HÀNH TRÌNH CỦA ĐẠI BÀNG

TINH HOA GIÁO DỤC 12 (PHẦN 3 - HẾT)

THẤU HIỂU VỀ CON NGƯỜI, NUÔI DƯỠNG CON THUẬN TỰ NHIÊN

III. ĐỨA TRẺ CẦN ĐƯỢC MẸ THIÊN NHIÊN NUÔI DƯỠNG

“Lục địa Nam Cực” bộ phim đắt giá nhất lịch sử phim truyền hình của TBS, được xây dựng dựa trên câu chuyện có thật kể về một dự án tầm cỡ quốc gia nhằm gây dựng lại niềm tự hào dân tộc. Đội thám hiểm mùa đông Nam Cực đầu tiên của Nhật Bản đã khởi hành từ Nhật trên chiếc tàu do thám ‘Soya’ vào năm 1956, trong phim có đoạn đối thoại như sau:

Giáo sư Hoshino nói: “Giống như Amundsen của NaUy và Scott của Anh, rất nhiều nhà thám hiểm đã bỏ mạng tại Nam Cực này”. Mọi người nghĩ xem tại sao thế? Rồi ông nói tiếp: “Đó là vì họ đã cố gắng chế ngự Nam Cực.”

Kuramochi, nhân vật chính trong phim trả lời: “Vì vậy thay vì chế ngự nó, nếu chúng ta nghĩ rằng Nam Cực giúp chúng ta sống sót, thì chúng ta có thể tiếp tục.

Khi đó, mỗi trở ngại có thể sẽ biến thành một cuộc phiêu lưu.”

Có thể xem đó là chuẩn mực trong cách sống, kim chỉ nam hiệu quả để định hình việc nuôi dưỡng trẻ em hòa hợp và thuận theo thiên nhiên. Vì hiểu được lẽ đó mà thời xưa, các chiến binh tộc Sparta được xem là một trong những đội quân hùng mạnh nhất lịch sử cổ đại. Để có được danh hiệu như vậy, ngay từ nhỏ những đứa trẻ ở xứ Sparta đã phải trải qua một quá trình huấn luyện khắc nghiệt mà ở đây cái đói, việc đối mặt với sự khắc nghiệt của tự nhiên, việc chịu đựng và những chấn thương là một phần rất nhỏ trong quá trình huấn luyện.

Mông Cổ do ở trên cao nguyên có vị trí cao hơn nhiều so với mực nước biển, nên khí hậu nơi đây rất khắc nghiệt. Để giúp trẻ sinh tồn trong môi trường này, khi các em bé mới ra đời bố mẹ thường nhúng chúng xuống các dòng sông lạnh như băng để tập cách thích nghi.

Nhật Bản có bốn mùa rõ rệt, khí hậu cũng không đến nỗi khắc nghiệt nhưng họ cũng rất chú trọng việc rèn luyện thể chất cho trẻ nhỏ. Bằng chứng là khi mùa Đông đến, thỉnh thoảng các trường mầm non ở Nhật lại cho các em bé trai lẫn gái cởi hết đồ chỉ mặc một chiếc quần ngắn và vui chơi dưới trời lạnh giá.

Đất nước chúng ta, trên các vùng cao có các đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nơi mà điều kiện kinh tế còn gặp khó khăn. Cơm canh giản đơn, áo quần không đủ mặc, vào trời nắng các em phải phơi mình trên sườn núi, vào lúc khí lạnh tràn vào, nhìn cảnh các em mặc bộ quần áo rách và mỏng manh, đã khiến không biết bao người ngậm ngùi trước hoàn cảnh ấy.

Nhưng điểm chung ở tất cả những đứa trẻ này là dù cố tình hay vô ý, trẻ đều được hòa hợp với thiên nhiên, sống thuận với tự nhiên, quen chịu đựng với đủ loại hình khí hậu. Nên các em lớn lên đều có cơ thể dẻo dai, khỏe mạnh, khả năng chịu đựng, sức đề kháng và thích nghi với môi trường rất tốt.

Còn trẻ con Việt Nam thời gian gần đây được nuôi dưỡng và lớn lên như thế nào?

Dâu tây người ta thường trồng chúng trong nhà kính và luôn luôn đảm bảo một nhiệt độ cụ thể, ổn định, để hạn chế tối đa sự tác động của môi trường bên ngoài. Trái dâu tây có vẻ ngoài rất bắt mắt, ăn ngon, nhưng nhược điểm thì nhiều vô cùng. Chúng khó bảo quản, dễ bầm dập và không thể tự tồn tại trong môi trường tự nhiên với nhiều biến đổi. Tóm lại, sự sinh trưởng của dâu tây phụ thuộc hoàn toàn vào ngoại cảnh.

Ngày nay, có vẻ như nhiều người đang nuôi trẻ đúng với phương pháp đó, cách ly môi trường sống của trẻ. Hạn chế sự tiếp xúc của trẻ với mẹ thiên nhiên, như đón nhận ánh nắng mặt trời hoặc những cơn mưa mát lành. Trời nắng không cho ra ngoài sợ đen da, tia cực tím, trời mưa lại sợ lạnh, trời râm râm cho rằng thời tiết xấu có điều chẳng lành. Lên rừng sợ nguy hiểm, ra sông xuống biển lại sợ đuối nước, ngăn cấm đứa trẻ ra ngoài, gần gũi với thiên nhiên. Cứ thích con trẻ ở nhà cho an toàn, nóng một chút là liền bật quạt, có điều kiện hơn dùng máy lạnh, thời tiết nóng bức dùng nước mát, trời lạnh dùng nước ấm, chăn dày, máy sưởi, đi ra ngoài có xe đưa đón. Khiến những đứa trẻ này lớn lên cũng không khác dâu tây được trồng trong nhà kính, cuộc sống bị phụ thuộc và chi phối bởi các điều kiện bên ngoài.

Ai cũng muốn tốt cho con, nhưng hai phương pháp ở trên thể hiện hai cách yêu thương và quan tâm con hoàn toàn khác nhau. Một bên chủ động buông tay, tạo điều kiện cho trẻ thích nghi, đối mặt, va đập, tự bảo vệ bản thân. Một bên yêu thương con bằng cách thiết lập môi trường quá an toàn, cho trẻ sống trong không gian giới hạn và chủ động bao bọc các em. Đối với cách thứ nhất có vẻ hơi tàn nhẫn, nhưng lại hoàn toàn phù hợp với đặc điểm sinh lý và kết cấu của cơ thể.

Bộ não con người thật kỳ diệu, nó xử lý và hoạt động khi có thông tin vào, còn thông tin ở đây lại đi qua nhiều con đường khác nhau như thính giác, thị giác, cảm giác, xúc giác,… Nếu xử lý một thông tin lặp đi lặp lại, lâu dần sẽ định hình một phần thế giới quan của trẻ. Lúc trẻ còn nhỏ, hầu như thế giới quan chưa được định hình rõ ràng, thông tin đi vào bao nhiêu, não bộ sẽ xử lý bấy nhiêu. Thông tin càng vào, não bộ càng hoạt động, thế giới quan lại mở rộng. Sau đó sẽ được thể hiện ra bên ngoài thông qua các phản ứng của cơ thể.

Nếu bạn để ý sẽ thấy người Việt Nam đi xe khách hay đi xe dịch vụ đường xa thường có dấu hiệu bị say xe, dẫn đến các triệu chứng như ói mửa, chóng mặt, kiệt sức. Vì lúc nhỏ, trải nghiệm của những người này trong những chuyến đi trên xe, đi tàu gần như không có. Não bộ của họ chưa bao giờ xử lý những thông tin kể trên, nên bây giờ cơ thể phản ứng gay gắt. Ngược lại, người phương Tây không sao cả, đó là vì ngay từ nhỏ họ đã được bố mẹ dẫn đi chơi xa nhiều lần, não bộ đã được tiếp nhận và xử lý thông tin này. Hoặc khi người phương Tây sang Việt Nam ăn trái sầu riêng, hột vịt lộn, tiết canh, họ phản ứng dữ dội, còn chúng ta thì ăn một cách khoái khẩu. Tại sao vậy? Vì bên đó không có những món này, não bộ chưa bao giờ xử lý những thông tin như vậy trước đó. Não con người rất kỳ diệu, khiến con người thật kỳ diệu.

Tương tự như vậy nếu ngay từ nhỏ bạn nuôi trẻ trong sự bao bọc, chúng vẫn lớn lên, nhưng não bộ của chúng chỉ xử lý được những thông tin rất hạn chế, ví dụ nhiệt độ thích hợp để cơ thể chúng ổn định là 27oC. Ngoài ra những tác nhân khác chúng không chịu được, bởi vì não bộ của chúng chưa bao giờ xử lý thông tin đó, chúng sẽ khổ. Còn những đứa trẻ được nuôi dạy theo cách thứ nhất lại khác, chúng có thể sẵn sàng đối mặt trước mọi thời tiết và loại hình khí hậu, nhưng có thể thích nghi dễ dàng. Vì trước đó những thông tin này đã được xử lý, nên bây giờ các em có thể tiếp nhận một cách bình thường. Còn một khi con bạn đã lớn, thế giới quan đã hình thành rõ ràng. Lúc này muốn mở rộng, đưa thông tin vào là việc làm khó khăn, cơ thể vật lý sẽ có những phản ứng quyết liệt.

Não và cơ thể của con người hội đủ tất cả tiềm năng để tiếp nhận bất kỳ một tác nhân kích thích nào đến từ thế giới bên ngoài, dù tốt hay xấu. Đứa trẻ nào cũng đều có đủ khả năng để thích nghi và tiếp nhận mọi thứ. Vậy thì tại sao bạn lại giới hạn thế giới quan, môi trường trải nghiệm của các em.

Do đó hãy cho con trẻ có cuộc sống gần gũi với Mẹ Thiên Nhiên. Hãy để những thông tin có trong tự nhiên đi vào trẻ. Cho các em được đội nắng, được tắm mưa, chơi với bùn và lăn lộn trên những bãi cát. Thỉnh thoảng được ngủ ngoài trời, được nhặt lá cây, dựng trại bằng cành cây, ăn cơm trong rừng, tắm dưới sông, suối. Đừng vội mang mũ, mặc áo khoác khi trẻ ra nắng, đừng vội mặc áo ấm, đội mũ len khi trời lạnh, để chúng chịu đựng cái nóng, cái lạnh một chút cũng tốt. Đừng chở chúng đến trường bằng xe máy hay ô tô, đừng cho con trẻ ngủ máy lạnh, bạn làm vậy cũng được nhưng dưới dạng trải nghiệm thì không sao. Nên giới hạn việc sử dụng quạt điện và dùng nước ấm để tắm, khi đó con không bị phụ thuộc vào những sản phẩm do con người tạo ra.

Bạn nuôi dưỡng làm sao để khi không được bố mẹ đưa đón, đứa trẻ vẫn tự tin đi trên đôi chân của mình đến trường. Thời tiết lạnh giá hay nóng, con bạn vẫn có thể vui vẻ chơi ngoài trời, mùa Đông không có nước ấm, chúng vẫn tắm được. Trời nóng không có máy quạt, điều hòa các em vẫn ngủ mà không hề kêu ca,… đứa trẻ như thế mới thực sự có tự chủ, không hề bị phụ thuộc bởi ngoại cảnh và có được sự cân bằng.

Nuôi dưỡng thuận tự nhiên thì khả năng thích ứng với môi trường xung quanh của trẻ em sẽ nhanh chóng tăng lên. Nhưng đó chỉ mới nói đến sự tác động lên cơ thể vật lý. Còn một chiều hướng khác cũng rất quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp đến tâm thức và nhận thức của các em qua hai cách nuôi dạy trên.

Chúng ta đang sống trong một thời đại mà những thành tựu khoa học, công nghệ có mặt khắp mọi nơi và cũng ảnh hưởng trực tiếp đến giáo dục. Ở trường học ngày càng nhiều máy chiếu, máy tính được đưa vào các hoạt động giảng dạy. Thậm chí trong tương lai gần robot sẽ thay thế giáo viên đứng lớp. Ở nhà đứa trẻ uống một ly nước cũng có máy lọc, học có máy tính, điện thoại hỗ trợ, muốn giải trí thì có máy nghe nhạc, tivi, đồ chơi điện tử. Nhà ở, trường học, nơi công cộng được thiết kế được bao chế tạo ra, bị tách biệt khỏi thiên nhiên, đặc biệt là những đứa trẻ ở thành phố.

Những đứa trẻ đó lớn lên sẽ có xu hướng nghĩ rằng thiên nhiên và vũ trụ chỉ là một tập hợp, được kết cấu một cách ngẫu nhiên, mọi thứ không có gì hơn ngoài những tạo vật do con người sáng tạo ra. Dễ dàng trở thành con người duy vật thuần túy, gây nên những hiểu biết thiên lệch và khiếm khuyết, làm cho con người ngày càng trở nên ngạo mạn về chính mình. Những đứa trẻ như vậy lớn lên thường có xu hướng đi ngược lại với những gì hoang sơ, thậm chí chống lại thiên nhiên.

Ngược lại, nếu bạn hướng dẫn cho trẻ em cách tiếp xúc, làm chủ và sử dụng những sản phẩm do con người tạo ra một cách hợp lý. Cho trẻ được gần gũi với thiên nhiên nhiều hơn, rồi dần dần gợi mở, đặt ra những câu hỏi để đứa trẻ có thể quan sát vạn vật một cách có ý thức. Muôn loài lục súc, tôm cá sung túc, cây cối um tùm, động vật đầy ắp khắp núi rừng đều có sự cân bằng tuyệt đối. Không dư, không thiếu, không thừa, từ hạt bụi bé nhỏ đến những dãy thiên hà vĩ đại. Vạn vật từ đâu và ai đã thiết lập trật tự đó? Điều kiện cần thiết để sinh vật hay con người sống tồn tại là nước ở trạng thái lỏng. Cơ thể con người 70% là nước và 70% diện tích trên bề mặt Trái Đất cũng được bao phủ bởi nước. Đây là sự trùng hợp hay phải chăng con người là một Trái Đất thu nhỏ? Khoảng cách để nước trên Trái Đất có thể tồn tại ở thể lỏng là khoảng cách thích hợp giữa Trái Đất và Mặt Trời. Nếu gần hơn một chút nước sẽ bốc hơi hết, Trái Đất sẽ như Sao Kim, nếu xa ra một chút tất cả sẽ đóng băng, khắc nghiệt như Sao Hỏa. Tại sao Trái Đất lại nằm ở điều kiện thuận lợi như vậy? Mặt Trăng là một hệ tinh quay quanh Trái Đất, điều khiển thủy triều biển cả. Nếu nó không cách xa Trái Đất 380.000 cây số mà xích lại gần hơn một chút, một cuộc đại hồng thủy sẽ xảy ra. Nước sẽ bị sức hút dâng lên do lực hấp dẫn của Mặt Trăng và nhấn chìm tất cả các lục địa. Sự kết nối này đến từ đâu?

Tất cả những điều đó phải chăng là ngẫu nhiên để hình thành nên hành tinh tuyệt vời này? Hay do một bàn tay vô hình, thế lực siêu nhiên nào đó sáng tạo và nếu có, ý nghĩa của sự tạo lập ra con người, thiên nhiên và vũ trụ là gì?

Qua sự gần gũi, chiêm nghiệm, quan sát thiên nhiên và cách bạn dẫn dắt như vậy, những câu hỏi mơ hồ về ý nghĩa ẩn đằng sau vạn vật sẽ dần dần xuất hiện. Đó cũng là cách để nuôi dưỡng hạt mầm tâm linh có thể nảy nở trong tâm hồn đứa trẻ, là con đường dẫn đến sự kết nối với cội nguồn.

Trẻ em là đứa con của Vũ Trụ, tinh hoa của Đất Trời, đến với thế giới này thông qua thân thể con người. Ở đây chúng có một người mẹ tuyệt vời là Mặt Đất, người cha vĩ đại là Bầu Trời, đã chuẩn bị sẵn một chương trình học công phu và hoàn hảo nhằm nuôi dưỡng, dạy dỗ đứa trẻ, hơn hết thảy những phương tiện, trang thiết bị, phòng học, giáo trình mà con người có thể nghĩ ra để giam cầm đứa trẻ trong bốn bức tường. Vì thế đối với trẻ từ 0 đến 10 tuổi, phương pháp giáo dục cao nhất là cần cho các em ra ngoài thiên nhiên khoảng năm tiếng mỗi ngày, lang thang cùng vạn vật, hòa theo gió mây trời, để học hỏi, trải nghiệm và phát triển. Như vậy, trí tuệ Đất Trời sẽ dần dần thấm sâu vào trong người các em một cách tự nhiên nhưng vô cùng nhiệm màu.

Đỉnh cao của giáo dục thuận tự nhiên, là bạn biết cách tối giản phương pháp giáo dục nhưng mang hiệu quả tối đa.

Tổng quan bảy năm đầu đời, điều gì là quan trọng đối với đứa trẻ?

Khi em bé còn nằm trong bụng, cơ thể vật lý của bé gắn bó mật thiết với cơ thể mẹ. Sức khỏe của bé ở giai đoạn này, với sự hình thành bình thường những nền tảng của bộ phận trong cơ thể, chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, nhưng nhiều nhất và trực tiếp bởi sức khỏe của người mẹ. Trong thời gian này, muốn hỗ trợ quá trình ấy của bé, bạn chỉ có cách là tác động gián tiếp, thông qua cơ thể của người mẹ. Cho nên muốn bào thai khỏe mạnh và phát triển tốt, mẹ bầu cần ăn uống lành mạnh, sinh hoạt điều độ, tinh thần ổn định, nên tránh xa các chất kích thích, tâm lý tiêu cực, hay còn gọi là quá trình - thai giáo.

Khi bé chào đời, cơ thể của bé tách rời cơ thể của mẹ, thế nhưng cơ thể vật lý ấy nào đã phát triển xong. Nên giờ đây, trong tình hình mới bé đã tách rời, độc lập với cơ thể mẹ. Bạn cần tiếp tục hỗ trợ sự phát triển của bé, bằng cách tác động trực tiếp vào môi trường vật lý nơi bé đang ở. Chất dinh dưỡng bé tiếp nhận, không khí bé hít thở, âm thanh đi vào tai bé, những vật liệu mà da thịt bé tiếp xúc, các hoạt động tác động lên cơ thể, leo núi, thời gian ngủ nghỉ,... Trong giai đoạn này, cơ thể vật lý của bé sẽ phát triển chủ yếu dựa trên nền tảng mà lúc bé còn ở trong bụng mẹ, và những tác động trực tiếp từ môi trường bên ngoài như vừa nêu.

Cho nên từ lúc sinh ra đến năm lên bảy tuổi có một nhiệm vụ cần thực thi. Trong thời kỳ này các cơ quan vật lý phải tự định hình những hình dạng nhất định (đặc biệt là nội tạng). Trong thời kỳ sau này cơ thể vật lý vẫn tiếp tục phát triển, thế nhưng sự phát triển trong suốt phần đời còn lại là dựa trên hình thể đã được hình thành trong giai đoạn đầu đời. Hình thể đúng đắn được hình thành, hình thể đúng đắn sẽ phát triển. Hình thể khiếm khuyết được hình thành, hình thể khiếm khuyết sẽ phát triển.

Bạn không thể sửa chữa được những gì mà trên cương vị người làm giáo dục đã bỏ mặc đứa trẻ trong bảy năm đầu đời, cũng như hậu quả trong việc không mang lại môi trường thích hợp cho cơ thể vật lý trước lúc em bé được sinh ra và sau khi trẻ chào đời. Lev Nikolayevich Tolstoy nói: “Tất cả những gì mà đứa trẻ sẽ có sau này khi trở thành người lớn đều thu nhận được trong thời thơ ấu. Trong quãng đời còn lại, những cái mà nó thu nhận được chỉ đáng một phần trăm những cái đó mà thôi.”

Vì vậy, chương trình giáo dục và phương pháp đào tạo trẻ nhỏ từ 0 đến 7 tuổi cần theo sát với các hoạt động vui chơi, thể thao để các em rèn luyện tinh thần, thể chất, được hòa mình với thiên nhiên, với năng lượng đất trời. Khi đó những bài học về lương tâm, đạo đức và tình yêu thương sẽ được người làm giáo dục lồng ghép khéo léo, tự nhiên, vào trong những hoạt động - chơi thật vui mà học lúc nào không biết.

Trần Huy Toàn

Được tạo bởi Blogger.