CUỘC MÒ TÌM TỘI PHẠM CÔNG NGHỆ CAO GIỮA MỊT MÙNG KHÔNG GIAN MẠNG
Khi công an ập vào bắt 3 thanh niên trẻ cầm đầu một đường dây tội phạm
công nghệ cao, 5 thiết bị nuôi sim di động GSM vẫn đang tự trả lời tin nhắn, tự
động chuyển tiền. Tổng số tiền giao dịch trong các tài khoản ngân hàng được các
đối tượng thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán trái phép nhằm mục đích đánh bạc
trực tuyến và lừa đảo chiếm đoạt tài sản lên đến 1.000 tỷ đồng.
Khám xét khẩn cấp, lực lượng nghiệp vụ thu giữ 1.983 thẻ sim điện thoại,
16 bộ máy tính, 38 CMND giả; 28 điện thoại di động và 3.613 bộ tài khoản ngân
hàng đã mở; 331 file ảnh CMND làm giả, 3.034 bộ file ảnh CMND chuẩn bị để đăng
ký các tài khoản; 478 bộ file ảnh CMND đã dùng để đăng ký tài khoản Momo…
Tuy nhiên, những con số này chưa đủ để nói lên tính chất phức tạp mà
Thiếu tá Trần Anh Tuấn, Trưởng Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng
công nghệ cao, Công an tỉnh Quảng Bình và đồng đội phải đối mặt khi thực hiện
chuyên án TVC6. Đây là chiến công đặc biệt, được lãnh đạo Bộ Công an, Bí thư Tỉnh
ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình gửi thư khen và thưởng nóng.
Giống như nhiều cán bộ trinh sát khác, dường như Thiếu tá Trần Anh Tuấn
không muốn kể về chiến công của anh và đồng đội. Thật khó để mở lời khi những
chiến công quan trọng được đánh đổi bằng hiểm nguy như thế...
Vụ việc bắt đầu vào khoảng tháng 7/2020, khi một người phụ nữ ở Đồng Hới
hớt hải tới công an trình báo bị lừa tiền do người thân bị hack tài khoản
Facebook.
“Tôi phát hiện 2 tài khoản nhận tiền là người ở huyện Lệ Thủy. Tuy
nhiên, khi triệu tập lên cơ quan công an, chủ tài khoản lại nói rằng, mình
không hề nhận tiền mà tài khoản đã cho người khác thuê”.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan công an xác định được người thuê
là Hoàng Trung Thương (SN 1995, trú tại Bắc Lý, Đồng Hới). Điều kỳ lạ là, vốn
chẳng phải một nam thanh niên ham học hay kinh doanh gì nhưng Thương lại mua 7
máy tính và thường tụ tập cùng 7 người khác “khởi nghiệp” cả ngày lẫn đêm trong
ngôi nhà đóng chặt cửa.
Từ một đối tượng nghèo khó ở địa phương, không lâu sau, Thương và nhóm
bạn bất chợt “vươn mình”, tiêu xài xông xênh. Nhân viên được trả lương cao và
mua cho ô tô. “Công tác địa bàn báo lên những dấu hiệu cho thấy đối tượng có bất
minh về tài chính”, Thiếu tá Tuấn kể.
Tiếp tục tra soát, Phòng An ninh mạng phát hiện 1 người ở huyện Quảng
Ninh chuyển nhiều tiền vào cho Thương. Đối tượng này sau đó có khai, ngoài
Thương còn có một người quê Quảng Bình tên là Nguyễn Cao Hoàng (SN 1993, trú tại
15/5 Lê Hồng Phong, quận Hải Châu, Đà Nẵng) đang thuê chung cư ở Hà Nội để hoạt
động.
Hoàng là người có lượng tiền lớn và giao dịch chuyển tiền đi rất nhiều
với các mức 100-200 nghìn đồng. Đó là số tiền Hoàng trả cho người mà hắn thuê mở
tài khoản ngân hàng.
“Từ đây, tôi dựng lên được mô hình mà các đối tượng tham gia, xác minh
được có tài khoản đã mở trong thời gian gần đây phục vụ cho lừa đảo, đánh bạc từ
vài chục tỉ tới hàng trăm tỉ đồng”, Tuấn cho biết.
Nhận thấy đây là vụ việc có quy mô rất lớn, Phòng đã báo cáo Ban giám
đốc xác định chuyên án trên diện rộng tới tất cả đối tượng ở Hà Nội, Đà Nẵng,
Ninh Bình, Hà Tĩnh để đấu tranh.
Tháng 6/2021, Đại tá Nguyễn Tiến Nam, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình
nghe báo cáo xác minh ban đầu và quyết định xác lập chuyên án để đấu tranh, đồng
thời phân công nhiệm vụ cho Phó giám đốc Công an tỉnh phụ trách an ninh và Thủ
trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra. Phòng An ninh mạng là chủ công, phối hợp với
các đơn vị nghiệp vụ của Công an tỉnh và Công an các tỉnh bạn.
Thời điểm sau khi xác lập chuyên án, dịch bệnh Covid-19 diễn ra rất phức
tạp. Mỗi lần đi các nơi xác minh đều phải có ý kiến của lãnh đạo Công an tỉnh.
Mỗi tháng Phòng chỉ dám cử 2 tổ đi, khi về phải xét nghiệm Covid-19, cách ly…
vô cùng vất vả. Mất gần 5 tháng ròng rã, Phòng An ninh mạng xác định được từng
nhóm đối tượng hoạt động ở nhiều tỉnh.
Oái oăm, đúng lúc này cũng là thời điểm căng thẳng dịch bệnh, anh Tuấn
xác định nếu bắt các đối tượng thì phải cách ly từ 7-14 ngày; như vậy sẽ quá thời
gian tạm giữ. Tổ chuyên án lòng nóng như lửa đốt, nhưng chờ đợi lúc này là thượng
sách.
“Cơ hội đến khi Chính phủ ban hành nghị quyết 128. Đúng 6h sáng 15/12,
khi Bộ Công an và Công an tỉnh phát lệnh ra quân trấn áp tội phạm bảo vệ Tết
Nhâm Dần 2022, tổ chuyên án vào lệnh cất vó. Hơn 100 cán bộ, chiến sỹ công an tỉnh
Quảng Bình tổng tấn công đồng loạt các điểm ở Đà Nẵng, Quảng Bình, Hà Tĩnh,
Ninh Bình”, Thiếu tá Tuấn kể lại.
Tại cơ quan điều tra, Nguyễn Cao Hoàng khai nhận đã thuê Hoàng Trung
Thương kêu gọi người khác mở các tài khoản ngân hàng từ năm 2019. Thương bắt buộc
người mở tài khoản điền số điện thoại do Hoàng cung cấp vào hồ sơ.
Với tài khoản này, Hoàng tự tạo ví Momo, ZaloPay để hưởng các gói quà
ưu đãi (sử dụng để thanh toán tiền điện, nước, Internet…) trị giá 700.000 đồng/tài
khoản. Sau khi hưởng lợi, Hoàng bán tài khoản Momo cho các đối tượng hoạt động
tổ chức đánh bạc trực tuyến và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tổng số tiền giao dịch trong tài khoản ngân hàng được các đối tượng
thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán trái phép nhằm mục đích đánh bạc trực tuyến
và lừa đảo chiếm đoạt tài sản gần 1.000 tỷ đồng.
Căn cứ chứng cứ thu thập được, ngày 23/12/2021, cơ quan CSĐT Công an tỉnh
đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố và tạm giam 4 bị can về tội “Thu thập,
tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản
ngân hàng”. Chuyên án TVC6 thành công.
Trước khi đấu tranh với tội phạm công nghệ cao, Thiếu tá Tuấn là cảnh
sát làm việc trong lĩnh vực môi trường.
Nói về cơ duyên khiến con đường binh nghiệp “bẻ lái”, Tuấn chia sẻ,
anh bị lôi cuốn từ vụ Công an tỉnh Phú Thọ phá chuyên án đánh bạc Rikvip. Thời
điểm đó, Quảng Bình có vụ tương tự hoạt động với game bài King Fun của các đối
tượng ở Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Giang và cả ở Campuchia.
Chúng hoạt động bằng hình thức đánh bài, đổi tiền ảo ra tiền thật.
Tháng 8/2019, đường dây tội phạm với số tiền giao dịch lên tới hàng chục tỉ đồng
đã bị triệt phá.
Sau vụ án này, Thiếu tá Tuấn nhận thấy, đã có manh nha làm tài khoản
giả, với chiêu thức là đưa ảnh của người thật vào chứng minh thư giả, xuất phát
từ một tài khoản ngân hàng của người có CMND ghi thông tin sinh năm 1932 ở Hải
Phòng nhưng mặt lại rất trẻ. Ngân hàng khẳng định mặt của người làm thẻ và ảnh
trên CMND là một người.
“Chỉ dựa vào khuôn mặt và chữ viết, rất khó để tìm ra manh mối đối tượng
đó đang ở đâu, hoạt động như thế nào. Tôi có cảm giác thất bại vì không có bất
kỳ thông tin nào.
Ngày này tôi nhấp vào nhóm này, ngày mai nhấp vào nhóm khác để tìm
thông tin thành viên. Thật không ngờ, một hôm, tôi tìm được tài khoản Facebook
có khuôn mặt giống trên chiếc CMND giả. Người này đang ở Mê Linh (Hà Nội). Tôi
quyết định từ Quảng Bình ra Mê Linh một chuyến để tìm hiểu. Tại Mê Linh, thật bất
ngờ, tôi tìm được dữ liệu về chữ viết của người này giống y chang chữ viết đã
lưu tại ngân hàng”, Thiếu tá Tuấn chia sẻ.
Quá trình xác minh, Thiếu tá Tuấn thấy rằng, đối tượng có thời gian ngắn
ở Bắc Giang. Tuy nhiên, khi anh tới Bắc Giang thì nhóm này đã không còn ở Việt
Nam. Thì ra, khi Công an bắt các đối tượng ở Quảng Bình (1/8/2019), một nhóm
đang hoạt động ở Bắc Giang vội chuyển toàn bộ trang thiết bị, máy móc, con người
sang Campuchia sau 14 ngày.
Ba dữ liệu trùng khớp nhau: 1 là hình ảnh, 2 là chữ viết, 3 là đối tượng
đã sang Campuchia khiến Thiếu tá Tuấn tin chắc những phác thảo của mình về nhóm
tội phạm là đúng.“Tôi nghĩ hoạt động của nhóm này phải có một người làm chủ.
Quá trình điều tra, chúng tôi thấy rằng, người đang bị truy đuổi từng nhắn tin
'chào sếp' và có giao dịch 50 triệu đồng với người này”.
Tuy nhiên, người được gọi là “sếp” đó ở đâu, hoạt động trên một phương
trời nào thì hoàn toàn mịt mờ. Nhóm này hoạt động khép kín và quy ước với nhau,
nếu 1 người không trả lời tin nhắn trong 30 phút thì có nghĩa rằng đã bị bắt,
những người còn lại sẽ xoá dấu vết.
Quay trở lại đối tượng đã trốn từ Bắc Giang sang Campuchia, bằng các
biện pháp nghiệp vụ, Trưởng Phòng An ninh mạng biết được ngày giờ đối tượng trở
về Việt Nam để đóng dấu xác thực.
“Tôi cử 1 tổ công tác bắt ngay nhóm đối tượng ở sân bay Nội Bài. Sau
khi đấu tranh, đối tượng khai ra một số người nhưng không khai tên trùm. Tuy
nhiên, chúng tôi biết người đứng đầu chính là người sống ở chung cư tại Hà Nội.
Trong sáng hôm đó, chúng tôi phối hợp với Công an Hà Nội cử 1 nhóm tới bắt đối
tượng cầm đầu. Sau khi đấu tranh nghiệp vụ, các đối tượng đã khai nhận. Sau 10
ngày, tất cả nhóm ở Campuchia đã quay về Việt Nam đầu thú”.
“Khi tiếp xúc với những tội phạm này, tôi cảm thấy đó là những người
trẻ và giỏi trong lĩnh vực công nghệ cao. Có người học bài bản, có người không
học qua trường lớp nhưng lại thông minh hơn người.
Đáng tiếc, họ không làm ở những đơn vị phát triển công nghệ cho đất nước.
Tôi nuối tiếc mỗi khi phá một chuyên án. Với trí thông minh và kỹ năng đó, họ
có thể giúp ích được rất nhiều cho quê hương, Tổ quốc”, Thiếu tá Tuấn nói.
Đấu tranh với loại hình tội phạm này, điều Thiếu tá Tuấn trăn trở là
làm thế nào để bảo vệ được an ninh và nền kinh tế của quốc gia.
Như Bộ trưởng Công an, Đại tướng Tô Lâm nói, bảo vệ hệ thống an ninh mạng
trong tương lai là việc quan trọng nhất. Hệ thống an ninh mạng là tương lai sống
còn. Bởi, mọi dữ liệu đều trên không gian mạng, chỉ cần mất một dữ liệu cũng có
thể ảnh hưởng tới chiến lược an ninh mạng quốc gia.
Theo báo điện tử Vietnamnet.vn