HÀNH TRÌNH CỦA ĐẠI BÀNG

TINH HOA GIÁO DỤC 11 (TIẾP THEO)

LAO ĐỘNG GIÚP HOÀN THIỆN CON NGƯỜI - THÂN TÂM TRÍ

I. HÌNH THÀNH THÓI QUEN LAO ĐỘNG NGAY TỪ NHỎ

1. Lý thuyết

Đánh thức thói quen lao động cho trẻ ngay từ khi chúng còn chưa ý thức được việc này có ý nghĩa là gì. Hẳn nhiều người quan sát sẽ thấy rằng, trẻ nhỏ thường tò mò, hiếu động và hay bắt chước người lớn. Đặc điểm chung của mọi đứa trẻ trong giai đoạn này là thích theo sát bố mẹ, mọi việc bạn làm như quét nhà, rửa chén, nhổ cỏ, xúc cát, giặt đồ, đi chợ nấu ăn, đọc sách, làm việc nào đó,... trẻ đều muốn bắt chước. Nếu bạn ngăn cấm con vì cho rằng vướng chân vướng tay, không giúp ích được gì nhiều cho công việc bạn đang làm, thì chẳng phải nói gì thêm. Nhưng nếu chú trọng giáo dục, đánh thức thói quen lao động, giúp trẻ phát triển cơ thể vật lý, đây sẽ là giai đoạn vàng và là cơ hội không thể bỏ qua để giúp trẻ hoàn thiện bản thân.

Do đó khi thấy trẻ có những động thái này, việc bạn cần làm là tạo ra những vết khắc tích cực trong tiềm thức cho các em.

Thay vì tỏ ra khó chịu và ngăn cấm trẻ vì cho rằng vướng chân tay, bạn nên khuyến khích trẻ tham gia. Thay vì chú trọng đến kết quả là phải hoàn thành công việc được như thế này thế kia, hãy chú trọng đến nỗ lực và khen ngợi đến quá trình. Thay vì cho trẻ tham gia cả quá trình, hãy để trẻ tham gia từng giai đoạn nhỏ, sau đó phát triển dần dần.

2. Ứng dụng vào thực hành

2.1 Giai đoạn một

Cụ thể lúc rửa chén, ban đầu bạn chỉ cần nhờ trẻ giúp mang cất những cái chén/bát nhỏ là được.

Sau một thời gian bạn có thể cho trẻ tráng, rửa chén/bát. Rồi nếu trẻ làm tốt hãy giúp trẻ làm theo từng quy trình một, làm việc bằng tất cả tình yêu của mình. Để trẻ có ấn tượng tốt về thói quen lao động, mỗi ngày hãy làm một ít. Được bên cạnh đồng hành, cùng làm việc với bố mẹ, những người đứa trẻ hết mực yêu thương, đó là niềm hạnh phúc không hề nhỏ đối với trẻ và giúp nuôi dưỡng hạt mầm yêu thương trong trái tim của các em.

Lớn hơn chút nữa nên để trẻ gánh vác, san sẻ bớt công việc nhà cho bố mẹ. Từ việc hỗ trợ bố/mẹ rửa chén bát, sang đảm nhiệm vai trò rửa chén bát. Từ việc hỗ cùng mẹ phơi đồ, chuyển sang giặt và phơi đồ cho cả nhà. Từ việc phụ mẹ nhặt rau, chuyển sang việc đi chợ chuẩn bị cơm cho gia đình. Hãy để cho trẻ nhỏ tham gia mọi công việc lao động phù hợp với năng lực của các em.

Những lần đầu trẻ làm còn vụng về và mất thời gian, thậm chí sẽ gây ra những rắc rối không nhỏ cho bạn, điều đó chắc chắn sẽ xảy ra. Bạn cần hiểu, cảm thông, nhẫn nại và cho các em thêm thời gian. Các phẩm chất được hình thành trong tương lai nhờ vào khả năng biết lao động từ nhỏ, đổi lại với những rắc rối, hỗn loạn, bừa bãi mà bạn gặp phải trong quá trình tạo điều kiện cho đứa trẻ hình thành thói quen lao động, cái giá phải trả là quá nhỏ, so với những gì gặt hái được trong tương lai sẽ rất lớn và xứng đáng hơn nhiều.

Từ 0 đến 10 tuổi, giai đoạn này cần hình thành cho đứa trẻ khả năng tự phục vụ các nhu cầu cơ bản cho chính mình và hình thành thói quen lao động từ việc đơn giản nhất.

2.2 Giai đoạn hai

Từ 11 đến 14 tuổi, lúc này kỹ năng cơ bản đứa trẻ cần đạt được không chỉ lo cho chính mình, mà còn đảm nhiệm một số công việc, chia sẻ trách nhiệm với người khác. Chuyển từ trạng thái chỉ phục vụ, lao động vì bản thân sang phục vụ, lao động cho cả gia đình.

Tiến hành giai đoạn hai, sẽ rất thuận lợi khi bạn đã hoàn thành tốt mục tiêu ở giai đoạn một. Nhưng nếu trước đó từ 0 đến 10 tuổi, bạn không tạo được nhịp điệu lặp đi lặp lại thường xuyên để hình thành thói quen lao động cho trẻ, không cho trẻ tham gia vào bất kỳ hoạt động chân tay nào có liên quan đến bản thân cũng như trong gia đình. Lúc này đứa trẻ sẽ thể hiện rõ tính lười nhác, chúng tỏ ra không thích các công việc động tay động chân, việc trước mắt thấy cũng không muốn làm, bạn nhờ cũng chưa chắc chúng đã làm, mặc dù bạn lúc nào cũng giúp những lúc chúng cần.

Nếu trẻ phản ứng như vậy cũng là chuyện bình thường, lúc này dùng phương pháp mềm dẻo, ít nhiều không còn hợp lý nữa. Do đó bạn cần có một động lực mới để trẻ làm việc, đó có thể là trách nhiệm với gia đình. Gia đình là cộng đồng thu nhỏ và các cá thể là một mảnh ghép tạo ra cộng đồng, nên mỗi thành viên cần có trách nhiệm gìn giữ và hỗ trợ. Vì vậy, hãy phân công lao động cùng nhau, đồng thời giải thích cho trẻ hiểu những gì được và mất, khi làm và không lao động. Để các em làm những việc từ trước đến giờ gần như chưa bao giờ động chân tay như lau nhà, giặt đồ, dọn cơm, rửa chén, nhổ cỏ, đổ rác, tất cả những việc liên quan đến bản thân và sinh hoạt gia đình.

Công việc nên được phân công phù hợp cho các thành viên trong gia đình, tùy vào sở thích, khung thời gian, sức lực của mỗi người. Cũng như quyền hạn và giới hạn trong những công việc một cách cụ thể, cần làm gì không được làm gì. Khi giao nhiệm vụ cho trẻ bạn phải giải thích rõ những gì bạn mong đợi, sau đó yêu cầu con lặp lại để đảm bảo rằng con đã hiểu đúng nhiệm vụ được giao.

Chị tôi lúc còn nhỏ đã trải qua rất nhiều tổn thương, khi đang ở tuổi ăn, học, chơi như những đứa trẻ khác, chị lại phải làm việc cơ cực, chăm sóc một đàn em nhỏ, gánh vác hết việc nhà, khổ sở, thiếu thốn tất cả. Khi lớn lên, lập gia đình, nhờ chăm chỉ làm việc nên kinh tế ngày một khấm khá. Lúc có con, những tháng ngày đau buồn lại vô thức dội về trong ký ức và chị nuôi dưỡng những đứa con với tổn thương của bản thân còn chưa được nhận diện và chữa lành. Những gì thiếu thốn lúc nhỏ, bây giờ chị cho con đủ cả. Ba cô con gái đều được nuông chiều, ngoài việc ăn học và chơi chẳng phải làm gì, thậm chí việc tắm rửa, ăn uống cũng có người phục vụ. Dần dần chúng trở nên lười nhác, tính nết cũng rất bực bội. Đến khi cô gái lớn bắt đầu vào tuổi dậy thì, gây ra rắc rối, không thích làm việc nhưng lại thích hưởng thụ, dù công việc gia đình rất nhiều, mẹ bận đến bao nhiêu cũng không giúp, mỗi lúc mẹ nhờ làm gì lại tỏ ra rất khó chịu. Thậm chí nhiều lần ăn trộm tiền để tiêu sài, khiến chị ấy sợ, lo lắng cho hai đứa còn lại.

Lúc đó chị mới nhờ tôi giúp đỡ, để nuôi dạy hai đứa còn lại cho nên người, tôi khuyên: “Hãy cho cháu được lao động”, chị ấy làm theo thật. Nhưng vì từ nhỏ quen được người khác phục vụ, không có thói quen lao động nên lúc đầu nói làm cái gì thì hai cô con gái, đặc biệt cô con út ra sức chống đối, bé nghĩ ra nhiều lý do để không làm việc như con mệt, con đang bận, làm cho qua chuyện và tỏ ra khó chịu. Lúc đó tôi khuyên chị đưa ra nguyên tắc để bé tham gia lao động như giải thích cho bé hiểu lao động là vì quyền lợi của bé, con làm xong phần việc mới được đi chơi; con làm việc mới có tiền ăn, mua những món đồ con thích. Rồi khi hai chị em làm chung lại tiếp tục phát sinh vấn đề, như chị nói em làm ít, nên chị cũng không làm; em lại bảo chị phải làm nhiều,… mọi lý do và mâu thuẫn chỉ để không làm việc. Thậm chí có khi hai đứa nói chuyện, vui đùa, đến quên cả việc mình đang làm, lúc lại đánh nhau, khóc ầm ĩ cả lên.

Sau một năm dài thực sự khó khăn và thử thách cho cả mẹ lẫn con, với biết bao cảm xúc. Vô cùng tàn nhẫn, quyết liệt, nghiêm khắc nhưng cũng vô cùng yêu thương, khoan dung và nhẫn nại. Mọi chuyện đã có những chuyển biến đáng kể, hai đứa trẻ giờ đây đã biết chủ động làm việc và làm một cách vui vẻ, hăng say, quét nhà, quét sân, bàn nào khách về là các bé chủ động nhặt lon bia, dọn bàn và có sự phân chia công việc rất rõ ràng. Đứa lớn nay đã tám tuổi, vốn chăm chỉ nhưng hơi chậm chạp, nhờ có lao động mà trở nên nhanh nhẹn. Còn đứa nhỏ được năm tuổi, vốn thông minh, lanh lợi nhưng lại lười nhác, thiếu kiên nhẫn. Bây giờ đã chăm chỉ, kiên trì và biết yêu thương bố mẹ nhiều hơn.

Lúc bạn bắt đầu giúp trẻ từ bỏ một thói quen cũ để hình thành một thói quen mới, theo cơ chế của não bộ sẽ dẫn đến việc tự vệ để “bảo toàn năng lượng” cho cơ thể. Thay vì thói quen hành động mà không cần suy nghĩ để tiết kiệm tối đa năng lượng, bây giờ trẻ phải bỏ thói quen đó thay bằng thói quen mới nên sẽ gây ra việc tiêu tốn năng lượng, dẫn đến phản ứng tự vệ, thể hiện rõ ở cảm xúc của các em. Gây ra sự xung đột giữa thói quen mới và thói quen cũ, một bên phần con, bên kia phần người, đấu tranh để giành lấy phần thắng lợi về bên mình. Dù bên nào thắng hay thua đều sẽ gây tiêu tốn năng lượng, khiến đứa trẻ không được thoải mái.

Bạn cần thông cảm với cảm xúc của trẻ lúc này, thấu hiểu cho sự đấu tranh bên trong của các em, nên mềm mỏng, kiên trì, khoan dung và yêu thương - đó là thấu tình. Cùng lúc đấy, bạn cần làm công tác tư tưởng rõ ràng, giải thích cho trẻ lý do vì sao lại nên làm như thế, đồng thời nên cương quyết dùng kỷ luật, nguyên tắc, để lặp đi lặp lại nhịp điệu cho trẻ đến khi hình thành thói quen mới - đó là đạt lý. Vì bản thân trẻ nhỏ chưa thể tự đấu tranh để hình thành thói quen mới cho mình, sự hiểu biết và giúp sức của người lớn lúc này là cần thiết. Sau một thời gian, sự phản kháng sẽ yếu dần khi thói quen mới thay thế dần thói quen cũ.

2.3 Giai đoạn ba

Làm thế nào để đứa trẻ có thể lao động đạt được ở trạng thái cao nhất, mà bản thân chúng có được: “Hăng say lao động, làm việc bằng cả trái tim.”

Sự phát triển của cuốn từ điển bách khoa trên mạng Wikipedia hiện nay là do hàng nghìn người viết và biên tập các bài báo trên mạng một cách hoàn toàn tự nguyện, chỉ đơn thuần vì sở thích. Họ đầu tư khoảng thời gian làm việc quý giá của mình vào dự án này và không nhận lại thậm chí chỉ một chút xíu phần thưởng vật chất. Mặc dù sự tăng trưởng của Wikipedia phụ thuộc vào những người viết tự nguyện, dự án vẫn đạt được thành công to lớn. Trái lại sản phẩm đối thủ của nó là từ điển Encarta của Microsoft trong tay của các tác giả nhà biên soạn chuyên nghiệp và được trả lương cao đã phải đóng cửa vào năm 2009. Đó cũng là nội dung xuyên suốt trong cuốn sách Động lực chèo lái hành vi của Daniel H. Pink, ông đã diễn giải hết sức thuyết phục về tầm quan trọng của động lực này. Pink cho rằng hàng chục ngàn năm về trước khi mà mối bận tâm duy nhất của con người chỉ là hôm nay mình có còn sống hay không, anh ta bị chèo lái bởi động lực 1.0: tìm kiếm đồ ăn, thức uống, nơi để ngủ và giao cấu nhằm duy trì nòi giống.

Cho tới vài thế kỷ trước, những nhu cầu cơ bản này là động lực chính của loài người, tuy nhiên, cuộc cách mạng công nghiệp hóa mà phương Tây mang lại vào thế kỷ XVIII, tạo ra một chuyển biến mới hình thành nên một động lực mới. Vòng tuần hoàn sản xuất trở nên phức tạp hơn và con người bắt đầu ngày càng phụ thuộc hơn vào động lực làm việc mới: Động lực 2.0 ngoại lai, dựa trên phần thưởng và trừng phạt. Phần thưởng nhằm khuyến khích và lặp lại các hành vi mong muốn, tăng năng suất, hiệu quả công việc được nâng lên. Trừng phạt nhằm ngăn chặn những hành vi không mong muốn, ai đó bị phê bình hoặc trừ lương sẽ đi làm đúng giờ hơn, một người bị dọa sẽ không dám đánh cắp tài sản nữa. Hệ điều hành này hoạt động tương đối tốt với những công việc đơn điệu hằng ngày, mang tính logic, lặp đi lặp lại, không đòi hỏi nhiều sáng tạo và sự linh hoạt trong tư duy.

Nhưng bước sang thế kỷ XXI, động lực 2.0 tỏ ra không còn hiệu quả với cách chúng ta bố trí, sắp xếp những việc mình làm, cách chúng ta nghĩ về công việc của mình và cách thực hiện công việc. Chính những lý do đó động lực 3.0 ra đời, là lòng yêu thích công việc, quyền tự chủ, sống có mục đích tạo nên một động lực nội tại để giúp con người phấn đấu một cách tự động và cống hiến hết mình.

Nhưng tiếc thay rất nhiều người không có năng lượng, tinh thần sáng tạo, sự nhiệt huyết cũng như động lực thực sự trong công việc. Đó là vì nhiều người chưa làm việc theo đúng sở trường của mình. Hoặc đó không phải công việc họ chọn mà do bố mẹ đã sắp đặt. Thay vì đi vào những ngành nghề lẽ ra phù hợp với bản thân như thợ xây, chụp ảnh, bác sĩ, lái xe,… họ phải đi làm giáo viên, chính trị, luật sư, nhà báo. Cũng có thể họ là nạn nhân của một nền giáo dục áp đặt, công cụ hóa con người. Họ trở thành một phiên bản lỗi, không phải là chính mình, từ đó không có động lực để làm việc, dẫn đến xã hội mới có nhiều con người tầm thường.

Vì vậy, hãy để cho đứa trẻ được nghe tiếng nói bên trong của chính nó, được là chính mình, đừng áp đặt chúng đi theo con đường bạn mong muốn. Để chúng phát triển, cống hiến cuộc đời mình với tài năng của bản thân. Lúc đó đứa trẻ sẽ trở thành phiên bản độc đáo nhất, tốt nhất, bùng nổ mạnh mẽ nhất và người làm bố mẹ nên hiểu để hỗ trợ cho con.

Có lẽ chúng ta nên đề ra khẩu hiệu mới trong giáo dục: “Lao động mỗi ngày. Lao động chăm chỉ đánh bại tài năng. Lao động là con đường ngắn nhất dẫn đến độc lập, tự do.”

Trần Huy Toàn

Được tạo bởi Blogger.