HÀNH TRÌNH CỦA ĐẠI BÀNG

TINH HOA GIÁO DỤC 10

BỐ MẸ HỌC CÁCH NHẪN NẠI, KHƠI DẬY ĐƯỢC TÍNH KIÊN TRÌ TRONG CON

Napoleon Hill là người có ảnh hưởng rộng rãi và mạnh mẽ trên lĩnh vực thành công cá nhân trong lịch sử. Một trong những cống hiến đưa tên tuổi cũng như sức ảnh hưởng của ông lan tỏa rộng khắp như vậy phải kể đến cuốn sách “Nghĩ giàu và làm giàu”. Nhưng để hoàn thành cuốn sách kinh điển ấy ông đã dành gần như toàn bộ thời gian và công sức trong suốt gần 30 năm kiên trì phỏng vấn hơn 500 người nổi tiếng và thành công nhất trong nhiều lĩnh vực, cùng hàng ngàn doanh nhân khác - cả những người thất bại cũng như thành công.

Theo cuốn sách “Những kẻ xuất chúng”, Malcolm Gladwell đưa ra một nghiên cứu khoa học, có thể kết luận như sau: “Một câu trả lời nhất quán đến phi thường trong vô vàn lĩnh vực, bạn cần phải luyện tập, học việc trong 10.000 giờ để đạt đến cấp độ tinh thông”. Nhận định này gây ra nhiều ý kiến trái chiều, nhưng chúng ta không đi sâu vào vấn đề đó ở đây, muốn đạt đến độ tinh thông thực sự còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa như thiên bẩm, môi trường chúng ta cũng chưa bàn đến. Nhưng rõ ràng 10.000 giờ ở đây có ý nghĩa rất thực tiễn, ít nhất muốn thành công ở một lĩnh vực hoặc phát triển được tiềm năng, năng khiếu nào đó thì việc đầu tiên cần làm là ta phải thực sự kiên trì, chăm chỉ luyện tập - dù có đến mức 10.000 giờ hay không.

Tổng thống đời thứ 30 của Hoa Kỳ Calvin Coolidge có một nhận định: “Không có gì trên thế giới này có thể thay thế lòng kiên trì. Không phải năng khiếu vì không có gì phổ biến hơn những người có năng khiếu mà thất bại. Không phải là thiên tài vì thiên tài mà không được công nhận đã trở thành giai thoại. Không phải là giáo dục vì thế giới này có quá nhiều người có học vị bị bỏ quên. Chỉ lòng kiên trì và sự quyết tâm là có quyền lực tuyệt đối. Câu khẩu hiệu ‘Hãy tiến lên’ đã và sẽ giải quyết mọi vấn đề của loài người.”

Thậm chí cũng không cần bất kỳ nghiên cứu khoa học nào hay đưa ra các dẫn chứng như ở trên để chứng minh, bạn chỉ cần nhìn vào bản thân và những người xung quanh để hiểu được điều này rõ ràng. Tính kiên trì một nhân tố ảnh hưởng rất nhiều đến sự thành công hay thất bại của một người trong bất kỳ lĩnh vực nào. Và có thể được xây dựng từ lúc con người còn nhỏ, bởi vì khi lớn lên một khi tính cách này đã được hình thành hay không có rõ ràng thì sẽ rất khó thay đổi sau này. Cho nên, một trong những nhiệm vụ của giáo dục đào tạo, là làm sao tạo môi trường phù hợp để đặc tính này phát triển ở trẻ em.

Khi trẻ đã được mười hai tháng tuổi trở lên, các em sẽ có thôi thúc tự thân làm mọi việc như: Mặc quần áo, quét nhà lau nền, muốn thử dùng bàn chải đánh răng, cài quai nón bảo hiểm, tự trèo lên xe, làm việc nhà,... Tóm lại, bất kỳ công việc gì có liên quan trực tiếp hay gián tiếp, trẻ đều muốn tự mình thử, tự mình trải nghiệm.

Nhưng nếu quan sát thì sẽ thấy rằng những lần như vậy, đặc biệt những trải nghiệm đầu tiên của trẻ thường rất khó khăn, mất nhiều thời gian nhưng vẫn không được như ý. Điều này khiến đứa trẻ mau chóng trở nên lúng túng, chuyển sang khó chịu và cuối cùng là mất kiểm soát, các em gào khóc.

Đối với trẻ đây là lần đầu tiên chúng trải nghiệm và làm một chuyện gì đó, lúc nào cũng khó khăn. Trẻ còn nhỏ, chưa hoàn toàn điều khiển được cơ thể như ý muốn, suy nghĩ và hành động chưa ăn khớp với nhau nên sẽ gặp không ít trở ngại. Hơn nữa ở độ tuổi này, loại tư duy chi phối mạnh mẽ nhất vẫn là tư duy theo lối cũ, do não bò sát làm chủ. Đặc điểm của lối tư duy này là ngắn hạn, thiếu kiên nhẫn, nên chỉ cần làm một việc gì đó mất chút thời gian mà chưa hoàn thành là trẻ nhanh chóng tỏ ra tức giận và thoái chí, đây là một phản ứng hoàn toàn dễ hiểu. Vấn đề là sẽ có hai kiểu bố mẹ, trong cùng một hoàn cảnh, sẽ tác động đến con theo hai cách khác nhau, làm cho trẻ cũng hình thành tính cách và cách nghĩ cũng khác.

Tần Huy Toàn

Được tạo bởi Blogger.