HÀNH TRÌNH CỦA ĐẠI BÀNG

TINH HOA GIÁO DỤC 11 (TIẾP THEO VÀ HẾT)

II. “HỌC ĂN, HỌC NÓI, HỌC GÓI, HỌC MỞ”, CÓ RẤT NHIỀU ĐIỀU QUAN TRỌNG CẦN PHẢI HỌC VÀ HỌC CÁCH LÀM RA TIỀN, SỬ DỤNG TIỀN CŨNG LÀ MỘT BÀI HỌC VÔ CÙNG QUAN TRỌNG TRONG CUỘC ĐỜI MỖI NGƯỜI

2. Hướng dẫn cách sử dụng tiền hợp lý

Khi con bạn 10 tuổi trở lên, bố mẹ bắt đầu hướng dẫn cho trẻ biết cách sử dụng, chi tiêu tiền, thông qua đó hình thành nên cốt cách, phẩm chất làm người cho đứa trẻ.

Tiền vốn dĩ không xấu cũng không tốt, mà phụ thuộc vào người sở hữu. Dùng tiền như con dao hai lưỡi. Nếu sử dụng không đúng cách có thể dẫn đến tự hại mình hại người. Nên việc bạn chỉ dẫn cho trẻ cách tiếp cận và nhận thức về tiền phù hợp qua từng giai đoạn, giúp các em có nền tảng tư duy tích cực làm hành trang bước vào cuộc sống, dưới đây là một vài điểm then chốt.

Đối với phương pháp sử dụng tiền còn bỡ ngỡ và xa lạ với một vài cá nhân, nhưng cũng có nhiều người đã biết đến. Phương pháp dạy trẻ cách sử dụng tiền như sau, nếu trẻ có 10 USD, hoặc bạn cho trẻ 10 USD thì số tiền này sẽ được chia ra thành bốn phần.

2 USD đầu tiên dùng để làm từ thiện, mua cây trồng rừng, giúp đỡ người khác, mua quà tặng cho các bạn khác có hoàn cảnh khó khăn. Thậm chí bạn có thể tập hợp những gia đình cùng chí hướng, giúp trẻ thành lập một “quỹ từ thiện” ngay từ nhỏ, để vào mỗi tháng các em có thể cùng nhau đi giúp đỡ mọi người (nuôi dưỡng trái tim biết yêu thương).

1 USD dùng để tiết kiệm.

3 USD dùng để đầu tư (giúp trẻ rèn luyện trí tuệ).

4 USD còn lại dùng để chi tiêu cá nhân (cách nuôi dưỡng thân thể vật lý).

Vậy tổng cộng sẽ có 4 ngăn đựng tiền và chi tiêu cho trẻ. Sau khi đã hướng dẫn rõ đứa trẻ cách sử dụng tiền theo bốn ngăn ở trên, trong thời gian đầu bạn cần đồng hành cùng các con cách sử dụng tiền đúng cách, cho đến khi trẻ hình thành trong tiềm thức cách sử dụng tiền theo bốn ngăn ở trên là bạn thành công. Sau một thời gian cần mở rộng tự do của con, bạn đứng ngoài quan sát, nói chuyện về cách trẻ chi tiêu tiền hàng tuần, hàng tháng đã hợp lý hay chưa và đưa ra giải pháp thích hợp nếu như con sử dụng sai so với những định hướng ban đầu.

Ở đây 3 USD dùng để đầu tư và 4 USD dùng để tiêu, vô tình ám chỉ một thuật ngữ mà đại đa số chúng ta nhầm lẫn, chưa hiểu rõ dẫn đến những sai lầm không đáng có gây ảnh hưởng đến việc quản lý và sử dụng tài chính.

USD dùng để đầu tư tượng trưng cho tài sản. Tài sản là những gì bạn bỏ tiền ra để sở hữu, trong tương lai số tiền ban đầu sẽ sinh lời so với số tiền ban đầu mà bạn đã bỏ ra. Chẳng hạn mua cổ phiếu, cổ phiếu tăng, bán ra có lời hoặc bạn mua một mảnh đất sau đó bạn cho thuê hàng tháng, bạn nhận tiền cho thuê mặt bằng, thì số tiền ban đầu lại sản sinh ra số tiền khác nữa, nó sẽ gia tăng thu nhập cho bạn.

USD dùng để tiêu, tượng trưng cho tiêu sản, thuật ngữ mà khá nhiều nhầm lẫn. Tiêu sản là những gì bạn bỏ tiền từ trong túi ra để sở hữu chúng, sau đó lại tiếp tục bỏ tiền ra để nuôi hoặc duy trì thứ bạn đang sở hữu. Cụ thể mua xe dùng để đi lại, sau đó lại tốn tiền đổ xăng, bảo dưỡng, bảo hiểm, sửa xe,…và chắc chắn chiếc xe ấy sẽ không bao giờ đủ bù lại số tiền mà bạn phải bỏ ra cho nó.

Đối với người Việt chúng ta thường hay dành cho tiêu sản nhiều hơn vì một số nguyên nhân sau: “Chúng ta thường chưa hiểu rõ đâu là tiêu sản, đâu là tài sản nên thường lầm tưởng tiêu sản là tài sản. Chúng ta thường thiếu kiên nhẫn, tâm lý thích hưởng thụ ngay khi đạt dù một chút thành quả nhỏ, nên thường sử dụng tiêu sản dễ dàng. Mua tiêu sản là nhu cầu cuộc sống hằng ngày, đơn giản và nhanh chóng cùng với tâm lý ‘bằng bạn bằng bè, thích thể hiện của người Việt’, nên có sức hấp dẫn mau chóng. Trong khi mua tài sản đòi hỏi sự kiềm chế những ham muốn thỏa mãn tức thời, phải tích lũy hoặc động não để bắt nó sinh lời.”

Khi cầm tiền trong tay bạn tiêu tiền vào tài sản hay tiêu sản?

3. Hướng dẫn trẻ cách dùng tiền để sinh ra tiền

Khi đứa trẻ lớn hơn, bước vào tuổi dậy thì là lúc tư duy phát triển. Bạn có thể giúp trẻ hiểu lợi ích của việc mua “tài sản” và khiến tài sản làm việc cho bản thân, để tiền đẻ ra tiền. Nhằm giúp trẻ làm chủ tài chính trong tương lai không xa, hiểu hơn và biết cách sử dụng tiền.

Chẳng hạn khi con thích đọc truyện tranh, bạn có thể khuyến khích con mua sách, vừa được đọc vừa có thể mang đến trường cho bạn thuê. Cũng có thể cho phép trẻ dùng tiền của mình gửi vào các hoạt động kinh doanh của gia đình để sinh lời, hoặc cho người khác vay mượn. Mục đích ở đây không đơn giản để học cách dùng tiền đẻ ra tiền, mà còn thông qua hoạt động chi tiêu, sử dụng tiền giúp đứa trẻ đánh thức những giá trị tốt đẹp đã sẵn có bên trong. Đồng thời biết cách đối mặt với cám dỗ, rèn luyện kỹ năng quản lý tài chính, giúp trẻ trở thành một người tự do, tự chủ về mặt tài chính.

Hầu hết mọi người cho rằng phải học rành rẽ rồi mới làm việc được, nhưng học và làm không phải là hai thời kỳ nối tiếp học trước làm sau như mọi người lầm tưởng, thực sự học và làm là một quá trình song song. Những gì học mà không vận dụng được vào thực hành, đơn giản đó chỉ là kiến thức - kiến thức là thứ bạn học được. Đem những gì học, vận dụng trong việc làm sẽ sinh ra tư duy và trí tuệ - đó là cách sử dụng kiến thức vào trong đời sống.

Vì vậy muốn có tư duy, trí tuệ cần thông qua lao động, lao động cần cho sự phát triển của mọi đứa trẻ. Nhưng với suy nghĩ nuôi con thông thường, đợi con cầm bằng tốt nghiệp rồi mới bắt đầu khởi nghiệp là trễ một bước rồi. Bởi những gì đứa trẻ có được sau 12 năm trên ghế nhà trường và 4 năm đại học, chỉ là rất nhiều kiến thức khô cứng và nhanh chóng trở nên lỗi thời.

Thay vào đó với những gợi ý về các mốc thời gian như trên, đứa trẻ được rèn luyện kết hợp đồng thời giữa học và làm thì đến tuổi 22 trở đi, các em sẽ đồng thời phát triển được nhiều kỹ năng. Có nội lực mạnh mẽ, tư duy linh hoạt, phát triển trí tuệ, có khả năng sinh tồn, tự do về tài chính, sống ung dung dễ hòa nhập với môi trường, xã hội hơn nhiều so với những chú chim còn ngơ ngác mới bước chân vào đời. Với cách tư duy này bạn khuyến khích con “khởi nghiệp”, từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Sau đây là câu chuyện gói gọn được thông điệp mà tôi mong muốn bạn hiểu và qua đó giúp bạn lý giải việc “học và thực hành” là một quá trình song song diễn ra như thế nào.

Năm 1973, một thanh niên tên là Colette ở thành phố Liverpool của Anh đã trúng tuyển vào đại học Harvard ở Mỹ, cùng ngồi với anh mỗi khi lên lớp là một chàng trai người Mỹ 18 tuổi. Vào năm thứ hai đại học, chàng trai này bàn luận với Colette, cùng nhau nghỉ học để khai phá phần mềm tài chính 32 Bit. Khi đó, Colette cho rằng bản thân mình đến đây để học chứ không phải chơi. Vả lại muốn khai phá phần mềm tài chính 32 Bit, mà không học hết chương trình đại học thì không thể. Nên anh đã khéo léo từ chối lời mời của chàng trai đó.

Năm 1992, Colette lấy được học vị tiến sĩ khoa máy tính, còn chàng trai người Mỹ bỏ học kia đã trở thành một trong những đại phú hào lớn nhất nước Mỹ. Năm 1995, Colette cho rằng bản thân mình đã có đủ kiến thức, có thể nghiên cứu và khai phá phần mềm tài chính 32 Bit thì chàng trai kia đã vượt qua hệ thống Bit, khai phá phần mềm tài chính EIP, nó nhanh gấp 1500 lần so với Bit và trong hai tuần đã chiếm lĩnh thị trường toàn cầu, giúp anh vào năm đó trở thành người giàu có nhất thế giới.

Chàng trai đó là Bill Gates.

Các mốc thời gian lao động và cách sử dụng tiền có thể tóm lại ở bốn bước sau:

Từ 0 đến 10 tuổi, trẻ có thể tự làm những việc có liên quan đến mình và một số việc nhỏ giúp gia đình. Đồng thời cho trẻ nhận biết mặt tiền, các mệnh giá và biết tiền dùng để làm gì.

Từ 11 đến 14 tuổi, trẻ không chỉ lao động vì bản thân mà còn cho gia đình. Bạn nên tạo điều kiện, cơ hội cho trẻ tự làm việc để kiếm tiền tiêu vặt, học cách sử dụng, quản lý tiền như bốn phần đã được nêu ra ở trên.

Từ 15 đến 18 tuổi, cho các em làm quen với một số công việc, để kiếm tiền chi trả sinh hoạt và nhu cầu cho bản thân. Chúng cần học và hiểu được thế nào là tiêu sản và tài sản, làm quen với việc đầu tư để sinh lời và có tài khoản cá nhân riêng.

Từ 19 đến 21 tuổi trở về sau, các em tự có khả năng lao động để sinh tồn, hướng đến một con người tự do về tài chính. Không nhất thiết là bắt buộc nhưng ít nhất trong tư duy của chúng đã sẵn sàng cho điều đó.

Những đứa trẻ sống trong gia đình khá giả hoặc giàu có, cần tập luyện thói quen và tinh thần lao động. Với trẻ thông minh, lanh lợi, có những phẩm chất ưu việt lại càng nên biết lao động. Vì chỉ có thông qua lao động mới có thể hiện thực hóa được những ý tưởng, công trình vĩ đại mà chúng nghĩ ra. Còn đối với một người bình thường, gia cảnh không tốt, năng lực không được mạnh mẽ, lại thêm trí lực không quá xuất sắc.

Lúc đó sự thành công của chúng chỉ có thể đến từ việc chuyên cần lao động, vượt hẳn những đứa trẻ sống trong gia đình khá giả; càng phải chăm chỉ, nhẫn nại và kiên trì gấp bội lần những người có khối óc thông minh.

Đứa trẻ có thể lo cho chính mình, nó biết nấu ăn, làm rất nhiều thứ và biết cách tạo ra thu nhập cho bản thân. Đứa trẻ được tự do, còn bạn thoát khỏi những dính mắc, những lo lắng không cần thiết cho cuộc đời con.

Trần Huy Toàn

Được tạo bởi Blogger.