đạo đức hay lương tâm. Bạn hoàn toàn có thể chọn sự tử tế mà vẫn thành
công, câu nói truyền cảm hứng nhất của ông: “Sự thông minh là một món quà, còn
sự tử tế là một lựa chọn.”
Đứa trẻ lớn lên có thể trở thành một doanh nhân, nhà khoa học, một vị
Thánh, vị Phật, Chúa, thậm chí là Đấng Sáng tạo càn khôn vũ trụ.
Nhưng trước hết cần giáo dục chúng trở thành người tử tế.
Trần Huy Toàn